Ads 468x60px

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Lời cảm tạ pro&contra

Hôm 31/12/2014, Phạm Thị Hoài đã đưa lời tạm biệt bạn đọc, 
tuyên bố đóng trang blog pro&contra của chị. Screen capture
Võ Thị Hảo
2015-01-01 
Dâng tặng bạn đọc bao điều tâm huyết
Mười ba năm làm báo và “ý nghĩa lớn cho một cuộc đời nhỏ”.
“Nó chấm dứt trong bối cảnh nền báo chí độc lập ở Việt Nam đang mất đi quá nhiều hi vọng, khiến một lời chia tay lúc này u ám hơn tự nó.”
Hôm 31/12/2014, Phạm Thị Hoài đã đưa lời tạm biệt bạn đọc, tuyên bố đóng trang blog pro&contra của chị. Ba năm nay, blog này đã dâng tặng bạn đọc bao điều tâm huyết.
Không khỏi rưng rưng cay mắt khi phải chia tay một người bạn lớn như pro&contra bây giờ, và như talawas cách đây ba năm. Dòng thời gian chẳng đợi người. Và ta thấy tất cả những gì tài năng nhất, chính trực nhất, tử tế nhất mà người VN dù ở trong hay ngoài nước làm cho cộng đồng VN cũng sớm muộn bị đe dọa, bị áp lực, chí ít là ở nỗi quá cô đơn khi người ây phải tư mình vác cây thập giá quá lâu lê bước mong manh.
Ra đời tháng 12/2012, pro&contra đặt mục tiêu giản dị và ít tham vọng: “Những năm trước, khi phụ trách trang talawas, tôi có rất ít thời gian để viết. Nay blog cá nhân này cho tôi cơ hội tự thử bút trong lĩnh vực báo chí truyền thông và dành chỗ cho một số khách mời”.
Nhưng ba năm vận hành pro&contra lại là ba năm người đọc được chứng kiến nội dung của trang này đã vượt qua phạm vi của một blog cá nhân, đạt tới tầm cỡ của một trang báo mang tính nhân văn, khoa học và khai sáng. Trang blog đã thu hút được nhiều cây bút có tài năng và ủng hộ tự do tư tưởng.
Kể cả những năm làm talawas đến nay là mười ba năm Phạm Thị Hoài cùng một số ít ỏi bạn bè đã làm báo không công, đem tiền nhà ra chi phí. Với tiêu chí một tờ báo đạt chất lượng cao, tin bài hoàn toàn độc quyền, không nhặt nhạnh từ những trang tin khác, khắt khe đòi hỏi để đạt chất lượng khoa học về nội dung cũng như chất lượng tư liệu và biên tập, đó dường như là điều không thề với rất nhiều người làm báo người VN trong nước và nước ngoài lâu nay. Phạm Thị Hoài với tư cách Tổng biên tập đã phải chịu đựng vô số áp lực trong điều kiện vẫn phải mưu sinh và lo trọn nhưng nghĩa vụ bình thường nhất của con người.
Mười ba năm đó là mười ba năm Phạm Thị Hoài lặng lẽ và can đảm vác cây thập giá ấy trên con đường cô đơn, trắc trở. Luôn bị đe dọa bởi chính thể độc tài VN, mười ba năm trời chị không được về thăm cha mẹ và người thân tại Việt Nam. Những điều đó Phạm Thị Hoài kiên trì gánh chịu, không chút phàn nàn. Nặng nhất đối với Hoài, có lẽ là nỗi hàm ơn mà càng kéo dài những trang báo thì càng chất nặng mối ân huệ không thể trả với nhũng người đã vì tin tưởng, ngưỡng mộ, chia sẻ ý tưởng của chị mà viết, dịch, biên tập… không một đồng nhuận bút cho talawas và pro&contra.
Trong lời tạm biệt độc giả, ngày 31/12/2014 Phạm Thị Hoài viết:
“Tôi chỉ có thể bày tỏ lòng biết ơn không thể diễn tả hết của mình với tất cả những người đã đi cùng tôi trong từng chặng đường và trong suốt cuộc hành trình, đã chia sẻ với tôi từ những việc nhỏ nhất đến những việc lớn hơn, đã góp tài năng, công sức, kiến thức, niềm đam mê, sự kiên trì và lòng can đảm cho một lí tưởng mà tôi phục tòng, đã chịu đựng ngay cả khi tôi vô lối và tin cậy ngay cả khi tôi hoang mang, đã hào phóng với những lời khen mà tôi ít khi biết đáp lại và từ tốn với những lời phê bình mà tôi không luôn dễ dàng tiếp thu, đã giúp tôi trưởng thành và giàu có lên từng ngày, đã cho cuộc đời nhỏ của tôi một ý nghĩa lớn hơn, và đã tặng tôi một số tình bạn bền vững nảy sinh từ trắc trở. Nếu được lùi trở lại, tôi không do dự chọn mười ba năm vừa rồi để làm đúng những việc đã làm”.
Năm 2010, talawas tuyên bố đóng trang mạng đã khiến cho nhiều người trong giới văn học và báo chí buồn rầu nuối tiếc. Khoảng ngàn tin bài đã viết về sự kiện này. Chấn động hơn rất nhiều so với việc đóng cửa một tờ báo “lề phải” cỡ quốc gia được tài trợ bơi vô số nhân tài vật lực. Và nhiều người không thể tin được một trang báo có giá trị lâu dài như talawas lại đóng cửa.
Có lẽ bởi những mục tiêu to tát và ít nhiều nhạy cảm đối với Hà Nội như vậy nên từ cuối tháng 5 năm 2004, chính quyền Việt Nam đã kiểm soát trang web (talawas – người viết) này và thiết lập tường lửa để ngăn chặn sự truy cập từ trong nước. Từ đó đến nay, chỉ có người ở bên ngoài Việt Nam mới theo dõi được. Ngày 3/11/2010, trang mạng này chính thức đóng cửa (theo rfa.org. ngày 5/11/2010)…

Nhà văn Phạm Thị Hoài.
Photo: blogbuivanphu
“Tôi có thể làm gì cho các bạn?”
Trong dịp này, càng nhớ cái ngày Phạm Thị Hoài đóng trang mạng Talawas. Trong thư giã từ của Talawas gửi độc giả có viết:
“Hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời, với những thành tích đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến bất đồng trong quá khứ và ngay cả trong những ngày này, chắc chắn không thay đổi qua đêm. Kinh nghiệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở” đầu những năm 50, của giai đoạn “Đổi mới” cuối những năm 80, cho thấy khoảng không gian tự do ngôn luận vừa giành được đó có thể bị rút lại bất kỳ lúc nào, bịt miệng những tiếng nói độc lập là điều kiện sống còn của chế độ độc tài tư tưởng. Song ngay cả trong trường hợp chế độ ấy tan rã thì hậu quả và di tích của nó cũng đặt những người làm báo trước những nhiệm vụ khổng lồ…
Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam.”
Bởi không thể lãng quên „nhiệm vụ khổng lồ“ của những người làm báo cho một nền báo chí tự do VN, nên chỉ sau khi Talawas đóng cửa một thời gian, đôi vai bé nhỏ vẫn chưa hết ê ẩm, Hoài đã mở blog pro&contra:
“Chọn cho mình một quan điểm và thái độ rõ ràng, theo tôi, chẳng những là cách duy nhất để tồn tại trong sự đa nguyên đó, mà còn là bổn phận để duy trì ý nghĩa tích cực của nó. Vì thế tôi đặt tên blog này là pro&contra. Nó không liên quan gì đến những khái niệm như “lề trái” hay “lề phải”, “trong luồng” hay “ngoài luồng”.
Vượt xa khuôn khổ của một blog cá nhân
Trong 3 năm đồng hành cùng người đọc, pro&contra đã vượt xa khuôn khổ của một blog cá nhân, nhập dòng những blog và trang web của những cá nhân vô vụ lợi bởi mục đích tự thân, hồn nhiên của nó là quan tâm đến quyền lợi của cộng đồng và đất nước. Tự bản thân nó đã đối lập với những gì độc tài, tăm tối, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và nhân quyền con người. Nhưng Phạm Thị Hoài được đánh giá là có kỹ năng làm báo vượt trội hơn đa phần các trang mạng khác bởi trong blog này đã kết hợp được tiêu chí, phương pháp làm việc khắt khe, tận hiến, phải đạt đến sự hoàn hảo. Đó là khía cạnh ưu việt của nền văn hóa và tâm lý Đức mà Hoài đã hòa nhập và gặt hái thành công tới mức như bản năng cộng thêm sự thúc đẩy của tâm hồn nhạy cảm và rất nhiều đa đoan của người VN.
Và tất nhiên, chỉ pro&contra có đặc sản Phạm Thị Hoài.
Hơn rất nhiều blog của một nhà văn, đây là một tờ báo quan tâm đến nhiều mặt: văn học, văn hóa, khoa học, chính trị, triết học, tư liệu , bình luận, đánh giá… luôn bám sát tình hình thời sự và đặc biệt là đã rất quan tâm đến tự do tư tưởng và kỹ năng báo chí. Trong loạt bài cuối cùng, trước khi đóng pro&contra là về bài viết của tác giả Thomas A.Bass viết về việc chính ông đã là nạn nhân của nạn kiểm duyệt tại VN và  “Thư gửi một nhà báo trẻ” của Samuel. Freedman – do Lưu Quang dịch và giới thiệu, trong đó có đoạn tâm nguyện phù hợp với nguyện vọng của Phạm Thị Hoài:
“Vậy, tôi có thể làm gì cho các bạn? Tôi hy vọng tôi có thể hướng dẫn bạn cách một nhà báo đối mặt với thế giới – với tư cách phóng viên, ký giả và công dân. Tôi hy vọng truyền được cho bạn một số thói quen tư duy và tạo cảm hứng để phát triển cả kỷ luật làm việc cũng như tư cách đạo đức.”
*Nghiệp chướng thoát khỏi Trại súc vật
Chia tay pro&contra, ta không khỏi có cảm giác ngậm ngùi.
Vì người tài năng, người lương thiện sao khó sống ở VN thế, và ngay cả với những ai đã rời khỏi VN rồi, thì cái nghiệp chướng trót sinh ra là người VN nó vẫn theo đuổi mãi, nếu anh tiếp tục muốn thoát ra khỏi cách sống của một loài thú chỉ biết chăm chú chải chuốt cho bộ da của chính mình” để sống như một công dân của loài người.
Với người VN, sự tử tế là một cái bóng luôn nổi loạn đòi rời xa chủ nó để bảo vệ phần thân xác chỉ những ưa chạy về cái đĩa phồn thực của chủ nhân. Xa bóng đó tự mình thấy nhục. Mà gắn liền bóng đó thì nó giam chặt cuộc đời anh. Dù đã ở xa nước Việt, nó ám ảnh và chi phối anh mãi không thôi.
Sinh ra ở VN là đã mang số kiếp nô lệ. Anh dù thoát cuộc đời nô lệ, dứt hẳn sang bên kia bán cầu nhưng nỗi buồn đau nô lệ giam giữ anh mãi, chí ít là ở chỗ anh không thể dứt tình với cái nơi đã sinh ra anh, với vô số những đồng bào đang sống ở đó. Mà quan trọng hơn cả là khi anh thấy một người còn khốn khổ, anh làm sao có thể thờ ơ ăn ngon ngủ yên được.
Tạm đặt hai thập giá talawas và pro&contra xuống vệ đường, bạn đọc, vốn đã cảm tạ, đã yêu quý và hâm mộ tinh thần của một nhà văn, nhà báo tài năng và những chính kiến không khoan nhượng trong Phạm Thị Hoài không khỏi hàm ơn, không khỏi ngậm ngùi, không khỏi cay mắt vì luyến nhớ. Lại còn luyến nhớ cái tinh thần không khoan nhượng trong chính kiến và công việc. Điều ấy có lẽ đã làm không ít người người khó chịu, nhưng lại là điều tối cần thiết cho một cốt cách để làm nên những tác phẩm văn chương và báo chí mang ngưỡng vọng khai sáng, vượt qua khỏi sự tầm thương. Mà chúng ta đều biết, văn chương báo chí thì vô vàn, nhưng cỏ rác thì nhiều, mà những giai phẩm có thể gợi ý, soi sáng, mở ra cho con người một hướng đi , mong cho con người thoát khỏi kiếp nạn gia súc, thật hiếm hoi vô cùng.
Chia tay pro&contra, trong làn khói cay bốc lên từ mắt, trong thâm tâm những người biết Phạm Thị Hoài không tắt hy vọng: người đàn bà ấy, nhà văn và nhà báo siêu việt trong chúng ta ấy, dù đã có nhiều lần tự nổi giận với chính mình và thề thốt rằng sẽ chẳng làm gì liên quan đến báo chí nữa và tập trung vào những cuốn sách của chị , nhưng rồi xem, cách gì rồi chị cũng trở lại. Hoài nói rằng Hoài không yêu nước, nhưng rồi xem, trong những kẻ dai dẳng đồng hành cùng nỗi đau của người VN, trong số những kẻ cuối cùng, „đuổi không đi dời không chuyển“, chỉ bởi nô lệ cho căn tính thiện của chính mình, có người đàn bà mảnh mai, bé nhỏ với ánh nhìn qua đôi mắt kính vừa tình cảm, vừa giễu cợt, vừa minh triết. Đó là Phạm Thị Hoài.
Với tài năng của Phạm Thị Hoài, chị hoàn toàn có thể ung dung ngồi trong tháp ngà chỉ viết văn thôi tận hưởng những tưởng thưởng do nghề này mang lại. Nhiều nhà văn VN đã biện hộ cho sự nhẫn tâm, thờ ơ của chính mình trước nỗi đau khổ của người VN và đất nước VN là: là nhà văn, chỉ viết văn thôi. Họ chửi rủa trong bóng tối, tự lưu manh hóa theo thời cuộc để tồn tại và yên ổn.
Phạm Thị Hoài đã không làm vậy. Thế nên mới có mười ba năm làm talawas và pro&contra. Con đường của chị còn dài.
Cảm tạ Phạm Thị Hoài. Cảm tạ pro&contra bây giờ và talawas trước đây cùng những cộng sự đã đứng bên chị trong những tháng năm qua.
Cũng như ta cảm tạ những người viết khác, những trang báo, những blog …tại VN và nhiều nơi trên thế giới đã kiên trì bền bỉ theo đuổi mục tiêu cho một nền báo chí độc lập và tự do ngôn luận mà dấn thân và nhiều người hiện đang chịu đọa đày nơi tù ngục.
Cũng là cảm tạ hàng triệu người đọc của những ngày qua, hôm nay và mai sau. Đức tin và lòng khao khát kiến thức, nỗi tò mò về sự thật, quyền làm người, không thờ ơ với nỗi đau đồng loại của chúng ta đã cùng giữ cho ngọn lửa Người không lụi tắt trước vùi dập của những cơn bão dai dẳng từ sự quyến rũ của lợi lộc. Cảm tạ những ngọn lửa không lụi tàn được thắp lên bởi những tư thế hiên ngang không lùi bước trước những kẻ luôn gây tội ác chống lại loài người, hòng đưa con người trở về thế giới của „Trại súc vật“.
Chia tay, nhưng chúng ta không thể không cảm thấy được an ủi khi Hoài viết “từ ngày mai, mở đầu một năm mới, tôi đã bồn chồn cho một giai đoạn mới.”
Phạm Thị Hoài là vậy. Với nội lực tiềm tàng trong con người chị, kết thúc cái này chỉ là mở đâu cho một giai đoạn khác, hứa hẹn bất ngờ. 
http://www.rfa.org/vietnamese/blog/vo-thi-hao-blog-1-1-2015-01012015113918.html#.VKauZr_aeCw.facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét