Ads 468x60px

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Nông dân Việt bỏ ruộng lan tới miền Nam

Hiện trung bình mỗi tỉnh, người dân bỏ ruộng
với diện tích từ 100ha trở lên, riêng tỉnh
Thanh Hóa là 1,100 ha.(Hình: Dân Việt)
Nông dân theo nhau bỏ ruộng vì càng làm càng lỗ, càng đói không chỉ ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, mà đang thấy xuất hiện ở những cánh đồng phì nhiêu miền Nam.
Dù đã từng có những báo động về tình trạng này, người ta không thấy nhà cầm quyền có một kế hoạch nào giúp nông dân sống được với cây lúa mặc dù chính sách “Tam nông” đưa ra từ 5 năm qua chỉ thấy trên lý thuyết, và các chỉ thị giúp nông dân có lãi 30% hoàn toàn là bánh vẽ.
Trong “Hội nghị trực tuyến của chính phủ với các địa phương” tổ chức hôm Thứ Hai 23/12/2013, ông Trịnh Văn Chiến, chủ tịch tỉnh Thanh Hóa báo động, “thực trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng với diện tích lên đến 1,100 ha” chỉ vì “hiệu quả sản xuất nông nghiệp quá thấp”.
Chỉ một ngày trước, báo Đất Việt cho hay người dân Thanh Hóa bỏ ruộng cho cỏ mọc hoang để chăn nuôi trâu bò. Lý do: “Cây lúa không đảm bảo cuộc sống thì nông dân phải tính cách làm ăn khác, chứ không lẽ cứ ôm đất với cây lúa mà... chịu chết”. Lời ông Nguyễn Quốc Khái, ấp Khánh Hòa nói với nhà báo.
Trên một bản tin khác hôm Chủ Nhật, báo Đất Việt nói “Tại An Giang, ngay cả những nơi đất trù phú nhưng đang có hiện tượng người dân không chịu trồng lúa mà cho thuê đất hoặc phá bỏ lúa lên ao, đào vuông nuôi thủy sản hoặc chuyển qua trồng nhiều loại cây trái khác.”
Nguồn tin thuật lời ông Trần Văn Mì, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, tình trạng thuê mướn đất trồng lúa đang có xu hướng ngày càng phổ biến, xuất phát từ nhu cầu thực tế.
“Mới đây qua thống kê, toàn huyện có 43,000ha đất lúa, trong đó chỉ hơn 60% hộ trực canh, số còn lại chủ yếu cho thuê đất canh tác và xã nào cũng có việc cho thuê mướn đất. Những hộ cho thuê phần lớn ít đất, sản xuất không hiệu quả, thiếu vốn và điều kiện sản xuất, muốn chuyển đổi nghề, tìm kiếm cơ hội mưu sinh khác”, Đất Việt kể lại.
Cùng lý do bỏ trồng lúa như những vùng khác, nông dân Lê Văn Ngon ở ấp Khánh Lợi huyện Tri Tôn cho biết lý do: “Trồng lúa cứ bị thua lỗ mãi, thu nhập không đủ sống nên bà con mình đành phải bỏ lúa”.
Gia đình ông Ngon có 15 công ruộng, năm nào trúng mùa được giá thì may ra lãi vài trăm ngàn đồng. Bằng không thì “hễ cứ ngay đợt thu hoạch rộ thì rớt giá nên liên tục lỗ lã”.
Không thấy con số thống kê nào về số ruộng lúa bị bỏ hoang ở miền nam nhưng ở miền Bắc “có tới hơn 42,000 hộ bỏ ruộng, trả ruộng”. Tờ Đất Việt nói như vậy về 6,882 ha đất ruộng bị nông dân bỏ hoang và 433 ha đất bị dân trả lại.
Các lời báo động dân bỏ ruộng hoang đã có từ năm 2008 khi nhà cầm quyền trung ương họp hành vẽ ra chính sách “tam nông” hầu kích thích nông dân giữ ruộng. Nhưng giữa chính sách và thực tế không có gì đi đôi với nhau. Người dân theo nhau ly hương, tìm việc làm tạm bợ ở các thành phố. Có làng ở tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn ông bà già và trẻ con. Những người ở độ tuổi làm việc thì không ai chịu bám vào mảnh ruộng thửa vườn để mà đói.
Theo báo Đất Việt, “theo tính toán của các hộ trồng lúa, làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50,000 đồng đến 80,000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố”. Không đủ ăn thì “khó mà động viên nông dân giữ ruộng, bám chặt với cây lúa”.
Tháng Tám năm ngoái, báo Dân Việt đưa ra một cuộc thăm dò ý kiến khi báo động về việc nông dân nhiều tỉnh theo nhau bỏ ruộng. Có 7 lý do chính dẫn đến quyết định nông dân bỏ ruộng mà ba lý do chính là chi phí sản xuất cao, nông sản giá thấp hay không bán được, và chính sách nông nghiệp của nhà nước. Cả ba lý do vừa kể chiếm tới 66.25% tổng cộng các lý do bỏ ruộng.
Nông dân phải nộp tới 19 loại phí và lệ phí, chưa kể các loại “phí không tên” không được liệt kê trong danh mục thuế khóa phải nộp. Trong khi đó, giá phân bón, lúa giống, giá nhân công tăng gấp đôi còn giá lúc thì chỉ có nhúc nhích thêm chút ít, nhìn thấy lỗ chắc.
Trong một chỉ thị hồi năm 2010, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng thúc giục các doanh nghiệp độc quyền lúa gạo xuất cảng phải mua với giá giúp cho nông dân “có lãi 30%”. Trên thực tế hầu hết nông dân đều rơi vào hoàn cảnh “trúng mùa, rớt giá”. Nhiều bài viết của cả giới nông dân cũng như chuyên viên lúa gạo độc lập đã tố cáo chính sách thu mua kiểu bắt chẹt nông dân khi nông dân cần bán lấy tiền trả nợ, mua giống mới và phân bón làm mùa tới. Nông dân vì hoàn cảnh nên thường xuyên phải bán lúa dưới giá thành sản xuất.
Dù lời báo động nông dân bỏ ruộng nếu thành dịch sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực nhưng người ta không thấy có lời giải đáp dù ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát cam kết trên báo Dân Việt ngày 4/8/2013 là “từng bước tháo gỡ khó khăn cho nông dân”.
Nhưng nhiều lời kêu ca trên báo chí trong nước tố cáo chính sách nông nghiệp của nhà nước chỉ phục vụ “nhóm lợi ích”. (TN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét