Nguyễn Hưng Quốc
Để trì hoãn dân chủ và cũng để biện minh cho chế độ độc tài
độc đảng tại Việt Nam, ngoài hai lý do chính đã nêu trong bài “Ai kiềm hãm dân chủ?”:
trình độ dân trí thấp và lòng thù hận còn ngùn ngụt giữa những người Việt với
nhau, giới tuyên huấn Việt Nam còn nêu thêm một lý do khác: Điều Việt Nam cần
nhất hiện nay là giàu mạnh; muốn giàu mạnh cần có sự tập trung lực lượng, ý chí
và chính sách; nghĩa là, nói cách khác, cần độc tài. Hai tấm gương người ta đưa
ra nhiều nhất là Trung Quốc và Singapore.
Người ta hứa hẹn: khi ở Việt Nam, mọi người không những no cơm ấm áo mà còn
được giáo dục tốt, hơn nữa, có đủ mọi thứ tiện nghi xa xỉ khác, dân chúng tha
hồ bỏ điều 4 trong Hiến pháp và thay đổi thể chế. Lúc ấy, muốn tự do hay muốn
lập bao nhiêu đảng cũng được.
Để củng cố cho các quan điểm của mình, một số người nêu một số lý do: Một, dưới
chế độ độc tài, mọi quyết định của giới lãnh đạo dễ dàng hơn, do đó, dễ có hiệu
quả hơn; hai, độc tài duy trì trật tự và nuôi dưỡng tinh thần kỷ luật; ba, độc
tài tiết kiệm được nhiều chi phí hành chính “vô ích” như bầu cử hay lương hướng
cho phe đối lập; và bốn, độc tài tạo nên ổn định xã hội (khi nói ý này, họ chỉ
tay về phía Thái Lan: “Thấy chưa? Ở Thái Lan dân chủ quá nên dân chúng cứ biểu
tình hoài, vừa gây rối trật tự giao thông vừa khó khăn cho việc làm ăn buôn bán
của mọi người!); v.v..
Nghe, ngỡ chừng có lý, nhưng ở đây lại có nhiều vấn đề.
Thứ nhất, không phải chế độ độc tài nào cũng có khả năng làm cho đất nước phát triển giàu mạnh. Có. Nhưng hiếm hoi. Đầu thập niên 1970, kinh tế Brazil phát triển mạnh dưới một chế độ quân phiệt; trong thập niên 1980, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đều biến thành những con hổ trong lãnh vực kinh tế dù vẫn sống dưới chế độ độc tài. Trong thập niên 1990, đó là hiện tượng Trung Quốc.
Nhưng tất cả những nước vừa nêu chỉ là những ngoại lệ. Điều kiện chính để các ngoại lệ ấy trở thành ngoại lệ là quyết tâm và tài năng của người lãnh đạo: Ở Trung Quốc, đó là Đặng Tiểu Bình và ở Singapore, là Lý Quang Diệu. Ở tất cả các nước khác, độc tài chỉ dẫn đến sự kiệt quệ về kinh tế, sự lạc hậu về kỹ thuật và sự suy đồi về văn hóa. Bằng chứng? Nhiều vô cùng. Tất cả các nước cộng sản trước đây đều độc tài và tất cả đều tệ hại trong mọi phương diện. Ở châu Phi, tất cả các quốc gia độc tài đều là những quốc gia nghèo đói triền miên và nợ nần thì chống chất. Hiện nay, hai nước cộng sản độc tài nhất cũng là hai nước bần cùng nhất: Bắc Hàn và Cuba. Các nhà độc tài Francois Duvalier (thường được gọi là Cha/Bố Doc) ở Haiti, Saparmurat Niyazov ở Turkmenistan, Rafael Trujillo ở Dominican Republic, Muammar Gaddafi ở Libya, Mobutu ở Congo, Francisco Macias Nguema ở Equatorial Guinea, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân ở Bắc Hàn, Saddam Hussein ở Iraq, Mohamed Siad Barre ở Somalia, Mengistu Haile Mariam ở Ethiopia, Daniel arap Moi ở Kenya, Robert Mugabe ở Zimabwe, Hosni Mubarak ở Ai Cập, Ibrahim Babangida và Sani Abacha ở Nigeria, Paul Kagame ở Rwanda, v.v. chỉ có “công” duy nhất là làm cho đất nước của họ ngày càng trở nên cô lập và bần cùng. Ở Việt Nam, độc tài đã ngự trị trong phạm vi cả nước đã gần 40 năm: Giới lãnh đạo đã có toàn quyền để làm bất cứ những gì họ muốn, không những không bị phản đối mà còn không bị cả phản biện nữa, nhưng kết quả ra sao?
Thứ hai, độc tài tự nó không dẫn đến phát triển, hơn nữa, còn đối lập với phát triển. Để phát triển, ngoài tài nguyên và nhân công, người ta cần những chính sách sáng suốt; để có các chính sách sáng suốt ấy, người ta cần có trí tuệ. Trí tuệ, liên quan đến chính sách, đến từ hai nguồn: Một, từ các nhà lãnh đạo; và hai, từ tập thể. Để có trí tuệ tập thể, hai điều kiện cần nhất là: Một, người ta phải có khả năng suy nghĩ một cách có phê phán; và hai, người ta có đủ tự do để phát biểu những điều mình suy nghĩ. Nhưng hai điều kiện ấy lại không thể nảy nở dưới các chế độ độc tài. Thiếu hai điều kiện ấy, những cái gọi là trí tuệ tập thể chỉ là những sáo ngữ. Ngay cả trí tuệ thiên tài của một cá nhân cũng có nguy cơ vấp sai lầm, và vì nguy cơ ấy, cần được phản biện và kiểm tra. Đối lập tồn tại là để đóng vai trò phản biện và kiểm tra ấy.
Trong bài “Can China Innovate Without Dissent?” đăng trên The New York Times ngày 21/1/2014, giáo sư Stephen L. Sass, người từng được mời giảng dạy tại Trung Quốc trong nhiều năm, nhận xét: Mặc dù trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc phát triển vượt bậc, nhưng ông không tin là họ có thể vượt qua được Mỹ. Từ góc độ văn hóa đến góc độ thiết chế và chính trị, Trung Quốc không hề khuyến khích óc phê phán và sự tự do trong tư tưởng, do đó, không hy vọng gì có thể cách tân thực sự trong lãnh vực khoa học kỹ thuật.
Thứ ba, phát triển, tự nó, không dẫn đến dân chủ. Singapore, chẳng hạn, vốn được xem là một quốc gia phát triển với thu nhập bình quân trên đầu người trên 60.000 Mỹ kim, thuộc loại cao nhất trên thế giới, thế nhưng, cho đến nay, nước này vẫn bị xếp vào loại “tự do một phần” (partly free). Phần lớn các quốc gia ở Trung Đông, nhờ các tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là dầu và khí đốt, đều giàu có với thu nhập bình quân trên đầu người rất cao, có khi, phải nói là cực cao, như ở Qatar là trên 100.000 Mỹ kim; ở Kuwait là trên 40.000; ở United Arab Emirates cũng trên 40.000; ở Oman, Bahrain, và Saudi Arabia, đều trên 20.000, v.v.. Nhờ giàu có, họ cũng rất phát triển. Vậy mà hầu như không có nước nào có tự do cả. Hiện nay, Nga cũng là một nước phát triển, được xếp vào nền kinh tế lớn hàng thứ 8 trên thế giới, với thu nhập bình quân trên đầu người khoảng gần 15.000 Mỹ kim, nhưng dưới quyền cai trị của Vladimir Putin, dân chúng vẫn không hề có tự do.
Thứ tư, khái niệm phát triển không nên chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế; và trong phạm vi kinh tế, giới hạn trong chuyện thu nhập. Đó chỉ là một khía cạnh. Trong ý niệm phát triển, còn ít nhất ba khía cạnh khác quan trọng không kém: một là y tế tốt để tuổi thọ được kéo dài; hai là giáo dục tốt để trình độ dân trí càng ngày càng cao; và ba là nhân quyền được tôn trọng để mọi người được sống như những con người thực sự. Dân chúng giàu có bao nhiêu nhưng nếu họ không được giáo dục và quyền làm người của họ không được tôn trọng, không thể nói là phát triển được. Hiểu theo nghĩa rộng như vậy, phát triển đồng nghĩa với tự do: Cả hai đồng hành với nhau. Do đó, nói phát triển trước rồi sau đó mới cho phép tự do là nói một điều mâu thuẫn. Trong chính trị, mâu thuẫn thường là một sự dối trá.
Thứ năm, ngoài việc độc tài không bảo đảm phát triển và phát triển không bảo đảm cho dân chủ, luận điệu trên còn còn quên một khía cạnh khác: Trong các chế độ chính trị, độc tài hàm chứa nhiều nguy cơ tham nhũng nhất. Cần nhấn mạnh là: do gắn liền với lòng tham của con người và tính chất không thể hoàn hảo được của mọi bộ máy công quyền, tham nhũng xuất hiện ở mọi thời và mọi nơi. Không có nơi nào, ngay cả trong các tôn giáo, tránh được tham nhũng. Vấn đề là ở mức độ. Và về mức độ, không thể phủ nhận được sự thật này: trên thế giới, trừ Singapore, nước càng dân chủ bao nhiêu càng ít tham nhũng bấy nhiêu. Lý do rất dễ hiểu: Dân chủ, trong đó, quan trọng nhất là quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận, tự bản chất, là những biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham nhũng.
Bất chấp những lý lẽ trên, Việt Nam vẫn muốn làm một con hổ trước khi dân chủ hóa.
Tưởng tượng một con hổ vồ một người. Thấy người đó than khóc lạy lục thảm thiết quá, con hổ bèn an ủi: Không sao đâu, mày cứ nằm yên để tao ăn thịt mày; khi no rồi, tao sẽ đi bắt vài con bò Kobe về để mày làm…beefsteak nhậu!
Nghe, ngỡ chừng có lý, nhưng ở đây lại có nhiều vấn đề.
Thứ nhất, không phải chế độ độc tài nào cũng có khả năng làm cho đất nước phát triển giàu mạnh. Có. Nhưng hiếm hoi. Đầu thập niên 1970, kinh tế Brazil phát triển mạnh dưới một chế độ quân phiệt; trong thập niên 1980, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đều biến thành những con hổ trong lãnh vực kinh tế dù vẫn sống dưới chế độ độc tài. Trong thập niên 1990, đó là hiện tượng Trung Quốc.
Nhưng tất cả những nước vừa nêu chỉ là những ngoại lệ. Điều kiện chính để các ngoại lệ ấy trở thành ngoại lệ là quyết tâm và tài năng của người lãnh đạo: Ở Trung Quốc, đó là Đặng Tiểu Bình và ở Singapore, là Lý Quang Diệu. Ở tất cả các nước khác, độc tài chỉ dẫn đến sự kiệt quệ về kinh tế, sự lạc hậu về kỹ thuật và sự suy đồi về văn hóa. Bằng chứng? Nhiều vô cùng. Tất cả các nước cộng sản trước đây đều độc tài và tất cả đều tệ hại trong mọi phương diện. Ở châu Phi, tất cả các quốc gia độc tài đều là những quốc gia nghèo đói triền miên và nợ nần thì chống chất. Hiện nay, hai nước cộng sản độc tài nhất cũng là hai nước bần cùng nhất: Bắc Hàn và Cuba. Các nhà độc tài Francois Duvalier (thường được gọi là Cha/Bố Doc) ở Haiti, Saparmurat Niyazov ở Turkmenistan, Rafael Trujillo ở Dominican Republic, Muammar Gaddafi ở Libya, Mobutu ở Congo, Francisco Macias Nguema ở Equatorial Guinea, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân ở Bắc Hàn, Saddam Hussein ở Iraq, Mohamed Siad Barre ở Somalia, Mengistu Haile Mariam ở Ethiopia, Daniel arap Moi ở Kenya, Robert Mugabe ở Zimabwe, Hosni Mubarak ở Ai Cập, Ibrahim Babangida và Sani Abacha ở Nigeria, Paul Kagame ở Rwanda, v.v. chỉ có “công” duy nhất là làm cho đất nước của họ ngày càng trở nên cô lập và bần cùng. Ở Việt Nam, độc tài đã ngự trị trong phạm vi cả nước đã gần 40 năm: Giới lãnh đạo đã có toàn quyền để làm bất cứ những gì họ muốn, không những không bị phản đối mà còn không bị cả phản biện nữa, nhưng kết quả ra sao?
Thứ hai, độc tài tự nó không dẫn đến phát triển, hơn nữa, còn đối lập với phát triển. Để phát triển, ngoài tài nguyên và nhân công, người ta cần những chính sách sáng suốt; để có các chính sách sáng suốt ấy, người ta cần có trí tuệ. Trí tuệ, liên quan đến chính sách, đến từ hai nguồn: Một, từ các nhà lãnh đạo; và hai, từ tập thể. Để có trí tuệ tập thể, hai điều kiện cần nhất là: Một, người ta phải có khả năng suy nghĩ một cách có phê phán; và hai, người ta có đủ tự do để phát biểu những điều mình suy nghĩ. Nhưng hai điều kiện ấy lại không thể nảy nở dưới các chế độ độc tài. Thiếu hai điều kiện ấy, những cái gọi là trí tuệ tập thể chỉ là những sáo ngữ. Ngay cả trí tuệ thiên tài của một cá nhân cũng có nguy cơ vấp sai lầm, và vì nguy cơ ấy, cần được phản biện và kiểm tra. Đối lập tồn tại là để đóng vai trò phản biện và kiểm tra ấy.
Trong bài “Can China Innovate Without Dissent?” đăng trên The New York Times ngày 21/1/2014, giáo sư Stephen L. Sass, người từng được mời giảng dạy tại Trung Quốc trong nhiều năm, nhận xét: Mặc dù trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc phát triển vượt bậc, nhưng ông không tin là họ có thể vượt qua được Mỹ. Từ góc độ văn hóa đến góc độ thiết chế và chính trị, Trung Quốc không hề khuyến khích óc phê phán và sự tự do trong tư tưởng, do đó, không hy vọng gì có thể cách tân thực sự trong lãnh vực khoa học kỹ thuật.
Thứ ba, phát triển, tự nó, không dẫn đến dân chủ. Singapore, chẳng hạn, vốn được xem là một quốc gia phát triển với thu nhập bình quân trên đầu người trên 60.000 Mỹ kim, thuộc loại cao nhất trên thế giới, thế nhưng, cho đến nay, nước này vẫn bị xếp vào loại “tự do một phần” (partly free). Phần lớn các quốc gia ở Trung Đông, nhờ các tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là dầu và khí đốt, đều giàu có với thu nhập bình quân trên đầu người rất cao, có khi, phải nói là cực cao, như ở Qatar là trên 100.000 Mỹ kim; ở Kuwait là trên 40.000; ở United Arab Emirates cũng trên 40.000; ở Oman, Bahrain, và Saudi Arabia, đều trên 20.000, v.v.. Nhờ giàu có, họ cũng rất phát triển. Vậy mà hầu như không có nước nào có tự do cả. Hiện nay, Nga cũng là một nước phát triển, được xếp vào nền kinh tế lớn hàng thứ 8 trên thế giới, với thu nhập bình quân trên đầu người khoảng gần 15.000 Mỹ kim, nhưng dưới quyền cai trị của Vladimir Putin, dân chúng vẫn không hề có tự do.
Thứ tư, khái niệm phát triển không nên chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế; và trong phạm vi kinh tế, giới hạn trong chuyện thu nhập. Đó chỉ là một khía cạnh. Trong ý niệm phát triển, còn ít nhất ba khía cạnh khác quan trọng không kém: một là y tế tốt để tuổi thọ được kéo dài; hai là giáo dục tốt để trình độ dân trí càng ngày càng cao; và ba là nhân quyền được tôn trọng để mọi người được sống như những con người thực sự. Dân chúng giàu có bao nhiêu nhưng nếu họ không được giáo dục và quyền làm người của họ không được tôn trọng, không thể nói là phát triển được. Hiểu theo nghĩa rộng như vậy, phát triển đồng nghĩa với tự do: Cả hai đồng hành với nhau. Do đó, nói phát triển trước rồi sau đó mới cho phép tự do là nói một điều mâu thuẫn. Trong chính trị, mâu thuẫn thường là một sự dối trá.
Thứ năm, ngoài việc độc tài không bảo đảm phát triển và phát triển không bảo đảm cho dân chủ, luận điệu trên còn còn quên một khía cạnh khác: Trong các chế độ chính trị, độc tài hàm chứa nhiều nguy cơ tham nhũng nhất. Cần nhấn mạnh là: do gắn liền với lòng tham của con người và tính chất không thể hoàn hảo được của mọi bộ máy công quyền, tham nhũng xuất hiện ở mọi thời và mọi nơi. Không có nơi nào, ngay cả trong các tôn giáo, tránh được tham nhũng. Vấn đề là ở mức độ. Và về mức độ, không thể phủ nhận được sự thật này: trên thế giới, trừ Singapore, nước càng dân chủ bao nhiêu càng ít tham nhũng bấy nhiêu. Lý do rất dễ hiểu: Dân chủ, trong đó, quan trọng nhất là quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận, tự bản chất, là những biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham nhũng.
Bất chấp những lý lẽ trên, Việt Nam vẫn muốn làm một con hổ trước khi dân chủ hóa.
Tưởng tượng một con hổ vồ một người. Thấy người đó than khóc lạy lục thảm thiết quá, con hổ bèn an ủi: Không sao đâu, mày cứ nằm yên để tao ăn thịt mày; khi no rồi, tao sẽ đi bắt vài con bò Kobe về để mày làm…beefsteak nhậu!
Nguyễn Hưng Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét