Ads 468x60px

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Việt Nam cho phép công an bắn người chống đối

Anh Dương Văn Cao cấp cứu tại
bệnh viện sau 3 ngày bị công an
tra tấn và ép cung. (Hình: 24h.com)
Việt Nam vừa ra nghị định, nói rằng, từ ngày 1 tháng Hai sang năm, người thi hành công vụ có quyền bắn người chống đối cán bộ làm nhiệm vụ. Nghị Định này là kết quả của luật đã được ban hành trước đây, nay có vẻ được thúc đẩy thi hành.
Nghị định có nội dung rằng, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ để phòng vệ, khống chế, bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng.
Một pháp lệnh của Quốc Hội CSVN ban hành hồi năm 2011 quy định “quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, nêu ra các điều kiện và trường hợp để “người thi hành công vụ” được phép “sử dụng công cụ hỗ trợ khi ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác; bắt giữ người theo quy định của pháp luật; thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật”.
Đến Tháng ba năm nay, người ta thấy Bộ Công an loan báo “đề xuất, nếu thấy hành vi chống đối sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mình hoặc người khác, cán bộ thi hành công vụ” thì “được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm...”
Bây giờ, nhà cầm quyền Hà Nội vừa ra nghị định mang số 208/2013/CP-NĐ ban hành ngày 17/12/2013 cho quyền các loại lực lượng võ trang của chế độ, đặc biệt là Công an Cảnh sát bắn người dân. Tuy nói rằng họ chỉ được phép nổ súng trong các trường hợp “cần thiết”, “cấp bách” và căn cứ “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể”.
Từng có nhiều tranh luận sôi nổi trên báo chí ở Việt Nam về các lệnh lạt nói trên của nhà cầm quyền, đặc biệt là những âu lo về những kẻ “bảo vệ pháp luật” nhưng lạm dụng võ khí để bắn người bừa bãi mà không bị truy cứu trách nhiệm giết người.
Đã có rất nhiều vụ công an lạm dụng quyền hạn đã bắn người bừa bãi dù người ta không có hành vi đe dọa tính mạng hay nguy hiểm gì cho ai. 
Một luật sư ở Sài Gòn còn cho rằng nghị định nói trên gần như đẩy người dân vào án tử hình chớp nhoáng mà không qua xét xử. Công an  xưa nay vốn nổi tiếng là hung bạo, nay với cái nghị định khuyến khích bắn, mạng sống người dân còn gần cái chết hơn nữa.
Hồi Tháng Ba, khi mới thấy tin Bộ Công An “đề xuất” bắn dân, cô Trịnh Kim Tiến, con ông Trịnh Xuân Tùng - người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy cổ ngày 28 tháng 2, 2011 rồi chết ít ngày sau đó chỉ vì cự cãi số tiền phạt không đội mũ “bảo hiểm”, viết trên facebook rằng “Bộ Công An đã, đang và tiếp tục xem thường mạng sống con người một cách quá đáng. Nếu đề xuất này được duyệt, tôi không biết rồi đây sẽ có thêm bao nhiêu người mẹ mất con, bao nhiêu người vợ mất chồng, bao nhiêu người con mất cha một cách oan ức giống tôi, trong khi con số nạn nhân trong những năm gần đây không còn là con số nhỏ.'
Và “Họ đang hợp pháp hóa việc lạm dụng quyền lực đánh và giết người dân. Họ đã gắn mác ‘chống người thi hành công vụ’ cho vô số nạn nhân để trốn tránh sự truy cứu trách nhiệm của pháp luật, để ngang nhiên lợi dụng chức vụ, quyền hành dùng bạo lực đàn áp người dân”.
Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger khác viết trên diễn đàn thông tin Dân Làm Báo, là Bộ Công An đang thúc đẩy “gia tăng tùy tiện trong việc giết dân của lực lượng công an”.
Nghị định này gây nên nhiều quan ngại. Trong thời gian qua, công an Việt Nam liên tục bị tai tiếng trong nhiều vụ vô cớ bắt người, đánh người, trong nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.
Từ đầu năm 2013 đến nay, ít nhất đã có 10 người chết trong đồn công an sau khi họ bị bắt giữ và bị tra tấn. Nạn nhân mới nhất là Y beo Ksor đã chết dọc đường khi được đưa từ nhà giam của Công an tỉnh Đắc Lắc đến bệnh viện đa khoa của tỉnh ngày 14/12/2013 vừa qua.
Còn tại Hà Nội, hôm 16 tháng 12, anh Dương Văn Cao (sinh năm 1990), quê ở thôn Đình Tổ ( Thường Tín, Hà Nội) bị công an huyện Thanh Trì bắt người vô cớ để tra khảo bằng hình thức đánh đập dã man.
Sau gần 3 ngày “ép cung”, vì không có bằng chứng về tội danh cụ thể, cuối cùng chàng trai anh Cao  được thả và phải đưa vào bệnh viện huyện Thanh Oai cấp cứu.
Có người nhận định, sự mạnh tay có thể dẫn đến 2 trường hợp: Một là người dân e ngại hơn; và hai là: người dân có thể phản ứng mạnh hơn, để tự vệ. (TN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét