Ads 468x60px

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Thắng cảnh du lịch Tây Nguyên hoang tàn

Khu du lịch thác Trinh Nữ, Ðắk Nông đổ nát do bị
bỏ hoang từ năm 2012 đến nay. (Hình: Ðất Việt)
Du lịch Tây Nguyên có rất nhiều di sản thiên nhiên tuyệt đẹp. Song, “của Trời cho” này ngày càng xuống cấp, thậm chí biến mất do con người chỉ biết ra sức khai thác mà không chăm sóc, tu bổ.
Nắm lợi thế tự nhiên, thương hiệu sẵn có để thu tiền mà không đầu tư được các dịch vụ ăn, nghỉ, chơi, giải trí... ra hồn nên không tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng. Do vậy mà hàng loạt khu du lịch xây dựng tại các danh thắng, vùng đất nổi tiếng như hồ Lắc, Bản Ðôn (Ðắk Lắk), Măng Ðen (Kon Tum)... đang ế ẩm, đìu hiu.
Thác Trinh Nữ nằm trên dòng sông Sêrêpốk, thị trấn Ea T'ling, Cư Jút, Ðắk Nông, vốn là một thắng cảnh nổi tiếng, nhưng từ năm 2012 đến nay đã trở thành “khu du lịch không đón khách” trong cảnh nhà tiếp khách sụp đổ, khu nhà dài Ê Ðê đổ nát; thác Trinh Nữ hết nước, rừng đặc dụng tan hoang.
Ðến khu du lịch thác Thủy Tiên, huyện Krông Năng, Ðắk Lắk càng thảm hại hơn. Toàn bộ khu du lịch được bao quanh bởi một hàng rào gỗ tạm bợ, bên trong chỉ có mỗi chiếc chòi tôn 20m2 cho nhân viên bán vé kiêm trông xe.
Trước đây, thác Thủy Tiên do một đơn vị khác quản lý, song từ đầu năm 2014 được giao công ty Tâm Lộc, nhưng đến nay cũng chỉ thêm mỗi cái chòi tôn nói trên.
Do không được đầu tư nên khách du lịch đến đây rất ít, mùa khô nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 15 người mỗi ngày, còn nếu mưa xuống thì vắng tanh. Cũng vì quá ế ẩm nên công ty nhận giữ xe cho dân địa phương khi vào rừng... hái măng, làm rẫy.
Cũng cảnh ngộ là khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Ðôn, ở xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn, khá nổi tiếng, nhưng nay trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân. Các nhân viên cho biết, đây là lần thứ hai khu du lịch này đóng cửa để sửa sang, nhưng không biết... sửa đến bao giờ!?
Trả lời báo Ðất Việt, ông Vũ Minh Thoại, trưởng phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Buôn Ðôn cho biết: “Lúc đầu khu du lịch này cũng làm khá bài bản, nhưng sau khi cổ phần thì bắt đầu xuống dốc. Một số giám đốc thấy cái gì bán được là bán, bây giờ hoang tàn hết rồi nên rất khó khăn.”
“Còn trung tâm du lịch Buôn Ðôn, nơi hoạt động khá nhất trong các điểm du lịch Ðắk Lắk hiện nay là nhờ ăn theo thương hiệu Bản Ðôn đã có từ hàng chục năm trước, chứ không phải do đầu tư bài bản. Các hình thức kinh doanh vẫn còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí, thư giãn của du khách nên nhiều năm nay trung tâm vẫn không giữ và níu chân được khách ở lại.”
Ông Ngô Lãm, trưởng phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Cư Jút, cho biết, đây cũng là thực trạng chung của các điểm du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên hiện tại. Nguyên nhân là do “xâm thực” quá nhiều vào thiên nhiên, cộng với việc thiếu tiền rồi làm theo kiểu “ăn xổi” nên mới ra nông nổi như hiện nay. (Tr.N)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét