Ads 468x60px

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Trọng người thực tài thì không phải bận tâm về hình thức đào tạo!

Tô Văn Trường
Vấn đề nhân sự là nguyên nhân của hàng loạt nguyên nhân! Lục ra, xới lên thì chỗ nào cũng lủng cà, lủng củng. Qủa thật, việc nhặt những hạt sạn ra khỏi gạo đã khó khăn nhọc nhằn, huống hồ lại phải… lựa tìm từng hạt gạo trong đống sỏi.
Tranh biếm hoạ. Nguồn: giaoduc.net.vn
Từ xa xưa, người ta vẫn kỵ chữ nửa: nửa vời, nửa chừng … và còn thậm tệ hơn, như một lời nguyền rủa “nửa đời, nửa đoạn!" 
Vậy mà, ngày nay có bao nhiêu thứ đang ‘ứng’, đang ‘khớp’ với cái nửa chết tiệt ấy! Khôn chẳng bằng ngoan, cử chẳng cần thi, không ‘lách’ được thì đừng có viết… 
Cái từ ghép giả dối thì ngày nay người ta chỉ săm soi vào cái sự giả, còn những cái dối thì phơi bày nhan nhản ra đó! Cái thứ bằng cấp ‘dối’ này khó phân loại vô chừng. Đã vậy, những người đứng ra tuyển lại nhằm vào phe cánh hơn chức năng công việc! 
Cách đây nửa thế kỷ, trong việc kiểm tra tay nghề, bậc thợ đã có quy định: thợ bậc 6, bậc 7 (bậc cao nhất trong 7 bậc thợ) phải do các chuyên gia của Bộ chủ quản về mở kỳ kiểm tra sát hạch. Mà đó mới chỉ là tuyển thợ bậc cao chứ đâu đã phải là tuyển cán bộ chuyên trách, chuyên ngành.
Còn chuyện cử đi học và khi học xong về cơ quan thì còn éo le hơn nhiều lắm, vì mục đích người ta học là để … có “nhãn mác”, để … làm quan chứ đâu phải học để làm! Cái sự học và thi cũng đã từng phải bươn chải bao nhiêu đoạn trường - thuở xa xưa ‘học tài thi phận’, rồi ‘học tài thi lý lịch’, rồi ‘học tài thi bố mẹ’, cho đến bây giờ là ‘học tài thi … tiền’! Tuyển nhân sự mà dựa vào những chuẩn mực như ngày nay, khác nào ‘giao trứng cho ác’! 
Vừa qua, một số địa phương đang có phong trào ‘tẩy chay’ hệ tại chức trong việc tuyển nhân sự. Có ý kiến cho rằng đây là việc làm trái pháp luật và không khoa học. Với các lý do: Đây là hệ đào tạo nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia và được nhà nước công nhận có giá trị tương đương với các hệ đào tạo khác. Thứ hai, tất cả việc tuyển chọn nhân sự đều có kỳ tuyển trạch sát với nhu cầu cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Vì thế, nếu từ chối loại hình đào tạo tại chức là thiếu công bằng, không khoa học. Đó là chưa nói, đề cập đến sự thật chất lượng bên trong giữa các loại hình đào tạo: từ xa, và nhất là so với một số bằng cấp có được trong thời kỳ trước đổi mới (tức thi theo xếp hạng ‘đối tượng’)
Một lớp học tại chức. Nguồn: vietnamnet.vn
Đây là bài toán khá phức tạp, phải đi từ công tác xây dựng hệ thống tổ chức để rồi đi đến xác định tiêu chuẩn về nhân sự. Có thể lấy ví dụ dễ hiểu như sau:
Trước hết, phải xác định hệ thống tổ chức gồm cơ cấu và cơ chế vận hành của hệ thống. Chẳng hạn như trước hết phải có chiếc xe hơi. Sau đó, mới xác định là người cầm lái chiếc xe đó phải có những tiêu chuẩn gì. Còn người (hoặc hàng hóa) đi cùng là người như thế nào? Nếu là xe con của cá nhân thì chủ xe tự lái hay thuê người lái ? Hệ thống tiêu chuẩn của người lái xe con tư nhân khác hệ thống tiêu chuẩn của người lái xe khách (xe taxi, xe bus,...). Trong hệ thống đó, bằng cấp chỉ là một tiêu chuẩn nhưng không phải là tiêu chuẩn duy nhất. Những tiêu chuẩn khác là những tiêu chuẩn gì?
Với người lái xe thì như vậy và đối với việc lựa chọn cán bộ cũng phải giải quyết các vấn đề cụ thể về hệ thống tiêu chuẩn, do đó không thể chỉ nhìn đến bằng cấp chưa kể là có sự phân biệt giữa bằng của các hệ học khác nhau (chính thức tập trung, tại chức, ....).
Tình hình đội ngũ cán bộ của Việt Nam có nhiều khuyết điểm, sai sót được ghi nhận. Thế nhưng hệ thống cơ quan tổ chức, hệ thống các trường, đã có giải pháp gì để khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót đó không? Nói chung, phải đi từ vấn đề ở phạm vi vĩ mô chứ không thể đi từ vấn đề cụ thể như ‘tẩy chay hệ tại chức’!
Học tại chức không phải là không tốt cho việc nâng cao kiến thức, ngược lại còn rất cần. Tôi được người có trách nhiệm kể lại thông tin về vợ chồng hai người Việt đang làm việc cho tổ chức rất có uy tín về nghiên cứu không gian của Mỹ (Nasa), lúc đầu mới có bằng đại học, sau học tại chức mà trở thành tiến sĩ và đang giữ vị trí quan trọng ở Nasa. Vấn đề là chương trình dành cho đối tượng học tại chức như thế nào? Nếu là học phần thì là thực tế, vì học viên chỉ cần bổ túc những gì mình thấy thiếu trước đây, thời gian không lâu, kết quả đảm bảo phù hợp với yêu cầu. Ở một số nước công nghiệp tiên tiến cũng có loại hình đào tạo này, và học viên được hưởng chế độ học có thảo luận nhiều, có thực tập trên mô hình thực tế.
Quan trọng là học để làm gì. Nếu chỉ để lấy bằng, nhất là những bằng cao học trở lên, dựa vào bằng mà tiến thân thì không tránh khỏi nhiều cách gian dối, không phải thực học. (Điều này cần đặt ra đối với mọi cách học, kể cả chính quy, nhưng học tại chức thường dễ đi ngang về tắt hơn). 
Khuynh hướng sính bằng cấp một phần cũng do việc tuyển chọn, đề bạt chỉ căn cứ vào bằng cấp chứ không nhìn vào thực tài. Trong một bài trả lời phỏng vấn tháng 10-2012, GS Trần Văn Thọ ở đại học Waseda Nhật bản nói đại ý như sau:”Chừng nào quan chức, lãnh đạo trong bộ máy nhà nước chưa xem tiến sĩ, giáo sư là những học hàm, học vị chỉ dành cho những người nghiên cứu hoặc giảng dạy ở các viện nghiên cứu, ở các đại học thì kinh tế khó phát triển và giáo dục cũng bị ảnh hưởng xấu.”
Bằng tại chức bị từ chối tuyển dụng. Tranh minh hoạ. Nguồn: kenhtuyensinh.vn
Có thông tin cơ quan nội vụ cấp tỉnh không tuyển người học tại chức. Sở dĩ, người ta tẩy chay bằng cấp tại chức là vì cho rằng chất lượng nói chung quá kém, đào tạo quá ẩu. Nhưng cũng có ý kiến tại sao chỉ nhìn vào hình thức đào tạo, không nhìn vào thực tài? Có khó gì đâu nếu tuyển người không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà còn qua phỏng vấn. Khi những người phỏng vấn giỏi chuyên môn thì chắc chắn đánh giá được thực tài. 
Nếu việc tuyển chọn và đề bạt cán bộ được chấn chỉnh tốt, coi trọng người thực tài thì không phải bận tâm về hình thức đào tạo và sẽ buộc công tác giáo dục đào tạo phải chấn chỉnh để bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.
Nói cho hết lẽ thì trong mọi trường hợp, bằng cấp chỉ là một yếu tố để cân nhắc, cái chính là phải xem năng lực thực tế. Vậy nếu bằng tại chức nhưng năng lực khá thì vẫn phải xét chứ. Cho nên về nguyên tắc không nên và không cần tuyên bố chính thức tẩy chay bằng tại chức dễ gây thắc mắc. Chỉ cần trên thực tế đối xử với bằng cấp, không chỉ với bằng tại chức mà với mọi bằng cấp, đúng như giá trị thật của nó trong từng trường hợp cụ thể. Rất khó, nhất là trong xã hội hiện nay, nhưng không có cách nào khác! 
Tô Văn Trường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét