Ngô Nhân Dụng
Sau những vụ thiên tai, cảnh con người đi cứu lẫn nhau khiến chúng ta xúc động; cảm thấy tình nhân loại thật ấm áp.
Nhưng chúng ta cũng rất buồn khi thấy những người hoàn toàn vô cảm
trước nỗi thống khổ của đồng loại. Người Việt Nam thì không những buồn
mà còn thấy xấu hổ, khi thấy trên mạng Internet quốc tế cảnh một đồng
bào của mình hoàn toàn vô cảm. Trên website 9gag có hình nhiều du khách
ngoại quốc đang đi cấp cứu các nạn nhân động đất, kèm theo bức hình một
phụ nữ Việt Nam đang đứng chụp hình kỷ niệm giữa cảnh đổ nát. Cô có
khuôn mặt rất xinh, miệng nở nụ cười hớn hở, tay đưa lên như chỉ cho mọi
người thấy ngôi nhà bị sập cao như thế nào. Ðúng là một thái độ vô cảm.
Ðiều đáng xấu hổ hơn, là cô này ở trong một phái đoàn hội Chữ Thập Ðỏ,
sang Nepal trước đó mấy ngày để “nghiên cứu về động đất.”
Chữ Thập Ðỏ, người miền Nam trước đây gọi là Hồng Thập Tự là một tổ
chức cấp cứu. Tinh thần của các hội Hồng Thập Tự là cứu người, giúp
người. Phải có tấm lòng mẫn cảm, thương xót mới làm việc cho những tổ
chức như thế. Thái độ vô cảm càng không chấp nhận được. Trên website
9gag có hai tấm hình, lần lượt được chú thích cho dân mạng so sánh: A
member of Redcross Vietnam” (Một thành viên Hội Chữ Thập Ðỏ Việt Nam) và
“Other tourists” (Những du khách khác đang cùng dân địa phương tìm bới
các đống gạch đổ nát).
Nhưng không phải chỉ một mình cô gái này vô cảm. Cả đoàn cùng đi với
cô cũng vậy. Ði học hỏi về việc phòng bị động đất, đối phó với động đất,
đáng lẽ ra khi gặp cảnh động đất thật thì phải coi đây là một cơ hội
học hỏi trên thực địa. Nhưng không. Gặp động đất, cả đoàn tìm cách kéo
nhau về sớm. Về tới nhà, được dịp khoe khoang tài thành tích ăn mì gói
và tài chạy chọt của mình, làm thế nào tìm được máy bay đi Quảng Châu
rồi về Hà Nội!
Chuyến đi Nepal được hội Hội Chữ Thập Ðỏ Na Uy tài trợ, tiền ăn ở
hàng ngày đã lãnh rồi. Không biết họ có đem trả tiền cho người ta, hay
mang về Hà Nội ăn tiêu cho sướng?
Họ thanh minh rằng không có khả năng cấp cứu, không biết phong tục và
ngôn ngữ địa phương nên đành về. Nhưng có hai người Việt Nam khác, nhân
viên một hãng viễn thông đang ở Kathmandu lúc đó, họ không bỏ chạy. Họ
tình nguyện vào bệnh viện giúp các công tác cứu thương, và đi hiến máu.
Có ai cần biết nói tiếng địa phương đâu?
Dân Việt Nam không vô cảm như mấy người Chữ Thập Ðỏ. Câu chuyện và hình ảnh này lên mạng, các công dân mạng ào lên “ném đá!”
Dân mạng lại “ném đá” một lần nữa khi thấy cảnh người ta đưa xác một
phi công tử nạn về nhà trong một cái túi xách tay! Ðó là di hài một
thiếu tá phi công thiệt mạng trong chuyến bay huấn luyện tháng trước,
được đưa về cho gia đình tại Hải Phòng. Trên thế giới, người ta rất kính
trọng các thi hài, dù đó là thường dân. Thi hài các quân nhân tử nạn
khi đang làm nhiệm vụ đều được đặt trong quan tài phủ Quốc kỳ, đưa đón
với lễ nghi trang trọng và uy nghiêm. Nhưng ở Việt Nam thì di hài một sĩ
quan không quân bị nhét trong một cái túi hành lý loại xách tay, mầu
xanh trơn, cho hai người khiêng, một người đi trước bước theo kiểu diễn
hành. Gia đình người chết không được mời tới nhận và đưa thi hài về nhà.
Ðơn vị không quân của anh có cử đại diện đưa anh về với gia đình hay
không? Tại sao người ta không đặt cái túi lên một miếng gỗ lớn hơn một
chút, bốn người khiêng trông nó đỡ bệ rạc? Chẳng người nào thắp cho
người chết một nén hương. Cũng chẳng thấy một đóa hoa, một băng tang màu
đen hoặc mầu trắng, hay một tấm khăn sô phủ cho kín đáo! Cả đám tang là
cái túi hành lý xách tay bằng plastic, nếu mở coi bên trong chắc thấy
chữ Made in China! Tại sao không bỏ tiền ra mua một cái “hòm” gỗ cho nó
phải phép? Tiền để đem xây biệt thự cho các quan bí thư tỉnh, bí thư xã
không bớt đi một phần trăm ngàn làm việc từ thiện này được hay sao?
Nhiều công dân mạng trong nước đã ném đá. Những chữ diễn tả đúng nhất
là “nhếch nhác, cẩu thả, vô cảm, phi văn hóa!” “Thà đừng làm gì cả. Làm
kiểu nửa vời vậy rất lố bịch!” Một người còn thấy nhục quốc thể:
“...rồi báo chí nước ngoài họ nhìn vào và họ đánh giá như thế nào đây?
Thật quá đau lòng!” Trong bức hình được phổ biến trên mạng, có thấy hình
một phụ nữ Tây phương tay không đi sau chừng dăm bước, mắt nhìn theo
cái túi hành lý đang được hai người khiêng đi trước. Dáng điệu bà ta có
vẻ chậm chạp, buồn rầu, bà phải cái biết túi hành lý xách tay đó chứa
gì, vì các hành khách máy bay chắc đã được yêu cầu chờ cho “đám tang”
rời máy bay trước tiên.
Ai đã gây ra cái cảnh nhếch nhác, lố bịch, đau lòng này? Quân đội? Bộ
Quốc Phòng? Không quân? Thủ phạm là tất cả cái nhà nước phi nghĩa, vô
luân, bệ rạc, nhếch nhác? Tất cả cái đảng đã tạo nên một xã hội lãnh
đạm, vô cảm, không còn một giá trị nào được kính trọng nữa!
Câu chuyện đám tang một sĩ quan và câu chuyện hội Chữ Thập Ðỏ đều cho
thấy những người không còn biết xúc cảm nữa. Không xúc động trước cái
chết của hơn bảy ngàn người Nepal, cũng không xúc động trước xác chết
của một đồng đội. Cái gì đã đốt cháy tim óc những người đang ăn trên
ngồi trốc trong xã hội Việt Nam; khiến cho họ không còn biết thương xót,
không còn biết rung động trước nỗi khổ, trước cái chết của đồng loại?
Nguồn gốc thái độ vô cảm là do một nếp suy nghĩ, nếp sống mà đảng
Cộng Sản vẫn dạy dỗ đảng viên, tuyên truyền với mọi người hàng trăm năm
nay. Mục tiêu của phong trào Cộng Sản là chiếm chính quyền để thay đổi
loài người theo lối sống mới mà họ tưởng tượng ra tuy chưa biết nó sẽ
thế nào. Họ bất chấp đạo nghĩa, nhất là thứ đạo nghĩa của “loài người
cũ.” Họ cổ động một nền văn hóa đề cao “bạo lực cách mạng,” dập tắt
những ngọn lửa lương tâm le lói trong lòng mỗi con người.
Một biểu hiện của thứ văn hóa vô cảm đó mới được đưa lên mạng, là bức
hình một cái búa. Cái búa này được đặt lên bệ một cách long trọng trong
tủ kính, cái tủ lót khăn đỏ trưng bày trong một viện bảo tàng ở Việt
Nam. Trước cái hộp kính là những hàng chữ lớn: BÚA, viết hoa, xuống
dòng. Hai hàng dưới viết: “Ðồng chí Nguyễn Văn Thắng, huyện đội phó
huyện Mỏ Cày (Bến Tre) dùng bổ chết 10 tên ác ôn trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước.”
Dưới mấy hàng trên còn những dòng chữ dịch sang tiếng Mỹ: “HAMMER.
WITH THIS, CAMARADE NGUYEN VAN THANG, DEPUTY CHIEF OF MO CAY MILITARY
DISTRIS, BEN TRE PROVINCE, KILLED TO DEATTS A TOTAL OF 10 LOCAL TYRANTS”
(dẫn nguyên văn, cả văn phạm và chính ta). Bản tiếng Anh nói rõ “local
tyrants,” tức là “ác ôn địa phương;” nhưng không thấy những chữ “chống
Mỹ cứu nước.”
Một người dùng búa giết mười mạng, chắc không giết cùng một lúc, như
trong một trận đánh, hai bên bắn giết nhau. Anh ta phải giết lần lượt
từng người một, chứ giết hai người một lần đã khó rồi. Chỉ có cái búa mà
giết mười người, chắc anh ta phải tính toán hành động bằng cách đánh
lén, đánh ban đêm, giết người xong còn chạy thoát. Cần nhất, không ai
nhìn thấy, không ai biết; vì nếu bị lộ sẽ khó trở lại giết những người
khác. Mà lại toàn là người “địa phương,” tức là những người cùng làng,
cùng xã với mình. Những nạn nhân của anh ta là ai? Là những người hàng
xóm, những người chắc anh ta vẫn gặp gỡ hàng ngày.
Giết người bằng cách tính toán lạnh lùng như vậy, phải được huấn
luyện tinh thần tuyệt đối vô cảm. Anh huyện đội phó này đáng được gọi là
Mười Búa, cao hơn tên Sáu Búa của Lê Ðức Thọ. Anh Mười Búa đã giết
người chỉ bằng cái búa. Còn Sáu Búa có thể giết người bằng lời nói. Sau
khi chiếm được miền Nam, Lê Ðức Thọ họp các đồng chí cộng sản của mình,
những người đã từng bị bên Việt Nam Cộng Hòa bắt giam trong thời gian
chiến tranh; có người đã vượt ngục nhiều lần, bị bắt, rồi lại vượt ngục.
Sáu Búa gặp đám quân của mình, những cựu tù nhân đang chờ nghe lãnh tụ
khen ngợi lòng cam đảm và tài chịu đòn trong hàng chục năm bị bắt giữ.
Nhưng Sáu Búa chỉ tuyên bố: “Các đồng chí đều có vấn đề!” Có vấn đề,
trong ngôn ngữ cộng sản, nghĩa là bị nghi ngờ, không đáng tin cậy nữa!
Một câu nói đổ thùng nước lạnh lên những niềm hy vọng của các cựu tù
nhân. Một thái độ tuyệt đối vô cảm.
Chiến tranh là một điều bất đắc dĩ. Trong thời chiến tranh con người
thành méo mó, tàn nhẫn, có thể biến thành vô cảm. Nhưng 40 năm sau khi
chiến tranh chấm dứt mà còn đem trưng bày “Ðức Vô Cảm” trong hành động
dùng búa đập chết mười đồng bào của mình, thì điều này mới thật ghê rợn!
Thử nghĩ đến những em nhỏ sinh ra không biết chiến tranh thế nào, khi
vào cái viện bảo tàng này, nhìn thấy cái búa dính máu đó. Các em sẽ cảm
nghĩ những gì? Con cháu của cái anh huyện đội phó này có muốn nhìn thành
tích của cha, ông họ hay không? Trưng bày một khí cụ giết người không
ghê tay, thái độ vô cảm đã ăn sâu vào cốt tủy!
Nhưng những người vô cảm thường không quan tâm đến chuyện giáo dục
trẻ em. Ðối với đám trẻ con đó, cứ cho chúng leo dây qua sông đi học, cứ
để bố con chúng chui bao ni lông mà lội qua sông cũng được. Chúng đói
hay no, quần áo lành hay rách, đến trường có học được cái gì không,
“lãnh đạo” còn lo toan những “vấn đề vĩ mô” không có thời giờ biết tới.
Cho nên mới có cái cảnh những trường tiểu học không có nhà vệ sinh.
Trường Lộc Bảo, với hơn 200 học sinh là một thí dụ. Suốt bảy năm qua học
sinh và các thầy cô trường Lộc Bảo phải tự lo lấy (xem tin báo Người
Việt số này). “Tới giờ ra chơi nữ sinh phải chạy ra gần suối, nam sinh
thì ra phía đồi cỏ, còn thầy cô phải xách xe chạy về nhà, cách trường ba
cây số. Vì nhà dân chúng chung quanh cũng không ai có nhà vệ sinh để
nhờ.”
Phải nói, nước ta do một đám người hoàn toàn vô cảm cai trị từ trên
xuống dưới. Mắt vô cảm, tai vô cảm, cái mũi cũng vô cảm. Tấm lòng thì đã
hoàn toàn vô cảm từ lâu rồi! Những ông bà lãnh đạo Chữ Thập Ðỏ, những
người phụ trách tang lễ, cho tới các ông bà hiệu trưởng cũng chỉ là nạn
nhân của một nền văn hóa vô cảm do đảng Cộng Sản gieo rắc hơn nửa thế kỷ
nay.
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét