Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Giới chức Sài Gòn: Dân 'ráng chịu ngập thêm 3 tháng nữa'

Những cảnh như trong ảnh đã trở thành thường xuyên
ở Sài Gòn. (Hình: Tuổi Trẻ)
Ông Trần Trung Hậu, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị ở Sài Gòn, vừa vỗ về dân chúng là nên “ráng chịu ngập thêm ba tháng nữa”.
Sài Gòn lại vừa trở thành biển nước sau cơn mưa chiều 1 tháng 10. Bị ngập nặng nhất là khu vực quận 6, quận 11, Bình Tân, Tân Phú.
Tuy mưa dứt đã hai ngày song theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, ở một số nơi như khu vực phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, nước vẫn còn đến đầu gối và đen ngòm. Đồ gia dụng như bàn ghế, giường tủ, tủ lạnh, bếp ga,… của nhiều gia đình vẫn đang bị ngâm trong nước.
Không thể nấu nướng, nhiều gia đình phải mua cơm hộp ăn cho xong bữa. Tương tự, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh kêu trời  vì máy móc, sản phẩm hư hỏng hoàn toàn.

Chủ một cơ sở cơ khí có tên là Lập Vinh cho biết, sau đợt ngập vừa kể, chắc chắn ông ta phải mất vài chục triệu để sửa chữa máy móc. Nhiều hợp đồng sẽ bị trễ hạn và chưa biết khách hàng sẽ phản ứng thế nào. Chủ cơ sở cơ khí Lập Vinh mới chuyển máy móc về khu vực Bình Trị Đông, quận Bình Tân được 7 tháng nhưng đã rơi vào tình cảnh này hai lần. Cũng vì vậy, ông ta khẳng định sẽ sớm chuyển đi nơi khác.
Chủ tịch phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, bảo rằng, trước đây, khu vực này cũng có ngập nhưng nhẹ. Viên chủ tịch phường nhận định, tình trạng ngập trở thành trầm trọng như vài tháng vừa qua là do thi công công trình thoát nước Tân Hóa - Lò Gốm làm nghẽn dòng chảy.
Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị ở Sài Gòn biện bạch rằng ông ta cũng “xót xa” trước đủ loại thiệt hại do ngập trầm trọng. Tuy nhiên nhà nước không có chính sách bồi thường. Ông Hậu vỗ về dân chúng “ráng chịu ngập thêm ba tháng nữa”.
Dân chúng cũng tin ba tháng nữa sẽ hết ngập nhưng không phải nhờ hiệu quả của các công trình chống ngập mà vì lúc đó đã hết mùa mưa!
Sài Gòn càng ngày càng dễ ngập, khi ngập thì vừa sâu, vừa lâu là vì thủy triều càng ngày càng thất thường. Dù trời không mưa, nhiều khu vực ở Sài Gòn vẫn có thể ngập mỗi tháng hai lần do thủy triều dâng cao. 
Một lý do khác khiến Sài Gòn dễ ngập, khi ngập thì vừa sâu, vừa lâu là vì thành phố này đang bị lún nặng do khai thác nước ngầm quá mức, bề mặt bị bê tông hóa trên một diện tích quá lớn và quá nhiều cao ốc.
Tại Sài Gòn hiện chỉ có cống ngăn thủy triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè để kiểm soát tình trạng ngập úng do mưa và do thủy triều dâng cao trong phạm vi khoảng 350 héc ta thuộc các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp và Tân Bình.
Theo kế hoạch, Sài Gòn cần thêm 11 cống ngăn thủy triều có quy mô lớn nữa. Chưa kể cống ngăn thủy triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã hoàn thành cách nay 6 tháng nhưng chưa thể vận hành đúng mức bởi còn thiếu trạm cấp điện cho cống ngăn thủy triều này.
Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã xây dựng các van ngăn thủy triều nhỏ ở các quận 4, 6, 7, Thủ Đức… nhưng giới chuyên môn nhận định đó chỉ là giải pháp tạm thời. Họ khuyến cáo phải xây thêm đê bao, hồ điều hòa lượng nước, hệ thống cống ngăn thủy triều nhưng trong vài năm gần đây, công qũy của cả nhà cầm quyền trung ương lẫn thành phố Sài Gòn đã cạn.
Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn có khuynh hướng trầm trọng hơn vì sạt lở ở khu vực ven sông Sài Gòn đang diễn ra vừa nhanh, vừa rộng. Theo một thống kê thì tại Sài Gòn hiện có khoảng 1,600 cây số đê và bờ bao. Nhiều đoạn đê thường xuyên bị vỡ, nhiều đoạn khác có thể sạt lở bất kỳ lúc nào.
Hồi 2010, nhà cầm quyền trung ương chi ra 100 ngàn tỉ đồng để Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) xây dựng nhà máy sản xuất cọc vách nhựa PVC ở Củ Chi để gia cố và phát triển thêm hệ thống vách ngăn thủy triều. Tuy nhiên dự án này vẫn chưa thể đóng góp gì cho việc chống ngập ở Sài Gòn vì thủ tục quá rườm rà.
Hồi đầu tháng trước, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã xin phép chế độ Hà Nội được vay Thái Lan 33.7 triệu Mỹ kim để xây dựng cống ngăn thủy triều tại Tân Thuận, quận 7 nhằm kiểm soát thủy triều và tăng khả năng tiêu thoát nước cho Sài Gòn trong mùa mưa. Theo dự kiến, Dự án cống ngăn thủy triều Tân Thuận cần 52 triệu Mỹ kim. Chính quyền thành phố Sài Gòn sẽ bỏ ra hơn 14 triệu Mỹ kim.
Khoản ODA của Thái Lan chưa đầy 40 triệu Mỹ kim nhưng có nhiều ràng buộc. Chẳng hạn phải sử dụng công ty tư vấn và nhà thầu của Thái Lan. Dự án thực hiện bằng vốn vay của Thái Lan phải sử dụng ít nhất 50% gía trị khoản vay để mua hàng hóa và dịch vụ của Thái Lan… Tuy nhiên chế độ Hà nội và nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn khó có thể có lựa chọn khác. (G.Đ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét