Ads 468x60px

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Mẹ ơi, Xuân này con không về

Bích Hạnh
Năm ngoái, tôi được mời tham dự buổi gặp mặt cuối năm với các gia đình của 14 thanh niên Công Giáo Vinh. Buổi gặp gỡ đã gợi lên trong lòng tôi nhiều suy tư, khắc khoải và xót thương về phận người trên quê hương Việt Nam còn lắm đọa đày.
Lần đầu tiên, tôi được gặp gỡ đầy đủ các gia đình có con đang phải ngồi tù vì tội “âm mưu lật đổ chế độ.” Lòng tôi trào dâng niềm thương cảm khó tả đối với họ. Từ chỗ yêu mến, ngưỡng mộ những người bạn của tôi, những con người có trái tim nhân hậu, khát khao và hành động để bảo vệ công lý, tự do mà phải ngồi tù, giờ đây, tôi thêm yêu mến và thương cảm hơn những người thân của bạn mình. Vì người thân đang phải ngồi tù, mà họ chịu biết bao khổ đau, mất mát. Mẹ không được gặp con, vợ không được gặp chồng, anh chị em không được gặp nhau và con thơ không được nhìn thấy cha. Chừng ấy con người nhỏ bé đó dường như đang phải ngày đêm chống lại guồng máy độc tài khổng lồ đang chực nghiền nát họ bất cứ lúc nào, và thêm nữa, họ cũng đang đối mặt với sự lãng quên và xa lánh của người đời. May ra, dịp cuối năm, họ còn có cơ hội để ngồi lại với nhau, hỏi han nhau về con cái, về trại nọ, trại kia trong những lần thăm nuôi để rồi lại động viên nhau vượt qua những thời khắc khó khăn kéo dài như bất tận.
Ở Việt Nam, ai có người thân đi tù chính trị thì coi như cả nhà, cả dòng họ cũng phải tù luôn.
Thời tiết của những ngày cuối năm rét cắt da. Tôi nhìn thấy những niềm vui nhỏ của các gia đình 14 thanh niên Công Giáo khi họ được ngồi lại với nhau để chia bớt cô đơn và tôi cũng còn nhận ra cả những nỗi ưu tư của những người thân có con em phải ngồi tù.
Trong lúc đang trò chuyện với cha của Chu Mạnh Sơn, một thanh niên Công Giáo đang phải ngồi tù vì tội âm mưu lật đổ chính quyền, tôi nghe cựu tù nhân Trần Ðức Thạch cất lên lời bài hát: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương... Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm...”
Tôi đã nghe đi nghe lại bài hát này nhiều lần. Bài hát này, rõ ràng là nỗi lòng của người lính chiến miền Nam xa nhà trước năm 1975. Nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được tiếng hát và tiếng lòng của một con người khao khát tự do đến khắc khoải và đớn đau như thế qua tiếng hát của phận tù. Cựu tù nhân Trần Ðức Thạch hát hay hơn mọi ca sĩ khác mà tôi từng nghe. Trong không khí ngày cuối năm năm ngoái, lòng tôi chùng hẳn xuống. Tôi thương những tù nhân chính trị hơn bao giờ hết. Bất chợt, tôi chạnh lòng nhớ thương chồng và mắt bỗng rưng rưng.
Chồng tôi, anh Thái Văn Tự, đã trốn sự truy nã, truy lùng ráo riết của nhà cầm quyền Việt Nam và bỏ lại phía sau cha mẹ già cùng tôi, người vợ mới làm lễ cưới chưa kịp một tuần trăng với cậu con trai nhỏ mà từ phút chào đời, chưa một lần được gặp cha.
Rất nhiều những mùa Tết, những mùa Xuân đã đi qua. Rất nhiều những hy vọng cũng đã đi qua. Tất cả đều đi qua trong sự im lặng đến nghẹt thở của những người ở lại bên ngoài. Nhưng năm nào cả tôi và mẹ chồng tôi, cũng đều mong Tết đến.
Vì đơn giản, Tết nhắc nhở trong lòng chúng tôi sự sum vầy. Năm nào tôi và mẹ chồng tôi cũng nuôi hy vọng, rằng chúng tôi đang dần bước qua những khắc khoải và khổ đau vì đợi chờ và mong một điều gì đó mới mẻ hơn so với năm cũ.
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tôi không dám nhắc gì đến chồng tôi vì sợ mẹ chồng tôi tuổi già, sức yếu sẽ vỡ òa những khổ đau vì xót con. Lúc nào tôi cũng động viên mẹ, rằng chồng tôi luôn được khỏe mạnh và bình yên. Còn mẹ chồng tôi không dám nói câu gì với tôi về hạnh phúc lứa đôi vì sợ tôi không đủ kiên nhẫn để chịu thêm một nỗi đau nào nữa. Cứ như thế, khi mùa Xuân đến, giữa tôi và mẹ chồng luôn giữ một khoảng lặng để giữ yên lành cho nhau.
Tôi và mẹ chồng tôi, cũng như người thân của các tù nhân Công Giáo Nghệ An chỉ biết âm thầm chịu đựng nỗi đau riêng của từng nhà và cùng nhau vượt qua trong sự tin tưởng, cầu nguyện và phó thác vào ơn trên.
Có lần, tôi nhớ chồng tôi đã nói với tôi, mong em hãy làm trọn bổn phận của một người vợ để thay anh chăm sóc cha mẹ già và con nhỏ. Có như thế anh mới tạm yên lòng. Về phần anh, em đừng lo cho anh vì anh vẫn bình yên. Tôi nghe những lời dặn đó mà thấy đắng lòng và thương chồng gấp bội.
Bà ngoại tôi, mẹ tôi và bây giờ đến lượt tôi, suốt cả ba thế hệ, những người phụ nữ chúng tôi đều khắc khoải chờ mong ngày đoàn tụ. Ông ngoại tôi là ông Lưu Nam, một người hoạt động trong Liên Ðoàn Công Giáo tại Nghệ An bị bắt đi cải tại năm 1952 và nằm lại ở trại giam Cổng Trời khi vừa bước qua tuổi bốn mươi. Cha tôi là ông Nguyễn Quốc Anh bị tù gần hai mươi năm trong sự chờ đợi mỏi mòn của mẹ tôi. Và nay tôi và con trai tôi lại phải chờ đợi chồng, cha trong mòn mỏi. Dù vẫn không nguôi hy vọng, nhưng không ai trong gia đình tôi biết ngày đoàn tụ. Chỉ biết rằng, năm nào, chồng tôi cũng nhắn tôi nói với mẹ, rằng mẹ ơi, Xuân này con chưa về.
Tôi biết chồng tôi nói thế để động viên mẹ. Chứ kỳ thực anh biết anh đi mà chưa hẹn ngày về. Và một khi hiểu rõ được cái sự thật đau lòng đó, tôi biết chồng tôi nhớ thương quê nhà đến cháy lòng. Còn gì lay động tâm can con người hơn hình ảnh mẹ già và con thơ vô tội phải chịu chung cảnh khổ đau vì chia ly trong một đất nước đã tắt tiếng súng từ mấy chục năm qua? Một đất nước được cho là có hòa bình mà lòng người còn phải ly tán?
Bất chợt, lời bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn vang vọng trong tôi: “Trên quê hương còn lại, ta đi qua nửa đời, chưa thấy được ngày vui...” Biết bao nhiêu ngày đã “ra đi với gió”? Biết bao nhiêu thân phận phải chịu cảnh ngục tù khi đất nước hòa bình? Biết bao nhiêu khổ đau đang nhấn chìm cả dân tộc này từng ngày, từng giờ, từng phút? Biết bao nhiêu con người đang cô đơn khi tìm tự do? Biết bao nhiêu người con chịu cảnh ngục tù, đêm giao thừa tự thưa với lòng mình, mẹ ơi, Xuân này con không về để còn có thể nuôi hy vọng vào mùa Xuân sau, còn kịp gặp mẹ?
Còn có những tù nhân chính trị, còn có những người phải vượt biên bằng đủ mọi cách, còn những đoàn dân oan nối dài... thì mọi lời nói về một đất nước Việt Nam hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc chỉ là những cái bánh vẽ. Nó tô vẽ một thứ “thiên đường” mà không ai muốn sống trong đó cả.
Và, còn có những con người thờ ơ, vô tâm, vô cảm trước vận mệnh của đất nước, trước thân phận khổ đau của đồng loại, vô tâm đối với quyền làm người của chính mình thì sẽ vẫn còn đó chế độ độc tài đang “giãy chết” mà chính chúng ta cố tình muốn để cho nó sống dồi dào.
Không phải thế ư, khi mỗi người trong chúng ta biết rằng, không thể có một chế độ mà vừa có hòa bình, tự do vừa có hàng triệu con người bị bắt và phải chết vì khao khát được sống trong bầu khí hòa bình và tự do đó?
Những kẻ độc tài vẫn còn tiếp tục lừa dối chúng ta nếu chúng còn có cơ hội lừa đảo để tồn tại. Và cả chính những người dân chúng ta cũng đều đang tự lừa dối chính mình.
Nếu cả một dân tộc không có tinh thần cầu tiến và tìm kiếm sự thật thì dân tộc đó đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Và lòng người vẫn khốn khổ suốt đời vì chia ly.
 
Bích Hạnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét