Báo bán dọc theo lề đường ở Việt Nam đều do các cơ quan, đảng đoàn, tỉnh thị của nhà cầm quyền làm ra để tuyên truyền.(Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages) |
“Việt
Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”. Đó là lời “khẳng định” của ông
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông CSVN Nguyễn Bắc Son khi tiếp xúc
“cử tri” ngày 24 tháng 4, 2015.
Ông Nguyễn Bắc
Son, 62 tuổi, gốc dân huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội, Ủy viên trung
ương đảng CSVN hiện đang là Bộ trưởng Bộ Thông Tin và truyền Thông (Bộ
4T), đồng thời cũng là “đại biểu nhân dân” như các đảng viên cao cấp
khác của chế độ.
“Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều.
Bằng chứng là các hội, các ngành đều có một tờ báo riêng, trên thế giới
chỉ có khoảng 20 nước có luật về báo chí thì trong đó có cả Việt Nam.
Thực tế thì Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác.” Tờ báo điện tử
Infonet, cơ quan tuyên truyền của chính Bộ 4T, hôm Thứ Sáu thuật lời ông
Nguyễn Bắc Son khi ông “tiếp xúc cử tri” ở xã Đại Đồng, huyện Thạch
Thất, Hà Nội.
Các cuộc “tiếp xúc cử tri” của các ông bà “đại biểu quốc hội” của chế
độ đều là những cuộc tiếp xúc dàn cảnh để đưa tin tuyên truyền cho ra
vẻ dân chủ. “Đại biểu nhân dân” hầu hết đều là các đảng viên cao cấp,
nắm giữ các chức vụ quan trọng cả ở trong đảng và guồng máy nhà nước.
Còn “cử tri” cũng đều được lựa chọn ra hỏi, mớm câu hỏi để được trả lời
theo nhu cầu tuyên truyền.
Ông Son khoe như trên để phân bua về những chỉ trích của các chính
phủ tự do, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đối với chính sách độc
quyền thông tin để tuyên truyền một chiều, dối tra, lừa bị dư luận.
Những ai nói khác đều bị bị khép vào tội “Tuyên truyền chống nhà nước”,
hoặc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để bỏ tù. Chính vì thế, một số
tổ chức quốc tế bảo vệ quyền tự do thông tin đã xếp hạng rất thấp đối
với Việt Nam.
Ông Son nêu ra con số hiện nay với “hơn 300 kênh phát thanh và 7 đài
truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí. Rất nhiều hội, đoàn và hầu như địa
phương nào cũng có báo riêng, phục vụ nhu cầu của độc giả đủ mọi lứa
tuổi” để chứng minh cho cái “tự do báo chí” tại Việt Nam.
Cái ông không nói ra và cũng không được báo điện tử Infonet nói ra là
toàn thể hệ thống báo đài đó đều nằm trong sự kiểm soát và chi phối
chặt chẽ của đảng và nhà nước CSVN. Báo đài tư nhân bị cấm tuyệt đối.
Tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đều có một “cơ quan chủ
quản” tức do một cơ quan, bộ, ngành, tỉnh, thị hoặc các tổ chức ngoại vi
của đảng CSVN chịu trách nhiệm.
Vì độc quyền thông tin nên nhà cầm quyền CSVN đã rất nhiều lần sửa
đổi luật lệ về thông tin mỗi khi thấy luật cũ không đủ khả năng kiểm
soát.
Từ khi internet phát triển tới Việt Nam, dân chúng trong nước có cơ
hội tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau trên thế giới. Nhà cầm
quyền đã phải thiết lập tường lửa để ngăn chặn quần chúng tiếp cận với
các thứ tin tức trái chiều, bị coi là độc hại cho chế độ. Hiện nay, điện
thoại thông minh đưa các tin tức mới nhất từ Internet đến người ta còn
nhanh hơn nữa.
Nhà cầm quyền CSVN tuy nỗ lực dùng cả guồng máy thông tin tuyên
truyền của chế độ nhưng cũng không bưng bít được các tin tức và hình ảnh
mà họ muốn che đậy. Các trang mạng xã hội, nhất là facebook, youtube
khá phổ biến với người dân tại Việt Nam.
Mới ngày 21/4/2015, Tổ chức Bảo vệ Ký giả quốc tế (Committee to
Protect Journalists) có trụ sở chính ở New York đưa ra một bản tường
trình nói Việt Nam là một trong 10 nước có chế độ kiểm duyệt thông tin
khắt khe nhất thế giới.
Trong số những nước đó, đứng đầu danh sách kiểm soát thông tin tệ hại
nhất thế giới là Eritrea, kế đến là Bắc Hàn, nơi chỉ có rất ít người
truy cập được internet. Cùng trong nhóm là Ả Rập Saudi, Ethiopia,
Azerbaijan, Việt Nam, Iran, Trung Quốc, Myanmar và Cuba. Các nước này
hoặc là tôn giáo cuồng tín, hoặc là độc tài chuyên chế Cộng sản.
Bảng xếp hạng về tự do thông tin và về tự do truy cập internet hàng
năm của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới” trụ sở tại Pháp cũng đều xếp
Việt Nam vào chót bảng cùng với các nước vừa kể. Bản phúc trình nhân
quyền thế giới thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn đều nêu tình
trạng giới hạn tự do thông tin tại Việt Nam.
Đúng như lời ông Nguyễn Bắc Son tuyên truyền, Việt Nam có "tự do báo
chí" hơn nhiều nước như Eritrea, Bắc Hàn, Ả rập Saudi, Ethiopia,
Azerbaijan. (TN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét