Xem clip, ảnh về những cảnh chướng tai gai mắt của một số người Hà Nội trong ngày công viên nước Hồ Tây mở cửa miễn phí mà xót mà xa... Dường như chỉ cần với 150.000 đồng (tiền vé vào cửa nếu không miễn phí), ta có thể mua được và “bóc” ngay “cái bánh” có tên gọi là văn hóa sẽ nhìn thấy, nhìn rõ đủ mọi thứ bên trong?...
Hollywood có bộ phim Bản năng gốc (Basic Instinct), khai thác
một trong những cái thuộc về phần “con” của người đời. Thế nhưng, đạo
diễn và các nghệ sĩ tài năng làm ra Bản năng gốc có lẽ cũng
phải giật mình vì còn có một phần nữa bị bỏ sót: đó là cái chất “con”
tàn tệ, phải giành giật và cướp lấy cho bằng được cái phần miễn phí vô
cùng... đắt của... văn hóa người?
Nhìn kỹ sẽ thấy có nhiều người trèo rào bất kể cọc nhọn cào xé thịt
da, làm tốc cả váy, lộ cả nội y đã lớn tuổi; có những bộ trang phục cho
thấy chủ nhân của chúng không nghèo; lại có cả những bộ trang phục và
gương mặt teen đến mức buộc ta phải tự hỏi rằng chẳng lẽ lứa tuổi ấy
chẳng còn bóng dáng của sự e thẹn, xấu hổ nữa?...
Chợt nhớ trong vụ 11.9 ở nước Mỹ xa xôi – nước Mỹ được coi là “thiên
đường của mọi sự trần trụi”(?), có cô gái không dám tụt ống nước xuống
để thoát hiểm, tức là có cơ hội để sống, nhưng không làm vì sợ lộ nội y,
chấp nhận cái chết khi lằn ranh mỏng manh của nghĩ suy không nhanh bằng
ngọn lửa tử thần! Danh dự - mà thật ra, đó chỉ là cách nghĩ của cô gái
đó, đáng coi trọng hơn cả sự sống? Ngẫm về điều này mới thấy được cái gốc, nền
của văn hóa dường như là máu thịt, được nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo
nên không dễ gì sự bột phát ngặt nghèo của tình thế có thể chế ngự được.
Tất nhiên, 150 ngàn là số tiền không nhỏ đối với người nghèo. Trời
nóng nực cũng là một cách để biện minh. Vui vì đông, vì cái “thú” của
cướp giật, tranh hơn cho thêm một lý do nữa để làm mềm tai họa, làm dẻo
nỗi vụng về...
Có cả tá cách giải thích khi ta cố tình dùng uyển ngữ để miêu tả nỗi
đau. Tất tật các nguyên do đó chẳng thể che lấp nổi cái sự thật rằng văn hóa sống đã và đang bị đảo lộn, xuống cấp trầm trọng.
Có một cuốn sách nhan đề là The Birth of Korean Cool: How one nation is conquering the world through pop culture (Euny Hong, 2014); tạm dịch - Sự ra đời của làn sóng mát lành
xứ Hàn: Làm thế nào một dân tộc chinh phục thế giới bằng văn hóa pop?
Người Xứ Hàn tạo nên sự mát lành của xã hội trên tất cả mọi lĩnh vực
bằng văn hóa ứng xử đúng mực, lịch thiệp, công bằng, hài hòa. Chẳng ai
đi tìm cái mát mẻ bằng cách trèo hàng rào sắt, hùa nhau sàm sỡ các thiếu
nữ - thậm chí là hành động càn rỡ tập thể ngay ở chốn đông người.
Không thấy bất cứ nhân viên bảo vệ nào can thiệp để đến nỗi hàng chục
cô gái bị giật tung cả áo trong, áo ngoài như ở Hồ Tây hôm qua. Không
thể tưởng tượng nổi cái cảnh vô văn hóa đó lại có thể xẩy ra ở thủ đô
ngay giữa ban ngày!
Rồi, sẽ được nghe cái điệp khúc quen thuộc rằng “không lường trước
được sự hỗn loạn quá mức” thay cho một lời xin lỗi, thay cho sự ân hận
và nhận trách nhiệm rõ ràng. Không lường trước là bạn đường của
sự vô cảm của các nhà quản lý dù to, dù nhỏ trước bổn phận phải bảo vệ
sự “mát lành” của người dân, của xã hội. Cái từ “cool” trong tiếng Anh
thật thú vị: Coolness có nghĩa là sự trơ tráo, sự không biết xấu hổ. Vậy là, người ta đi tìm cool bằng coolness?
Đâu phải là lần đầu xảy ra chuyện hỗn loạn do miễn phí? Hàng chục lần
tương tự như thế đã xẩy ra, chỉ khác là để tranh mua hàng giảm giá chứ
không phải để làm sạch bằng sự giảm giá.
Một huyền ngôn, nghe đâu là của Socrates, nói rằng tắm là để thay lớp bẩn này bằng lớp bẩn khác, ít hơn.
Một cái bể tắm có người nhiều hơn nước như thế thì sạch hơn hay bẩn
hơn? Chẳng thể nào có được cái độ sạch của văn hóa nếu con người cứ thi
nhau biểu lộ vô số cái sự bẩn trong nếp nghĩ, cách sống của cái thời mà
ngay cả cướp giật văn hóa cũng là “cướp có văn hóa”!
Hà Văn Thịnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét