Ads 468x60px

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Kiểu gì cũng chết!

Lạp xưởng không nhãn mác, không bao bì bày bán
tại chợ Bình Tây. Nguồn hình: soha.com
Dương Phùng 
Những ngày này, ở Việt Nam thay vì rộn ràng với không khí đón Tết, thì mọi người lại hoang mang với chuyện ăn uống sau câu phát ngôn của Bộ trưởng Y tế:”Không ăn cũng chết, mà ăn thì chết dần chết mòn” 
Tết là mùa ‘ăn-chơi’. ‘Chơi’ thì không có tiền, mà ‘ăn’ thì đụng đâu cũng gặp thực phẩm độc hại. 
Thật khó hiểu, khi có tới gần 456,000 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm trong 10 tháng đầu năm 2013 (có nghĩa là nếu tính cả năm 2013 thì con số các cuộc kiểm tra còn hơn thế nữa) nhưng thực phẩm bẩn, độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân vẫn cứ...nhởn nhơ trà lan khắp thị trường! Nhiều đến nỗi bây giờ mọi người cứ như bị tung hoả mù, không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn.
Theo các số liệu thống kê từ các cuộc kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong hơn 24.000 mẫu thực phẩm được giám sát, có đến 45,3% mẫu bị nhiễm bào tử nấm mốc; tỉ lệ nhiễm các vi khuẩn gây tả và ngộ độc thực phẩm cũng khá cao như nhiễm Coliforrms 26,5%, E.coli 18,4%, Pseudomonas aeruginosa 18%.
Về ô nhiễm hóa học, mẫu dương tính với aldehyde (chất tự sinh trong quá trình lên men rượu có khả năng gây suy nhược thần kinh) chiếm tỉ lệ hơn 78,2%; dầu đang chiên rán có độ ôi khét là 22,8%; 12,2% mẫu nhiễm cyclamete; 8,4% mẫu có hàn the; 7,9% mẫu có chất methanol và hóa chất "ngâm xác" formol chiếm 4% mẫu.
Một trong những nạn nhân bị ngộ độc rượu.
Hình: thanhnien.com.vn
Rượu là món không thể thiếu trong dịp lễ Tết, và đối với người nghèo thì rượu lại là ‘thuốc quên đời’ mà họ uống hàng ngày. Tất nhiên là những thứ rượu rẻ tiền. Nhưng trong năm 2013, theo một thứ trưởng Bộ Y tế VN, ‘nóng’ chính là các vụ ngộ độc về rượu khiến 36 người phải đi cấp cứu, 14 người chết. Ông thứ trưởng này còn cho biết trung bình mỗi người dân Việt Nam uống 5 lít rượu và 20 lít bia một năm. Và với tửu lượng như vậy, thì ngộ độc rượu khó suy giảm.
Tình trạng thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan, càng nhiều hơn vào dịp cuối năm, và Tết nguyên đán sắp tới, là do đâu, nếu không phải do sự quản lý quá lỏng lẻo của những cơ quan hữu trách về vệ sinh an toàn thực phẩm?
Cũng theo thống kê, trong gần 456,000 cuộc kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 95,200 cơ sở vi phạm, nhưng số bị xử phạt chỉ gần 6,500 cơ sở. Có nghĩa là hơn 9,000 cơ sở vi phạm kia vẫn ‘ung dung tự tại’, tiếp tục vi phạm và đưa ra ngoài thị trường bán cho người dân những loại thực phẩm không an toàn, thiếu vệ sinh?
Ngay cả những cơ sở vi phạm bị xử phạt, thì việc xử phạt cũng như ‘phủi bụi’, như nguyên văn lời thứ trưởng Bộ tài chính dùng “Xử phạt như phủi bụi khó dẹp thực phẩm bẩn”, rồi bà cho rằng ‘kiểm tra nhiều, xử phạt lắm nhưng tình hình đâu vẫn hoàn đó’. Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn thì ví von cách kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm như ‘kiểu trả bài’.
Thực phẩm tươi sống không đảm bảo vệ sinh
đang là nỗi lo của người dân trong dịp tết.
Nguồn hình: sggp.org.vn
Với kiểu quản lý như vậy, chuyện gì có thể xảy ra, đã xảy ra. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí tử vong do dùng thực phẩm bẩn đã xảy ra trong năm 2013, và dự báo sẽ không chấm dứt vào mùa giáp Tết, sau Tết. 
Dịch cúm gia cầm nguy hại là thế, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh cũng rất lỏng lẻo. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp VN, virus cúm gia cầm vẫn đang lưu hành mạnh trên đàn gà, vịt, có nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch bệnh cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm, thuỷ cầm, và lây bệnh sang người trong thời tiết thuận lợi của mùa đông-xuân này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người ‘nổi tiếng’ với những câu nói gây sốc, tiếp tục gây sốc bằng sự chối bỏ trách nhiệm, khi cho rằng chống thực phẩm bẩn không chỉ là việc của ngành y tế, cũng không chỉ là trách nhiệm của 3 bộ: Y tế, Nông nghiệp-phát triển nông thôn, và Công Thương mà còn chính quyền địa phương cũng phải ‘gánh’.
Thật ra Luật An toàn vệ sinh thực phẩm đúng là có quy định 3 bộ cùng có trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở Việt Nam, mỗi bộ luật ra đời còn phải chờ nghị định, nghị định ban hành còn phải chờ thông tư hướng dẫn, có thông tư hướng dẫn rồi, đôi khi còn...lập lờ, lung tung, mâu thuẫn, khó hiểu. Với những quy định có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành thì càng phải có một văn bản pháp nhân về sự phối hợp các bên, gọi là ‘thông tư liên tịch’.
Người dân không có tiền vô quán, nhà hàng sang
trọng, bị gán cho cái tội 'ăn uống ngoài vỉa hè'.
Trong hình: Một trong những hàng quán vỉa hè.
Nguồn: webphunu.net
Riêng Luật An toàn vệ sinh thực phẩm thì ra đời vào năm 2010, nhưng cho đến nay thông tư về sự phối hợp giữa 3 bên vẫn chưa được ban hành. Lợi dụng lỗ hổng này, các bộ, ngành mạnh bên nào bên đó làm. Làm sai cũng được, mà không làm cũng ok. Đâu ai bắt bẻ gì đâu! Đó cũng chính là lý do mà Bộ Y tế có cái cơ để ‘đẩy quả bóng trách nhiệm’ đi lung tung.
Không chỉ ‘đẩy cây’ cho các bộ khác, bà bộ trưởng Y tế còn chỉ trích...người dân bằng câu nói "Hãy thử hình dung, bàn thấp chỉ 50cm, ghế cũng thấp. Kèm theo đó là bụi bặm, chặn lối giao thông, rửa bát đũa trong cái sô... trông mất mỹ quan và mất vệ sinh. Tôi không hiểu sao người dân thành phố mình vẫn ngồi ăn!" (Tường thuật của PV của báo hn.24h.com.vn tại một cuộc họp ở Hà Nội về vệ sinh an toàn thực phẩm.) 
Cũng trong cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Bộ trưởng Y tế nói:”Không ăn cũng chết, mà ăn thì chết dần, chết mòn. Vấn đề an toàn thực phẩm rất phức tạp, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước cũng lo lắng vì sự nhiễm độc mãn tính dẫn đến suy kiệt sức khoẻ và giống nòi". 
Người đứng đầu ngành y tế nhận định như vậy thì người dân còn gì để nói nữa, vì...kiểu gì cũng chết mà!
Dương Phùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét