Ads 468x60px

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

“Đảng ta” thắng “Ngụy” nhưng sợ Việt Nam Cộng Hòa

Đinh Sơn Trà 
Trước 1975, dù rằng chẳng mấy khi phải nghe hoặc dùng đến chữ “ngụy” nhưng mỗi lần nghe hoặc đọc phải chữ đó thì cũng có thể hiểu được với cái nghĩa nôm na là “giả mạo”, hoặc có trường hợp là “không chính thống”. Nhưng sau 1975 thì hầu hết những gì ở miền Nam Việt Nam đều bị cho là “ngụy”: chính quyền ngụy, lính ngụy, gia đình ngụy, nhạc ngụy, sách vở ngụy, văn hóa Mỹ - Ngụy, v.v... Trong khi chính bản thân mình lại đã từng sống trong cái xã hội toàn là “ngụy” đó chứ chẳng phải là bị tuyên truyền hoặc nghe ai đó nói lại cho nghe. Điều đặc biệt hơn nữa là ngay cả cha mình cũng là một con người bằng xương bằng thịt mà cũng bị gọi là “ngụy”. Hết biết! Thành thử bây giờ mà có ai đó hỏi tôi “Ngụy nghĩa là gì? “ thì tôi cũng... anh rê o ngo anh rê ngong nặng ngọng! Dù có biết cũng phải thành không biết, bởi người dân, nhất là những thế hệ sinh từ thập niên 1970 trở về sau, đã quen với chữ “Ngụy” theo cách dùng của người Cộng Sản, mình trả lời dù có đúng cũng có thể có phần nào đó ngược lại với những gì họ đang có sẵn hoặc đã quen nghe.
Đến nay nữa là đã 40 năm kể từ ngày Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa, trên mạng có vẻ nhộn nhịp với những tin tức sẽ có những buổi lễ tưởng niệm đánh dấu sự kiện đau buồn này của dân tộc Việt. Tôi đã cố gắng tìm xem có ai đó dùng từ Ngụy khi viết hoặc đề cập đến sự kiện này đối với 74 người lính thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã xả thân trong trận chiến đó hay không, nhưng hoàn toàn chưa gặp. Đâu đó cũng có gặp một vài nhân vật của hàng lãnh đạo đảng CSVN có đề cập tới sự kiện đó nhưng không thấy dùng chữ Ngụy mà cũng chẳng thấy nhân vật nào đủ “can đảm” để dùng đến danh từ Việt Nam Cộng Hòa.
Nếu Chính phủ VNCH là Ngụy thì đồng nghĩa với việc CSVN không thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đảng CSVN sẽ bị toàn dân Việt Nam “tru di tam tộc”. Còn ngược lại thì những người CSVN không thể nào còn có thể mở miệng gọi Chính phủ VNCH trước đây là Ngụy được nữa. Thực tế cho thấy là với tinh thần quốc gia và dân tộc người Việt Nam không ai chấp nhận để mất quần đảo Hoàng Sa của mình mà bằng mọi giá sẽ phải lấy lại, trong khi đảng CSVN đã thể hiện sự bất lực hoàn toàn ở vấn đề này.
Theo tin tức loan truyền trên mạng thì ngày 19/01/2014 này sẽ có những buổi lễ diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội để tưởng niệm và vinh danh những người lính Ngụy đã bỏ mình vì Tổ Quốc. Điều đáng nói là những người ở Hà Nội là những người chưa từng là công dân của Chính phủ Ngụy của miền Nam.
Thêm vào đó, hình ảnh về chiến trận Hoàng Sa năm 1974 cho thấy những người lính Ngụy đã hoàn toàn chủ động và quyết định cái chết của mình cho giang sơn Tổ Quốc - họ đánh tới cùng, biết là tàu sẽ chìm, biết là sẽ chết nhưng họ không rời tàu và sắn sàng đến với cái chết v.v... Cái chết của họ cho thấy hoàn toàn xứng đáng và mang trọn cái nghĩa của hai chữ Oanh Liệt. 
Còn một đoạn tài liệu về cuộc tấn công xâm lược của Trung Cộng vào đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa năm 1988 đã làm người coi không thể nào tránh khỏi những cảm giác đau xót, ngậm ngùi, uất hận bởi cái chết của những người lính dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN đó có cái gì đó rất là mập mờ, oan uổng và vô nghĩa. Những người lính như là những tấm bia giữa một bãi trống hoang, hoàn toàn không có một sự che chắn, không có một điều kiện để chủ động tiến thoái hoặc khả năng chống trả nào, để bọn lính Trung Cộng tha hồ bắn và nhìn từng con ngươi Việt Nam gục xuống giữa trùng dương. Đau đớn hơn nữa là những người lính Việt Nam đó bị lệnh cấm, không được bắn trả lại. Không có một hình ảnh nào để nói lên rằng họ chiến đấu để bảo vệ cái gì cả. Và càng không thể nào cho đó là một trận đánh. Họ như là những con vật bị trói chân rồi đem quăng ra đó để tế cho Thiên triều của đảng CSVN. Coi đoạn phim đó tôi chi có một cảm giác rất là đau đớn và oan uổng cho những người con của Việt Nam đã bị giết tươi một cách rất là oan uổng trên bãi Gạc Ma năm 1988.
Tôi tin rằng sự kiện này đã nằm trong những mưu đồ và thỏa hiệp giữa đảng CSVN và đảng Cộng Sản Thiên triều của họ.


Ngày nay càng nhiều người Việt Nam, mặc dù có người chưa từng là công dân của Việt Nam Cộng Hòa bao giờ, biết được những sự thật về Hoàng Sa và những người lính VNCH đã xả thân ở Hoàng Sa năm 1974 như thế nào, thì đảng CSVN tuy đã huênh hoang là chiến thắng càng cảm thấy sợ và không dám nhắc đến bốn chữ Việt Nam Cộng Hòa.


Rất nhiều lý do, không có gì là khó hiểu cả!
Đinh Sơn Trà 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét