Ads 468x60px

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Hiểu thêm về Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Tết Đoan Ngọ đang mất dần chỗ đứng tại Việt Nam.
Photo courtesy: www.cacbaivancung.com
Ở miền Trung thường gọi với cái tên là tết Đoan Ngọ, bởi theo sách Nho thì ‘’Đoan’’ nghĩa là mở đầu, tháng 5 là tháng Ngọ và giờ Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ trưa, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ cũng là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Ở miền Đông và miền Tây Nam bộ gọi là Tết Đoan Dương bởi thời gian này cũng là lúc khí dương đang thịnh nhất trong năm.
Người miền Bắc kể truyền thuyết về tết này rằng, vào một ngày bắt đầu mùa thu hoạch cây trái bỗng nhiên không biết sâu bọ ở đâu kéo về phá hoại ghê gớm lắm. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này thì bỗng có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng, đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi và chết sạch. Lão ông còn bảo thêm: “Kể từ đầu tháng 5 về đến cuối năm âm lịch sâu bọ rất hung hăng nên cứ vào ngày này hằng năm cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất, nên để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ".
Người miền Trung thì coi tết mùng 5 tháng 5 là ngày phô trương tính dân tộc; thời vua Quang Trung ở nhiều nơi như Huế, Bình Định thường tổ chức thi thố tài năng đấu võ, nấu cơm tre, nhảy sào, đua ghe…, và có người đẹp trong làng ném chiếc bông tai, nhẫn hay 1 một thứ đồ trang sức xuống sông cho các chàng trai tìm, ai tìm được sẽ được thưởng hay lấy công nương đó làm vợ! Tết này rất trân trọng dưới thời Tây Sơn vì "Thiên hạ đại tín" và "Huynh đệ chi Binh" bắt đầu từ đó!
Người sống bằng nghề sông nước thường tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ Ngọ họ đi tắm biển, vì theo quan niệm dân gian ngày này, khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các lọai cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thày thuốc thường lên núi hái thuốc.
Người miền Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: Tháng Năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang. 
Người theo đạo Phật chính gốc gọi là ngày "Vía Bà", nên dân các nơi thường kéo nhau về núi Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh để cúng vái bà chúa Linh sơn Thánh mẫu hoặc về vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang cầu bà Chúa Sứ cho nước thịnh dân an.
Cư dân sống dọc các triền sông thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn gọi là ngày "nước quay", vì cứ theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hàng năm.
Ẩm thực ngày tết Đoan Ngọ không cầu kỳ lắm, miễn sao mâm cơm cúng nhìn sang một chút là được. Ở miền Bắc, ngày này các gia đình thường làm các món từ vịt, đặc biệt là tiết canh vịt (nhưng những năm gần đây, sau khi có dịch cúm gia cầm thì người ta hạn chế ăn). Song dường như các chợ ở miền Bắc và miền Tây Nam bộ những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ thường rất rộn rã việc mua bán vịt sống.
Hầu như bánh tro (có nhiều tên khác nhau như banh ú, bánh gio, bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương) đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ. Người ta làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi từ các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu, thường ăn với đường hoặc mật.
Rượu nếp hay cái rượu, cơm rượu cũng là món ăn được nhiều người ưa thích trong tết Đoan Ngọ vì mọi nơi đều quan niệm ống rượu hoặc ăn rượu nếp trong ngày này sẽ giết được sâu bọ phá hoại cây trồng và tiêu hủy được giun sán trong người.
Pho Ama

0 nhận xét:

Đăng nhận xét