Nguyễn Hưng Quốc
Cách đây mấy năm, ở Việt Nam rộ lên một
cuộc thảo luận khá ồn ào về hiện tượng báo lá cải.
Đại khái, có hai luồng ý kiến
chính: Một, cho ở Việt Nam có một số tờ báo lá cải chạy theo những thị hiếu tầm
thường của quần chúng, đăng những tin tức bá vơ, rẻ tiền; hai, cho ở Việt Nam
không hề có báo lá cải vì tất cả các tờ báo ấy đều do nhà nước quản lý, chỉ
nhằm thông tin và tuyên truyền chứ không phải nhằm mục đích kiếm lợi nhuận.
Ý kiến thứ hai được xem là một phán
quyết cuối cùng, do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tuyên
bố vào tháng 6 năm 2012. Tuy nhiên, khi khẳng định như vậy, ông Nguyễn Bắc Son
cũng nói thêm: Có một số báo, thỉnh thoảng, đi lệch sang khuynh hướng lá cải,
cần phải phê phán và chỉnh sửa. Chỉ hơi nghiêng, lệch thôi, chứ chưa hẳn đã là
lá cải thật.
Nhưng trước hết, xin xác minh khái
niệm báo lá cải để bảo đảm là chúng ta cùng hiểu và cùng nhìn vấn đề từ một góc
cạnh giống nhau.
Chữ báo lá cải có lẽ được dịch từ
tiếng Pháp, feuille de chou, chỉ loại báo rẻ tiền. Trong tiếng Anh, người ta
dùng từ tabloid (hoặc gutter press, hoặc có khi, rag, như một tiếng lóng), với
một số đặc điểm chính: Một, về khổ báo (size): thường nhỏ, cầm gọn trên tay, có
thể dễ dàng đọc ở những nơi đông người và chật chội (như trên xe lửa hoặc phòng
đợi, đâu đó). Hai, về mục tiêu, chỉ nhắm đến việc giải trí, đọc xong rồi thì có
thể vất đi. Ba, về tính chất, hoàn toàn thương mại, miễn sao bán cho thật chạy.
Cuối cùng, về nội dung, phần lớn chỉ tập trung vào những tin tức giật gân, như
các tội phạm, các giai thoại hoặc các tin đồn liên quan đến đời sống riêng tư
của các sao điện ảnh, ca nhạc hay thể thao, từ chuyện ghiền ma túy đến chuyện
tình ái, ly dị, đánh ghen, ăn chơi trác táng, v.v... Trong các đặc điểm trên,
yếu tố hình thức (khổ báo) ít quan trọng nhất vì trên thế giới có khá nhiều tờ
báo bị xem là lá cải nhưng có khổ báo hoặc lớn hoặc nhỏ hơn cái khổ bình
thường; trong khi đó, yếu tố nổi bật và thiết yếu nhất là về nội dung và mục
tiêu: giải trí bằng cách thỏa mãn những thị hiếu khá tầm thường của độc giả.
Nhìn trên bề mặt, qua các đặc điểm
nêu trên, quả thực phần lớn báo chí tại Việt Nam không nằm khớp hẳn vào cái gọi
là lá cải. Tất cả, nói theo Nguyễn Bắc Son, đều do nhà nước tài trợ và quản lý
và nhắm đến mục tiêu chính là thông tin và tuyên truyền. Tuy nhiên, ngay ở đây
cũng có nhiều vấn đề. Đồng ý báo chí ở Việt Nam đều thuộc về nhà nước, nhưng rõ
ràng là tất cả các tờ báo, trừ tờ Nhân Dân, đều tham gia vào cuộc chạy đua
quyết liệt trong việc câu khách. Lý do, những tờ báo ấy, nếu lỗ, nhà nước sẽ
đền bù; nhưng nếu lời, người ta có thể chia nhau qua các hình thức khen thưởng
hay nâng mức nhuận bút. Thành ra, ở Việt Nam vẫn có báo giàu và báo nghèo;
và cùng với nó, những nhà báo giàu và những nhà báo nghèo.
Đó là xét trên bề mặt, nhìn sâu vào
bên trong, ở bản chất, đặc biệt, nội dung và mục tiêu thì dường như hầu hết các
tờ báo ở Việt Nam
đều có tính chất lá cải.
Cứ nhìn qua các tờ báo mạng ở Việt Nam thì thấy
rõ. Nội dung quan trọng nhất là các vấn đề xã hội; trong các vấn đề ấy, điều
khiến người ta tập trung khai thác nhất là các hiện tượng tiêu cực. Thì cũng
đúng. Cái gọi là tin tức trên mọi tờ báo, ở Việt Nam cũng như ở khắp thế giới, bao
giờ cũng có chút bất bình thường. Một quán cà phê chỉ bán cà phê: Không phải là
tin tức. Một quán cà phê kiêm nhiệm việc chứa gái mại dâm mới là… tin tức. Một
người làm giàu một cách lương thiện và tiệm tiến: Không phải là tin tức. Một
người làm giàu một cách nhanh chóng hay đang giàu có bị phá sản một cách nhanh
chóng mới là tin tức. Một nghiên cứu sinh viết luận án đàng hoàng nghiêm túc và
được phát bằng tiến sĩ: Không phải là tin tức. Nhưng một giáo sư hay một tiến sĩ
nổi tiếng bị phát hiện đạo văn hay sử dụng bằng cấp giả mới là… tin tức. Như
vậy, đề tài tiêu cực, tự nó, không quyết định tính chất lá cải hay không. Vấn
đề, quan trọng hơn, là cách khai thác các đề tài ấy.
Ví dụ, viết về các động mại dâm trá
hình dưới các quán ăn hay quán cà phê dọc đường, một đề tài được rất nhiều
người khai thác trên các tờ báo khác nhau, các ký giả thường mô tả những chi
tiết rất ly kỳ hấp dẫn khi họ đóng vai khách hàng vào thăm. Đọc, chúng ta dễ có
cảm tưởng họ đang quảng cáo giùm cho các ổ mại dâm trá hình ấy hơn là phê phán
chúng.
Một ví dụ khác, cũng liên quan đến
loại đề tài phổ biến tại Việt Nam:
đời sống của các đại gia, tức những người thuộc loại “siêu giàu”. Ở Tây phương,
người ta cũng hay tò mò về cuộc sống và lối sống của những người ấy. Tuy nhiên,
ở Việt Nam,
người ta hiếm khi đề cập đến tài năng lãnh đạo, sáng kiến và chí tiến thủ của
những người ấy. Nhiều nhất, họ tập trung vào những chiếc xe khủng, những người
tình “chân dài”, số lần ly dị cũng như số lần cưới vợ của họ. Thậm chí, nhiều
tờ báo đăng đi đăng lại những bài phỏng vấn một đại gia đã cao tuổi, có nhiều
đời vợ, với lời tuyên bố: Chỉ thích lấy những cô “chân dài” còn trinh, thua
mình cả ba, bốn chục tuổi!
Nhưng dễ thấy nhất là những bài
viết về đề tài chính trị. Phải nói ngay, phần nhàm chán nhất là những tin tức
liên quan đến chính trị đối nội: Tất cả đều viết giống nhau dựa trên những
thông tin được cấp trên đưa xuống. Chúng chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, được
viết bằng một giọng văn khô cứng và lạt lẽo. Phần hấp dẫn hơn là phần chính trị
quốc tế. Ở lãnh vực này, việc kiểm duyệt tương đối lỏng lẻo hơn. Tuy nhiên, hầu
hết các tờ báo tại Việt Nam
đều giống nhau ở hai điểm: Một, ít, cực kỳ ít, phân tích các vấn đề liên quan
đến chính sách; và hai, hầu hết đều tập trung vào các giai thoại, những chuyện
ở bên lề các cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo thế giới. Ví dụ, viết về chuyến
đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một quốc gia nào đó, hiếm khi tôi thấy có
bài nào viết về các vấn đề chiến lược được bàn luận trong chuyến đi cũng như về
các ảnh hưởng chính trị của chuyến đi trên bình diện toàn cầu. Ngược lại, người
ta chỉ chú ý đến những chi tiết lắt nhắt như vợ chồng tổng thống Mỹ mặc quần áo
gì, ăn gì, tóc tai như thế nào, v.v…
Ở Mỹ, bà Hillary Clinton có lần nói
đùa: Chỉ cần bà thay đổi kiểu tóc là có thể nhảy lên trang đầu của các tờ nhật
báo. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng chỉ đúng với những tờ báo lá cải. Ở Việt
Nam, ngược lại, những kiểu tin tức như vậy thường chiếm trang đầu của bất cứ
tờ báo nào, có lẽ, trừ tờ Nhân Dân, một tờ báo hầu như không ai đọc.
Bởi vậy, tuy viết về các đề tài có
vẻ nghiêm túc, nhưng cách khai thác các đề tài ấy, trên báo chí Việt Nam,
thường thiên về các khía cạnh nhí nhách, lặt vặt, có khi nhảm nhí. Đọc, người
ta thấy vui vui; nhưng đọc xong, người ta chẳng học hỏi thêm bất cứ điều gì cả.
Loại báo như thế nếu không gọi là
báo lá cải thì gọi nó bằng gì?
Nguyễn Hưng Quốc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét