Ads 468x60px

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Thương xá Tax và ký ức của người Sài Gòn

Thương xá Tax sau khi đóng cửa. Ảnh: Người Lao Động
Hàng cây, tượng đài đã là những ký ức không chỉ riêng của người Sài Gòn mà nó còn cả với những du khách từng một lần ghé qua. Với những người đã gắn bó với thành phố này lâu năm, bất kỳ sự xâm phạm nào của chính quyền dù nhân danh gì cũng khiến họ khó lòng chấp nhận.
Sài Gòn vẫn luôn còn đó, hiện hữu hằng ngày trong cuộc sống của người dân cho dù nó có mất đi trên văn bản hành chính của chính quyền hiện tại. Khi cái tên Sài Gòn được cất lên, nó không chỉ đại diện cho một địa danh, mà còn thể hiện cho sự tự do, cho những gì tốt đẹp nhất một thời nó đã có được. Có lẽ chính vì vậy mà chính quyền Việt Nam đã muốn thay đổi tên của Sài Gòn ngay sau khi họ vừa chiếm được. Việc làm này của họ nhằm khiến cho người dân khỏi thôi mộng tưởng về quá khứ. Tuy thế, trên những chuyến xe khách Bắc-Nam, người ta nhìn thấy hàng chữ Sài Gòn chứ không phải tên địa danh mới được đặt sau này. Sài Gòn đi sâu tận vào lòng người, cảm hóa ngay cả những người của thuộc “bên thắng cuộc”.
Có rất nhiều lời chỉ trích, thậm chí là xỉ vả những người thốt lên lời trách móc chính quyền khi họ cho triệt hạ những ký ức của Sài Gòn. Những người này nhân danh cái mới, hiện đại để bảo vệ cho lập luận của mình. Họ đâu biết rằng, với những người đứng tuổi họ chỉ còn sống với ký ức. Với những hoài niệm về một thời hoàng kim mà cho dù nó đã xa 40 năm sau thì với họ vẫn luôn còn ẩn hiện trong tim.
Vào ngày 25/9, Thương xá Tax đóng cửa. Một biểu tượng nữa của Sài Gòn lại chìm vào dĩ vãng. Ký ức một thời lại khắc khoải cơn đau. Nhưng chưa dừng ở đó, hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng mà ngày trước là Cường Để cũng sẽ bị đốn hạ để phục vụ cho việc xây dựng Metro. Thương xá Tax đã 134 năm tuổi, cùng với lịch sử ghi biết bao thăng trầm, biến đổi của Sài Gòn. Từ một Sài Gòn hoa lệ, đến một Sài Gòn với nhiều thứ nhiễu nhương. Thương xá Tax vẫn ở đó, kiêu kỳ và diễm lệ như thể đối chọi với những thứ xô bồ giả tạo.
Mỗi góc cây, từng công trình nó chính là cái hồn của Sài Gòn, nơi đó lưu lại nhiều kỷ niệm của người dân. Trong việc chặt bỏ hàng cây xanh hay dẹp bỏ Thương xá Tax, người dân chưa thấy chính quyền đưa ra một biện pháp khả dĩ nào để giữ lại công trình này. Họ nhân danh cái mới, cái hiện đại để thẳng tay “tàn sát” những cái cũ. Nhưng một thành phố hiện đại có phải là tàn phá những cái cũ? Điều này có lẽ những thành phố ở Phương Tây họ làm tốt hơn chúng ta. Những thành phố ở Phương Tây được hòa quyện giữa cái cũ và cái mới. Cứ mỗi góc phố chúng ta lại tìm gặp được những dấu ấn lịch sử của thành phố. Sự dung hòa cũ và mới mà không hề nhân danh cái mới để tàn phá cái cũ.
Sài Gòn của gần 40 năm sau là một sự hổ lốn với dòng người nhập cư không thể kiểm soát của chính quyền. Từ là Hòn Ngọc Viễn Đông, dưới sự điều hành của chính quyền Cộng Sản, Sài Gòn ngày càng trở nên tồi tàn và không đáng sống. Những con đường chật hẹp, những căn nhà tồi tàn bên bờ kênh đen xì bốc mùi xú uế. Hình ảnh người nghiện thoải mái hút chích ngay trong công viên trung tâm. Một Sài Gòn với trộm cướp như rươi và sự bất an của người dân mỗi khi ra đường. Đó không phải là một Sài Gòn trong ký ức của nhiều người. 
“Giờ này thương xá sắp đóng cửa…” – những ca từ trong bài “Chiều trên Phá Tam Giang” của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh lại vang lên, nhưng lần đóng cửa lần này là mãi mãi. Sẽ chẳng còn một Thương xá Tax, chẳng còn hàng cây “chúng ta thường hò hẹn”, mà chỉ còn một Sài Gòn vô hồn không ký ức. Thương xá Tax sẽ được thay thế bằng một công trình trọc trời cao 40 tầng vô hồn. Rồi đây những người xa Sài Gòn trở về lại bỗng nhận ra những ký ức của mình ngày nào đã không còn. Những khách du lịch đến Sài Gòn đâu phải chỉ để mua sắm hay nhìn ngắm những công trình hiện đại, nhất là với những nước văn minh bên phương Tây, cái mà họ muốn nhìn ngắm là một Sài Gòn còn lưu giữ được những giá trị lịch sử cho dù biết bao thăng trầm đã đi qua. 
Dù không nói ra nhưng rất nhiều người đang cho rằng chính quyền đang muốn giết đi ký ức của họ như đã cố giết đi danh xưng Sài Gòn. Một công trình chỉ có giá trị một khi nó được đánh dấu, được lưu vào trong ký ức. Việc cho dẹp bỏ Thương xá Tax, hàng cây chính là muốn xóa bỏ ký ức của con người. Trên mạng, sau khi Thương xá Tax buộc phải đóng cửa, rất nhiều người đã cùng nhau ký tên kêu gọi bảo tồn công trình lịch sử này. Dẫu biết những việc làm của họ là vô vọng nhưng dù sao cũng trân trọng sự cố gắng đó. Đòi hỏi chính quyền này trân quý công trình lịch sử là một điều ngây thơ khi chính công trình mà họ xây dựng sẽ mang lại cho những quan chức cả đống tiền. Lịch sử còn bị bóp méo thì huống chi là những hàng cây hay Thương xá Tax.
Người Quan Sát

0 nhận xét:

Đăng nhận xét