Ads 468x60px

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Bác Ba Bến Nước

Minh Văn 
Dòng nước trong xanh vẫn miệt mài trôi, lặng lẽ mà chẳng ưu phiền. Có khi mềm mại mà tạo nên phong cảnh hữu tình, nhưng lắm lúc cũng réo gọi oán than như thân phận con người vậy. Tưởng rằng chỉ có tình đời chua xót, ai ngờ đến con nước vô tri mà cũng biết buồn vui thế sự.
Mùa hè năm ấy tôi về nhà một người bạn chơi. Những ngày hè đối với sinh viên thật quan trọng, ai cũng muốn về quê thăm gia đình hoặc làm một công việc gì đó thật ý nghĩa. Vì có hứa với Phương, nên nghỉ hè là chúng tôi tranh thủ về nhà cậu ấy chơi vài hôm trước khi tôi về quê.
Quê Phương là một vùng nông thôn xinh đẹp, cách Hà Nội chừng 40 cây số về phía đông. Khung cảnh làng quê yên bình khiến cho tâm trạng chúng tôi cảm thấy thoải mái sau thời gian dài sống nơi phố thị. Tối hôm đó, mọi người trong nhà tập trung trò chuyện bên chiếc bàn ấm cúng. Đang kể chuyện làng quê vui vẻ, chợt mẹ Phương im lặng mà ngồi trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó lung lắm. Một lúc sau bà nói:
- Sáng mai hai con tranh thủ sang thăm bác Ba một lúc nhé. Để cho hai bác được vui và yên lòng.
Nói xong bà lại im lặng thở dài. Phương cho tôi biết, bác Ba là chỗ họ hàng thân thích với bố cậu. Hai nhà thường đi lại với nhau thân tình lắm. Những năm 1970, bác ấy là bộ đội chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị ác liệt. Bác là thương binh, hiện giờ vẫn còn mảnh đạn găm trong đầu. Thời gian gần đây lại phát bệnh nặng nên ít đi đâu được. Nghe nói vậy tôi cũng cảm thấy mủi lòng, mà khuyên bạn mình sáng mai nên đi thăm bác.
Chúng tôi chạy xe máy dọc con sông uốn lượn trong cái nắng sớm mùa hè. Những bãi ngô xanh mướt xuôi theo triền đê như muôn vàn gợn sóng trải dài mềm mại. Đi ước độ được mấy cây số thì trước mắt hiện ra một con đập nhỏ, dòng nước trong xanh chảy hiền hoà. Phương nói rằng đập này được xây từ hồi Pháp thuộc, cho đến bây giờ vẫn  hoạt động tốt hơn những công trình mới thi công gần đây. Cuối dốc con đập có một lối mòn chạy quanh co vào phía trong, từ đây có thể  nhìn thấy ngôi nhà ngói lụp xụp ẩn sau những lùm cây.  Phương chỉ tay về phía đó và nói:
- Nhà bác Ba ở đây!
Chúng tôi đẩy cánh cổng bằng gỗ tre ọp ẹp khép hờ rồi bước vào bên trong. Tôi ái ngại hỏi:
- Gia đình bác Ba ở đây một mình sao?
Phương cúi đầu trầm ngâm:
- Ừ!...
Vào đến sân thì nghe thấy tiếng trẻ con đang chơi đùa. Ba đứa trẻ mặt mày lấm lem, áo quần xơ xác đang chơi trò nghịch đất dưới gốc cây Hoè. Thấy hai chúng tôi đến chơi, đứa lớn nhất tồng ngồng đứng lên hét toáng vào trong nhà:
- Mẹ ơi! Có khách...
Hai đứa nhỏ hơn ngừng tay trố mắt nhìn một lúc, rồi lại tiếp tục cùng nhau nghịch đất. Dường như cái trò chơi giản dị nhất đời này đang thu hút tất cả tâm trí của chúng.
Có tiếng dép lẹt xẹt từ trong nhà đi ra. Thấy người đàn bà – Phương nhanh nhảu:
- Chào cô ạ!
Người đàn bà rướn cặp lông mày vì ngạc nhiên, rồi reo lên vui vẻ:
- Phương đó hả cháu? Nghỉ hè về nhà chơi phải không?...
- Dạ!
Rồi chúng tôi theo chân cô Mai (vợ bác Ba) vào nhà. Trong nhà, một bộ bàn ghế uống nước được kê gần cửa sổ. Tại đó một người đàn ông gầy gò trạc 60 tuổi đang ngồi, trên tay cầm điếu thuốc lào, hai mắt hốc hác nhìn về chốn xa xăm. Phương giới thiệu với tôi:
- Đây là bác Ba...
Tôi chào bác. Bác Ba gật đầu mỉm cười, nhưng có vẻ không hiểu những gì chúng tôi nói lắm.
Cô Mai buồn rầu:
- Dạo này bác bị như thế suốt. Ngồi ngơ ngẩn mà không biết chuyện gì cả. Cứ bình thường được mấy ngày lại mê mê tỉnh tỉnh...
Nói rồi cô đưa tay mà quệt nước mắt, sụt sịt khóc.
Tôi ái ngại hỏi cô:
- Cô đã đưa bác đi chữa bệnh chỗ nào chưa?
Cô cho biết là cũng đi bệnh viện mấy lần, nhưng họ nói viên đạn nằm chỗ hiểm nên khó mổ lắm. Nếu muốn phẫu thuật thì phải đi tuyến trung ương, mà như vậy thì tốn nhiều tiền lắm. Cô lại sụt sịt:
- Cháu coi. Gia cảnh nhà cô khó khăn, những năm đứa con lút nhút còn tuổi ăn tuổi lớn. Cô thì chỉ có mấy sào ruộng, lo cho chúng ăn học còn không xong, lấy đâu tiền mà chữa chạy cho Bác. Đành phải để vậy, phó mặc cho trời thôi...
Chợt một tiếng thét vang lên khiến tôi giật bắn mình :
- Xung phong! Xung phong!...
Khi tôi hoàn hồn mà quay nhìn lại nơi phát ra tiếng thét, thì thấy bác Ba hai tay nâng cái điếu cày lên như đang bắn súng, miệng thì phát ra âm thanh đạn nổ:
- Pằng...pằng...
Lúc này cô Mai vội chạy đến ngồi cạnh mà ôm chặt lấy bác, cậu bạn của tôi cũng ngồi bên cạnh mà giúp cô một tay. Vừa lấy tay xoa đầu cho bác Ba, cô Mai vừa nói như nựng trẻ con:
- Ông ngoan nào, đừng có phá như vậy nữa! Các cháu nó đến chơi chứ có phải ai đâu...
Thấy tình cảnh như vậy, tôi hỏi cô:
- Chú bị thế này mà không được nhà nước trợ cấp thương tật hay hỗ trợ chữa bệnh hả cô?
Cô Mai lại phân trần:
- Chú không có chứng nhận thương tật nên không được công nhận là thương binh cháu ạ. Vì vậy mà không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào cả.
Đến đây Phương cũng bức xúc mà xen vào:
- Trong khi đó lại có cái ông cùng làng, chẳng đi bộ đội ngày nào mà lại được chứng nhận là thương binh, nhận tiền trợ cấp đầy đủ. Thực ra ông ta chỉ bị tai nạn máy cưa mà cụt mất hai ngón tay. Rồi chẳng hiểu chạy chọt kiểu gì mà có được cái suất thương binh chống Mỹ...
Tôi lắc đầu ái ngại:
- Vậy sao cô không đến gặp chính quyền địa phương hoặc “Hội Cựu chiến binh” để trình bày với họ?
- Cô có đến mấy lần, nhưng họ đòi phải có giấy chứng nhận thương tật của đơn vị. Khổ lắm, những người cùng đơn vị thì đã hy sinh hết, lấy ai mà chứng nhận bây giờ? Trong khi bác lại cứ bị bệnh thế này. Cũng đến “Hội Cựu chiến binh”, nhưng lại cứ nghe nói ông chủ tịch hội đi họp tỉnh họp huyện gì đó suốt. Công việc cô thì bận túi bụi, đành phải thôi vậy. Người ta cũng khuyên là nên chạy tiền thương binh cho bác. Nhưng nhà mình chạy ăn không đủ, lấy tiền đâu mà chạy suất thương binh hả cháu? Vả lại bác là thương binh thật, việc gì mà chạy ở đâu nữa?...
Lúc này tôi cũng cảm thấy bực mình hết sức. Không hiểu người ta sinh ra cái “Hội cựu chiến binh” để làm gì, mà lại không bảo vệ quyền lợi cho những người như bác Ba kia chứ? Tiện thể, tôi giận luôn cái cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, khiến cho người dân phải hy sinh xương máu một cách vô ích . Nó chẳng mang lại gì ngoài máu và nước mắt, cùng muôn vàn nghịch cảnh.
Nước mắt vòng quanh, cô tiếp tục kể:
- Mỗi lần lên cơn bác đều như vậy. Cả người co giật, miệng thì cứ hò hét “xung phong”. Nếu không có người ôm kịp là lại đập phá hết mọi thứ đó cháu...
Mượn cớ ra sân chơi với mấy đứa trẻ, tôi bước vội ra khỏi nhà để ngăn những giọt nước mắt chực trào ra.
Ra đến chỗ bến nước, tôi đút hai tay vào túi quần, đứng hít thở thật sâu để lấy lại tinh thần. Dưới chân, những con nước hiền hoà vẫn không ngừng trôi chảy. Và có lẽ cũng như cuộc đời kia, dưới dòng nước sâu là biết bao sỏi đá chơ vơ như những số phận con người bị thế gian ruồng bỏ.
Minh Văn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét