Công luận tưởng rằng tình hình vùng
biển Đông Á sẽ lắng dịu đi một thời gian sau khi Trung Cộng rút giàn khoan
HD981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.
Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Các cuộc tập trận của hải quân Trung
Cộng và các trò khiêu khích của không quân Trung Cộng trên vùng trời Đông Hải đã
đặt Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong tình trạng căng thẳng.
Vào tháng 8 vừa qua, tuy không
cho biết ngày giờ, nhưng phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Cộng tuyên bố hạm
đội Nam Hải của họ đã hoàn thành một cuộc tập trận ở Đông Hải. Đây là một cuộc
tập trận lớn để cho hải quân Trung Cộng làm quen với việc sử dụng ngư lôi tấn
công chiến hạm đối phương, và đột kích chiến hạm đối phương vào ban đêm.
Trong tình hình hiện nay, Hoa Kỳ bắt
buộc phải quan tâm đến cuộc tập trận này và theo dõi bằng mọi cách mà thông lệ
quốc tế xưa nay cho phép. Ngày 23/08/2014, khi phi cơ thám thính P8 của Hoa Kỳ
đang bay trên không phận quốc tế tại Đông Hải, phi cơ này bị các chiến đấu cơ
của Trung Cộng bay lên áp sát để thị uy. Máy bay của đôi bên chỉ cách nhau
chừng 6 mét. Xác suất xảy ra tai nạn rất cao. Ngay ngày hôm sau chính phủ Hoa
Kỳ chính thức gởi thư phản đối đến Bắc Kinh về sự việc này.
Tuy không chính thức trả lời
kháng nghị của Hoa Kỳ, nhưng vào ngày 24/8, Ngoại trưởng Vương Nghị trong một
cuộc họp báo ở Bắc Kinh đã nói rằng lập trường của Trung Cộng sẽ không bao giờ
bị lung lay trong việc bảo vệ "quyền lợi cốt lõi" của họ ở Đông Hải. Trung
Cộng không thể nào chấp nhận việc Hoa Kỳ "nhúng tay can thiệp vào chuyện
nội bộ khu vực Á châu - Thái Bình dương".
Tờ Giải Phóng Quân, trong số phát
hành ngày 25/8, đăng lời phát biểu của một số tướng lãnh Trung Cộng chỉ trích
Hoa Kỳ rằng: Mỹ luôn sử dụng đủ loại máy bay thám thính để chụp hình các căn
cứ quân sự và những cơ sở chiến lược của Trung Quốc. Việc các máy bay thám
thính P8 của Mỹ xuất hiện ở Đông Hải vào ngày 23/8 vừa rồi không ngoài mục đích
quan sát cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc. Trước khi cuộc tập trận diễn ra
khoảng 1 tuần, Trung Quốc đã ra thông báo cấm máy bay và tàu bè qua lại ở nơi
diễn ra cuộc tập trận, nhưng máy bay của Hoa Kỳ vẫn vi phạm nên chiến đấu cơ Trung
Cộng bay lên đuổi đi là chuyện đương nhiên. Các ông tướng này còn tố cáo
ngược lại rằng Đông Hải trở nên bất ổn là do Hoa Kỳ gây ra. Tại sao Hoa Kỳ ở
bên kia Thái Bình dương lại đòi chia chác quyền lợi ở Đông Hải với các nước
trong khu vực này?
Theo giới chức tại Washington thì
phi cơ thám thính của Hoa Kỳ vẫn thường bay trên không phận này và luật quốc tế
không cho ai quyền cấm các loại phi cơ của Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia nào bay
trên vùng trời Đông Hải ở vùng và tầng cao không phận quốc tế. Hoa Kỳ cũng
không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Cộng vừa tùy tiện và ngang nhiên
tuyên bố. Việc Bắc Kinh ra lịnh cho chiến đấu cơ bay lên ép sát máy bay thám
thính của Hoa Kỳ là một hành động khiêu chiến rất nguy hiểm.
Một tướng lãnh cao cấp của Trung
Cộng muốn giấu tên cho ký giả Nhật biết rằng chuyện máy bay của Trung Cộng và
Hoa Kỳ áp sát nhau trên vùng trời Đông Hải vẫn thường xảy ra đến độ các tướng
tư lịnh quân khu không mấy quan tâm nữa. Họ coi như chuyện của vùng nào thì
vùng đó lo giải quyết là đủ. Lần này tuy mức nguy hiểm có cao hơn thật nhưng không
đến độ Quân Ủy Trung ương phải báo động như thế. Theo ông, toàn bộ sự việc đều
nằm trong kế hoạch của ông Tập Cận Bình để xiết chặt sự kiểm soát và lòng trung
thành của toàn thể quân đội đối với cá nhân ông.
Từ khi lên ngôi, nỗi lo lắng lớn
nhất của ông Tập Cận Bình là các mảng quân đội trung thành với phe cánh Bạc Hy
Lai và các đối thủ khác. Sau khi đánh liên tiếp các cột trụ lớn trong hàng ngũ
lãnh đạo, ông vẫn chưa an tâm về các cơn sóng ngầm trong quân đội. Suốt từ tháng
7/2014 đến nay, hệ thống tuyên truyền ở Hoa lục liên tục tung ra các bài bản nhấn
mạnh đến việc muốn cho Trung Cộng trở thành một cường quốc quân sự thì tất cả
mọi hànhh động của quân đội phải theo lệnh của Trung ương mà đồng chí Tập Cận
Bình là người lãnh đạo.
Việc ép buộc lãnh đạo cả 7 quân
khu bộ binh và toàn bộ 2 quân chủng hải quân và không quân phải tuyên thệ trung
thành với riêng cá nhân ông Tập Cận Bình đã đụng phải sự bất bình và chống đối
của nhiều tướng lãnh, đặc biệt là Thượng tướng Từ Tài Hậu (Phó Chủ tịch Quân ủy
trung ương dưới thời ông Hồ Cẩm Đào). Vì phản đối màn tuyên thệ trung thành này
mà tướng Hậu bị tước hết mọi quyền lực, bị khai trừ ra khỏi đảng, và bị khép tội
tham nhũng, hối lộ.
Chính trong tình trạng bất an nội
bộ đó mà ông Tập Cận Bình cần gấp một kẻ thù mới là các máy bay thám thính Mỹ để
chuyển hướng sự quan tâm và thâu tóm toàn quân về một mối dưới sự thống lãnh của
ông nhân danh "để chống kẻ thù". Ngay cả nếu có đụng chạm nho nhỏ như
hồi năm 2001 giữa máy bay thám thính Mỹ và chiến đấu cơ Tàu (khiến một phi công
Trung Cộng thiệt mạng) thì vẫn tốt, hay càng tốt, cho các chủ đích của ông Tập
Cận Bình.
Vấn đề cho ông Tập là các mánh khóe
kiểu này đã được dùng nhiều lần trong quá khứ và hàng tướng lãnh quân đội cũng
như các phe phái chính trị đều biết rất rõ.
Ngô Quảng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét