Một hàng bán mía cây trên vỉa hè ở Sài Gòn. (Hình minh họa) |
Anh chàng lực lưỡng đen sạm. Thứ da đen này không phải của nông dân mà đen nước như những người ở các hầm than, lò than hay mỏ than thì đúng hơn.
Anh ta đẩy xe
lần đầu tiên đi qua đường từ phía xa lộ xuống. Đó là một xe ba bánh
chở đầy mía. Các cây mía dài thườn thượt cả hai mét chất nằm đầy
dưới sàn, để ló đầu đuôi ra trước và sau xe. Còn hai bên thành xe,
mỗi bên anh ta cột một dãy đứng thẳng độ mười cây mía cao
nghệu. Vì thế, người ta đã nhận thấy chiếc xe chở mía ngay từ xa.
Anh ta thường tấp vào trước hàng ba của căn nhà to nhất xóm. Chỗ
đó rộng rãi nên các xe hàng rong hay đậu lại, đủ chỗ cho khách bu lại
một nhóm đông mà vẫn còn chỗ cho lưu thông, không ngáng đường đi. Chỉ
vào ngày Tết mới thấy bán mía nguyên cây để người ta cúng và vào Vu lan,
mía bán thành gióng nhưng năm nay, sau thời gian dài thời tiết mát mẻ
đặc biệt, Saigon bắt đầu vào mùa nóng.
Buổi sáng ngủ dậy, nhiệt kế đã chỉ 26 độ và vào lúc nóng nhất, có thể
lên đến gần 40 độ C. Vì thế không những chỉ có các xe nước mía, nước
sâm… đắt hàng như tôm tươi mà xuất hiện đây đó mía bán nguyên cây bày
trên lề đường và cả bán rong thu hút lắm người ghé vào mua ăn chơi để
giải khát. Đây là loại ăn tươi nên thân mía tròn căng, mập mạp, khác ở
các xe nước mía, thân nhỏ hơn rất nhiều.
Bà chủ nhà mở cửa hỏi:
-Mía này bao nhiêu một cây?
-Mười lăm ngàn. Mía đường ngọt lắm.
Bây giờ mía nhập cảng rất nhiều giống từ các nước Thái, Đài loan, Ấn
độ…. Vì thế các nhà khoa học đặt tên theo ký hiệu số nhưng ngày xưa ít
giống nên người dân nhìn mặt đặt tên: Mía cồn to bằng chén ăn cơm nay
không còn nữa vì cồn đã lở xuống sông Tiền hết còn đâu. Mía bầu mềm dòn
và nhiều nước, mía cò các, mía tây vàng ngà, mía Huê kỳ, mía đường chèo…
Hoặc đơn giản gọi theo màu sắc của vỏ: Mía tím hay mía đỏ là mía ăn và
mía trắng hay mía vàng để ép nước.
Thế nhưng trên chiếc xe ba bánh này, phần lớn là mía vàng, chỉ có vài
cây mía vỏ tím làm tôi nhớ đến loại mía thơm dịu ngày nay không thấy
nữa. Thơm dịu là tiếng miền Nam gọi giống mía thân to nâu đỏ, ruột
vàng sậm, mát mềm và thanh thanh. Nếu gặp cây hơi cứng một chút
như mía già trồng lâu thì lại ngọt thơm đặc biệt, ăn nhiều mấy vẫn
không bị rát lưỡi. Đây không phải là loại mía trồng đại trà. Lúc trước
các gia đình thường cũng chỉ trồng một, hai bụi trong vườn để ăn chơi
mà thôi.
Xưa kia, trẻ em sống ở vùng quê hẻo lánh có nhiều nơi đến hàng
vài ba tháng, chỉ có một chiếc xuồng bán bánh ú bánh tét bơi
đến. Như vùng Cồn Tiên và cả vùng Lai Vung ngày trước chỉ có
vài căn nhà tranh trong lau sậy hoang vu như Đồng Tháp mười toàn
ma cỏ, nên nhà nào trồng mía mới có thức ăn hơi cho trẻ.
Đặc biệt có nhà trồng vài bụi mía lau. Loại mía này khô
cứng và to gấp đôi cọng lau sậy nhưng thật thơm ngọt và bổ. Lũ
trẻ chờ khi nào cây mía nhô thân lên cao chừng một thước thì lấy
dao phay ra đốn đem vào ăn chơi. Có đứa còn chạy ra bãi cồn bẻ
lau sậy nhai mà cứ ngỡ đó là mía lau chứ làm gì có mía thơm
dịu mà ăn…
Một chị hỏi:
-Mía này anh lấy ở đâu vậy.
Anh ta trả lời cộc lốc:
-Người ta đem đến tận nhà.
Xe mía bán rong làm gì ai chở đến tận nhà ngoại trừ nhà
là vựa mía. Mà có vựa mía thì anh ta đâu chở xe ba gác đi bán
lẻ từng cây như vậy. Chẳng người bán nào muốn tiết lộ nơi lấy hàng
gốc cả. Người mua sẽ biết anh ta ăn lời bao nhiêu. Hoặc may ra có ai
muốn mua mía về bán lẻ, anh ta sẽ độc quyền bỏ mối ăn hoa hồng chút đỉnh
chăng.
Miền Nam có nhiều vùng mía mênh mông: Tân Châu, Cần Thơ… nhưng nơi
trồng gần nhất tiêu thụ nhiều ở thành phố là mía từ Bình Chánh, Tây
Ninh. Vùng khô hạn thì thích hợp trồng mía vì sẽ ngọt hơn trồng ở vùng
trũng nước nhiều. Saigon nóng quanh năm, chỗ nào cũng có xe nước mía nên
vựa mía mở ra khắp nơi ở quận 6, Bình Tân, Gò Vấp… Có điều sang mùa
mưa, nước mía nhạt, không thơm và ngọt sắc như mùa khô.
Hồi đó, trước cửa rạp hát hay rạp xi nê, thường có các em bé hay cô
gái mặc áo bà ba bán mía ghim đặt trên các mâm nhôm nhỏ cắp nách hay đội
trên đầu. Que tre ngắn được vót tõe ra nhiều nhánh, mỗi đầu ghim một
khẩu mía nhỏ nhìn như bông hoa. Buổi tối thời tiết mát mẻ là lúc các xe
mía hấp xuất hiện. Trên xe đặt chiếc nồi to trên bếp. Khi có khách hỏi
mua, người bán mở nắp nồi, khói bốc lên cùng mùi mía tỏa ra ngào ngạt.
Nhai khẩu mía hấp, nước mía tứa ra vừa nóng vừa ngọt và thơm phưng phức.
Thế nhưng bây giờ mía ghim và mía hấp không còn nữa. Trước rạp xi nê
là bắp rang và coca, trước rạp hát là đủ loại nước ngọt đóng chai và kẹo
cao su. Buổi tối chỉ còn bắp luộc, khoai lang luộc chứ hết thấy mía
đâu. Đôi khi trước cổng trường tiểu học có bán mía chặt khẩu bỏ bao
nylon ướp lạnh.
Bà chủ nhà bới đống mía, lựa mãi mới lôi ra được ba cây trông mập mạp. Anh bán hàng cười:
-Cây nào cũng như nhau thôi.
-Tôi lấy mấy cây này, róc vỏ và chặt luôn hai cây thành khẩu vừa
miếng ăn chứ nhà làm sao có dao rọc mía. Còn một cây chặt dài bằng ngón
tay, tôi sẽ chẻ nhỏ ra bọc thịt và tôm xay nhỏ, nướng lên làm món chạo
tôm.
Tuy loại ăn tươi thường mềm sụn nhưng dân thành phố chẳng ai dùng
răng xước mía cả chứ đừng nói tới xước vỏ. Sau khi chặt bỏ ngọn, anh
bán hàng chặt ra năm gióng. Nếu bán lẻ thì mỗi gióng đã năm ngàn rồi.
Mua nguyên cây lợi hơn. Róc vỏ rồi mới kê khúc mía lên tấm thớt để chặt
thành khẩu nhỏ.
Trước kia, các xe nước mía đều dùng dao riêng để rọc vỏ. Nay có máy
móc nên công việc này nhẹ nhàng hơn. Phần lớn xe nước mía được giao mối
mía bào sẵn chứ họ không cần phải ngồi róc từng cây như trước nữa. Trời
nắng chang chang nên xe nước mía đông khách lắm. Uống ly nước mía mát
lạnh lại chua chua vị tắc, thơm thơm mùi dâu tây mà cảm thấy cái nóng
mùa khô nhẹ bớt.
Anh bán hàng không xả rác mà chất vỏ mía cẩn thận thành từng đống trong xe. Bà chủ nhà nhận xét:
-Ngọn lá mía và vỏ mía phơi khô làm củi cũng tốt đấy.
Tôi cũng sực nhớ lại chuyện cũ:
-Trước đây tôi lên Dĩ An thấy người ta đi đốn mót ở cánh đồng
mía. Người nào cũng vác cả bó. Do mía ế nên chủ không có
tiền trả công đốn. Họ bỏ cho cây mía trổ cờ ai muốn lấy về ăn
bao nhiêu tùy ý. Đầu năm nay, nhiều nơi đốt ruộng mía đang thu hoạch.
Phần vì người ta phản đối nhà máy đường vào vụ mà không chịu thu mua,
phần vì trồng mía tràn lan cung nhiều hơn cầu nên đành đốt đi trồng cây
khác.
Giá mía hiện nay chỉ hơn 600 đồng/kg trong khi phải hơn 800 mới có
lời. Cả nông dân lẫn nhà máy đều kêu lỗ. Người nông dân lúc nào cũng
loay hoay. Cứ nay trồng cây này, mai lại trồng cây khác giống như bỏ
tiêu trồng điều, bỏ điều trồng tiêu. Đến khi thu hoạch lại không có chỗ
tiêu thụ. Thành ra trồng trọt lúc nào cũng tốn hao công sức tiền bạc mà
rốt cuộc vẫn khốn đốn là vậy. Bây giờ tại Sóc Trăng, nhiều vùng chuyên
canh trồng mía cung cấp cho nhà máy đường đã biến thành ao to, ao nhỏ
nuôi tôm công nghiệp. Hoặc nông dân quay sang sạ lúa, trồng rau hay
trồng cây ăn trái như chuối, thanh long…; trồng cây lấy gỗ như tràm,
trúc… xem chừng có ăn hơn.
Anh bán hàng lắc đầu:
-Tôi từ miền Trung vào đây buôn bán. Thuê căn phòng trọ nhỏ xíu ở Phú
Nhuận. Chỗ ở còn không đủ, lấy đâu sân mà phơi vỏ mía và kê bếp đun
nấu. Chỉ tại các xe nước mía ép mía xong, có người thu mua bã để lên men
làm thức ăn gia súc.
Mấy cô gái ghé nhìn, chắc họ muốn mua vài bịch mía cầm tay nhai chơi
như bà già nhơi trầu. Anh bán mía quảng cáo một cách thành thạo
ngay:-Báo vừa rồi có đăng tin phụ nữ Ấn Độ có hàm răng đẹp và
chắc vì họ sước mía ăn cả ngày. Với lại các thầy lang nói từ cây
mía, có nhiều bài thuốc nam hay chữa bệnh. Chữa cả nẻ chân, sốt cao…
nhưng riêng cua thì không ăn cùng với mật mía kẻo dễ ngộ độc đấy.
Dưới ánh nắng đổ lửa mùa nóng, chỉ trong chốc lát, đã bán được năm sáu cây mía, anh bán hàng vui vẻ:
-Mía bán tháng này mùa nóng. Tháng tư là chanh, ổi… Sang tháng năm
mùa mưa đầu hè, tôi đổi qua xoài, sầu riêng, vải, nhãn… Bà con nhớ mua
dùm.
Duy Thức/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét