Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Nguyễn Chí Thiện, hai năm vắng tiếng

Viên Linh
Tháng 8, 1980, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu họp mặt các thân hữu văn nghệ vùng thủ đô Washington, D.C. tại nhà ông để cho mọi người xem một tập bản thảo vừa thoát ngục tù miền Bắc Việt Nam tới bến bờ Tự Do. 
“Liên hệ bởi ngôn từ: [Nguyễn Chí] Thiện, trái, với bạn là Viên Linh ở Westminster, người đã thực hiện xuất bản một tập thơ trước khi biết ai là tác giả. Ðể tập thơ được phổ biến, tác giả đã phải ở tù 12 năm.” (Ảnh của Chas Metivier/The Orange County Register/ Aug., 1996.)
Là người từng dịch ra Việt ngữ trọn bộ cuốn Doctor Zhivago của Boris Pasternak, cuốn tiểu thuyết cũng đã vượt bức màn sắt của liên bang Sô Viết để trình bày cho thế giới tự do biết thế nào là các trại tập trung Tây Bá Lợi Á, nên Nguyễn Hữu Hiệu nhận ra ngay đây là một trường hợp tương tự, nghĩa là phải xuất bản ngay để giúp tác giả đưa sự thật tăm tối ở Việt Nam ra ánh sáng. Chính tác giả tập thơ đã cầu khẩn mọi người, bất cứ là ai, mà ông chỉ gọi là “Monsieur!” “je vous pris de faire publier ces poemes dans votre pays libre.”
Ông cầu khẩn bất cứ ai in nó ra, vì đó là cuốn sách tranh đấu, không phải sách thương mại, càng nhiều người in ra càng tốt. Nhờ người bạn học cũ Bùi Bảo Trúc, Hiệu đã có bản sao tập thơ này, dù không nhan đề và không tác giả. Chúng ta phải giúp ông ta xuất bản ngay tập thơ. Tất cả đồng ý. Trong vòng 7 ngày, tập thơ xuất hiện với nhan đề Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực, tôi đã đặt nhan đề như thế, là do dùng đúng một câu thơ trong sách:
Toàn bộ thơ tôi nặng nề cay cực
Không một sắc màu mang khí lực xanh tươi
Vần điệu nghe như quỷ khóc ma cười
Do sáng tạo tận sâu cùng đáy vực
Trong muôn ngàn tiếng muốn tìm ra
Tiếng nào thiết tha
Tiếng nào trung thực
Hãy lắng nghe “tiếng vọng từ đáy vực”
(Ðoản khúc 113, 124)

Sau đó trình bày bìa, gấp và đóng tập thơ trong nhà in của anh Jim Sperings tại Falls Church. Trong vòng 15 năm, cả thế giới biết đến tập thơ, tên gốc là Hoa Ðịa Ngục, tên người viết lá thư bằng Pháp ngữ trên đầu tạp thơ là Nguyễn Chí Thiện và cả thế giới biết đến cảnh tù đày tại Việt Nam. Dư luận thế giới đã khiến Hà Nội phải thả thi sĩ tác giả, tuy rằng anh đến Hoa Kỳ dưới dạng H.O. - một người anh ruột của anh đứng ra bảo trợ là ông Nguyễn Công Giân, nguyên trung tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cư ngụ tại Maryland. Do đó nơi anh tới Hoa Kỳ đầu tiên là phi trường Dulles. Anh sinh ở Hà Nội ngày 27 tháng 2, 1939 nhưng chính quán ở Hà Nam, học trung học ở Hà Nội, sống ở Hà Nội và Hải Phòng. Mấy chục năm đói, khi không ở tù có khi đói anh phải cho các cô gái giang hồ mướn phòng chốc lát để tiếp khách.
Ngày 1 tháng 11, 1995, Nguyễn Chí Thiện rời Việt Nam bằng máy bay United Airlines, và cùng ngày, đặt chân xuống phi trường Dulles vùng Washington, D.C. Tháng 12 ông tới Nam California. Người viết bài này đã đưa ông tới đài phát thanh Little Saigon và thực hiện cuộc phỏng vấn truyền thanh đầu tiên, và phải tới tám tháng sau, tháng 8, 1996, mới được phóng viên báo The O.C. Register tới phỏng vấn Nguyễn Chí Thiện. Tôi đi với anh cùng đến gặp ký giả Phan Trần Hiếu. Hiếu viết một bài báo lớn, chạy nguyên hai trang phần Accent ngày 6 tháng 8 với rất nhiều hình ảnh cũ mới, gọi Nguyễn Chí Thiện là “the Freedom Writer,” cây bút tranh đấu cho tự do. Trong cuộc phỏng vấn, Thiện cho biết chỉ hơn một năm sau khi trèo qua hàng rào Sứ Quán Anh ở Hà Nội với bản thảo tập thơ, thì anh thấy bản in Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực, do chính cán bộ Việt cộng vứt lên bàn, trong nhà tù, để hạch tội anh. Trong tấm hình do phóng viên Chas Metivier chụp Thiện với tôi tại khuôn viên Phúc Lộc Thọ, chú thích cũng nói rõ việc xuất bản này, tôi trông coi việc xuất bản mà không biết ai là tác giả. Phạm Duy gọi anh ta là Ngục Sỹ, điều này rất chính xác cho một người đã sống trong các nhà tù cộng sản ròng rã 27 năm.
Nếu cần chi tiết, Nguyễn Chí Thiện vào tù ra khám như sau:
1. Tù lần đầu từ tháng 5, 1961 tới tháng 11, 1964.
2. Tù lần hai từ tháng 2, 1966 tới tháng 7, 1977.
3. Tù lần ba từ tháng 7, 1979 đến tháng 10, 1991.
Bị tù nhiều lần và lâu nhưng chưa bao giờ được đưa ra xét xử, nghĩa là không có tội gì cả mà vẫn ở tù.
Thơ tù của Hoa Ðịa Ngục tràn lan, song nhà tù không phải là “nàng thơ” của Nguyễn Chí Thiện. Anh có nàng thơ riêng của mình, nàng thơ ấy là Nữ Thần Tự Do. Anh cầu nguyện để nàng đến với dân tộc mình.
“Suốt đời tôi cầu nguyện cho thơ tôi đến với độc giả hải ngoại, hầu cho mọi người biết được những bất công kinh hoàng tại quê hương tôi.” (Theo Phan Trần Hiếu). “Người tị nạn Việt Nam đang chia rẽ. Sự thật không được nói lên và nhiều nơi còn ca ngợi chủ nghĩa xã hội.” Vẫn theo bài của Phan Trần Hiếu, từ khi bị tù sau khi đột nhập Sứ Quán Anh, Nguyễn Chí Thiện cho biết, “Ông chỉ nghĩ đến tập bản thảo [375 bài mà ông đã giấu vào bụng dưới làn vải khi trèo vào Sứ Quán Anh ở Hà Nội]. Một ngày, một tuần, một tháng, một năm trôi qua. Không tăm hơi gì về số phận của tập bản thảo. Tinh thần ông chao đảo. Cho đến một hôm sự kiên trì chống đối của ông có kết quả.”
“Một ngày trong tháng 10 năm 1980 quản giáo đưa ông xem tập thơ do Viên Linh in. Ngây ngất sững sờ, Nguyễn Chí Thiện thú nhận hết...Tôi khai đã làm những bài thơ ấy, không những thế tôi còn đọc cho họ nghe sáu bài thơ trong đó để chứng minh tôi là tác giả. Thế là kẻ vô danh không còn vô danh nữa.” (Thien only thought about his poems. A day, a week, a month, a year passed. Still no word of the manuscript's fate. Thien's spirits tumbled. But his defiance and endurance paid off. In October 1980, prison officials showed him Vien Linh's book. Ecstatic, Thien admitted everything. Trust or lies would have made no difference. I was destined to waste away in jail, he says. I professed to writing the poems, even to ricited six of them to ensure my credibility. Alas, I was anonymous no more.” (Phan Tran Hieu: Freedom Fighter, The Orange County Register, Tuesday Aug. 6, 1996). Việc nhắc đến tên người xuất bản ở trên có hơi vắn tắt, tôi chỉ là một người trong nhóm năm, sáu người cùng góp sức xuất bản tập thơ.
Tác giả Hoa Ðịa Ngục ra đi vào tháng này, hai năm trước, tháng 10, 2012. Khác với tất cả, ông là một người thơ chính trị, nàng thơ của ông là Nữ Thần Tự Do, Nữ Thần Công Lý, và ông đứng ở ngôi vị số 1 của Thơ Tù Việt Nam.
 
Viên Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét