Đinh Tấn Lực
Câu nói thật lòng ghi trong ảnh này có thể trở thành danh ngôn của nhân loại, nhưng cũng có thể trở thành một cú sốc đậm cho khá nhiều người (ở các quốc gia còn bị cai trị bởi các chế độ độc tài) vẫn thường chờ đợi một minh chủ “có tầm”.
Câu nói thật lòng ghi trong ảnh này có thể trở thành danh ngôn của nhân loại, nhưng cũng có thể trở thành một cú sốc đậm cho khá nhiều người (ở các quốc gia còn bị cai trị bởi các chế độ độc tài) vẫn thường chờ đợi một minh chủ “có tầm”.
Joshua Wong đã khiến cho thiên hạ
phải nghĩ lại về tiêu chí của “cái tầm” đó.
Thật ra, không hẳn Joshua Wong là
người trẻ đầu tiên (và cũng không hẳn phải chờ đợi kết quả thành/bại sau cùng
của cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Hong Kong ngã
ngũ, mới) khiến người ta thấy ra tư cách lãnh đạo của những thanh niên. Những
người trẻ Praha, Chile,
Serbia,
Nam Phi, Tunisie, Ai Cập… (và cả Việt Nam) đã từng đứng lên, và minh
chứng điều cần nghĩ lại đó.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo cũng không thế chấp học hàm học vị hay chức vụ từng
kinh qua.
Ngày sinh của Joshua Wong là gần
cuối năm 1996, chỉ vài tháng trước khi Hong Kong được chính quyền vương quốc
Anh trao trả về cho Trung Cộng. Tức là hiện nay Joshua Wong chưa kịp mừng sinh
nhật thứ 18. Thế mà, đó là con người đang đứng đầu sóng ngọn gió của sự kiện
Hong Kong 2014 làm rung chuyển một phần Hoa Lục.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo là có bản lãnh dám nhận trách nhiệm.
Chính câu nói dẫn trên, không chờ
và không đùn đẩy trách nhiệm cho con cháu, đã xác định vị thế lãnh đạo của
người phát biểu. Mọi động lực kê vai gánh vác trách nhiệm này đều vô cùng trong
sáng, từ nhận thức rốt ráo phải thay đổi xã hội cho tốt hơn, phải tự lực và tận
lực xả thân vì mục tiêu chung đó, không tính toán lợi danh, và không lo vun vén
cái riêng (hay không có cái riêng để suốt ngày chăm lo vun vén cho gia tộc).
Một trong những cái sốc lớn nhất ở
đây, có lẽ phải kể đến giới đảng viên CSVN, khi họ nhớ tới những lời tuyên bố
chỉ đạo như chặt đinh chém đá nhưng cực kỳ hèn mạt của dàn lãnh đạo Hà Nội, đại
loại theo kiểu “đời ta không làm được thì đời con cháu chúng ta sẽ đòi tiếp”…
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo là có bản lãnh vực dậy ý thức chính trị của đại khối
quần chúng, và chọn đúng mục tiêu đồng thuận.
Joshua Wong từng khiến nhiều người
(phải nói là rất nhiều người) vô cùng kinh ngạc, khi chọn mục tiêu đấu tranh
nhắm vào một trong những điều cực kỳ cấm kỵ ngang hàng với tử huyệt của đảng
cộng sản Trung Hoa là công thức giáo dục chính trị chết tiệt Mác-Lê-Mao, ngay
từ lúc còn là học sinh lớp 10. Hai năm sau đó, mục tiêu đấu tranh được
nâng cấp lên một tầm cao mới, chuyển đổi từ đích nhắm xã hội sang chính trị (có
thể được coi là một tử huyệt khác của đảng cộng sản Trung Hoa) là truyền thống
thổ tả đảng cử dân bầu.
Đây là điều bức xúc hàng đầu của
người dân Hong Kong, vốn đã từng được hưởng sinh hoạt dân chủ già một thế kỷ
dưới thời chính quyền vương quốc Anh điều hành và biến đổi lãnh thổ này thành
một tụ điểm quốc tế về tài chánh/thương mại; và vốn đã có sẵn ý chí dẹp bỏ
chính sách “nhất quốc lưỡng chế” của Bắc Kinh (để tự gọi chính mình là
Hongkonger chứ không phải Chinese). Xem ra không thua gì nỗi bức xúc về thuế
muối của người dân Ấn Độ, hay nỗi bức xúc về kỳ thị màu da ở Hoa Kỳ và Nam Phi,
trước đây.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo là có bản lãnh huy động quần chúng.
Không phải kiểu huy động quần chúng
đảng bằng tiền để tổ chức biểu tình chống biểu tình; hoặc trả tiền để huy động
côn đồ hành hung người biểu tình; hay trả thêm tiền để huy động du đãng giương
cờ gây bạo loạn rồi sau đó run sợ quan thầy mà đổ vấy cho nhân dân.
Bản lãnh huy động quần chúng là
ngay ở lứa tuổi Teen cũng đã đứng đầu một phong trào cải tổ giáo dục (có tên là
Scholarism) quy tụ được 120.000 người hưởng ứng biểu tình, kể cả hơn chục lần
học sinh viên tuyệt thực để đạt kỳ được yêu sách, và họ đã thành công.
Bản lãnh huy động quần chúng là
(cũng ngay ở lứa tuổi Teen) đã gửi đến quần chúng một thông điệp vô cùng logic,
rằng nhà nước cần 4 cảnh sát để khiêng 1 người biểu tình, vậy, hãy tưởng tượng
khi đám đông biểu tình lên đến số vạn thì nhà nước cần bao nhiêu cảnh sát áp
giải? Hoặc, bằng một khẩu hiệu triệt để hơn và đầy tính “địch vận”, là “Họ
không thể giết hết chúng ta!”.
Bản lãnh huy động quần chúng là
khai dụng yếu tố giới trẻ Hong Kong đã thấy ra họ có một quyền lực chính trị
rất lớn trong chiến thắng về giáo dục, nay, khuếch trương quyền lực đó ra một
lãnh vực khác để giành lại quyền bầu cử đúng theo ý nhân dân Hong Kong.
Bản lãnh huy động quần chúng còn là
cách tận dụng những phương tiện truyền tin hiện đại nhất (Firechat) để vận động
và điều động số đông từ vài ngàn người, trong đôi ngày, tăng lên 80.000 người,
bao gồm các bạn đồng lứa, thầy cô, phụ huynh, công nhân, tiểu thương, tài xế
taxi…, và vận động được cả đức Hồng y tham gia. Quan trọng nhất là vận động
được phóng viên của nhiều hãng thông tấn ngoại quốc làm phóng sự trực tiếp.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo là có bản lãnh hoạch định sách lược đấu tranh:
- Mục tiêu đấu tranh – Đòi quyền tự đưa người Hong
Kong ra ứng cử chức vụ Đặc khu trưởng, nhất định không để cho đảng cộng sản
Trung Hoa cử người rồi nhân dân Hong Kong bỏ phiếu hợp thức hóa;
- Phương thức đấu tranh – Bất tuân dân sự: Chiếm
cứ và tọa kháng bất bạo động. Biểu tượng là những chiếc dù, nhanh chóng trở
thành tên riêng là cuộc Cách Mạng Dù;
- Địa điểm đấu tranh – Trung tâm Hong
Kong;
- Thời điểm đấu tranh – Ngay trước ngày quốc khánh
của cộng sản Trung Hoa, và không lâu trước ngày Bắc Kinh điều người ra “ứng cử”;
- Chiến thuật đấu tranh – Kiên trì giữ vững hàng
ngũ trong nhiều ngày (có hậu cần vững chắc). Làm thân với cảnh sát (người biểu
tình che dù cho cảnh sát lúc trời mưa). Kỷ luật: không một ai gây hấn với cảnh
sát, tất cả ngồi ngay hàng thẳng lối, phát hiện ngay những kẻ trà trộn. Khi bị
xịt vòi rồng thì tất cả nằm sấp xuống tại chỗ để triệt giảm sức nước lên người
(vẫn ngay hàng thẳng lối, không bỏ chạy) để khỏi vỡ trận v.v…
- Khai thác ngay từng thành quả đấu tranh – Mọi
tin tức hình ảnh đấu tranh đều được chuyển đi gần như tức khắc. Bức ảnh một
thanh niên lừng lững cầm dù bước tới trong vùng khói cay mù mịt đã làm động
lòng người. Bức ảnh đầy tính nhân văn về một viên cảnh sát hối hận vì vừa bắn
chất cay vào mắt một thanh niên biểu tình đã vội quăng súng, mở chai nước lọc,
với qua hàng rào ngựa sắt để rót nước rửa mắt cho nạn nhân… đã chỉ trong vài
phút trở thành một “ảnh đẹp trong ngày” và trong lương tâm của hàng ngũ những
người bị kẹt ở thế phải bảo vệ chế độ.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo là có bản lãnh gây tiếng vang quốc tế.
Truyền thông quốc tế tập trung vào
điểm nóng Hong Kong, cập nhật liên tục. Phong
trào Toàn cầu Đoàn kết cùng Hong Kong (Global
Solidarity Hong Kong) đã nhân rộng ra nhiều nước. Thanh niên tại nhiều thành
phố lớn trên thế giới xuống đường ủng hộ học sinh/sinh viên Hong
Kong. Tổng thống Đài Loan tuyên bố ủng hộ việc dẹp bỏ chính sách
một đất nước hai chế độ của Bắc Kinh. Nữ phát ngôn viên của Bắc Kinh là Hoa
Xuân Oánh đã phải lập cập lên tiếng: “Bắc Kinh phản đối bất kỳ sự can thiệp nào
của nước ngoài vào vấn đề nội bộ của TQ”.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo là có bản lãnh kiên cường.
Lãnh đạo không làm mắm/kho mặn ăn
dần cả nửa thế kỷ cái quá khứ từng ở tù Hỏa Lò/Sơn La/Côn Đảo/Phú Quốc. Lãnh
đạo lại càng không lấy nhà tù/trại tạm giam/đồn công an/trại phục hồi nhân
phẩm… hù dọa cho nhân dân khiếp sợ mà câm miệng và rúm ró trong xó yên thân.
Lãnh đạo là không hề ngại cái nhà
tù trước mặt, đôi khi còn thách thức nhà nước xem có đủ nhà tù để nhốt người
biểu tình?! Lãnh đạo, như Joshua Wong, ngang nhiên bước vào (hoặc cho dù bị
khiêng vào) nhà giam để rồi ung dung bước ra, mà không bị truy tố một tội hình
nào, như một mốc chiến thắng. Rồi sau đó tạo ngay một chiến thắng khác, tại
chỗ, là ung dung trở lại với đám đông ngoài đường phố ở Trung tâm Hong Kong, động
viên khí thế anh chị em giữ vững trận thế cho qua mốc điểm quốc khánh của đảng.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Lãnh đạo là có bản lãnh trao quyền cho nhân dân hoặc giành lại
quyền cho nhân dân, với quyết tâm ngang hàng sinh tử:
“Người dân không nên sợ chính
phủ. Chính phủ mới phải e ngại (làm trái ý) nhân dân”.
“Bạn phải xem mọi cuộc chiến
như trận chiến cuối cùng, chỉ có vậy thì bạn mới có quyết tâm để chiến đấu”.
“Tôi không nghĩ cuộc chiến của
chúng tôi sẽ kéo dài quá lâu”.
Vâng, lãnh đạo không có
tuổi. Rất nhiều người (cả trong lẫn ngoài Hong
Kong) cùng tin tưởng điều đó, như đã cùng tin tưởng vào chiến
thắng sau cùng của Joshua Wong.
Cũng rất nhiều người nhắc nhau
rằng: Gọi Joshua Wong bằng từ “cậu bé” hay “anh ta” (với một giọng rụt rè kẻ
cả) là một cách hiệu quả nhất để hạ thấp (thậm chí là hạ nhục) chính mình hay
báo/đài của mình.
Cho dù Joshua Wong từng viết quyển
“Tôi Không Phải Là Một Anh Hùng”, tác giả vẫn được hàng triệu người hết lòng
khâm phục như một nhân vật được ghi nhận là trẻ nhất đang lãnh đạo một phong
trào đấu tranh ôn hòa nhưng dũng mãnh/quyết liệt và có nhiều xác suất thành
công nhất khu vực Đông Nam Á trong nửa cuối năm 2014.
Hãy đồng hành với những người bạn
của Joshua Wong, và hãy bằng mọi cách có thể được để giúp họ sớm thành công.
Thiết thực hơn, hãy tự cất bỏ thói
quen tự têm trầu cánh phượng cho bản thân mình mà tận tâm tận lực phát hiện và
phát triển những Joshua Wong Việt Nam, cả trong lẫn ngoài những nhà
tù nhỏ ở đây.
01/10/2014 – Nhân ngày
quốc khánh thứ 65 của đảng CS Trung Hoa.
Blogger Đinh Tấn Lực
0 nhận xét:
Đăng nhận xét