Lê Vĩnh
Chỉ mới gần 2 tuần trước đây, ngày 30
Tháng 6, các quan chức CSVN họp báo “công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết
hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung” để công bố những điều mà ai cũng đã biết từ ba
tháng trước. Thủ phạm là công ty Formosa cũng như các quan cộng sản thề thốt đủ
điều trong việc “xử lý triệt để chất thải độc” và “không để tái diễn sự cố môi
trường”, hầu xoá mờ đi tội đầu độc môi trường biển một cách có chủ đích của
Formosa Hà Tĩnh.
Trong dịp này ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân
Phúc cũng mạnh miệng bảo rằng ông ta sẽ “Kiên quyết đóng cửa, nếu Formosa tái diễn
sự cố môi trường”.
Chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 12 Tháng 7,
nhờ người dân thông báo, phóng viên báo chí theo dõi và bắt quả tang Formsa Hà
Tĩnh đang lén lút chôn hàng ngàn mét khối chất thải ngay trên thượng nguồn sông
Trí, gần đập tràn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng ngàn hộ dân quanh
vùng. Từ đó khơi lại chuyện Formosa Hà Tĩnh đã chôn rác thải đầu độc biển Thiên
Cầm (Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ cả năm nay.
Một vấn đề chưa hề thấy các quan chức trách nhiệm đả động gì đến.
Báo chí thuật lại lời một cán bộ
đang công tác tại Formosa Hà Tĩnh thừa nhận: “Đây chính là chất thải kim loại
nặng, được lắng lại sau quá trình xử lý nước thải. Nó như một lớp bùn đen đọng
lại dưới đáy hồ và được múc lên rồi đóng gói đi chôn lấp. Việc làm này là hết
sức nguy hiểm vì có thể trong lớp bùn đó còn chứa rất nhiều kim loại nặng, có
thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường”.
Formosa Hà Tĩnh lén lút chôn giấu chất thải tại trang trại của Giám đốc Công ty Môi trường Lê Quang Hòa. Ảnh: Văn Định/TT |
“Đám cháy Formosa” vẫn đang chực chờ
bùng phát. Vụ Formosa Hà Tĩnh với sự tiếp tay của các quan chức CSVN lén lút,
chôn giấu chất thải bị bắt quả tang vừa kể chẳng khác nào đổ thêm dầu vào “đám
cháy".
Cũng như 3 tháng trước, khi “đám cháy
Formosa mới vừa bùng phát, phản ứng “chữa cháy” của các quan chức cao cấp có
trách nhiệm trong vấn đề nhạy cảm này là như đỉa phải vôi.
Nếu hồi cuối Tháng Tư, Thứ Trưởng
Bộ Tài Nguyên Môi Trường Võ Tuấn Nhân vội vàng chống đỡ cho Formosa: "Cá chết
không phải do Formosa" và trách cứ phóng viên báo chí: "Em hỏi câu đó
làm tổn hại cho đất nước của mình", thì lần này cũng chính ông ta vội
vàng lên tiếng răn đe: “... nếu không đúng lấy thẻ thằng nhà báo đó
lại”.
Đồng thời với sự doạ dẫm vừa kể là cố
làm nhỏ lại đám cháy mới vừa khởi phát.
“Con voi” Formosa lén lút chôn giấu
chất độc lần này được bộ máy lọc của Ban Tuyên Giáo nhanh chóng bóp nhỏ lại và
chuyển hướng trên báo chí. Từ “hàng ngàn mét khối chất độc” chỉ sau một ngày đã
tóp lại thành 100 tấn (dù rằng một mét khối chất độc kim loại chắc chắn phải
nặng hơn một tấn). Từ sự phát hiện của người dân khiến “các cơ quan chức năng
(phải) ngơ ngác” đã nhanh chóng trở thành công trạng do “cơ quan chức năng phát
hiện”.
Hai bài báo đầu tiên của nhóm phóng
viên môi trường báo Người Đưa Tin mô tả khá tỉ mỉ về hiện trường của tội phạm
cũng như sự cấu kết của các quan chức nhà nước, với các phương tiện của nhà
nước, a tòng trong việc thực hiện tội phạm này để độc chất được được chôn giấu
ngay trên đất của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường - Đô thị Kỳ
Anh.
Hai bài báo vừa kể của báo Người Đưa
Tin xuất hiện cách nhau khoảng 5 tiếng đồng hồ với ghi chú ở cuối bài thứ hai là
“còn tiếp”. Đến nay đã hai ngày trôi qua mà chưa thấy bài báo kế tiếp thì nhiều
phần đã bị ông Trương Minh Tuấn, Bộ Trưởng Bộ 4T ngăn chặn theo cung cách bịt
mồm bịt miệng mà Ban Tuyên Giáo vẫn làm trong các vấn đề bị coi là “nhạy
cảm”.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường - Đô thị Kỳ Anh. |
Mà “nhạy cảm” thật. Cuộc họp báo cuối
Tháng Sáu về tội ác của Formosa Hà Tĩnh đã được Ban Tuyên Giáo cố làm giảm nhẹ
khi trộn lẫn nó với những vấn đề thường tình khác, những mong sẽ chữa được đám
cháy Formosa. Nhưng cung cách đó không những không chữa cháy được mà còn làm nảy
sinh ra nhiều câu hỏi nóng bỏng khác mà báo chí trong và ngoài lề đảng vẫn liên
tục đặt ra cho đến nay.
Biết đâu chừng sự lén lút chôn giấu
chất thải bị bắt quả tang trong mấy ngày vừa qua lại chẳng là điều đã được móc
ngoặc thoả thuận giữa các quan chức với Formosa (khi lấy 500 triệu) nhưng bị lộ
khi thực hiện?
Hai vấn đề cụ thể (trong rất nhiều vấn
đề) được nêu ra dưới đây sẽ cho ngưòi ta thấy “đám cháy” Formosa chắc chắn sẽ
không thể dập tắt được như ý muốn của các quan chức cộng sản.
1/ Chỉ để cải thiện môi trường nước sinh hoạt xả
ra con kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè
ở Sài Gòn (có chiều dài hơn 8 cây cố, bề ngang vài chục mét, bề sâu vài
mét), năm 2014, thành phố này đã phải tiêu tốn đến 450 triệu đô la. Nay
vùng biển ô nhiễm chất xả thải Formosa đã được xác định có chiều dài khoảng 250
cây số, bề ngang có thể lên đến 30-40 cây số, bề sâu ít nhất cũng hàng chục mét.
Các ông quan cộng sản cầm 500 triệu đô la của Formosa và hí hửng khoe “sự
thắng lợi”. Họ sẽ làm được gì cho biển bị ô nhiễm với số tiền đó? Chưa kể vấn đề
giúp hàng triệu người dân ổn định đòi sống như họ đã hứa (và đã ăn
chặn).
2/ Báo Tiền Phong ngày 11 Tháng 7 có bài viết nhan đề: “Biển miền Trung hậu vụ
cá chết: Biển sẽ ‘ngộ độc mãn tính’?” Trong đó ,Tiến Sĩ Lê Thanh Lựu,
chuyên gia thuộc Hội Nghề Cá Việt Nam với những số liệu cụ thể của chính nhà
nước CSVN đã nhận xét rằng:
“Formosa được phép xả thải
0,585mg/lít (theo giấy phép xả thải do Bộ TN&MT cấp cho Formosa), với công
suất xả thải 45.000m 3 /ngày đêm, mỗi năm Formosa được phép xả thải ra môi
trường lượng xyanua là 9,6 tấn (phenol cũng tương tự), TS Lựu nói rằng “ít năm
nữa, không biết biển miền Trung còn gì nữa không”.
Cá chết dạt lên bờ tại ven biển miền Trung. Ảnh: Internet |
Theo vị chuyên gia này, vụ cá
chết hàng loạt vừa qua, có thể hiểu như ngộ độc cấp tính, “ăn vào lăn đùng ngã
ngửa”. Tuy nhiên, với hàm lượng các chất độc hại trên được phép xả ra biển, các
chất độc đó lan dần, tích tụ dần dần sẽ mãn tính, và khi đó không một môi
trường, hệ sinh thái nào chịu nổi, lúc đó như người bị ung
thư.
“Nếu lượng xả cho phép hơn 9 tấn
xyanua hay phenol mỗi năm, có lẽ trong vòng bán kính 50 km xung quanh miệng xả
thải sẽ không còn sinh vật nào sống được cả. Và dòng hải lưu đưa chất độc đó đi
theo dọc biển miền Trung, khó nơi nào chịu được. Do vậy, khả năng khôi phục được
tài nguyên là cực kỳ thấp, nếu tiếp tục cho xả với liều lượng trên”- TS Lựu
nói.”
******
Tóm lại, không còn nghi ngờ gì
nữa, khi Formosa Hà Tĩnh còn tiếp tục được hoạt động, “đám cháy Formosa” sẽ tiếp
tục bùng cháy, bất kể những nỗ lực ém nhẹm của CSVN.
Với sự bất lương cố hữu của CSVN và
Formosa, không có gì để bảo đảm được rằng, sau khi biển đã chết thì đất đai có
thể an toàn trước những toan tính che giấu, lén lút đầu độc đất đai mà hai bên
toa rập với nhau thực hiện.
Số tiền 500 triệu đô la Formosa trao
tay để phủi trách nhiệm sẽ chỉ là muối bỏ biển trước tầm vóc kinh hoàng của thảm
hoạ biển đã xẩy ra. Formosa tiếp tục hoạt động sẽ chồng thêm sự đầu độc mới như
TS Lê Thanh Lựu đã nhận định.
Hàng triệu người dân khốn khổ vì không
còn đất sống, và họ cũng chẳng còn gì để mất nữa, sẽ là ngọn lửa căm hờn không
thể dập tắt được. Ngọn lửa này cùng với ngọn lửa của toàn dân sẽ thiêu rụi chế
độ độc tài phi nhân trên đất nước trong một tương lai trước mắt.
Lê Vĩnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét