Quốc lộ 20 trong tình trạng khó có thể tưởng tượng đó là “quốc lộ” nhưng xe cô vẫn phải trả phí cho chủ đầu tư. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn) |
Chủ
đầu tư quốc lộ 20 sẽ không được thu phí sử dụng quốc lộ 20 nếu không
hoàn thành việc sửa chữa con đường này trước ngày 30 tháng 9-2014.
Đường hư phải sửa
mới được thu phí tưởng như đương nhiên nhưng bây giờ mới áp dụng ở Việt
Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam cấm chủ đầu tư công trình giao thông thu phí
vì công trình giao thông hư hỏng, không an toàn là hôm 10 tháng 7-2014.
Vào ngày đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu ngưng thu phí đối với
xe cộ sử dụng đường hầm băng qua đèo Ngang do mặt đường được mô tả là
“nhìn không còn như mặt đường và không còn an toàn”. Cơ quan này cho
biết việc thu phí đối với xe cộ sử dụng đường hầm băng qua đèo Ngang sẽ
được xem xét sau khi chủ đầu tư sửa chữa xong công trình giao thông này.
Tương tự, quốc lộ 20 – con đường nối quốc lộ 1 với Đà Lạt tuy nát bét
từ lâu, biển báo giao thông không có, nếu có thì sơn không còn rõ để
biết đó là biển báo chuyện gì, chưa kể hệ thống thoát nước vô dụng nên
mặt đường thường xuyên bị ngập sâu, ngập lâu. Chất lượng của quốc lộ 20
tệ đến mức, xe cộ rất khó di chuyển nên thường xuyên kẹt xe và chỉ trong
tuần đầu tiên của tháng 7, có đến hai vụ tai nạn giao thông, khiến hai
người chết chỉ vì đường quá xấu.
Tuy nhiên chủ đầu tư không thèm sửa mà chỉ thu phí. Chủ đầu tư và nay
đang khai thác quốc lộ 20 là ba công ty, trong đó có một công ty thuộc
Bộ Quốc phòng CSVN.
Đầu tư vào các công trình giao thông để thu phí được xem là một lĩnh
vực kinh doanh giúp hái ra tiền tại Việt Nam. Điểm đáng nói là chủ đầu
tư luôn được biệt đãi dù chất lượng những công trình giao thông được
thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác - chuyển giao) rất
tệ. Tại Việt Nam, công trình giao thông đang xây dựng đã được thu phí,
vừa xây dựng xong đã hư vẫn có thể thu phí, hư hỏng nặng nề không hề sửa
chữa song không miễn phí đã trở thành điều bình thường.
Ví dụ tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dù chỉ mới hoàn thành 1/10
tổng chiều dài nhưng xe cộ qua lại trên đoạn Nội Bài - Tam Dương (Vĩnh
Phúc) phải trả phí 1,500 đồng/km. Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, có
những đoạn mà “ổ gà” rộng cả mét, sâu hơn 10cm nhưng xe nào vào đó cũng
phải trả phí.
Mãi đến gần đây, do bị công chúng chỉ trích dữ dội, Bộ trưởng Giao
thông – Vận tải của Việt Nam mới đi thị sát và kết quả của chuyến thị
sát này là yêu cầu thực hiện điều lẽ ra là đương nhiên: Đường hư thì
không được thu phí.
Xe cộ tại Việt Nam không chỉ phải trả phí cho những công trình giao
thông được đầu tư theo hình thức BOT mà còn phải trả phí cho những công
trình giao thông thực hiện bằng tiền thuế do mọi người góp vào.
Hồi tháng hai vừa qua, không riêng dân chúng mà nhiều chuyên gia vừa
chưng hửng, vừa phẫn nộ trước đề nghị mà chính quyền Hà Nội gửi chính
quyền trung ương: Cho phép thu phí đối với các phương tiện qua lại trên
đại lộ Thăng Long.
Lúc đó, ông Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia giao thông cho rằng, các
loại thuế, phí của Việt Nam quá khủng khiếp và khiến cả thế giới kinh
ngạc. Theo ông Thủy, đại lộ Thăng Long là công trình công cộng, đầu tư
bằng ngân sách để phát triển giao thông công cộng nên không thể bày ra
chuyện thu phí. Mặt khác, tất cả các phương tiện giao thông đều đã phải
đóng phí bảo trì đường bộ nên không thể chặn đường để thu phí trên một
công trình công cộng vì làm như thế là tạo ra tình trạng “phí chồng
phí”.
Chẳng phải chỉ có các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương mà Bộ
Giao thông Vận tải của chế độ Hà Nội cũng tận tậm, tận lực thu phí. Báo
chí Việt Nam cho biết, trung bình mỗi xe hai bánh gắn máy và xe hơi tại
Việt Nam phải gánh mười loại phí. Một viên thứ trưởng của Bộ Giao thông
Vận tải thừa nhận mỗi “đầu xe” tại Việt Nam đang phải đóng hàng chục
loại thuế, phí nhưng thề là “không có khoản nào chồng lên khoản nào”.
Cũng theo báo chí Việt Nam, do Bộ Giao thông Vận tải than rằng, năm
nay, vẫn còn thiếu 13,000 tỉ để sửa chữa, duy tu các công trình giao
thông nên chuyện tận tâm, tận lực thu phí sẽ “quyết liệt” hơn. Cách nay
vài tháng, Bộ này trình cho Thủ tướng Việt Nam dự thảo một đề án gọi là
“phát triển hợp lý các phương tiện giao thông”, theo đó, các phương tiện
giao thông sẽ phải đóng thêm hai loại phí là “phí lưu hành nội đô” và
“phí trông giữ xe”.
Người ta ước đoán, nếu Thủ tướng Việt Nam gật đầu với đề án này, mỗi
năm, mỗi xe hơi tại Việt Nam phải trả khoảng 70 triệu đồng và mỗi xe hai
bánh gắn máy phải trả 31 triệu đồng/năm. (G.Đ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét