Ads 468x60px

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Vu Lan, mùa báo hiếu

Trần Trọng Khoái
Phật Giáo chủ trương nhân quả theo nhau như hình với bóng, nghĩa là người gây nhân lành ắt sẽ hưởng quả tốt, ngược lại kẻ tham lam, vị kỷ, độc ác... chỉ biết lợi mình, không kể đến hậu quả làm phiền lụy khổ đau cho tha nhân, rộng ra là cả sinh linh vạn loại, đương nhiên sẽ gặp những phiền toái, chịu đựng những trách móc, oán hận của những nạn nhân, hay khi xả bỏ cuộc sống sẽ lãnh sự trừng phạt trong 3 ác đạo mà thế nhân hay tín ngưỡng nào cũng nghĩ bàn để khuyến miễn người đời phải lo tu thân hành thiện, làm đẹp nhân sinh. Mùa Vu Lan báo hiếu phát xuất từ đức Mục Kiền Liên kiếm tìm, thăm viếng rồi giải thoát mẹ ngài khỏi cảnh giới ngạ quỷ, có từ thời đức Phật còn tại thế; văn hóa thế nhân có từ khi loài người hướng về nẻo thiện. Gần chúng ta là văn hóa Á Đông, lấy nhân luân làm căn bản: Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, thì hạnh hiếu trước nhất:
“Hiếu vi bách hạnh chi nguyên,
 Dân ư vạn ác chi thủ”
đại ý là:
“Hiếu kính đứng đầu trăm nết đẹp.
Nhân mùa Báo Hiếu, chúng tôi tìm hiểu xuất xứ về kinh Vu Lan, ngày Tự Tứ, luận về lẽ đạo tình đời và chữ Hiếu, mong phát huy truyền thống cao đẹp và mỹ tục thuần phong của quê hương, dân tộc và Đạo Pháp.
Kinh Vu Lan: Một trong 6 phẩm của bộ Tam Bảo, thường trì tụng và phổ biến trong các Tự Viện hiện nay là: Kinh Kim Cang Bát Nhã, Kinh Kim Cang Thọ Mạng, Kinh Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn và Vu Lan. Kinh Vu Lan do đức Thích Ca Mâu Ni khen ngợi ngài Mục Kiền Liên, là đại đệ tử hiếu hạnh đệ nhất của Như Lai. Ngài Mục Kiên Liên nguyên là giáo chủ cuả Bái Hỏa Giáo, được lên ngôi vị cao quý đó là do sự hỗ trợ khá tích cực của mẹ ngài là bà Thanh Đề. Bà thuộc giai cấp quý tộc ở Ấn Độ, muốn cho con hiển đạt và có danh vọng hơn người, nên đã tận dụng tiền tài thế lực, kể cả việc trừ khử các đối thủ, gây tội lỗi với người đương thời, xúc phạm đến các thánh nhân hiền triết, do đó sau khi chết bà phải đọa vào Vô gián địa ngục, làm kiếp ngạ quỷ, khốn khổ triền miên. Cũng có truyền thuyết cho rằng thuở trước bà Thanh Đề là điền chủ khá nhiệt tâm với nhà chùa. Bà dành một ít nông phẩm rồi chọn lọc tinh vi để tiến cúng. Vị Trú Trì quán biết thiện chí của thí chủ nhưng bận tham dự một Phật sự cần thiết, đã giao phó sự thù tiếp cho vị đại diện nhà chùa với lời căn dặn ân cần là hôm sau có nhà đại thí chủ viếng chùa và cúng dường phẩm vật trang trọng. Đợi mãi không thấy quý khách, mà chỉ có bà nông dân đến cúng gánh nếp, nên nhà chùa không mấy trân trọng, làm cho thí chủ bất mãn ra về, rồi sinh tâm đố kỵ. Từ đó bà hận chốn già lam, chán ghét tăng ni, nên tổ chức Trai Tăng bằng thịt thú và ngũ tân nhồi trong nhân để phá giới Chư Vị. Tăng chúng đã dự phòng để bánh trái vào tay áo khá rộng mang về kiểm chứng rồi chôn cất, chỉ dùng trà để hồi hướng công đức! Có thể tâm sân hận này là thông bệnh của thế nhân, mà người cố chấp như bà Thanh Đề tác tạo việc phá giới phạm trai Tăng chúng phải gánh chịu quả báo! Qua câu chuyện này, Phật tử chúng ta cần phá chấp, không quan tâm đến hơn - thua - thù - bạn hay chuyện nhân - ngã - bỉ - thử làm bận tâm vô ích; thậm chí quan niệm việc cúng dường, bố thí là “tâm nguyện” hay “thi ân bất cầu báo” tức là biếu tặng tha nhân với lòng từ mẫn, không quan tâm đến việc cảm ơn, vấn đề hồi báo của Ban Tổ Chức cốt phân minh trong công tác, chứ người tiếp tay giúp đỡ là “tùy duyên”. 
Đức Mục Kiền Liên là một hiền giả không ham danh vọng và địa vị riêng tư, ngài luôn kính hiền trọng đạo, nghe tiếng thấy hình và biết giáo lý đức Phật siêu tiền khoáng hậu, nên tôn giả đưa tín chúng đến xin quy y, thọ giáo Phật Đà. Do thần thông trị huệ tuyệt vời (a), thấu triệt lý nhân quả và ghi nhớ lời Phật dạy về ân đức sinh thành, Tôn Giả quán chiếu thấy mẹ đang thọ khổ nơi âm cung, Ngài đích thân đến viếng và dâng cơm cho mẹ. Tâm lý người đói thấy ăn, tánh vị kỷ tự phát, bà sợ chúng ma cướp giật nên che giấu để tận hưởng với tâm trạng tham luyến tự thuở nào, thêm nghiệp lực nặng nề của tội hồn trong cảnh giới ngạ quỷ vốn không cho phép họ thọ dụng các phẩm vật bất cứ từ đâu đến! Có thể cơm trắng hóa lửa hồng là lửa tam độc tham - sân - si tự tiền căn chưa dứt ? Hay ngạ quỷ thấy cơm đều muốn ăn nhưng thân tâm tiều tụy thì cháo cơm đâu phải là vật có thể dùng được ? Trước thâm tình mẫu tử Tôn Giả rất bi lụy nhưng nhân quả rõ ràng, nên Ngài cũng đành chịu. Ngài giã từ mẫu thân, trở về bạch Phật, xin tế độ mẹ hiền. Phật dạy: Mẹ ông tội lỗi sâu dày, mặc dù ông phước trí trang nghiêm, hiếu hạnh vẹn toàn nhưng chưa chuyển hóa được, nên phải nhờ vào sức chú nguyện của mười phương thánh tăng trong ngày Tự Tứ vào giai tiết Vu Lan. Nhân ngày Chư Phật hoan hỷ, chúng Tăng tự tứ, ông nên phát tâm tác tạo phước duyên, cúng dường bố thí, hoằng pháp lợi sanh... để nhờ công đức tinh tu tịnh hạnh sau mùa An Cư Kiết Hạ nên nguyện lực của Chư Vị càng cao, hồi hướng công đức để chuyển hóa tội lỗi của mẹ ông. Khi tội hồn đã tỉnh ngộ thành khẩn sám hối, niệm Phật cầu vãng sanh thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, chư Phật và Bồ Tát cũng đều hoan hỷ phóng quang tiếp dẫn về Tây Phương An Lạc Độ của Phật A Di Đà. Các Phật Tử vì kẻ mất người còn mà thành khẩn thực hành hạnh lợi tha thì Cha Mẹ nhiều đời, gia thân quyến thuộc, rộng ra là thân hữu đồng hương hay các giới hữu tình cũng sanh tâm hoan hỷ, dũng tiến trên đường đạo là tạo nhân lành hay tạo sẵn tư lương rất cần cho mai hậu, những người quá cố, thập loại cô hồn cũng quân triêm thắng phước. Ngài Mục Kiên Liên và đại chúng “y giáo phụng hành”, hiếu hạnh của thế nhân khởi đầu từ đó: 
“Hoài vọng Tứ Thân, tinh thần hiếu kính;
Hưng long Tam Bảo, ý niệm tu trì”
Mùa An Cư và Ngày Tự Tứ: Tăng đoàn của Phật thường đi du hóa bốn phương, lúc bấy giờ sự giao thông liên lạc rất đỗi khó khăn và mùa hè ở Ấn Độ mưa gió triền miên, côn trùng sinh nở, đi lại dẫm đạp làm thương tổn sinh mạng của chúng, nên Phật chế ra lối “An Cư Kiết Hạ” để các tăng đoàn tu học tại chỗ, thực hiện nếp sống lục hòa, thanh tịnh trang nghiêm, trau giồi giới đức, ôn cố tri tân hay sáng tác văn phẩm ghi lại trên lá bối, sau này được chép thành sách lưu di hậu thế (bối diệp kinh văn). Sau 3 tháng An Cư thì làm lễ Tự Tứ để Chư Vị tự kiểm điểm công hạnh của mình, cầu Phật chứng minh, cầu thầy bạn góp ý xây dựng để thăng hoa trên đường tu tiến. Phật Giáo Bắc Tông thường làm lễ nhập hạ sau ngày Phật Đản và Tự Tứ xuất hạ vào mùa Vu Lan. Giờ ở nước ngoài tăng ni ít, phải cung ứng nhiều Phật sự địa phương, chu toàn nhiều nhu cầu cần thiết, lo hướng dẫn tu học của thập phương tứ chúng, tạo tự độ tăng (b), nặng về từ thiện xã hội, làm đẹp nhân sinh... Do đó Chư Vị trong Hội Đồng Giáo Phẩm cần thay đổi thời gian An Cư, hợp với hoàn cảnh hiện tại, nhưng nội dung vẫn là mùa Tu Học tinh chuyên, trang nghiêm phẩm hạnh của hàng Tăng Sĩ là “tùy duyên bất biến”. Mỗi kỳ hạ như thế được tính một tuổi đạo. Chư Tôn Giáo Phẩm thường tính thâm niên tu trì và hành đạo bằng hạ lạp, đương nhiên sau mỗi khóa tu, uy đức Chư Vị càng tăng, tinh thần vững tiến, lo thượng hoằng hạ hóa (c) thì chư Phật chứng minh, nên giai tiết Vu Lan còn gọi là ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng tự tứ, ngày siêu độ hương linh, ngày hiếu của thế nhân...
Ngày Bông Hồng cài áo: Theo lời Phật dạy và truyền thừa hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Liên cùng các Thầy Tổ, gần đây rút mỹ tục tặng hoa của các quốc gia trên thế giới, người ta tổ chức cài hoa hồng cho nhau trong thắng hội Vu Lan nói lên sự cung kính tứ thân người đối diện với mình. Những ai còn mẹ sẽ được cài hoa hồng thắm, ngụ ý chúc thọ bậc cao niên trưởng thượng và mừng người trực diện vui vẻ với từ thân. Những ai mất mẹ sẽ cài hoa hồng trắng với thành ý nguyện cầu người quá vãng được thanh thoát tiêu diêu nơi Lạc Quốc và nhắc nhở nhau tác tạo phước duyên, hồi hướng công đức cho kẻ mất người còn được quân triêm thắng phước.
Mùa Vu Lan luận về tình đời lẽ đạo: 
1. Kinh điển Phật giáo thường đề cao hiếu đạo: “Tâm hiếu là tâm Phật; hạnh hiếu là hạnh Phật, hay lời Phật dạy: “Người quên ơn dù đứng bên cạnh ta vẫn xem như cách ta nghìn dặm”. Phải chăng Phật Giáo thường đặt nặng “bốn trọng ân” mà ân cha mẹ là hàng chính yếu, luôn canh cánh bên lòng mới hợp tình đời, dễ cảm thông với Đạo Pháp.
2. Các bậc tiên nho đã đề cao ân đức Tổ Tông, ý chí Cha Mẹ qua thành ngữ “mộc bổn thủy nguyên” đại ý là cây có gốc, nước có nguồn thì con người phải nhớ đến Tổ Tông, Ông Bà, Cha Mẹ. Do đó, chúng ta phải cẩn trọng trong nếp sống, trong mỗi việc làm để bảo tồn gia phong, làm gương tốt cho anh em, con cháu: 
“Tổ đức Tông công nghìn đời rực rỡ;
 Con hiền cháu thảo muôn thuở đẹp xinh.”
hay:       “Rể thảo dâu lành, thế tình hoan hỷ;
      Mẹ hiền con hiếu, gia đạo hưng long.”
3. Các nhà văn Âu Mỹ đã đề cao ân đức sinh thành.
- “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo là quả tim của người mẹ” (Bersot)
- “Nơi ẩn náu vững chắc nhất là cung lòng người mẹ” (Floriand)
- “Trong đời con có những ngày buồn thảm, nhưng buồn thảm nhất là ngày con mất mẹ !” (Amicis)
- Cha tôi luôn khích lệ việc làm của tôi. Người khuyến miễn tôi cẩn trọng về lời nói: “Mỗi khi con vô tình nói điều gì xấu xa về người khác, điều xấu xa ấy nó phản ảnh con người của con” (Richard Branson)
- Lễ Mother’s Day: Mục sư Anna Jarvis là một nữ giáo viên vận dụng khả năng hiện hữu để tổ chức đại lễ truy niệm ngày mẹ qua đời. Khởi đầu chỉ thu gọn ở Philadelphia, nơi Bà coi việc quản lý văn phòng cho một hãng bảo hiểm. Mãi đến năm 1914 được Tổng Thống Woodrow Vilson chấp nhận thành lễ Mother’s Day của Hoa Kỳ vào Chủ Nhật thứ nhì tháng May.
- Lễ Father’s Day: Do đề xuất của bà John B. Dodd ở Spokane, Washington từ năm 1910. Sau đó ngày lễ các bậc thân sinh đã được vị Thị Trưởng Spokane chấp nhận. Năm 1924 được Tổng Thống Calvin Coolidge đồng ý hỗ trợ. Mãi đến năm 1966, lễ Father’s Day được tổ chức hàng năm vào Chủ Nhật thứ ba tháng June trên lãnh thổ Hoa Kỳ, do đạo luật số 92-278 ngày 24 tháng 4 năm 1972.
- Qua cặp đối thờ Cha Mẹ:
“ PHỤ ĐỨC SANH THÀNH, SAN NHẠC TRỌNG;
  MẪU ÂN CÚC DỤC, HẢI HÀ THÂM.”
Chúng tôi phỏng dịch:
“CÔNG CHA GẦY DỰNG, TỢ NON CAO;
 ÂN MẸ DẠY NUÔI, NHƯ BIỂN CẢ.”
Người Á Đông có câu: “ Cù lao chín chữ vàng son ghi lòng” hay trong bài thơ “Dâng Mẹ” vào mùa Vu Lan 1963, Hòa Thượng Thích Quảng Độ ngậm ngùi tưởng nhớ Mẹ hiền sống đơn bạc xa xăm:
“Vu Lan đến, cõi lòng con quạnh quẽ,
Bóng người xưa, như phảng phất đâu đây.
------------------------------------------------
Phương trời này, con ngậm ngùi rơi lệ,
Đức cù lao, muôn một trả chưa xong!”
Đức cù lao hay chín chữ cù lao là nói chung về công lao khó nhọc mà hai đấng sinh thành phải chăm lo cho con trẻ như bà mẹ cưu mang cần gìn giữ thai nhi cẩn thận, khi sinh nở phải chu toàn, rồi cho con bú mớm, lo sữa nước cháo cơm, giữ gìn đùm bọc, che gió chắn mưa, nhường khô nằm ướt. Cha mẹ thường quên mình chống đỡ những bạo lực bất cứ từ đâu đến để bảo vệ cho con. Con trẻ lớn dần, cha mẹ phải làm lụng vất vả để có tiền mua áo xống, mua học cụ, sắm đồ chơi, chuẩn bị thuốc men bảo toàn sức khỏe … Dành thì giờ dạy dỗ con thơ từng cử chỉ, hành động, tập tánh vui vẻ hồn nhiên, nói năng lịch thiệp lễ độ. Nói chung cha mẹ phải yêu thương, đoái hoài, truyền cảm giúp con trẻ vui vẻ đến trường, biết gần gũi bạn tốt, gắng học để tiến lên. Khi trẻ lớn khôn, cha mẹ cần phải dạy dỗ, uốn nắn, tìm phương pháp hướng dẫn con vươn lên hợp tình đời lẽ đạo, tránh cho con bị lôi cuốn bởi tiền tài ảo vọng, ham chuộng vật chất và thị hiếu bên ngoài.
Khi con khá trưởng thành, cha mẹ còn phải lo lắng tận tình, đầu tư hợp lý. Khuyên con chăm học để chuẩn bị dấn thân với đời; cố vấn cho con nên vợ thành chồng xứng hợp với gia phong thế đạo:
“Chín chữ cù lao, thâm ân cha mẹ”
Kẻ làm con đương nhiên phải đền đáp chu toàn:
“Một lòng hiếu kính, bổn phận gái trai”
Cha mẹ là ân nhân bậc nhất, đương nhiên chúng ta phải cung phụng để đền đáp phần nào ân sâu nghĩa nặng. Cung phụng cũng như hiếu kính phải bao hàm ý nghĩa kính quý yêu thương, làm vui lòng đẹp ý song thân, hay tứ thân phụ mẫu cho cả đôi vợ chồng mới trọn nghĩa trọn tình; đắm say hay đam mê những gì không chính đáng như tửu, sắc, yên, bác … nói rõ ra là rượu với các loại men say, sắc đẹp quyến rũ, giọng điệu lẳng lơ của người khác phái, khói thuốc hút và các chất ma túy, bài bạc ăn thua … dễ lôi cuốn người thiếu tự chủ đến chỗ mê ly sa ngã, dễ thất tín với đời, làm buồn lòng những người thân thuộc. Hạnh hiếu vừa nói lên lòng kính nhớ Tổ Tông, Ông Bà, Cha Mẹ, đồng thời “khắc kỷ phục lễ” để người đời mến thương vị nể như thi hào Nguyễn Công Trứ đã đề cao ý niệm tu thân xử thế:
“Thân phi ngô sở độc hữu,
Vậy ta đừng mê tửu mê hoa.
Tấm thân ta quan hệ trẻ đến già,
Phụ mẫu đó mà quốc gia cũng đó.”
Chúng ta đã sống đúng tư cách người con thảo trong gia đình, người dân lương thiện ngoài xã hội là điều đáng quý. Chúng ta lại có duyên may sống nơi đất lành, được gần gũi thầy hiền bạn tốt, nên quyết tâm tu tiến, mong đem Chánh Pháp phổ biến cho cha mẹ và chư thân hữu đồng tu, biến gia đình thánh thiện rồi xóm làng thuần lương, làm đẹp đạo tốt đời như cổ nhân hằng ước muốn:
“Nhất nhân tác phước, thiên nhân hưởng;
Độc thụ khai hoa, vạn thụ hương.”
với đại ý:
“Một người gieo phước, nghìn người chung hưởng;
Một cây nở hoa, rừng cây cùng thơm” vậy.
Trân trọng,
Trần Trọng Khoái
Chú thích:
(a) Đức Mục Kiền Liên là một trong 10 vị đại đệ tử của Như Lai đã tu chứng được phép Lục Thông, thấu triệt nhân sinh và thiên nhiên vạn loại. Không cố chấp về nhân ngã, bỉ thử: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông và Lậu tận thông.
(b) Tạo tự độ tăng: đại ý là xây dựng chùa tháp và giảng đường để trang nghiêm Phật cảnh và nuôi dạy, phát triển việc học đạo, hành đạo của tăng ni trẻ và tín chúng khắp nơi muốn tu học.
(c) Thượng hoằng hạ hóa: Trên xiển dương Chánh Pháp, dưới hóa độ sinh linh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét