“Chuyên gia Trung Quốc” đang làm việc tại Nhà máy xi măng Công Thanh, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Dân
Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam, tuy họ cư trú và làm việc bất hợp pháp
nhưng chính quyền hoàn toàn bất lực. Thực trạng này kéo dài nhiều năm,
càng lúc càng nghiêm trọng.
Giống như nhiều tờ
báo khác, tờ Tuổi Trẻ lại vừa có một phóng sự cảnh báo về sự hiện diện
của “lao động Trung Quốc” ở khắp mọi nơi. Luật pháp Việt Nam chỉ cho
phép giới đầu tư và các doanh nghiệp đưa người ngoại quốc vào Việt Nam
làm việc nếu họ có kinh nghiệm, khả năng chuyên môn trong lĩnh vực quản
lý hoặc kỹ thuật. Người ngoại quốc muốn cư trú và làm việc tại Việt Nam
phải có giấy phép.
Trên thực tế, các qui định pháp luật vừa kể không được áp dụng với
người Trung Quốc. Đa số người Trung Quốc được các nhà thầu Trung Quốc
đưa vào Việt Nam làm việc đều thuộc dạng “lao động phổ thông” (không có
kinh nghiệm lẫn chuyên môn). Tất nhiên họ cũng không có giấy phép cư trú
hay làm việc và bất chấp các cảnh báo liên tục trong nhiều năm qua,
chính quyền các cấp vẫn làm ngơ.
Tờ Tuổi Trẻ dẫn một báo cáo của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội
Trà Vinh cho biết, có khoảng 900 người Trung Quốc đang làm việc tại
Trung tâm Điện lực Duyên Hải, tọa lạc tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà
Vinh. Trong đó có khoảng 400 không có giấy phép cư trú và làm việc.
Hồi thượng tuần tháng này, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Trà
Vinh ban hành một văn bản, yêu cầu từ giữa tháng 3, không cho những “lao
động nước ngoài” không có giấy phép vào làm việc tại công trường xây
dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Tuy nhiên yêu cầu này không được thực
thi vì liền sau đó, chính quyền tỉnh Trà Vinh cho phép “gia hạn thời
gian hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp giấy phép cho những lao động người nước
ngoài đang làm việc tại công trường đến ngày 15 tháng 5”.
Tình trạng “du di” cho người Trung Quốc, bất chấp luật pháp hiện hành
không chỉ xảy ra ở Trà Vinh. Tại Thanh Hóa, một nhà thầu Trung Quốc đã
đưa 163 người Trung Quốc đến làm việc tại Nhà máy ximăng Công Thanh.
Trong số này, có tới 114 người Trung Quốc làm những công việc mà người
Việt Nam dư sức đáp ứng nhưng họ không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Tương tự, khi các nhà thầu Trung Quốc được chọn thực hiện dự án
Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng, tọa lạc tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh,
các nhà thầu này đã đưa hàng ngàn người Trung Quốc vào Việt Nam làm công
việc của những “lao động phổ thông”. Khu Kinh tế Vũng Ánh hiện là nơi
có 3,730 người Trung Quốc làm việc và hơn một nửa không hề có giấy
phép.
Làm ngơ, bất kể việc người Trung Quốc tràn sang Việt Nam cư trú, làm
việc bất hợp pháp vi phạm các qui định hiện hành cũng là lý do hình
thành “làng Trung Quốc” ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Từ khi một nhà thầu Trung Quốc được chọn để thi công công trình Trung
tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Theo khai báo của nhà thầu, những người Trung
Quốc đang làm việc cho họ đều là kỹ sư, chuyên gia. Song trên thực tế,
các “kỹ sư”, “chuyên gia” này chỉ làm công việc của một… phụ hồ (khuân
vác, đào đắp, trộn bê tông, lắp ráp giàn giáo,…). (G.Đ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét