Trong suốt 40 năm qua, mỗi lần ngày 30-4 trở về là dịp cho người Cộng
sản Việt Nam xuyên tạc và bôi nhọ lịch sử nhưng năm nay, 2015, họ đã tự
lột mặt nạ mình mà đâu có hay? Về phương diện lịch sử, chưa thấy ai dám
cả gan nói quàng xiên như ông Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hiển,
chuyên ngành Lịch sử đảng CSVN tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông nói với Chương trình tiếng Việt của đài BBC ngày 18/04/2015: “Tôi
nghĩ rằng sau chiến tranh, Việt Nam không có ngược đãi đối với mọi
người. Bởi vì chính sách lúc ấy của nhà nước Việt Nam là chính sách hòa
hợp dân tộc."
"Chính sách này đã công bố công khai ngay từ thời chiến tranh, chứ không phải sau hậu chiến mới có chính sách đó.
"Thế còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi nghĩ đấy là để học cho nó rõ chính sách của nhà nước Việt Nam thời bấy giờ."
"Chứ không có nghĩa là một chế độ tù đầy."
"Nếu nói là tù đầy, thì tôi nghĩ đó là một sự xuyên tạc.
"Hơn nữa cũng cần lưu ý là có thể là ở những lớp học như vậy, đời
sống không được tốt, tức về mặt đời sống kinh tế không được tốt.
"Và có thể có một số anh em nào đó hiểu nhầm là mình bị khổ sở này khác.”
Ông Giáo sư 63 tuổi Vũ Quang Hiển (sinh ngày 21/12/1951 tại Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình) phải nói như vậy vì ông là người "ăn cây nào rào cây ấy". Hơn nữa ông lại là cán bộ lâu năm của đảng chuyên dậy về các môn:
- Đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam
- Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Phương pháp dạy học lịch sử.
Trong tất cả các môn này, không tiết học nào cho phép ông được nói ra
ngoài những gì đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương đã hợp soạn với Ban
Lịch sử đảng và Lịch sử Quân đội.
Do đó chuyện ông nói “đúng sách vở” mà ông đã học là chuyện đương nhiên
vì ông chỉ là người mở lại cuộn băng cũ y như đảng đã thêu dệt không cần
bằng chứng và xuyên tạc về cuộc chiến xâm lược miền Nam (Việt Nam Cộng
hòa) từ 1960 đến ngày 30/04/1975.
Vì vậy mà ông Hiển đã nói tiếp: “Nhưng tôi xin nói là tất cả những
điều mà ở Sài Gòn tuyên truyền trước ngày 30/4/1975 là cộng sản Việt Nam
vào Sài Gòn sẽ diễn ra một cuộc tắm máu. Điều đó rõ ràng đã không xảy
ra."
"Hai là đã không có nhà tù nào để giam cầm tất cả anh em sĩ quan binh
sĩ quân đội Sài Gòn, cũng như (nhân viên) chính quyền Sài Gòn trước
đây, trong nhà tù để mà đánh đập, để mà tra tấn, thì hoàn toàn không
có."
"Tức là những tuyên truyền vu cáo về miền Bắc xâm lược miền Nam và
dẫn đến những sự tàn sát đẫm máu, thì rõ ràng điều đó không có ở Việt
Nam."
Không có “tắm máu” trước mắt mọi người là đúng. Nhưng đảng CSVN đã trả
thù nhân dân Việt Nam Cộng hòa là điều không thể phủ nhận. Đã có hàng
trăm ngàn người lính, viên chức chính phủ, chính trị gia, tu sĩ, trí
thức và văn nghệ sĩ miền Nam đã bị bắt đi tù được ngụy trang “học tập
cải tạo” tại các trại tập trung lao động từ Nam ra Bắc.
Những nạn nhân của chế độ mới, gồm mọi thành phần trong xã hội từ giới
trung lưu, thương gia đến dân thường và từ thành phố về nông thôn đã bị
đảng và nhà nước CSVN ngược đãi, bóc lột như thế nào thì vẫn còn hàng
triệu dân miền Nam là nhân chứng từ thế hệ này qua thế hệ khác không cần
phải tranh biện mất thời giờ.
Có tù đày không?
Chỉ riêng chuyện tù đày, hãy đọc Bách khoa toàn thư (mở) đã chứng minh
cho cả thế giới thấy không đúng như lời nói vẹt của ông Vũ Quang Hiển: “Công
việc triệu tập các đối tượng để đưa đi học tập cải tạo bắt đầu từ Tháng
Năm, 1975. Đối với hạ sĩ quan, sau trình diện thì phải theo học một
khóa chính trị ngắn rồi được cấp giấy chứng nhận để cho về. Đối với các
cấp chỉ huy thì có lệnh trình diện bắt đầu từ ngày 13 đến 16 Tháng Sáu,
1975. Chiếu theo đó thì sĩ quan sẽ đi học tập 15 ngày trong khi các viên
chức dân sự cùng những đảng viên các tổ chức chính trị của miền Nam thì
thời gian học tập là một tháng. Người trình diện phải mang theo 21 kilôgam
gạo làm lương thực trong đó có mọi ngành từ quận trưởng trở lên hoặc
đối với các viên chức hành chánh là trưởng phòng trở lên. Các văn nghệ
sĩ cũng phải ra trình diện.
Tổng cộng có đến hơn 80 trại cải tạo phân bố trên toàn đất nước, nhất
là những vùng biên thùy… Tùy theo cấp bậc hoặc thời gian phục vụ cho
chính phủ Việt Nam Cộng hòa mà những người này bị bắt học tập cải tạo
theo thời gian thông thường từ vài ngày đến 10 năm.”
Có trường hợp bị giam trên 30 năm, kể từ 1975. Đó là trường hợp của cựu
Sĩ quan VNCH Trương Văn Sương, người bị chết trong nhà giam tháng 9 năm
2011 khi đang bị tù lần thứ 3.
Bách khoa toàn thư mở viết tiếp: “Vì chính sách dùng lao động để cải
tạo tư tưởng nên lao động sản xuất là trọng điểm… Những người trong trại
học tập cải tạo phải lao động làm việc ở các công trường, trong các
trại cải tạo, mà nhiều người mô tả lại là cực nhọc, một phần trong số đó
đã bị chết do không chịu được cuộc sống khắc nghiệt trong trại cải tạo,
ăn uống thiếu thốn. Công việc thông thường là chặt cây, trồng cây lương thực, đào giếng, và cả gỡ mìn gây ra thương vong...”
“Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Theo Phạm Văn Đồng, con số người phải trải qua giam giữ sau này 30/4/1975 là hơn 200.000 trong tổng số 1 triệu người ra trình diện.”
Con số 200.000 người được ông Phạm Văn Đồng đưa ra ngày từ đầu chiến
dịch năm 1975 để trả lời cho các nước phương Tây, nhưng không ai tin là
con số chính xác bởi vì, Bách khoa toàn thư mở đã viết: “Ước tính của Hoa Kỳ cho rằng khoảng 165.000 người đã chết trong khi bị giam.”
Làm bằng chứng cho lời nói của ông Giáo sư Vũ Quang Hiển là dối trá, Nhà
văn Đại tá (nghỉ hưu) Quân đội Nhân dân Phạm Đình Trọng viết: “Đất
nước thống nhất trước hết phải thống nhất trong tình cảm, ý chí người
dân. 40 năm đã qua, sự thống nhất đó vẫn chưa hề có. Cuộc chiến tranh
kết thúc ngày 30. 4. 1975 chỉ giải phóng đất đai miền Nam để người thắng
cuộc thâu tóm, thống trị cả nước, còn người dân miền Nam vẫn bị người
thắng cuộc coi là thù địch. Chỉ là cuộc nội chiến, người Việt Cộng sản
làm chiến tranh để tiêu diệt người Việt Cộng hòa. Người Việt Cộng hòa có
may mắn thoát chết trong cuộc nội chiến khốc liệt, tàn bạo đó cũng bị
loại bỏ khỏi sinh hoạt xã hội, trở thành những người tù không án, bị
giam cầm mút mùa không thời hạn trong những nhà tù hà khắc.”
Ông Trọng nêu trường hợp của Đề đốc (có người gọi là Đô đốc) Hải quân VNCH Trần Văn Chơn: “Trước
30. 4. 1975 một ngày, Đô đốc Elmo Zum Walt Jr., Tư lệnh hải quân Mĩ ở
Việt Nam điều một máy bay vận tải C130 từ Philippines đến Tân Sơn Nhất
đón cả gia đình Đô đốc Trần Văn Chơn của Hải quân Việt Nam Cộng hòa sang
Mĩ tị nạn. Đô đốc Trần Văn Chơn đã từ chối ra đi để được ở lại làm
người dân Việt Nam sống cuộc đời bình yên với đất nước yêu thương đã hết
chiến tranh. Nhưng những người Cộng sản thắng cuộc trong cuộc nội chiến
vẫn coi những người như Đô đốc Trần Văn Chơn là đối tượng phải loại bỏ
của cuộc nội chiến, họ nào có để cho ông được yên. Đô đốc Trần Văn Chơn ở
tuổi ngoài sáu mươi bị tống vào nhà tù với tên gọi trại tập trung mỏi
mòn mười ba năm trời.
Những ngày ngục tù tăm tối, cực khổ, Đô đốc Trần Văn Chơn mới nhận ra
rằng nhà nước Việt Nam Cộng sản chỉ là nhà nước của một giai cấp hão
huyền nào đó chứ không phải nhà nước của dân tộc Việt Nam. Người Việt
Nam chân chính dù yêu nước nhưng không Cộng sản cũng không thể sống bình
yên trên đất nước thương yêu của mình. Ra tù dù đã gần tám mươi tuổi,
chân đã yếu, mắt đã mờ, đã gần đất xa trời, dù muốn được gửi nắm xương
tàn vào đất Mẹ Việt Nam bên ông bà, tổ tiên, Đô đốc Trần Văn Chơn cũng
phải ngậm ngùi gạt nước mắt ra đi, tìm đến đất nước xa lạ nhưng mở lòng
bao dung đón nhận ông. Vài triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi
trong nước mắt như Đô đốc Trần Văn Chơn là nỗi đau, nỗi uất hận khó
nguôi ngoai của dân tộc Việt Nam. Suốt bốn ngàn năm lịch sử có khi nào
dân tộc Việt Nam bị thua đau đến như vậy.” (Trích “Cần gọi đúng tên gọi cuộc chiến này”, phổ biến ngày 22/04/2015)
Đấy là sự thật phũ phàng của điều được tô vẽ là “Giải phóng miền Nam” hay “hòa hợp dân tộc” của những người Cộng sản.
Đề đốc Trần Văn Chơn là người may mắn sống sót, nhưng hai tù nhân chính
trị nổi tiếng là Thủ tướng Phan Huy Quát và Phó Thủ tướng Trần Văn
Tuyên đã phải bỏ xác trong tù ở rừng sâu.
Riêng trường hợp Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên, khi được Chính phủ Pháp
vặn hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói dối ông Tuyên vẫn mạnh khỏe và
đang học tập để tiến bộ!
Giải phóng hay nội chiến?
Vì vậy Nhà văn, cựu Sĩ quan cao cấp trong Quân đội miền Bắc, Phạm Đình Trọng đã nói thẳng: “Cuộc
chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng sản vẫn
thần thánh hóa là cuộc chiến tranh “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước”, “Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước” thực chất chỉ là
cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt, hệ quả tất yếu
của hiệp định Genève cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai tiền đồn, hai
trận tuyến của hai ý thức hệ quyết liệt đối kháng, tiêu diệt nhau, chia
đôi dân tộc Việt Nam thành hai thế lực thù địch không đội trời chung,
hai tên lính xung kích của hai lực lượng đối kháng đó. Việc chia cắt độc
đoán, phũ phàng, oan nghiệt đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn
toàn do những người cộng sản thực hiện, cộng sản Tàu mưu toan và áp đặt,
cộng sản Việt cam tâm cúi đầu chấp nhận.”
Không phải tự nhiên mà Nhà văn Phạm Đình Trọng đã “lột xác”. Lý do đơn
giản vì sau 40 năm, ai là người Việt Nam biết tự trọng, có đạo lý của
truyền thống dân tộc, dù ở hai đầu chiến tuyến, phải nhìn ra điều phi lý
và vô duyên của nhóm chữ “giải phóng miền Nam” và tính giả dối của
điều được gọi là “hòa giải, hòa hợp dân tộc” như đã ghi trong Hiệp định
Paris 1973.
Ai cũng thấy, ngoại trừ những người Cộng sản đã cạn máu Việt trong
người, cuộc chiến trong Nam là do đảng CSVN chủ động để thỏa mãn cuồng
vọng thống nhất đất nước bằng máu người Việt.
Nhưng đâu phải “thống nhất đất nước” để mưu cầu hạnh phúc, hòa bình cho
dân tộc, ngược lại, chỉ đem lợi nhuận cho một thiểu số lãnh đạo đã có
rất ít đóng góp cho đất nước nhưng lại sẵn sàng thuần phục kẻ đỡ đầu
Trung Quốc như đã chứng minh trong suốt 29 năm qua từ thời Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh khóa đảng VI cho đến thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
khóa đảng XI.
Hai chữ “giải phóng” cũng vô nghĩa vì 20 triệu người Việt Nam Cộng hòa
trước tháng 4/1975 không hề bị Chính phủ của họ kìm kẹp như nhân dân
miền Bắc trước năm 1975 nên dân trong Nam đâu cần ai giải phóng.
Người Mỹ đến miền Nam không hề chiếm đất, dành dân với ai và họ cũng
không có chính sách “thuộc địa kiểu mới” như người Cộng sản tuyên truyền
và xuyên tạc.
Thứ đến, cuộc chiến Việt Nam thực tế là chiến tranh ý thức hệ giữa hai
phe Tự do và Cộng sản. Nhân dân Việt Nam hai miền Nam-Bắc đã bị lôi cuốn
vào cuộc chiến anh em cùng mẹ giết nhau do miền Bắc có tham vọng chiếm
đóng cả nước để chu toàn nghĩa vụ Quốc tế Cộng sản với hai nước đàn anh
Nga-Tầu.
Nhân dân VNCH buộc phải tự vệ trước làn sóng đỏ với sự hậu thuẫn của Thế
giới tự do do Hoa Kỳ cầm đầu. Rất tiếc, cuộc chiến kết thúc bất lợi cho
20 triệu người dân miền Nam ngày 30/04/1975 đã chứng minh do đồng minh
Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon, đã cam tâm không
giữ lời hứa bảo vệ miền Nam khi bị quân Bắc Việt xâm lăng, vi phạm Hiệp
định Paris 1973.
Bối rối vì mất chính nghĩa
Ngày nay, trước hiểm họa “chính nghĩa giải phóng thống nhất đất nước” bị lu mờ, đảng đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học cấp Nhà nước được gọi là “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 3-4 vừa qua.
Một số đông cán bộ lý luận cấp cao cũ và mới của đảng đã gay gắt chỉ
trích những ý kiến mới, phát ra từ trí thức và cựu quan chức trong đảng
và quân đội muốn đánh giá lại cuộc chiến trong Nam sau 40 năm.
Quan điểm tại cuộc Hội thảo của những “nhà tư tưởng ăn cơm chúa múa tối
ngày” này đã được biểu hiện trong bài “Lại một trò “chọc gậy bánh xe
lịch sử” trên báo Quân đội Nhân dân ngày 14/04/2015.
Bài viết bắt đầu: “Mưu gian của người nêu luận điểm “Chiến thắng 30-4-1975 thực chất là chiến thắng của ý thức hệ cộng sản…”,
là để từ đó dẫn dắt người đọc đến lập luận cho rằng, chính vì Đảng Cộng
sản Việt Nam du nhập Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam đã đưa dân tộc
vào trọng điểm của cuộc chiến ý thức hệ, gây ra cảnh “nồi da xáo thịt”.
Sự thật có như vậy không? PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng
Viện Lịch sử Đảng, khẳng định: Lập luận trên thực chất là trò “chọc gậy
bánh xe” theo kiểu “bình mới, rượu cũ”; việc “đổ tội” cho Đảng Cộng sản
Việt Nam đã gây ra chiến tranh là chiêu bài mà các thế lực thù địch đã
làm suốt 40 năm qua nhưng không thuyết phục được ai.”
Bài viết tiếp: “Những hành động xâm phạm độc lập, thống nhất và chủ
quyền dân tộc... là điều trái đạo lý và pháp lý quốc tế. Ở đâu có áp
bức, ở đó có đấu tranh. Là một dân tộc có lịch sử hào hùng hơn 4000 năm,
nhân dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc thấu suốt chân lý “Không có gì quý
hơn độc lập, tự do”. Có kẻ xâm lược thì người Việt Nam chống kẻ thù xâm
lược chứ không có chuyện “miền Bắc xâm lược miền Nam”, không có chuyện
“nồi da xáo thịt” như một số kẻ phản động vẫn thường kêu gào.”
Nhưng ai xâm lược ai? Mỹ đâu có đổ quân ra xâm lăng miền Bắc, quân lực
VNCH cũng không vượt qua sông Bến Hải, vượt Trường Sơn xâm lược Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa. Nhưng cả thế giới biết hàng trăm ngàn Bộ đội miền Bắc
đã xâm nhập vào miền Nam qua Vĩ tuyến 17, Lào và Cao Miên. Đường mòn Hồ
Chí Minh, phát xuất từ Vĩnh Linh (Quảng Bình) đã đi vào lịch sử xâm
lăng VNCH của miền Bắc.
Lập luận của các diễn giả đã lúng túng khi nói đến “chiến tranh giải phóng” . Bài báo phản ảnh: “Cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mang dấu ấn thời đại sâu
sắc nhưng bản chất luôn là một cuộc chiến tranh giải phóng.
Cần phải thêm một lần khẳng định, mục tiêu “độc lập dân tộc và CNXH”
do Đảng ta xác định là một lựa chọn tất yếu của lịch sử dân tộc.”
Nhưng nhân dân Việt Nam nói chung và riêng miền Bắc trước 1975 đã bao
giờ được đảng hỏi ý kiến muốn hay không muốn Chủ nghĩa xã hội Cộng sản
đâu. Chủ nghĩa Mác-Lênin đâu phải là “lựa chọn tất yếu” của nhân dân.
Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã tự tròng vào cổ người dân đấy chứ?
Vậy cuộc chiến dùng người Việt miền Bắc giết người Việt miền Nam của đảng CSVN có phi nghĩa không?
Ông Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương) đã khá gay gắt: "Cố
tình quy trách nhiệm Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây ra chiến tranh thực
chất là một nhận thức phi lịch sử, muốn phủ nhận chiến thắng của nhân
dân ta, hòng phủ nhận cả lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Cách nhìn ấy
muốn đánh đồng người chiến thắng và kẻ thất bại, xóa nhòa mục đích, tính
chất, bản chất sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Thất bại của Mỹ và
chính phủ “Việt Nam Cộng hòa” là sự phá sản, thất bại của các thế lực
xâm lược bên ngoài, hòng áp đặt ách thống trị, nô dịch, áp bức và bóc
lột nhân dân ta ở miền Nam."
Có lẽ nhà lý luận hàng đầu của đảng đã nóng vội khi kết luận như thế.
Chả có thế lực nào đã xâm lược miền Nam, ngoại trừ đội quân miền Bắc.
Cũng không có dấu tích gì để hậu thuẫn cho suy diễn Hoa Kỳ đã “áp đặt
ách thống trị, nô dịch” nhân dân VNCH.
Và thật rõ ràng trước ngày 30/04/1975, nhân dân miền Nam chưa bao giờ bị “áp bức và bóc lột” như Tiến sĩ Bảo ngộ nhận.
Nhưng sau 40 năm, thì không riêng gì nhân dân VNCH mà rất nhiều người
miền Bắc, bên thắng trận, phải thừa nhận chính đảng đã phạm tội hủy hoại
dân chủ, tự do, kinh tế, văn hóa và xã hội phong phú trong Nam. Bằng
chứng là bây giờ, đảng đang phải rất vất vả để phục hồi nền kinh tế tự
do và thị trường như của miền Nam trước đây mà đảng đã điên rồ phá nát.
Phải chăng đó là cái nhìn rất thấm thía của Nhà văn Phạm Đình Trọng khi ông kết luận: “Ngày
30. 4. 1975 là ngày chiến thắng vĩ đại của những người cộng sản chỉ
biết có giai cấp, không biết đến dân tộc nhưng là ngày thua đau của cả
dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã bị thua đau, bị chết mòn trong
cuộc nội chiến núi xương sông máu nay lại bị đòn thù giai cấp đánh vào
trái tim con người, đánh vào đạo lí xã hội, đánh vào lẽ sống còn của dân
tộc làm cho dân tộc li tán tan tác và ngày 30. 4. 1975 là ngày khởi đầu
của cuộc đại li tán dân tộc.
Ngày 30. 4. 1975 sau thoáng vui nông nổi mau qua đi, người dân liền
phải nhận ra một sự thật cay đắng. Sự thật của lịch sử trớ trêu: Cái
hung tàn thắng cái văn minh. Sự thật trắng tay của người dân. Bao thế hệ
người dân Việt Nam đổ máu trong cuộc chiến đấu cho đất nước độc lập,
cho người dân được tự do. Cuộc chiến kết thúc, trở về xã hội dân sự mới
lồ lộ ra một thực tế: Tự do của người dân không có mà độc lập của đất
nước cũng không! Quyền yêu nước của người dân cũng bị tước đoạt. Đất
nước ngày càng phụ thuộc và mất dần vào tay kẻ thù truyền kiếp của lịch
sử Việt Nam nhưng là đồng chí cùng lí tưởng, cùng ý thức hệ, là bạn vàng
bốn tốt của đảng CSVN!”
Đó là bức tranh bi thảm và rất tủi nhục cho chiến thắng của cuộc chiến
huynh đệ tương tàn, nhưng mặt nạ của lịch sử đã hiện ra rõ như ban ngày.
Không ai che khuất được nó trong ngày 30/04/2015.
(04/2015)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét