Khu biệt thự vĩ đại của ông Trần Văn Truyền ở Bến Tre. Courtesy vtc |
Nam Nguyên, RFA
Việc phải đến đã đến, ngày 23/7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương công
bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với ông Trần Văn
Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Như vậy sau 5 tháng báo chí phanh phui
về khu biệt thự vĩ đại của ông Truyền ở Bến Tre, việc thanh tra tài sản của
người từng nắm trọng trách thanh tra ở cấp cao nhất đã khởi sự. Hạ cánh chính
trị ở Việt Nam phải chăng không còn an toàn như trước kia nữa.
Bước chuyển chống tham nhũng?
Trong hai tháng 2 và 3 đầu năm 2014, báo chí do nhà nước quản
lý đã đua nhau đăng tấm hình ngôi biệt thự nguy nga của nguyên Tổng Thanh Tra
Chính phủ Trần Văn Truyền. “Lâu đài” này tọa lạc trên khu đất 16.000 m2 ở Thành
phố Bến Tre. Từ loạt súng mở màn này báo chí còn nghi vấn ông Truyền và gia đình
đã sở hữu nhiều nhà đất khác có giá trị ở miền Tây và TP.HCM. Tệ hơn nữa khi các
đại biểu Quốc hội bật mí, nguyên Tổng Thanh tra ngay trước khi về hưu đã ký
quyết định bổ nhiệm không đúng qui trình tới 60 chức vụ quan trọng trong ngành
thanh tra.
Theo báo người Lao Động và Tuổi Trẻ điện tử, Ủy ban Kiểm tra
Trung ương cử một đoàn cán bộ đến phối hợp với tỉnh Bến Tre để kiểm tra, xác
minh toàn bộ tài sản và bất động sản của ông Truyền. Chắc hẳn công việc này khá
phức tạp để xác minh nguồn gốc tài sản có thể do người khác đứng tên, nên công
tác này sẽ kéo dài tới 90 ngày.
Qua việc kiểm tra tài sản của nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ
Trần Văn Truyền, phải chăng đã có bước chuyển trong công tác chống tham nhũng,
hay Đảng chỉ quyết định làm sau khi dư luận đã quá xôn xao.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội từ Hà Nội nhận định:
“Ở Việt Nam Luật phòng chống tham nhũng nói chung cũng đầy
đủ khi chưa có quyết định việc của nguyên Tổng Thanh tra thì luật đã có đầy đủ.
Câu chuyện ở Việt Nam là có làm hay không làm và câu chuyện ai chủ trì làm và có
làm đến nơi đến chốn hay không. Vấn đề đặt ra là ở đấy, chứ còn văn bản ở Việt
Nam không thiếu thứ gì, tất cả những qui định về dân chủ nhân quyền đến phòng
chống tham nhũng, chống quan liêu hách dịch rồi đến tiếp dân giải quyết cái này
cái khác ...không thiếu cái gì qui phạm pháp luật chứa đầy hết nhưng ai thi
hành, ai giám sát và có thực hiện đến nơi đến chốn hay không. Đó là một câu
chuyện cần phải đặt ra.”
Tài sản của ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ
có thể chẳng là gì nếu so với tài sản của các đại gia, của nổi của chìm của các
quan chức khác. Có điều ông Truyền bị báo chí phanh phui và với tốc độ của công
nghệ thông tin ngày nay, câu chuyện trở nên trầm trọng. Những người am hiểu thực
tế Việt Nam cho rằng, kẻ có chức có quyền khi đã tham nhũng thì cũng biết cách
cất dấu, sang tay cho người thân rất khó phát hiện.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa người miệt mài đi tìm sự công khai minh
bạch trong giáo dục và thi cử nhận định:
“Theo tôi chuyện để cho chính quyền này tự nhiên mà đi kiểm
tra tài sản của nhau là chuyện không bao giờ xảy ra. Đấy chính là áp lực của báo
chí mà báo chí nêu cách đây bao nhiêu tháng rồi bây giờ họ mới chịu rờ vào, một
điều rất phổ biến trong xã hội này. Cho nên muốn có những thay đổi mang tính
công khai minh bạch theo yêu cầu kê khai tài sản cá nhân từ thời Tổng Bí thư Lê
Khả Phiêu đưa ra cách đây mười mấy năm, thì rõ ràng Việt Nam còn lâu mới làm
được. Kiểm tra ông Trần Văn Truyền những 90 ngày đấy, nhưng chắc rồi cũng lại
chìm xuồng thôi.”
Ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, trong một phiên họp khi còn đương chức. File photo. |
Có phải là con “cá lớn”
Vụ kiểm tra xác minh tài sản của nguyên Tổng Thanh Tra Chính
phủ Trần Văn Truyền, một người đã về hưu mà dân gian thường gọi là hạ cánh an
toàn, dẫn tới các ý kiến cho rằng Việt Nam phòng chống tham nhũng không có kết
quả, các vụ việc đưa ra ánh sáng thường là không phải là con “cá lớn”. Phải
chăng cần có sự thay đổi thể chế triệt để thì mới có thể phòng chống tham nhũng
có hiệu quả và thực hiện công khai minh bạch được tốt. Thí dụ như Tư pháp, Hành
pháp, Lập pháp phải độc lập và có thể giám sát lẫn nhau. Luật sư Trần Quốc Thuận
nhận định:
“Độc lập của các cơ quan tư pháp thì Việt Nam ở trong chế độ
toàn trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự độc lập đó chì có tính cách tương đối
thôi chứ làm sao mà có độc lập trên thực tế được. Bởi vì tất cả những người đứng
đầu các cơ quan đó tất cả đều là đảng viên cả, không có người nào trong ngành
tòa án, viện kiểm sát rồi công an ở vị trí lãnh đạo quyết định mà là người ngoài
đảng cả. Dĩ nhiên phải điều hành bởi một tổ chức thống nhất đó là lãnh đạo của
Đảng. Cho nên vấn đề đó ở Việt Nam là hơi sớm, bởi vì nó không phù hợp với thể
chế chính trị của Việt Nam hiện giờ.
Vấn đề đặt ra ở đây là những luật những quyền, nhân quyền ở
Chương II của Hiến pháp phải triển khai, nhưng mà triển khai rất chậm. Kể cả
Luật biểu tình cũng nói đi nói lại mãi, quyền Lập hội cũng treo ở đó. Rồi quyền
được cung cấp thông tin, tự do báo chí v…v. Tất cả những quyền đó nếu được triển
khai trong một thể chế như thế này và người dân có những quyền đó, thì đó cũng
là những phương tiện rất tốt để bóc tách những người tham nhũng, tham ô ra khỏi
bộ máy công quyền, thì người dân đỡ khổ hơn.”
Những người dân bình thường như nhà giáo Đỗ Việt Khoa suy nghĩ
thế nào về sự độc lập cần phải có của các ngành tư pháp, hành pháp lập pháp. Nhà
giáo Đỗ Việt Khoa phát biểu:
“Vừa rồi những người có tiếng nói độc lập, những trang mạng
đấu tranh dân chủ yêu cầu Việt Nam phải có tam quyền phân lập… lập tức những tờ
báo của chính phủ lý luận ngược lại bảo rằng Việt Nam không cần tam quyền phân
lập. Tôi đã từng nghe cách đây vài ba năm, có phóng viên nước ngoài phỏng vấn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: ‘Việt Nam có nên đa đảng không?’, Tổng Bí thư
trả lời rằng: ‘Nhân dân Việt Nam chưa cần đa đảng’. Chả biết các ông có hỏi nhân
dân bao giờ chưa, nhưng các ông ấy kết luận như vậy.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng độc đảng đi kèm với độc quyền và
đặc quyền đặc lợi. Ông nhấn mạnh:
“Chính cái sự độc quyền ấy mà ta gọi là đặc quyền đặc lợi
trong giới lãnh đạo của Đảng là cái sẽ làm mọt ruỗng Đảng, làm mọt ruỗng chính
quyền và nó làm mất niềm tin của nhân dân. Cần nhớ rằng chính cái đặc quyền đặc
lợi trong Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô trước kia đã làm Liên Xô sụp đổ,
thì Việt Nam và các nước cộng sản khác trước sau rồi cũng sẽ như vậy.”
Ông Trần Văn Truyền từng là Tổng Thanh Tra Chính phủ, cấp bậc
của ông ngang hàng Bộ trưởng, nhưng ông có trong tay thanh “Thượng phương Bảo
kiếm” các ban ngành, doanh nghiệp nhà nước hay các địa phương đều sợ uy và sợ
cái moi móc khi bị kiểm tra. Thí dụ bây giờ Thanh tra Chính phủ vào cuộc về vụ
đường ống dẫn nước Sông Đà do Tổng Cty Vinaconex thực hiện, đã bị bể 9 lần, thì
chắc hẳn rất nhiều chuyện bê bối được phanh phui.
Lúc còn tại chức Tổng Thanh Tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Chuyện
người chống tham nhũng có tham nhũng hay không để hậu xét, nhưng một cách thuần
lý ông Truyền không thể có khả năng tạo lập tòa biệt thự nguy nga trên vùng đất
rộng tới 16.000 mét vuông bằng đồng lương của mình, chưa kể những tài sản khác,
cho dù ông có nhịn ăn cả đời.
Câu chuyện của ông Trần Văn Truyền không phải là duy nhất, các
quan chức của chế độ toàn trị, từ cao xuống thấp nếu phải công khai tài sản thì
hoàn cảnh của họ cũng không khác gì ông Trần Văn Truyền. LS Trần Quốc Thuận cười
sảng khoái và nói, hạ cánh an toàn hay không an toàn nó được điều chỉnh bởi một
quan hệ pháp luật khác. Đó là hiệu lực pháp luật của những sai phạm, cho nên sai
phạm trị giá lớn cỡ nào thì thời hiệu pháp luật sẽ có mức tương ứng. Pháp luật
có thừa nhưng vấn đề là thực thi nó như thế nào, ai phạm tội và ai là người giám
sát.
Thật ra đây là câu chuyện vui của người dân Việt Nam, ông Trần
Quốc Thuận nhấn mạnh luật pháp và dân quyền có đủ nhưng không thi hành, nó giống
như câu chuyện Đảng và nhà nước ban cho người dân cái Thiên Đàng nhưng không cho
cái thang để leo lên.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét