Lê Quang Vinh
Tôi đọc bài
thơ “Đồng chí của tôi” của Cố Thi sĩ Văn Cao và lời giới
thiệu về con đường đến với công chúng của bài thơ đó của Nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo; từ trong tâm khảm tôi, một niềm xúc động dâng trào và lòng thương cảm sâu
xa đối với biết bao con người đã bị CCRĐ đày đọa đến những cái chết thê thảm.
Tôi cứ đọc đi đọc lại bài thơ, trong đầu cũng cứ nổi lên bao lần câu hỏi: Chẳng
lẽ Thi sĩ Văn Cao chứng kiến hoặc nghe ai đó kể tường tận cho ông biết về cuộc
hành hình của Đội CCRĐ xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đối với
Thân sĩ yêu nước, đảng viên Đảng Lao động VN, Lão thành CM tiền khởi nghĩa Cụ
Nghè Cơ – Nguyễn Bá Ky? Nếu không thế, để giờ đây con cháu hậu duệ
Cụ Nghè Cơ và cả chúng ta, làm sao có được bức tranh vô cùng bi thương bằng thơ
chi tiết, điển hình và chính xác đến từng hơi thở của nạn nhân mà Văn Cao xây
dựng nên (vẻ lại) tài tình đến thế? Đích thị nhân vật trong bài thơ “Đồng
chí của tôi” chính là Cụ Nghè Cơ làng Vĩnh Lộc (xã Quảng Hòa) – Quê
hương tôi rồi!
“Cụ Nghè Cơ – Tên
thật Nguyễn Bá Ky (1896 – 1956), Bí danh hoạt động CM là “Vĩnh Khang” –
Nhạc phụ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Trung tướng Đồng
Sĩ Nguyên – bị “Cải cách ruộng đất” quy “địa chủ”, “phản động”,
“cường hào gian ác” và xử bắn ngay nơi chỗ mệ Nội tôi nằm là bãi Hói Nại. Cách
đây 2 năm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có Quyết định công nhận “Cán bộ Lão
thành cách mạng tiền khởi nghĩa” cho ông Nghè (Liệt sĩ, Đảng viên Đảng Lao động
– nay là ĐCS). Trường hợp minh oan này là vô cùng hy hữu và đặc biệt; cả nước
vẫn còn đấy biết bao gia đình bị quy kết oan sai, song sự công bằng chưa thể đến
với họ”. (Đám tang mệ Nội tôi – Nghịch lý thời Cải cách ruộng đất” –
LQV).
Ông Nghè vốn là
người thân trong gia đình tôi. Lớn hơn sắp tuổi cha tôi – Cụ lê Duy Tiếu (sinh
1902), lại là họ hàng ruột thịt của thông gia nhà tôi bên Cụ Kiểm Điến (gọi
theo tục danh con cả Đinh Xuân Náo). Ông Nghè là em ruột mệ Kiểm – Cụ Nguyễn
Thị Huồn, nơi chị cả tôi Lê Thị Toán lấy chồng là anh Đinh Duyệt, nên các cụ
qua lại chơi thân với nhau. Mấy năm sau khi cha tôi mất, Ông vẫn giữ tình thân
như cũ.
Tôi nhớ Ông Nghè
là Hội trưởng “Hội Bảo trợ học đường” trong xã (không biết có giống như “Hội
Cha mẹ học sinh” bây giờ không?); mẹ tôi là “chấp hành”, là “thủ quỹ” của hội
đó. Thi thoảng Ông Nghè lên nhà tôi theo công việc của Hội Bảo trợ học đường;
những cữ ấy, Mẹ tôi hay làm ram (nem), hoặc chả cuốn thịt chỉ bé bằng 2 đốt
ngón tay xiên vào que tre nướng khói bay mùi thơm lừng, để mời Ông nhắm rượu.
Mẹ sai tôi quạt than hồng nướng chả, bưng thau (chậu đồng) múc nước cho Ông rửa
tay; xong đâu đấy thì đứng sau cột nhà gần nơi Ông ngồi để sai mọi thứ khác như
đưa tăm, khăn lau tay, ống nhổ, rót nước mời. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi cũng ngầm
hiểu ý Mẹ muốn dạy phép tắc cho tôi. Ông Nghè để râu dài dài nhưng hơi thưa và
đã bạc. Ông ăn nói nhỏ nhẹ, kiệm lời. Trong tôi,Ông Nghè rất hiền, cao
khiết và nho nhã vô cùng. Mẹ tôi cùng ngồi hầu chuyện Ông Nghè trên phản gọ
giữa nhà, chỉ ăn trầu liên tục. Nghe nói, hai Cụ có giao ước gả cho nhau đứa
con.
Bi kịch xẩy ra hôm
đó, đúng 27/Tết Bính Thân (27/12/Ất Mùi – 8/2/1956). Trời lạnh, gió thổi mạnh nhưng
tạnh ráo. Mới 8 tuổi, đang đói vàng mắt vẫn đầy sự hiếu kỳ của trẻ con nên tôi
mò ra phía sác bần (vùng đất nhiễm mặn bỏ hoang, không canh tác được bên bãi
Hói Nại của làng Hòa Ninh) để xem xử bắn Ông Nghè và mấy người nữa. Dầu tôi là
con địa chủ, nhưng không ai để ý đến cả. Tôi ra đây từ sáng sớm, lần đến chỗ
Ông Nghè đang bị trói “cánh khuỷu” là đám mả xung quanh mọc đầy những cơn (cây)
dứa dại đầy gây (gai). Ông Nghè vốn đã là người nhẳng (gầy), nhưng hôm nay
nhẳng lắm, thân hình lọt thỏm trong bộ áo quần màu nâu nhuộm thẫm rách tả tơi
nhiều ngày không được tắm rửa giặt giũ. Nét mặt ông hốc hác tiều tụy, toàn
những hốc xương. Ông ngồi đó, cứ run lên do gió quá mạnh giữa đồng không mông
quạnh. Tuy hai tay bị trói thế, nhưng người ta vẫn khoác chéo theo vai Ông cuộn
chiếu bó tròn chả biết để làm gì.
Không hiểu sao,
tôi lấy “bình sinh” đâu ra mà lại chả sợ mình là “con địa chủ” để lách
qua mấy ông “dân quân” tay lăm lăm súng ống đến gần nơi Ông Nghè đang bị giam
giữ. Tôi nhìn rõ Ông mồn một trong khoảng cách mấy bước chân, thế mà đờ đẫn ngu
dại không cất lên lấy một lời chào Ông Nghè như mọi khi. Không biết Ông có còn
để ý rồi coi tôi là quá hỗn không? Trong hoàn cảnh này, tôi không tin là Ông có
nhớ ra tôi – Thằng bé con Ả Chắt Tíu!
Người ta dẫn giải
Ông Nghè ra chỗ để xử bắn. Trước đó mấy ngày, đã đấu tố kịch liệt đủ thứ tội ác
do Ông Nghè gây ra từ sự tưởng tượng diệu kỳ của đội Cải cách ruộng đất (chép
ra giấy cho những người đấu tố học thuộc lòng để đấu theo bài bản hẳn hoi). Nơi
để xử bắn ông, đã đào sẵn 3 hố huyệt và trồng 3 cọc tre để buộc 3 “phạm nhân”
khi bắn. Ông Nghè cùng 2 “phạm nhân” nữa bị bắn bỏ hôm nay là Ông Đoàn Yên tuổi
còn trẻ lắm, con trai Cụ Đoàn Nghé – Trùm Đạo Công giáo (một chức danh thuộc họ
Đạo) có tiếng trong vùng, là em ruột ông Đoàn Dưỡng – Nguyên Chủ tịch Uỷ ban
hành chính kháng chiến xã Ninh Trạch (gồm 3 xã sau này là Quảng Hòa, Quảng Lộc,
Quảng Văn). Ông Đoàn Dưỡng khi còn trong kháng chiến chống Pháp, đã bị vu oan
phản động, Việt Minh bắt giam và sau đó thủ tiêu mất tích. Một án oan tày liếp
dội xuống đầu ông Đoàn Dưỡng và bao thế hệ con cháu cho đến tận ngày hôm nay.
Còn Ông nữa đã cao tuổi người Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc; hình như tên là Hồ Tiêu
hoặc Lê Huyến (một trong hai người này, cả hai đều bị bắn trước và sau có một
ngày, nay tôi không còn nhớ rõ nữa).
Cụ Nghè được cởi
dây trói là liền bị buộc ngay vào cọc tre. Không bịt mắt, Cụ bị hành hình đầu
tiên bằng súng trường của dân quân. Lúc này, tôi sợ nên không theo gần, chỉ
đứng xa xa nên không nghe được lời tuyên án nhưng mấy phát súng nổ “đoàng
đoàng” thì xé rách cả trời đông của ngày Tết cổ truyền đang sang.
Ngày 29/8/2014
(5/8/Giáp Ngọ) vừa xong, cùng dự đám giỗ ông Đoàn Khiển – Người bà con cùng quê
quá cố cách đây chẵn 2 năm; khi mấy anh em nhắc đến những chuyện trong thời kỳ
CCRĐ, ông Nguyễn Thế Tế – Bạn thân của ông Đoàn Khiển, người anh thân thiết
đáng kính của lớp đàn em như tôi, kể lại tường tận những giây phút cuối cùng
của Ông Nghè trong cuộc hành hình oan nghiệt ấy mà nay tôi thấy sao nó y trang
như mô tả trong bài thơ “Đồng chí của tôi” của Cố Thi sĩ
Văn Cao tôi vừa đọc (do Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu).
Trước khi đọc
những gì tôi sắp viết ra, xin được có đôi lời về Cụ Thân phụ ông Nguyễn Thế Tế,
vì giữa Cụ và Ông Nghè Cơ Nguyễn Bá Ky có mối quan hệ “đồng chí” từ trước những
năm 30 của thế kỷ trước. Cha ông Nguyễn Thế Tế tên là Nguyễn Thư, sinh sau Ông
Nghè Cơ Nguyễn Bá Ky 4 tuổi (1900). Hai cụ đều theo học chữ Hán nhưng sự nghiệp
lại rẽ đôi đường. Cụ Nghè theo con đường học vấn quan lộ, thi thố đỗ tới “Ông
Nghè” (học trường “Quốc tử giám” ở Huế, đậu “Tôt nghiệp” loại “khiêu” (giỏi),
được Triều đình nhà Nguyễn giữ lại dạy chữ Hán trong Hoàng tộc). Còn Cụ Nguyễn
Thư dùi mài kinh sử lại theo nghiệp gia truyền làm nghề thuốc Bắc, về sau trở
thành một thầy thuốc giỏi, nổi tiếng khắp vùng quê tôi. Trước năm 1930, một
người tên là Nguyễn Tế (tức Huyên) ở thôn Lũ Phong, Xã Quảng Phong cùng huyện
nhà – Sau này là người đứng ra thành lập Chi bộ Đảng CS đầu tiên tại huyện
Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trước năm 1945; sang vùng Nam Quảng Trạch vận động
Cụ Nguyễn Bá Ky và Cụ Nguyễn Thư tham gia hoạt động trong phong trào yêu
nước chống Pháp. Sau mấy năm, các hoạt động của hai người bại lộ, nên từ năm
1932 đến năm 1935, Cụ Nguyễn Bá Ky và Cụ Nguyễn Thư bị thực dân Pháp bắt
và bỏ tù giam tại nhà lao Đồng Hới. Riêng Cụ Nguyễn Bá Ky về sau (năm
1943) tiếp tục tham gia “Việt Minh” do chính con rể là ông Đồng Sĩ
Nguyên và ông Nguyễn Trản (em ruột ông Nguyễn Tế) giới thiệu. Cụ là người tự
phá câu đối thờ trong nhà mình để lấy vải may cờ đỏ sao vàng tổ chưc cướp chính
quyền ở phủ Quảng Trạch (Ba Đồn). Một việc “đại tối kỵ” như vậy nhưng vẫn phải
hy sinh vì Cách mạng. Thắng lợi, Cụ Nghè được phân công làm Chủ nhiệm Việt Minh
xã Vĩnh Trạch (tức xã Quảng Lộc bây giờ). Đến năm 1948, Cụ Nguyễn Bá ky là Chủ
tịch Mặt trận Liên Việt huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Quay lại câu
chuyện của ông Nguyễn Thế Tế trong đám giỗ. Ông Tế nói rằng, vì giữa cha mình
với Cụ Nghè Cơ có mối quan hệ khá đặc biệt như vậy, nên ông đã cố len được lên
hàng người đầu tiên để xem cho thật rõ những gì sắp diễn ra đối với người bạn
thâm hậu của cha mình. Ông Nguyễn Thế Tế sinh năm 1939, thời CCRĐ mới
chỉ là một “thiếu niên” (16 tuổi), nên chen chúc vẫn là thuân lợi. Với trí lực
và trái tim của tuổi 16 đầy nhạy cảm, hình như điều này còn nguyên vẹn trong đáy
sâu tâm khảm dầu nay ông đã trên 70 tuổi; nên ông Nguyễn Thế Tế nhớ rành rọt để
kể lại những chi tiết thật hãi hùng với cảm xúc lớp lang như trong phim của các
đạo diễn có tài mới dàn dựng nổi. Ông Tế kể, người trực tiếp ôm khẩu súng
trường sắp sửa bắn Cụ Nghè tên là Nguyễn Khuyển (cái tên này
nghĩa đen là “Nguyễn Chó”, sau này làm trưởng Công an xã Quảng Hòa thì đổi tên
thành Nguyễn Khuyến – Cùng tên Nhà thơ lớn VN), nhà ở cùng thôn và hình như còn
có chút họ hàng với Cụ Nghè (đều họ “Nguyễn”). Trước mặt ông Khuyển, Cụ Nghè bị
buộc chặt vào chiếc cọc tre da còn nguyên xanh thẳng đuột, mặt rũ rượi dán
xuỗng đất, dường như cụ không còn biết việc gì đang diễn ra xung quanh mình
nữa. Tên Khuyển này cũng ngắm nghía kỹ càng trước khi bóp cò súng, nhưng viên đạn
đầu tiên “đoàng” một cái lại chạy sượt vào phía ngoài bả vai bên trái Cụ Nghè.
Máu chảy. Bừng tỉnh. Cụ cố dồn hết sức trong người để hất được mặt lên nhìn
thẳng về phía tên bắn mình rồi bất thình lình hô lớn 3 lần rành rọt, không lẫn
bất cứ lời nào: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch
muôn năm!”. Tên Khuyển không chịu thua, hắn cũng dồn sức bóp cò và những
phát đạn tiếp sau đều trúng hồng tâm Cụ Nghè. Mỗi phát đạn, tên ác ôn này
nghiến răng há mồm hô lớn đáp trả theo thế “thượng phong” trước thân hình nhàu
nát của Nhà Cách mạng – Cha chú của nhiều đảng viên Đảng CS trong họ tộc, trong
xã, trong huyện, trong tỉnh và cả trên Trung ương nữa: “Muôn năm này! Muôn năm
này! Muôn năm này! Muôn năm này!…”. Ông Tế nói nó hô khoảng 5 – 6 lần!
Chép đến đây,
nước mắt lưng tròng. Tôi không thể nào gõ được máy tính nữa. Khổ thân Ông Nghè
quá Ông ạ! (17 giờ 17’ ngày 12/9/2014 – Ngày đang có cuộc Triển lãm đầy trớ
trêu của Bảo tàng lịch sử quốc gia VN đối với nước mắt Cụ Hồ và hàng
trăm nghìn linh hồn oan khiên của CCRĐ: “Cải cách ruộng đất 1946-1956″).
Hạ sát xong mạng
sống của Nhà Cách mạng tiền bối ĐCS và Nhà nước VNDCCH trên miền Bắc vừa hòa
bình, một đứa trong đội CCRĐ cầm rạ (con dao rựa) đến phía sau xác Cụ Nghè –
Lúc này thân xác Cụ đã khuỵu xuống. Hắn giơ cây rạ định chặt vào dây trói cho đổ
xuống, nhưng láu táu thế nào mà chặt không trúng lạt buộc, lại trúng ngay hai
cẳng tay lẫn bàn tay Cụ. Máu từ hai cẳng tay và bàn tay lại ròng ròng chảy tiếp
nhuộm đỏ cột tre và phần đất phía sau lưng Cụ.
Thêm mấy nhát rạ
nữa, xác Cụ Nghè mới đổ sấp xuống. Tên cầm cuốc xỉa 5 răng, loại cuốc chuyên
cuốc đất thịt ruộng khô và vun vồng khoai lang, đứng chực sẵn đó từ trước liền
bổ vào cổ Cụ Nghè rồi lôi xệch xác xuống hố huyệt gần đó. Cái xác rơi nghe
“bịch” xuống đáy hố, không cần biết sấp hay ngửa, mấy đứa liền cào đất vùi chôn
Cụ Nghè như vùi chôn con súc vật thối tha bệnh hoạn có nguy cơ gây lây lan đại
dịch chết người.
Hành động
ghê người này, diễn ra vào những ngày “năm cùng”, “tháng tận” – 27 Tết Nguyên
Đán, chỉ có thể trong phim ảnh dàn dựng thôi chứ làm sao lại có thể diễn ra
thật tự nhiên và bình thường thời đó trên mảnh đất quê tôi vốn hiền hòa, yên
lành của làng, của xã có tên thật mỹ miều, cao đẹp, đầy nhân văn: “Hòa Ninh”,
“Hợp Hòa”, “Vĩnh phước”, “vĩnh Lộc”, “Quảng Hòa”…? Thật trớ trêu thay. Nhưng đó
là 100% sự thật !
Ông Nguyễn Thế Tế
còn cho biết, về nhà ông liền kể lại từ đầu chí cuối cuộc hành hình Cụ Nguyễn
Bá Ky vừa xẩy ra cho Bọ (cha) mình nghe. Ông cụ đau buồn lắm. Ông Tế không quên
hỏi Bọ: “Sao Bác Nghè lại bừng tỉnh khi trúng đạn rồi đột nhiên hô to 3 nần:
“Hồ Chủ tịch muôn năm”? Cụ Nguyễn Thư trả lời con trai: “Có khi ôông (ông) ấy
hô cho con”(?). Dầu đã nghe cha trả lời rành rọt thế, nhưng suốt mấy ngày sau
đó và nhất là nhiều năm sau này, ông Nguyễn Thế Tế luôn có ý nghĩ trong
lòng: Cụ Nghè đến phút cuối cùng bị người của chính quyền CS giết vẫn tin vào
cuộc Cách mạng của Ông Hồ chăng?
Mấy năm sau khi
người bạn cũng là “đồng chí” cùng ngục tù của mình bị giết hại ấy, đến thời kỳ
xây dựng HTX hóa nông nghiệp trên miền Bắc XHCN, Cụ Nguyễn Thư (bà con
kính trọng thường gọi là “Thầy Chắt Thư”), vẫn còn khỏe mạnh sung sức nhưng
nghề “Thầy thuốc chữa bệnh cứu người” rất tâm huyết bấy lâu của Cụ cũng tức
tưởi bị bức tử do chủ trương vô lối “Thầy thuốc cũng phải vào làm ăn tập thể”
để xây dựng CNXH ! Thế là từ đó, Ông trở thành người cày ruộng cho đến trọn đời
(Cụ mất ngày 26/3/1985 – 6/2/Ất Sửu)…Đúng là tình bằng hữu quê hương cũng như
tình đồng chí, bạn tù gắn bó các cụ ngay cả khi số phận hai người gặp bước điêu
linh nhất của cuộc đời.
Ý nghĩ của riêng
tôi, nay được đọc bài thơ “Đồng chí của tôi” của Cố Thi
sĩ Văn Cao; có lẽ cách hiểu về lời tung hô muôn năm lãnh tụ của Cụ Nghè sẽ như
bài thơ giải bày là đúng nhất…
Xin phép Hương hồn
Cố thi sĩ Văn Cao, được chép nguyên văn bài thơ độc đáo này vào phần cuối bài
viết của tôi để bạn đọc cùng chia sẻ.
ĐỒNG CHÍ CỦA TÔI
Người ta các đồng
chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ giẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ giẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có
các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
giẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
giẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già
không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn
nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi…
Cho các đồng chí bắn tôi…
Nước mắt lúc này
vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…
1956
Hà Nội, 21 giờ 20′ ngày 12/9/2014
LQV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét