Ads 468x60px

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Nghệ Thuật, tuần báo văn học đầu tiên in offset tại miền Nam

Ảnh bìa tuần báo Nghệ Thuật số ra mắt,
 ngày 1 tháng 10, 1965.
Viên Linh
Giữa những năm '50 báo chí miền Nam lần lượt xuất hiện qua bộ mặt rực rỡ xanh đỏ nhờ kỹ thuật “in offset nhiều màu,” song đó phần lớn là các tuần san văn nghệ giải trí, còn báo văn học thì phải đợi cho tới tháng 10, 1965, khi tuần báo Nghệ Thuật của “nhóm cái bang” xuất hiện. 
[Ngành ấn loát nói chung có hai loại: in typo và in offset. Typo là chữ đúc bằng kim khí, cả bộ chữ abc và các dấu, mỗi chữ có bề cao khoảng 2cm, nếu in kèm với hình ảnh, thì cái hình phải đưa tới nhà làm cliché (nhà Cliché Dầu ở đường Huỳnh Quang Tiên chẳng hạn), người ta phải cắt xén một miếng gỗ cũng dày khoảng 2cm, dùng 4 cái đinh đóng cái hình đã chuyển qua bản kẽm, đóng lên miếng gỗ ở bốn góc, đặng có bề cao bằng các con chữ, lúc đó mới tạo ra khuôn chữ - trang sách hay tờ báo - đặt lên mặt phẳng của cái máy in. In offset là một cuộc cách mạng trong ngành ấn loát, chữ offset giải nghĩa một cách giản dị nhất là “in chụp.” [Từ điển Anh việt dày 1960 trang của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Hà Nội 1994, dịch chữ offset printing: dt “Sự in ôpxet.” Cách đó 8 dòng giải nghĩa: “sự đánh gi?y mực (từ tờ mới in sang tờ giấy sạch).] Diễn tiến cơ bản của in chụp là biến cả chữ trong bài lẫn hình ảnh ra phim âm bản (negative) trong một phòng tối (dark room). Trang báo gồm nhiều bài và hình sẽ được một chuyên viên lắp vào một tờ nhựa trong vắt (mylar), người này giống như một anh xếp typo (th?y chữ) của ngành typo, nhưng có tên gọi là stripper (người lột). Chữ này dùng trong vũ trường là người vũ khỏa thân, trong ngành in offset là người cắt dán phim ảnh và kiêm cả việc trình bày một trang báo bằng các âm bản phim theo mô hình của nhà vẽ kiểu, nếu có. Bản phim nhựa sau khi được cắt dán và trình bày sẽ được chuyển qua bản kẽm lớn bằng lò đốt bản kẽm, biến các âm bản phim nhựa thành dương bản trên bản kẽm kim loại rất mỏng. Máy in của ngành offset không có mặt phẳng như bên typo ngày xưa, mà là hình ống. Máy có tối thiểu 4 ống, bản kẽm gắn chặt trên mặt ống, mỗi ống một màu, máy in kéo tờ giấy (nhiều khi là giấy cuộn, chưa cắt xén) từ đầu này giấy trắng, chạy dưới 4 ống hiện ra ở đầu kia là trang báo bốn màu sặc sỡ.]
“Nhóm cái bang” - chữ của tiểu thuyết gia truyện kiếm hiệp Kim Dung - có nghĩa là nhóm ăn mày, thực ra là do các tay nghĩa sĩ hành hiệp giả dạng ăn mày, ngược xuôi trong chốn giang hồ để cứu nhân độ thế, và cũng nhiều phần để mưu sinh. Truyện có bối cảnh thời nhà Minh bên Trung Hoa (1368-1628), song cũng có thể hiểu là ở thời nào thì cũng tương tự. Tờ tuần báo Nghệ Thuật, số 1 phát hành ngày 1 tháng 10, 1965, đã thành hình như thế nào? Nhóm cái bang dựng nên tờ báo gồm những ai? Ðã gọi là cái bang làm sao lại có thể xuất bản một tờ tuần báo thực hiện bằng kỹ thuật ấn loát tối tân và tốn kém nhất lúc bấy giờ ở miền Nam?
Báo văn học vốn không có nhiều độc giả bằng báo văn nghệ, in không màu còn khó thu đủ vốn nữa là nhiều màu, lại ra khổ lớn (9.50x12.50 phân Anh hay 20x27 cm), đó là một biến cố trong làng báo văn học Việt Nam. Câu hỏi đương nhiên bật ra là “Giàu thế! Tiền ở đâu ra?”
Nhìn vào tên tuổi các nhà văn in trên trang bìa của tuần báo Nghệ Thuật số ra mắt và bài vở trong phần mục lục không thể hùng hậu hơn:
Phần một, biên khảo, nhận định có:
- Ý nghĩa một họp mặt (lời phi lộ).
- Văn học nghệ thuật trong chiến tranh hiện tại và hòa bình tương lai: Mai Thảo.
- Nghệ thuật Việt Nam đi đâu, đi đến đâu: Nguyễn Mạnh Côn.
- Ði tìm một ý thức tuyệt đối: Trần Thanh Hiệp.
Phần hai, sáng tác có:
- Dọc Ðường, truyện ngắn Thanh Tâm Tuyền.
- Chiêu Hồn, kịch Doãn Quốc Sỹ.
- Chơi cờ ca rô, truyện Thạch Chương (Cung Tiến).
- Con nai vàng, truyện ngắn Bình Nguyên Lộc.
- Vô đề, tạp ghi Thanh Nam.
- Khoảng cách, truyện ngắn Tạ Tỵ.
Phần ba là 3 truyện dài:
- Vạch một chân trời của Sơn Nam.
- Viên đạn đồng chữ nổi của Mai Thảo.
- Anh Meaules cửa Alain Fournier do Mặc Ðỗ dịch.
Phần bốn là mục thường xuyên do bộ biên tập phụ trách là:
- Văn nghệ và cuộc sống của Vũ Khắc Khoan.
- Ðoản văn nhiều người viết: Viên Linh phụ trách.
- Phê bình sách, bộ biên tập.
- Vừa xảy ra đang nói tới, Nguyễn Ðăng (Mai Thảo) phụ trách.
Trong số ra mắt có thơ của Trần Thanh Hiệp, Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Trần Ðức Uyển, Kiệt Tấn, Chinh Yên, Trần Tuấn Kiệt. Chủ nhiệm chủ bút: Mai Thảo, tổng thư ký: Thanh Nam, thư ký: Ông Viên Linh, trình bày offset: Ðằng Giao và Viên Linh.
Chủ trương của tờ báo rất rõ: trong tình trạng chia cắt đất nước và chiến tranh hai miền đã 11 năm (từ 1954 tới lúc báo ra, 1965), người làm văn học nghệ thuật cần phải tôn trọng sự khác biệt của người khác, và cùng họp mặt vào một diễn đàn, để xây dựng miền Nam, như lời phi lộ nơi trang 4: “[Tuần báo] Nghệ Thuật phải là một nơi chốn họp mặt thân ái đông vui chưa từng thấy giữa tất cả các tác giả, nhà văn nhà thơ hiện đang làm nên linh hồn, tiếng nói, đời sống và sức mạnh của văn học nghệ thuật miền Nam.” “Nghệ Thuật là một diễn đàn tự do. Tiêu chuẩn tự do là tiêu chuẩn hàng đầu và mãi mãi của tờ Nghệ Thuật.” (Ý nghĩa một họp mặt). Mười một tác giả có tên và bài in ngoài bìa thể hiện điều này, họ vốn thuộc những khuynh hướng khác biệt (nhóm Quan Ðiểm, nhóm Sáng Tạo, không nhóm nào) và thuộc cả ba miền đất nước: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trần Tuấn Kiệt (Nam), Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp (Trung), Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ, Nguyễn Mạnh Côn, Cung Trầm Tưởng, Viên Linh (Bắc). Với bài vở và tác giả như thế cho một số báo, tưởng không có một tờ tuần báo nào khác phong phú hơn, đông đảo hơn. Sau này nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy cho biết lúc ấy anh ở Huế, độc giả xếp hàng trước một tiệm sách quen thuộc vào buổi sáng cuối tuần để chờ mua Nghệ Thuật, đến chậm là hết. Giá bán mỗi số báo là 7 đồng. Ở Sài gòn, và các nơi, báo bán chạy khả quan.
Có thể nói Nghệ Thuật thành công ngay từ số ra mắt.
Về nguồn tài chính để tờ báo có thể xuất hiện, nghe kể là nó tới từ một cuộc họp mặt văn nghệ tại câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc trong phi trường Tân Sơn Nhất. Năm 1965, do một cái duyên bằng hữu với nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, bạn thời trung học ở Thanh Hóa với ông thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ, lúc ấy đã trở thành chủ tịch UƯy Ban Hành Pháp Trung Ương (thủ tướng Chính Phủ), một nhóm đâu năm người đã vào Tân Sơn Nhất thăm người bạn đang đầy quyền lực. Năm người này là Vũ Khắc Khoan, thầy dạy ông Kỳ ở Chu Văn An Hà Nội, Mai Thảo, Anh Ngọc, Thanh Nam, không kể Phạm Ðình Chương đã nói ở trên. Chính từ buổi gặp gỡ này mà nhóm cái bang được ông thủ tướng ủng hộ, và tờ tuần báo Nghệ Thuật được khai sinh. Sau đó, qua vài cuộc họp mặt nữa, họ phân công mỗi người một việc, bộ biên tập gồm có Mai Thảo - được cả nhóm đề nghị đứng tên chủ nhiệm chủ bút - Thanh Nam làm tổng thư ký, Vũ Khắc Khoan giữ mục Văn Nghệ và Cuộc Sống, thường xuyên mỗi kỳ, và nhạc sĩ Phạm Ðình Chương cũng tham dự bài vở liên hệ tới âm nhạc. Quy tụ hầu hết các tác giả hàng đầu của niền Nam như thế, chi phí riêng cho nhuận bút không phải nhỏ. Chỉ tính đổ đồng thôi, cứ một ngàn cho một bài, mỗi số báo cần 15,000 cho nhuận bút; thật sự là có người lãnh nhiều hơn, nhiều gấp đôi người khác, không kể lương chủ nhiệm chủ bút, lương tổng thư ký, lương thư ký, lương quản lý, v.v...
Sự thành công của Nghệ Thuật rất vang dội. Tiếc rằng sau một năm, 57 số báo, tờ báo đã không duy trì được ngọn lửa phấn khởi lúc đầu, nhưng đó là chuyện khác.
Viên Linh 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét