Ads 468x60px

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Cải Cách Giáo Dục Việt Nam : Thập Thò Cò Quay

Nguyễn Hoàng Đức
Giáo dục là chiến lược ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia. Bởi lẽ giáo dục tạo ra con người có tri thức và văn hóa, và con người đó đóng vai trò quyết định trong việc canh tân, phát triển, và xây dựng xã hội tiến bộ. Người Việt nói: “Không thầy đố mầy làm nên”. Khẳng định nhất khoát rằng: không học hành hay đào tạo thì chẳng ai làm được cái gì nên hồn cả. Người Trung Quốc cũng nhất khoát: “Nhân bất học bất tri lý” – tức là: người không học thì không thể nào hiểu cái lý của vạn vật để mà làm theo. Các triết gia phương Tây, đặc biệt là Hegel khẳng định: người có học sẽ hành xử theo bản chất chung của sự việc, vì anh ta đã học tính khách quan phổ quát của chúng, trái lại người ít học thì đối xử với vạn vật theo suy diễn chủ quan hay cá tính của mình. Vì vậy người không học luôn dính dấp với thất bại!
Ngay từ xưa, cổ nhân Trung Hoa đã chú trọng: “Kế một năm không gì hay bằng trồng lúa, kế mười năm không gì hay bằng trồng cây, kế trăm năm không gì hay bằng trồng người”. Vậy thì giáo dục là vấn đề hệ trọng nhất của mọi con người, gia đình và quốc gia. Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc hiện đại còn nói thẳng tưng: con cái không vào đại học là đời vứt đi! Mới đây một người Mexico định cư ở Mỹ cho biết: Ở Mỹ người ta chỉ ưu tiên hai loại người định cư: thứ nhất ít học thì phải sẵn sàng đi quân dịch, thứ hai phải là người có trình độ đại học. Cổ nhân Trung Quốc có câu “lúc nhỏ không học thì lớn lên chẳng biết làm gì”. Như vậy nước Mỹ chỉ muốn nhận người biết học và biết làm, họ đâu có muốn loại vô tích sự vào nước họ để ăn bám, phá rối, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Vì thế cải cách giáo dục ở Việt Nam là một vấn đề chiến lược liên quan trực tiếp và lâu dài đến sự vững mạnh, giàu có và tiến bộ của quốc gia mà ai ai cũng muốn quan tâm. Nhưng mà kìa, các giáo sư đầu ngành bàn đến cả vài chục năm rồi dường như vẫn chưa ngã ngũ bước nào. Chẳng hạn cách đây ít năm, người ta phát hiện ra việc cải cách chữ viết là không thích hợp và “cải lùi”, nhưng rồi người ta không tìm được ra, ai đã ra cái lệnh cải cách ấy. Việc này có thật thế không ?!
Còn các vấn đề khác, như bỏ hay không bỏ kỳ thi đại học, hay “nhẹ nhàng” như cấm không cho dạy và học thêm. Có lúc vấn đề đã chạm đích như: dạy thêm chủ yếu là do thu nhập của giáo viên ít, nên họ phải kiếm thêm bằng dạy ngoài trường… Đây là lý do thật của vấn đề thì liền bị một gáo nước lạnh: dạy học là nghề cao quí, tại sao lại đưa “tiền đâu” thành cái “đầu tiên”? Rút cục vấn đề rút lui như đâu lại ỳ đấy. Một cách nói như vậy rõ ràng rơi vào: “Duy ý chí”! Vừa duy tâm, cũng vừa xa rời hiện thực. Một khi đã xa rời hiện thực thì làm sao vấn đề được giải quyết?
Câu chuyện về cải cách giáo dục to tát và phức tạp lắm, nó là chuyện của bậc thầy chứ có phải chuyện chơi đâu?! Nhưng than ôi, sự việc lại thật đơn giản. Dường như các ông tiến sĩ, giáo sư chỉ làm mỗi việc chạy như đèn cù vờ vịt chơi trận giả, rồi để cấp và nhận với nhau hàng nghìn bằng tiến sĩ mỗi năm? Theo cuốn sách “Bí mật Việt nam” của Wikileaks xuất bản tại Mỹ năm 2011, mà tôi mới được đọc thì: nguyên Đại sứ Mỹ, Ông Michael Michalak đã thừa nhận:
Vào tháng 11/2009, một phái đoàn Đại học Quốc gia Việt Nam có sang thăm Hoa Kỳ hai tuần lễ để nghiên cứu hệ thống độc lập đánh giá các trường đại học của Mỹ… Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam vẫn chưa cho phép các đại học bắt đầu thiết lập hệ thống này” (tr.321).
Người phương Tây có phương ngôn “Cái gì hôm nay chưa làm thì ngày mai không thể xong”. Có rất nhiều người Việt mang tâm cảm thụ động tuyệt đối với phương châm “từ từ khoai sẽ dừ”, trong trường hợp khoai chưa có, chưa bắc nồi luộc, thì khoai dừ cái gì???
Sách Phúc Âm có câu “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Câu chuyện cải cách giáo dục hệ trọng là vậy, mà thấy đúng, chúng ta không làm thì thế nào? Câu chuyện này làm chúng ta nhớ lại chuyện của Nhà Thanh với Nữ vương Từ Hi Thái Hậu. Do sức ép tiến bộ của nhân dân Trung Quốc, Thái Hậu cho cử hai đoàn quan lại đi Mỹ và Nhật Bản để học về mô hình “Nhà nước cộng hòa và dân chủ”. Sau mười năm hai đoàn này về liền trình lên Thái Hậu sơ đồ cấu trúc cải cách chính phủ. Thái Hậu vờ vịt nghiên cứu vài tháng, rồi tuyên bố, xếp sơ đồ cải cách vào kho, với lời hứa hẹn “muốn cải cách thì hãy đợi sau khi trẫm chết”. Tóm lại Thái Hậu đã làm gì? Bà chỉ chăm chăm làm mỗi một việc là “câu giờ”. Trước hết bà câu tuổi già của mình được mười năm. Sau bà câu thêm được vài tháng đọc hồ sơ. Nhưng rút cục lòng tham tự nhiên của bà đã chiến thắng, bà chẳng cần nghĩ đến ai ngoài sự hạ cánh của mình: sau lưng ta hãy là cải cách hay nạn hồng thủy.
Ở Việt Nam đã có vô số chuyện giống thế ? Ngành công nghiệp ô tô ỡm ờ hai mươi năm chuyện tìm ra đáp án cho câu hỏi: xe tải hay xe con là xe chiến lược. Để cả hai nhà lắp ráp đều được hưởng ưu đãi, còn dân chúng được hưởng “hiếp đãi” cao nhất thế giới. Còn cải cách giáo dục liệu có giống thế không ?
Người Việt đặc biệt khôn, khi khôn ranh, khôn lỏi, nhưng trên bình diện phổ quát quốc gia thì chúng ta đặc biệt thiểu năng. Chẳng hạn, người Việt rất nhiều lần, rất nhiều nơi, cứ làm đường xong mới đào đường đặt cống hay đặt đường dây. Để làm gì? Để giải ngân nhiều lần. Đó là cách tham bát bỏ mâm. Mong sao ngành giáo dục hãy nhanh cải cách, đừng nên đánh trận giả ỡm ờ nữa. hãy thương lấy dân tộc Việt, tri thức và đạo đức đang chạm đáy thế giới rồi vẫn phải nghe các ông đang giả vờ vò đầu bứt tai tranh luận. Một là hãy làm đầu thật! Hai nếu đầu là củ chuối thì có vò có bứt cũng chẳng ăn thua đâu ?!
Nguyễn Hoàng Đức

0 nhận xét:

Đăng nhận xét