Ads 468x60px

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Thiền Thoại

Thiền thoại hay giai thoại thiền có thể dịch tiếng Pháp là Un sable de conversation, hay tiếng Anh là A piece of conversation. Đây là những mẫu chuyện nho nhỏ (có thật hoặc không) của các vị thiền sư được ghi chép lại để người tu tập khai mở tâm trí. Những mẫu chuyện nầy thường rất khó hiểu, Truyện Thiền xin trích sau đây một số thiền thoại phổ thông và dễ hiểu.

NÚI CHẲNG DỜI THÌ TA DỜI
Nhóm đệ tử ham thích thần thông hỏi sư phụ:
- Thầy ơi, thầy chỉ tụi con thuật di sơn đảo hải (dời non lấp biển) đi.
- Được, vậy các con hãy đứng đây, chú tâm nhìn vào ngọn núi đằng kia... Thầy sẽ làm cho nó xích lại gần ta.
Các đệ tử tập trung dòm núi suốt 3 ngày 3 đêm mà chẳng thấy có tác dụng gì cả,... khi thấy sư phụ từ trong nhà thong thả đi ra thì liền nhao nhao lên:
- Thầy ơi, sao chẳng thấy ngọn núi đó động đậy gì cả vậy?
- Vô dụng, vô dụng! Các con tu tập bao lâu rồi mà vẫn còn chấp cái ngọn núi!?!
- Dạ chúng con không hiểu ạ.
- Vậy thì đi theo ta, ta sẽ chỉ cho thấy.
Sau khi dẫn đám đệ tử đến chân núi, sư phụ dừng lại bảo:
- Các con đã thấy núi xích lại gần ta chưa?
- Dạ gần, nhưng đó là do Thầy đi đó chứ...
- Chẳng phải là núi không thể dời đi, nhưng để dời nó đi một li, ta phải tốn công gấp tỉ lần ta đi tới nó. Vậy sao cứ phải cố chấp vào việc núi dời chi vậy?!

CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI
Một đệ tử thích lý luận hỏi sư phụ:
- Thưa thầy, con tu tập bao lâu rồi mà vẫn chưa tìm ra được cái chân lý tuyệt đối!
- Vậy từ đó đến nay con có thấy cái gì là hoàn toàn đúng không thể chối cãi được không?
- Dạ có.
- Con thử kể một cái như vậy ra xem.
- Dạ, ví như chuyện sanh-tử, không có ai sinh ra đời rồi mà không chết đi cả.
- Vậy đó chính là chân lý rồi đó thôi.
- Nhưng thưa Thầy, chân lý đó chưa là tuyệt đối, vì có người nói là có thể trường sinh bất lão. Thậm chí có người còn đưa ra bằng chứng về một người sống suốt mấy ngàn năm nay vẫn chưa chết.
- Vậy con có tin không?
- Dạ con không tin, nhưng không có cách nào phản bác họ được.
- Con tin, tức đó là chân lý của con vậy.
- Dạ thưa... Nếu chỉ là chân lý của con thì sao gọi là tuyệt đối được ạ?!
- Cái "chân lý tuyệt đối" con tìm chẳng qua chỉ là cái lý có chân mà thôi!
- Dạ, xin thầy giảng cho con được rõ hơn ạ.
- Này nhé, ta có thể đưa ra một chân lý khác mà nhiều người chấp nhận hơn, và cho đến hết đời này con cũng không tìm ra được ai phản đối nó cả, nhưng đó cũng chẳng thể tuyệt đối như con muốn được. Chân lý là sản phẩm của con người, là phát biểu của con người về thế giới, tất phải phụ thuộc vào người hoặc nhóm người phát biểu nó. Hễ khi nào con còn chấp vào hai chữ "tuyệt đối" thì chẳng bao giờ con tìm ra được chân lý, hoặc là chúng nó phải có chân để chạy đi từ người này qua người khác, từ quan điểm này qua quan điềm khác vậy.

GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG
Một vị nữ tu xuất gia ở chùa. Cô bị đau tim, con nhà nghèo, học vấn kém. Cô hay tủi thân, mặc cảm vô phước nên cứ buồn khóc hoài! Đồng đạo khuyên lơn, cô lại càng khóc nhiều hơn!
Một hôm Sư Tổ đến thăm chùa, sư cô trụ trì trình bày sự tình và dẫn cô ra nhờ Sư khuyên giùm, biết đâu có duyên giúp cô bớt khổ được.
Sư nói:
- Ờ! Khóc được cứ khóc, mà thay vì khóc cho bản thân mình, nên khóc giùm cho kẻ khác, mình sẽ hết khổ. Sự thật dù định mệnh có khắt khe đến đâu, nhìn kỹ xung quanh mình vẫn còn có biết bao người đáng khóc hơn, đau khổ hơn. Khóc thương cho kẻ khác, con sẽ được niềm vui. Nhìn ra sân chùa thấy tượng Quan Thế Âm lộ thiên tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Sư nói tiếp:
- Giọt nước mắt vị tha là giọt nước cành dương, nó rưới tan những ưu sầu phiền não. Còn giọt nước mắt khóc cho bản thân là giọt lệ đắng cay! Tánh hay khóc thì khóc giùm cho người ta, mình sẽ hết khổ.

TÍNH BUÔNG
Một nông dân gặp Sư, anh hỏi:
- Bạch Thầy, chừng nào sẽ tới thời mạt pháp, thời thế nhiễu nhương.
- Chi vậy?
- Đặng coi gần tới mình buông!
- Chờ ăn không được mới buông ai mà mang ơn, muốn buông thì buông trước đi!

BÌNH THIÊN KHÔNG BÌNH ĐỊA
Một tín đồ hỏi:
- Mình thương con cháu đồng như nhau, nhưng sự lo lắng giúp đỡ không đồng. Vậy có bất công không?
Sư đáp:
- Không bất công đâu! Tình thương như nước, bằng mặt trên chớ không bằng mặt dưới (Bình thiên không bình địa). Mặt nước tuy phẳng nhưng đáy nước chỗ sâu chứa nhiều, nơi gò nỗng chứa ít nước hơn. Con cháu mình thương đồng nhưng đứa nào khờ khạo tật nguyền thì mình lo cho nó nhiều hơn đứa khôn ngoan giỏi dắn.

SỐNG CHẾT LÀ MỘT
Có người hỏi:
- "Sống chết là một". Bạch Thầy là sao?
Thầy đáp:
- Mỗi một ngày qua, có thể nói mình sống thêm được một ngày, hay bảo rằng mình đã chết đi hết một ngày cũng đều đúng!

TÔN GIÁO GIEO MÊ TÍN ?
Một người ngoại đạo hỏi Sư:
- Tôn giáo sao hay gieo mê tín quá vậy ? Chừng gỡ được cũng trầy vi tróc vẩy.
Sư đáp:
- Không phải đâu! Mê tín là khởi nguyên của tôn giáo. Nếu không có mê tín sẽ không có tôn giáo. Có điều một chánh giáo thì dẫn người ta từ mê tín đến trí tín, từ bờ mê sang bến giác. Còn tà giáo thì gây mê mờ thêm, đưa người đi sâu vào mê lộ!

TỈNH DẬY
Thế gian này có quá nhiều chuyện phiền não, vì vậy, rất nhiều người đi gặp Phật cùng hỏi về một vấn đề: "Con nên làm thế nào mới không còn những điều phiền muộn?"
Phật đều trả lời giống nhau:
- Chỉ cần buông ra, con sẽ thôi không phiền não nữa.
Có một đạo sĩ tỏ ý không phục, bèn đi gặp Phật và hỏi:
- Trên thế gian này có hàng ngàn hàng vạn người, thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn điều phiền não. Nhưng, Người cho họ giải pháp đều hoàn toàn như nhau, vậy đó chẳng buồn cười lắm sao?
Phật không nổi giận, chỉ hỏi ngược lại đạo sĩ:
- Buổi tối ông ngủ có thường hay nằm mơ không?
- Đương nhiên là có!
- Vậy, mỗi buổi tối nằm mơ, giấc mơ đều như nhau không?
- Đương nhiên là khác nhau rồi!
- Ông ngủ hàng ngàn hàng vạn lần, thì sẽ mơ hàng ngàn hàng vạn lần giấc mơ. Nhưng cách kết thúc giấc mơ, đều như nhau cả, đó là: "tỉnh dậy!"

SAU KHI CHẾT GẶP NHAU Ở ĐÂU
Sư viếng một ông tăng bị bệnh. Sư hỏi:
- Nếu sư đệ chết và chỉ để lại cái xác ở đây thì tôi có thể gặp sư đệ ở đâu?
Ông tăng bị bịnh đáp:
- Tôi sẽ gặp sư huynh ở chỗ không có gì sinh và không có gì tử.
Sư không hài lòng với câu đáp, nói:
- Sư đệ nên nói rằng không có chỗ nào không có gì sinh và không có gì tử, và chúng ta chẳng cần thấy nhau chi hết.

CHÙA NAM - CHÙA BẮC
Một đệ tử từ chùa Bắc đến thăm chùa Nam. Đệ tử chùa Nam nói:
- Chùa phương Nam của chúng tôi không phải là thượng đẳng so với chùa ở phương Bắc.
Đệ tử chùa Bắc không biết nói gì, nên im lặng. Khi trở về kể lại những gì đệ tử chùa Nam đã nói.
Sư nói:
- Chú nên nói với ông ấy rằng bất cứ ngày nào tôi cũng sẵn sàng nhập niết bàn.

CHỮ TÂM
Một thiện nam viết chữ “Tâm”, kiểu chữ Hán, tượng hình cho trái tim, lên cổng, cửa sổ và tường của ngôi nhà nhỏ của ông ta. Một thiền sinh nghĩ như vậy là sai và muốn sửa lại cho đúng, nói:
- Cổng phải có chữ cổng, cửa sổ và tường mỗi cái phải có chữ riêng của nó.
Sư nói:
- Cổng tự nó hiện bày chẳng cần có chữ, cửa sổ và tường cũng vậy, chẳng cần bản hiệu gì cả.

ĐỊA TẠNG PHẬT PHÁP
Một hôm Địa Tạng tiếp một đệ tử của Bảo Phước như một vị khách và hỏi ông ta:
- Thầy ông chỉ dạy ông như thế nào trong Phật pháp?
Ông tăng đáp:
- Thầy chúng con bảo chúng con nhắm mắt lại, chớ thấy điều ác; bịt tai lại, chớ nghe tiếng ác; dừng tâm suy nghĩ lại, chớ tạo ý nghĩ sai lầm.
Địa Tạng nói:
- Tôi không đòi hỏi ông bịt mắt lại, mà không thấy điều ác. Tôi không đòi hỏi ông bịt tai lại, mà không nghe tiếng ác. Tôi không đòi hỏi ông dừng tâm suy nghĩ, mà không tạo ý nghĩ sai lầm nào cả.

ĐÁNG ĐÁNH ĐÒN
Cảnh Thanh hỏi một ông tăng mới, từ đâu đến. Ông tăng đáp:
- Từ Tam sơn đến.
Cảnh Thanh hỏi tiếp:
- Mùa an cư vừa rồi ở đâu?
Ông tăng đáp:
- Ở Ngũ nhạc.
Cảnh Thanh nói:
- Tôi sẽ đánh ông ba chục gậy bự này.
Ông tăng hỏi:
- Tại sao con đáng ăn gậy của hòa thượng?
Cảnh Thanh đáp:
-Tại vì ông bỏ chùa này tới chùa kia.

QUAN THƯỢNG THƯ
Thượng thư Trần Tháo đi lên cầu thang với những người trong ban tham mưu của ông. Khi thấy một nhóm tăng nhân đi ngang qua dưới đường lộ, một trong các quan thuộc hạ hỏi:
- Họ có phải là tăng nhân thiền hành không?
Trần Tháo đáp:
- Không.
Viên chức ấy hỏi:
- Làm sao đại nhân biết họ không phải là tăng thiền hành ?
“Để khám nghiệm xem” Trần Tháo đáp xong liền kêu to:
“Này! chư tăng!” Nghe tiếng gọi, tất cả nhìn lên cửa sổ. Trần Tháo nói:
- Đó! Không phải tôi đã nói với ông như vậy sao?

CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU
Một thiền sinh trẻ tuổi lần đầu tiên tới thăm một thiền sư. Vừa ngồi xuống, anh huênh hoang cất giọng thao thao:
- Làm gì có tâm trí, có thân xác, có thiện, có ác! Thầy chẳng có, trò cũng không; chẳng có cái cho đi, cũng chẳng có cái nhận về; có cái gì trên đời này mà là thật đâu. Cái chính thật là Hư Vô!
Vị thiền sư ngậm ống điếu bình thản ngồi nghe không thốt nửa lời. Chợt thiền sư với lấy chiếc roi bất thần giáng một cái thật mạnh lên người thiền sinh. Thiền sinh hốt hoảng vùng dậy, không giấu được về giận dỗi, nhưng còn lúng túng chưa biết nói sao.
Thiền sư điềm tĩnh cất lời:
- Nếu quả thực chẳng có gì trên đời này là thực và tất cả là hư vô, thì sự giận dữ của người từ đâu đến?

SỬA ĐỔI THIÊN NHIÊN
Hai chú tiểu ngồi dưới gốc cây bồ đề, một chú nhận xét:
- Thiên nhiên có những điều bất cân xứng cần phải sửa chữa lại.
Chú khác hỏi:
- Thí dụ cái gì bất cân xứng?
- Thì chú thấy đó, bên kia cây dưa hấu nhỏ như vậy mà trái thật to, còn cây bồ đề to tướng thế này mà trái nhỏ xíu!
Ngay khi đó gió thổi rụng những trái bồ đề trên đầu họ. Chú tiểu kia nói:
- May mà chú chưa kịp sửa thiên nhiên, chứ không thì bể đầu cả đám!

TU SỬA
Một thiền sinh hỏi:
- Có phải tu là sửa không ?
Sư nói :
- Không.
- Vậy là không sửa ?
- Cũng không .
Thiền sinh không hiểu, thắc mắc:
- Như vậy tu phải làm sao ?
Sư đáp :
- Không sửa thì kẹt cái này, sửa thì thành ra cái khác.

MỤC ĐÍCH
Một võ sư lừng danh hỏi người đệ tử mới nhập môn:
- Con muốn học võ à?
- Vâng, con muốn học võ để chiến thắng kẻ địch.
- Con ạ, còn nghĩ đến chiến thắng và kẻ địch thì chưa học võ được đâu vì còn hiếu thắng.
- Vậy con chỉ học võ để tự vệ thôi.
- Còn đề kháng tự vệ cũng chưa học võ được vì còn vị kỷ.
- Nếu vậy con học võ để làm gì?
- Lại để làm gì ! Chung quy con vẫn còn vướng vào một mục đích.
Võ sinh ngạc nhiên :
- Nhưng làm thế nào có thể học võ mà không có mục đích?
Võ sư ung dung bước ra giữa võ đường múa một bài quyền và nói:
- Anh cứ thế mà làm không được sao ?

TRẢ ĐŨA
Lão hành khất vào ngồi trong hiên chùa, bắt đầu bữa ăn xin được trong ngày: ít vắt cơm, muối và... một con cá rô cây.
Người gác chùa quan sát bữa ăn, thấy con cá rô cây được đẽo gọt khá cẩn thận, dọn ra giống y con cá thật đã được nấu nướng đàng hoàng. Ông hỏi người hành khất với giọng châm biếm:
- Này ông lão, ông làm gì với con cá gỗ ấy hay cuối cùng cũng chỉ cơm với muối?
Lão hành khất bình tĩnh đưa tay chỉ tượng Phật bằng đá trên tòa sen giữa chánh điện trả đũa:
- Này ông bạn, còn ông làm gì với tượng Phật đá kia hay cuối cũng cũng chỉ vô minh với ái dục?

CHẲNG CÓ AI TIN
Thị giả của Phật Tổ Thích Ca là Ngài A-nan được lịnh xuống trần xem thời mạt pháp như thế nào. Chẳng bao lâu, Ngài đã trở về trình bạch:
- Bạch Đức Thế Tôn! Hình như sau khi thế Tôn nhập diệt, ở dưới trần còn có nhiều Phật khác xuất hiện.
- A- nan, sao con lại nói vậy?
- Bạch Thế Tôn! Thứ nhất là có nhiều hình tượng Phật diện mạo khác nhau, dĩ nhiên là khác xa Thế Tôn, được thờ cúng khắp nơi. Hai là có nhiều kinh điển, pháp môn đều nhận là giáo lý của Thế Tôn nhưng khác xa giáo pháp mà con đã được nghe và thuộc nằm lòng do chính Thế Tôn thuyết giảng. Ba là có rất nhiều tông phái khác nhau tự xưng là truyền thừa chính thống từ Thế Tôn, nhưng hoàn toàn mâu thuẫn với nhau... Chính vì vậy, con chắc rằng có nhiều Phật đã xuống trần sau khi Thế Tôn nhập diệt.
- A-nan, chớ có nói vậy. Sau Như Lai, chỉ có Phật Di-Lặc mà thôi. Nhưng Bồ Tát Di-Lặc chưa đến thời giáng thế. Vậy nếu có ai xưng Phật, chắc chắn là Phật giả. Con mau xuống trần đính chính kẻo chúng sanh lầm lạc.
- Bạch Thế Tôn! Con không thể đi được, vì từ lâu họ đã gán cho con là tiểu thừa rồi, chẳng còn ai tin con nữa!
- Thôi A-Nan, thời mạt pháp nghiệp dĩ như vậy thì cứ là như vậy.

ĐỒNG HAY BẤT ĐỒNG
Một học giả nghiên cứu về những điểm dị đồng giữa các tôn giáo hỏi ý kiến Sư:
- Đạo Khổng nói “thuận thiên lập mệnh”, Đạo Thiên Chúa nói “vâng ý Cha”, Đạo Lão nói “Đạo pháp tự nhiên”, còn Đạo Phật cũng nói “Tùy Pháp Hành”. Những giáo lý ấy có giống nhau không?
Sư nói:
- Giống ở người thấy, không giống ở người không thấy.

PHÂN BIỆT MINH BẠCH
Sư giảng pháp nói:
- Các vị cần phải nghiêm mật thận trọng trong mỗi hành vi động tịnh của thân, khẩu, ý; phải lấy trí tuệ phân biệt minh bạch vi tế đối với thiện ác, đúng sai, chân giả, xấu tốt v.v... Nếu không, chẳng biết khi nào ra khỏi sông mê bể khổ...
Một thiền sinh đứng dậy thưa:
- Xưa nay kinh luận cũng như thiền đều nói: “Tâm vô phân biệt”, sao Thầy lại dạy phân biệt quá minh bạch như vậy?
Sư hỏi:
- Vậy đưa anh một chén cơm với một chén đất, anh ăn chén nào?

VÔ NGÃ
Từ khi vào thiền viện, anh nhất định phải thực hiện tinh thần vô ngã mà anh đọc được trong một số sách thiền: thể nhập pháp giới.
Một ngày kia anh mừng rỡ trình với Sư:
- Thưa Thầy, con đang tưới hoa, bỗng thấy con với hoa là một.
Sư nói:
- Anh đã thấy anh với hoa là một thì cứ việc tưới anh là được, cần gì đi tưới hoa cho mệt!

TRÀ ĐẠO
Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản. Khách thì lại cứ rót trà uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả.
Thấy vậy, chủ nhân khéo léo thuyết minh về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà v.v...
Nghe xong, khách nói:
- À, thì ra trà đạo là vậy! Tôi cứ tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.
Rồi khách xuất khẩu ngâm:
Xưa nay trà là đạo
Khát chỉ việc uống thôi
Nghĩ thêm trà với đạo
Đầu thượng trước đầu rồi!

BỊ TỰ DO NGĂN NGẠI
Một thiền sinh mới nhập môn quen sống phóng túng theo kiểu “thiền du hí” của anh từ lâu, nên không thể nào chấp nhận luật lệ quá nghiêm cẩn của thiền viện. Anh nói:
- Thiền là tự do giải thoát. Thiền giải phóng con người ra khỏi mọi ràng buộc, vì sao thiền viện này giới luật khắt khe như vậy?
Sư nói:
- Người thật sự tự do thì có thể ung dung trong ràng buộc, cho nên ràng buộc tuy có mà không. Còn người không chịu nổi ràng buộc, vì chưa đủ sức tự tại vô ngại, cho nên ràng buộc vốn không bỗng trở thành ngăn ngại. Tiếc thay, chính anh đã bị tự do ngăn ngại mất rồi!

CỬA TRỜI RỘNG MỞ
Chư Thiên cõi trời Đao Lợi nhìn xuống cõi trần thấy nhiều người đau khổ, động lòng từ liền bạch với vua trời Đế Thích:
- Tâu Bệ Hạ, xin Ngài rủ lòng từ bi mở cửa cho người trần được vào thiên giới, như thế mọi người mới được công bằng bình đẳng.
- Không được, nghiệp dĩ thế nào phải chịu như vậy mới gọi là công bằng.
Nhưng Chư Thiên cứ tâu mãi nên Vua Trời đành cho mở cửa.
Chẳng bao lâu Vua Trời phải triệu tập Chư Thiên để thành lập lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội và soạn thảo bộ luật hình sự.

TRIẾT HỌC LÀ GÌ
Để mở mang kiến thức ngoại điển, Sư cho tăng chúng học thêm triết học Đông Tây. Sau nhiều giờ học, một chú tiểu hớn hở nói với bạn:
- Đến nay, tôi đã hiểu triết học là gì rồi.
Chú tiểu kia thì đang mù tịt cái môn phiền phức này nên như người chìm vớ được phao:
- Nói nghe mau đi, triết học là gì vậy?
- Ối, có gì đâu! Triết học chỉ là một hệ thống ngôn ngữ phức tạp nói về những điều giản đơn đó mà!

SINH LÃO BỊNH TỬ
Sau nhiều năm tinh tấn tu hành, một vị tăng vẫn không sao đạt được mục đích mà ông hướng đến là thoát ly sinh, già, đau, chết. Đang lúc buồn nản thì Sư đến thăm. Vị tăng hỏi:
- Làm sao thoát khỏi sinh - lão - bịnh - tử?
Sư than:
- Chỉ tội cho Sinh - Lão - Bịnh - Tử thoát không khỏi ông!

SẮC KHÔNG
Sư ghé thăm một vị tăng nổi tiếng uyên thâm Phật Pháp và có nhiều sở đắc. Vừa thấy Sư, vị tăng dùng phép thần thông ẩn mình đâu mất.
Sư hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Vị tăng nói:
- Đó là “sắc tức thị không”.
Sư nói:
- Đã “sắc tức thị không” sao ông lại phải biến mất làm gì. Hơn nữa ông chỉ mới giấu được cái sắc thân, còn cái bản ngã của ông xem ra lại càng lộ rõ hơn!
Vị tăng cả giận hỏi lại:
- Còn Thầy thì sao?
Sư đáp:
- Ngươi không thấy ta “sắc bất dị không” hay sao?

THÁNH KHÔNG BIẾT ĐAU
Thị giả của Sư nghe người ta kể rằng chủ nhà của hiền triết Epitète đối xử với ông rất tệ. Người chủ cho vặn chân Épitète để tiêu khiển. Nhà hiền triết nói:
- Nếu ngài tiếp tục thì chân tôi sẽ gãy.
Nhưng người chủ vẫn tiếp tục và chân ông gãy thật. Epitète ôn tồn nói:
- Đấy, tôi nói có sai đâu.
Nghe xong, thị giả cứ khen hoài: “Thật là một nhà hiền triết siêu việt!” Rồi thị giả chợt nghĩ rằng: “Thầy mình là một thiền sư nổi tiếng, vậy để xem có bằng Épitète không?” Nhân Sư đang nằm nghỉ, thị giả tụm lấy chân Sư vặn mạnh. Sư nói:
- Đau, đau.
Thị giả thất vọng nói:
- Còn đau thì đâu phải là đạt đạo!
Sư nói:
- Chứ ngươi muốn ta đạt cái đạo vô cảm giác hay sao?

THIỀN ĐỊNH LÂU NHẤT
Sư hỏi các đệ tử:
- Trong các con, ai hành thiền định lâu nhất?
Các đệ tử lần lượt thưa:
- Con nhập định một giờ.
- Con nhập định một ngày.
- Con nhập định bảy ngày.
Cuối cùng, một người đệ tử thưa:
- Thưa Thầy, con không biết con nhập bao lâu, chỉ biết là con đang thở từng hơi thở mà thôi.
Sư mừng rỡ nói:
- Thế mà con thiền định lâu nhất đó.

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
Một thiền sinh hỏi:
- Thưa Thầy, theo Mật Tông, Đức Chuẩn Đề có ngàn tay ngàn mắt là ý nghĩa gì?
Sư nói:
- Ngươi cũng có ngàn tay ngàn mắt nhưng chưa vô ngại đại bi đó thôi.
- Làm sao con có ngàn tay ngàn mắt được?
- Sao lại không? Nóng lạnh, đói no, vui buồn, mừng giận, đẹp xấu, dở hay, phải trái,... cho đến ngàn chuyện ngươi đều biết, đó không phải ngươi có ngàn mắt hay sao? Lại còn làm lụng, đi đứng, ăn ngủ, nói năng, suy tính, tạo tác, động tịnh,... cho đến ngàn việc ngươi đều làm được, đó không phải ngàn tay là gì?

BẮT CHƯỚC THIỀN SƯ
Nhiều thiền sinh sau khi đọc hành trạng của các thiền sư cổ đức, mỗi người tâm đắc hành trạng của một vị thiền sư nào đó và bắt chước y hệt những gì ghi lại trong các ngữ lục.
Có thiền sinh đưa lên một ngón tay, thiền sinh khác chỉ cây tùng trước sân, có người toan chẻ tượng Phật, có người lại định giết cả mèo v.v...
Sư nói:
- Các sách vở chỉ ghi chép một điểm nhỏ trong đời sống phong phú của các thiền sư, các ngươi chỉ bắt chước được một điểm nhỏ đó thôi chứ làm sao bắt chước được đời sống toàn diện của các Ngài. Chẳng lẽ các Ngài suốt đời chỉ làm một chuyện đó thôi sao?

KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN
Ai cũng biết mục đích tối hậu của Đạo Phật là Niết Bàn. Như vậy, chẳng cần nghĩ bàn gì, người ta cứ việc khẳng định rằng Đạo Phật chính là con đường đi đến Niết Bàn đó.
Nhưng Sư lại nói:
- Chẳng bao giờ có con đường đến Niết Bàn, chỉ có đường vào luân hồi sinh tử mà thôi.
Các thiền sinh rất lấy làm lạ, thắc mắc:
- Như vậy, Đức Phật dạy Đạo để làm gì?
Sư nói:
- Đạo chỉ để xóa tan Tập đế, như ánh sáng xóa tan bóng tối chứ đâu phải đường đến Niết Bàn. Ví như trong bóng tối anh không tự nhìn thấy mình, đến khi thắp đèn lên mới thấy được mình. Như vậy, anh không cần phải đi đâu mà tìm kiếm chính anh. Niết Bàn cũng y như vậy.

CẢNH GIỚI LÝ TƯỞNG CỦA THIỀN
Một thiền sinh nói:
- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn tự do thoải mái. Tất cả luật lệ, khuôn phép,, giáo điều, lễ nghi, quy tắc v.v... đều chỉ là những ràng buộc, nên chúng hoàn toàn vắng bóng trong thế giới thiền.
Một thiền sinh khác cãi lại:
- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn nghiêm túc. Anh không nghe người ta nói “trang nghiêm Phật Quốc” hay sao? Vì vậy theo tôi, cái gì thiếu quy củ, thiếu điều độ, thiếu nghiêm chỉnh, thiếu mực thước đều là buông lung phóng dật, nên chúng hoàn toàn không có mặt trong thế giới thiền.
Sư nói:
- Các anh đều đúng, nhưng đó là những cảnh giới lý tưởng nhất trong ý niệm của mỗi người, chứ thiền làm gì có cảnh giới mà nhì với nhất!

NGỰA HAY KHÔNG CẦN ROI
Một nhà triết học hỏi Phật :
-Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào mình có thể nói được về thực tại tối hậu, về chân lý tuyệt đối, mà mình không sử dụng hai danh từ có và không (being và non-being)?
Nghe xong Phật ngồi im lặng, không nói gì hết, và ngồi im lâu thật là lâu. Cuối cùng ông đó đứng dậy, xá Phật ba cái thật sâu rồi từ giã ra về.
Thầy A Nan ngạc nhiên hỏi:
-Bạch đức Thế Tôn, sao đức Thế Tôn chẳng nói gì hết mà ông ta lại tỏ lòng kính phục đức Thế Tôn một cách sâu sắc như vậy?
Phật mới nói rằng:
-Này A Nan! Đối với những con ngựa hay, con ngựa giỏi thì mình không cần tới cái roi. 
Truyện Thiền

0 nhận xét:

Đăng nhận xét