Với chủ trương gây hấn mỗi ngày một
thêm nghiêm trọng của Trung Quốc, yếu tố dẫn đến chiến tranh đã hiện rõ hơn mỗi
ngày. Dù cường độ mâu thuẫn chưa đủ mạnh để có thể biến thành một cuộc tranh
chấp quân sự qui mô, song việc chuẩn bị tinh thần và thái độ cần có cho một
cuộc xung đột lớn là điều cần thiết.
Nếu chiến tranh không tránh khỏi được, Việt Nam bắt buộc phải chiến đấu bằng tất cả những gì đang có để không thực sự mất nước hoàn toàn. Ai cũng hiểu rằng nhà nước Việt Nam sẽ không thể có đủ sức chống lại cuộc chiến tranh do Trung Quốc gây ra, nếu như không có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của thế giới và nhân dân. Do vậy, những người lãnh đạo đương quyền không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải cố gắng bằng mọi cách để vận động sự hậu thuẫn của các quốc gia có quan hệ quyền lợi chiến lược, và toàn thể nhân dân.
Đáng tiếc là trong thực tế, phản
ứng của các nước liên hệ chưa đủ mạnh để đưa đến một liên
minh chặt chẽ có thể
buộc Trung Cộng phải nhượng bộ ngay. Đối với nhân dân Việt Nam, sai lầm cố
hữu của đảng CSVN vẫn là cố gắng giành lấy riêng quyền chủ động giải quyết vấn
đề biến động biển Đông. Vì vậy, họ chưa vận dụng được toàn bộ sức mạnh của dân
tộc một cách hữu hiệu.
Đối với các tổ chức chính trị đối lập với đảng cầm quyền hiện nay, cuộc chiến tranh với Trung Quốc sẽ đặt từng đoàn thể trước một sự chọn lựa tế nhị về thái độ phải có. Nếu chiến tranh xảy ra, các tổ chức đối lập, đối kháng có nên cùng đứng chung với đảng CSVN chống giặc xâm lăng để bảo vệ đất nước và đồng bào hay không? Mặt khác, với vị trí hậu thuẫn nào thì sự đoàn kết chống xâm lăng là hợp lý và hiệu quả? Quan trọng không kém là làm sao để việc hợp sức chống Tàu không phải là hành động vô tình giúp chế độ CSVN tiếp tục kéo dài tình trạng độc tài toàn trị ở sau đó.
Lịch sử dân tộc ta ghi nhận rằng Việt Nam chưa bao giờ tự ý gây chiến với Trung Quốc nhưng khi đã bị xâm lăng thật sự, dân tộc Việt luôn đoàn kết để bảo vệ bờ cõi một cách thành công. Trong tinh thần đó, nếu cuộc chiến tranh Việt- Trung xảy ra lần nữa, sự thống nhất ý chí và hành động của các thành phần dân tộc sẽ là điều tất nhiên. Các tổ chức đối lập sẽ không thể đứng nhìn diễn biến đất nước bị Trung Cộng xâm lăng bằng chiến tranh một cách bàng quan. Tuy nhiên, việc hậu thuẫn chính trị chỉ xảy ra khi nhà nước đương quyền đứng lên chống giặc với một tinh thần chiến đấu rõ ràng, và đã thực sự đặt quyền lợi Tổ Quốc lên trên hết.
Có thể nói, nếu đất nước đã lâm cảnh chiến tranh và nguy cơ mất nước đã trở thành hiển nhiên, thì vấn đề lớn nhất và đầu tiên là phải làm sao để đánh đuổi xâm lăng. Trong hoàn cảnh đó, để có thể hóa giải những mâu thuẫn đang có và tạo điều kiện đoàn kết dân tộc để cùng chống xâm lăng, nhà nước Việt Nam phải chấm dứt ngay mọi chủ trương, hành động đàn áp đối lập; đồng thời trả tự do ngay cho những người yêu nước bị giam giữ vì có hành động chống Trung Quốc xâm lấn trong thời gian qua. Nói rõ hơn, chúng ta không thể chấp nhận việc nhà nước Việt Nam tiếp tục nhân danh "Tổ Quốc" để đàn áp, bắt giam những người yêu nước. Để thể hiện thiện chí hòa giải thực sự, nhà nước đương quyền cũng cần phải hủy án tù cho tất cả tù nhân lương tâm đang bị giam tù vì các nỗ lực giải trừ nạn độc tài, tham ô và bất công.
Cùng lúc đó, nhà nước Việt Nam phải thực thi đúng nghĩa và đúng mức quyền tự do ngôn luận, lắng nghe ý kiến đóng góp của các tầng lớp trí thức, nhân sĩ và những người đối lập ôn hòa. Chỉ có sự tôn trọng và với một thiện chí hòa giải thực sự thì việc đoàn kết quốc dân chống xâm lăng mới có đủ điểu kiện để trở thành hiện thực.
Đối với nỗ lực bảo vệ lãnh hải và vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự ủng hộ tinh thần cho lực lượng Hải quân, Kiểm Ngư, Cảnh sát Biển là điều tất nhiên. Cùng lúc đó, việc đòi hỏi các lực lượng quân đội cố gắng đóng đúng vai trò quốc phòng; và trong trường hợp cần phải có quyết định đặt quyền lợi của đất nước, đồng bào lên trên hết, sẽ sẵn sàng quên đảng để bảo vệ Tổ Quốc.
Tóm lại, dù đất nước phải còn thì mới có cơ hội dân chủ hóa và phát triển quốc gia song nhận thức đó không thể tách rời khỏi nhu cầu chấm dứt nạn độc tài, tham ô và bất công. Quan trọng không kém, khuynh hướng tìm kiếm sự bảo hộ của một siêu cường nào đó để hy vọng thoát khỏi sự đe dọa của một siêu cường khác… cũng không hẳn là một lựa chọn sáng suốt. Việt Nam cần phải vận dụng nhu cầu chiến lược của các nước để làm điều kiện giữ nền độc lập cho nước mình. Sự độc lập của một quốc gia phải được đặt trên nền tảng của tinh thần tự quyết. Bình tĩnh để có một thái độ đúng đắn và một quyết định khôn ngoan là một đòi hỏi trước mắt của mỗi người Việt Nam, dù là ở đâu và đang làm gì.
Nếu chiến tranh với Trung Quốc xảy ra, nhu cầu cứu nước trước nạn xâm lăng cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để đất nước thoát khỏi nạn độc tài. Trong bối cảnh đó, đảng CSVN sẽ không thể tiếp tục lệ thuộc Bắc phương và phải chấp nhận trả lại quyền lãnh đạo cho toàn dân, hoặc sẽ bị đào thải tức khắc.
Mặt khác, nếu dân tộc ta có cơ hội hòa đồng và đoàn kết thực sự, cuộc chiến tranh sắp tới, nếu có, sẽ là một bài học khó quên cho Trung Quốc. Và người dạy họ đừng nên ỷ nước lớn lấn hiếp nước nhỏ sẽ là dân tộc Việt Nam! Tất cả là do ở nhận thức, ý chí và quyết tâm của mỗi người Việt.
Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
Nguồn: www.dangvidan.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét