Ads 468x60px

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Bộ Chính Trị khắc số những người tên Thanh

 
Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh
Vũ Thạch
Người đầu tiên vắn số với Bộ Chính Trị không phải 2 ông Thanh gần đây, mà là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông chết năm 1967.
Với các tiết lộ thâm cung bí sử gần đây, đặc biệt trong cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh, người ta mới biết vai trò hệ trọng ở hàng tột đỉnh của ông Nguyễn Chí Thanh. Ông chính là một trong ba chân vạc: Lê Duẫn - Lê Đức Thọ - Nguyễn Chí Thanh. Bộ ba này dám làm chuyện tày trời, đó là giật quyền cai trị khỏi tay ông Hồ Chí Minh và dàn chân tay thân tín của ông như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp.
Và càng đáng nể hơn nữa về mưu lược, trong lúc liên tục loại trừ quyền lực và cô lập ông Hồ như vậy, bộ ba nêu trên vẫn tiếp tục xử dụng được và xử dụng tối đa tên tuổi, hình ảnh, uy tín của cả 3 ông Hồ, Chinh, Giáp, cho các mưu đồ riêng. Một trong những mặt lợi dụng là dùng ông Hồ, ông Giáp để ép nhân dân toàn miền Bắc vào cuộc chiến "giải phóng" miền Nam. Bộ ba Duẫn - Thọ - Thanh biết rõ Liên Xô, Trung Quốc vô cùng thèm muốn thấy Mỹ sa lầy tại Việt Nam; từ đó bị rối loạn tại nước nhà; và suy yếu trong cuộc Chiến Tranh Lạnh đối đầu với thế giới cộng sản. Do đó, nếu duy trì và mở rộng được cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam, bộ ba Duẫn - Thọ - Thanh trở thành ống dẫn máu viện trợ độc quyền từ Liên Xô và Trung Quốc vào Việt Nam. Nguồn lực độc quyền và hầu như duy nhất này trên đất Bắc thời đó có khả năng đánh bại tất cả mọi phe cánh quyền lực trong đảng, kể cả đốn ngã các cây cổ thụ như Bác Hồ. (Đây cũng chính là bí quyết Mao Trạch Đông áp dụng để vượt trên mọi phe cánh trong đảng CSTQ ở thập niên 1940, 1950 khi ông nắm độc quyền ống viện trợ từ Stalin).
Chính vì tầm mức quan trọng của cuộc chiến "đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc" đó mà tướng Nguyễn Chí Thanh được phái vào miền Nam từ năm 1965 để trực tiếp điều động trong chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam.
Nhưng giữa lúc sinh lực và tham vọng đang ở tột đỉnh như vậy, chỉ 2 năm sau, tướng Thanh đột tử. Ông không chết vì súng đạn tại chiến trường hay vì bệnh tật tại Cục R, nhưng chết giữa lòng thủ đô khi ra Hà Nội họp bàn vào tháng 7 năm 1967. Lý do chính thức được công bố là do "nhồi máu cơ tim" dù ông chỉ mới 53 tuổi và đang mạnh khỏe xông xáo khắp nơi.
Nhiều người tin rằng đây là nỗ lực cuối cùng của phe đang thất thế để hy vọng bẻ gẫy bộ ba quyền lực. Nhưng kết quả liền sau đó, ông Hồ và ông Giáp bị trả thù cay độc, dai dẳng cho tới ngày ông Lê Duẫn nhắm mắt. Ngay cả việc ông Hồ xin phép "được lấy vợ" cho đỡ cô độc trong những tháng năm bị cô lập ở nhà nghỉ hưu bất đắc dĩ cũng bị ông Lê Duẫn cự tuyệt. Còn Người hùng Điện Biên Phủ không chỉ bị hất hẳn ra khỏi mọi vị trí quyết định, bị xóa công trong các chiến thắng kể cả "chiến thắng mùa Xuân 1975", mà còn bị sỉ nhục với ghế trưởng Ban sinh đẻ có kế hoạch. Riêng ông Trường Chinh có lẽ không dính tới vụ ám sát tướng Nguyễn Chí Thanh nên vẫn được cho giữ các vai trò mang tính biểu kiến chứ không có thẩm quyền quyết định, như chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Ủy ban Hiệp thương Bắc Nam.
Trở về hiện tại, hai ông Thanh ngày nay rất giống trường hợp của ông Nguyễn Chí Thanh ở chỗ đang mạnh khỏe bỗng trở bệnh ngặt nghèo mà không có triệu chứng gì báo trước.
Ông Nguyễn Bá Thanh lăn đùng khi đang là một cầu thủ đáng nể trên sân cỏ và cũng là một đấu thủ đáng sợ của nhiều người trên đấu trường chính trị. Từ Đà Nẵng ông được đưa về thủ đô để nắm chức Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương với quyết tâm "Hốt hết, bắt hết chứ không nói nhiều". Quả thật, các phe phái trong đảng lúc đó đều lo lắng tới mức báo động đỏ và hợp sức để chận bước tiến của ông. Thế là chỉ đến ngưỡng cửa vào Bộ Chính Trị con đường quyền lực của ông Nguyễn Bá Thanh bị chặt đứt. Nhưng không chỉ đến đó là hết. Để loại trừ hẳn xác suất ông Thanh có thể vùng lên trở lại, các đối thủ của ông còn cẩn thận "tặng hàng ngoại" để ông đột nhiên mắc chứng bệnh hiểm nghèo, phải đưa gấp rút ra nước ngoài chữa trị... một cách bí mật.
Chỉ khi người nhà ông Thanh quá uất ức cho xì ra hình ảnh của ông tại bệnh viện Hoa Kỳ, báo chí lề đảng mới thừa nhận rồi gỡ gạc: "ông Thanh vẫn gọi về điều hành Ban Nội Chính Trung ương" từ giường bệnh. Sau đó báo đài công cụ cho biết đã chữa trị xong và một chuyên cơ chở ông Thanh về Việt Nam dưỡng bệnh. Họ còn ghi rõ tại phi trường ông Thanh bảo người chung quanh "Tau khỏe chứ có chi mô". Rồi trong mấy tuần kế tiếp hết phái đoàn này đến quan chức nọ được đăng hình trên báo là đã đến thăm hỏi ông Thanh tại bệnh viện nhưng tuyệt nhiên không hề đăng tấm hình nào có mặt mũi ông Thanh.
Cùng lúc đó, trong số hình chụp chuyên cơ dành riêng cho việc chở ông Thanh về nước, người ta phát hiện hình một cỗ quan tài bọc kim loại kiên cố, đúng với qui định chuyên chở xác chết tại Hoa Kỳ. Mọi kiểu ngụy biện như mua quan tài sẵn, quan tài cho người khác cùng chuyến bay, quan tài chuẩn bị cho chuyến bay kế tiếp,... đều cực kỳ vô lý.
Tổng hợp lại, công luận nay tin chắc rằng ông Thanh đã qua đời rất nhanh tại Hoa Kỳ nhưng lãnh đạo đảng không cho chết mà buộc gia đình ông phải cùng đóng màn kịch kéo dài hàng tháng trời với đủ loại phái đoàn thăm viếng rồi mới tuyên bố chính thức vào ngày 13/2/2015. Mục đích chính là để đánh bạt những tin tức cho thấy ông chết quá nhanh và vô phương cứu chữa vì bị đầu độc bằng chất phóng xạ.
Nay cả tiến trình đó đang được diễn lại một lần nữa với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng, Ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN. Ông Thanh đang mạnh khỏe, đi đứng khắp nơi và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho đến giờ cũng không biết ông bị bệnh gì. Cả ông trưởng ban và phó ban đều đã lên tiếng trên báo đài trong nước lẫn đài quốc tế rằng các lần khám trước đây của ban này đều không thấy gì nghiêm trọng cả.
Nhưng tướng Thanh, hiển nhiên không phải do đề nghị của Ban chăm sóc, lại tức tốc đi Pháp khám nghiệm, để rồi được biết tình trạng nghiêm trọng đến độ phải đè ra mổ ngay. Chỉ khi tin này được những nguồn tin nội bộ cho lộ ra, báo đài đảng mới thừa nhận và cho biết "đã phẫu thuật thành công". Và cũng giống như đã làm với ông Nguyễn Bá Thanh, báo đài bắt đầu loan tin tướng Thanh sắp hết bệnh trở về, tướng Thanh ký giấy khen đơn vị này, tướng Thanh gởi bài tham luận nọ.
Càng lúc càng nhiều câu hỏi đang bật lên: Tại sao tướng Thanh bỏ công ký bằng khen cho một Lữ đoàn Thông tin và một Trung tâm Đo lường, nhưng lại không ký quyết định thay thế Tư lệnh và Chính ủy của Bộ Tư Lệnh Thủ đô Hà Nội? Tại sao một quyết định hệ trọng như thế lại được báo đài đăng tải là của "Thủ trưởng Bộ Quốc phòng" chứ không có tên họ, cấp bậc nào cả? Tại sao hãng tin DPA của Đức tiếp tục tin tưởng vào nguồn tin cao cấp từ nội bộ đảng rằng tướng Thanh đã qua đời (chứ không hề rút lại như Ban Tuyên giáo loan tin)?... Nhưng hiển nhiên hơn cả, tại sao trước các nghi ngờ đó, lãnh đạo đảng cứ cắt cử hết cán bộ này đến tướng lĩnh khác lên tiếng cải chính chứ không dùng cách đơn giản nhất là cho đăng vài tấm hình hay một đoạn video ngắn của chính tướng Thanh?
Có thể nói trường hợp tướng Phùng Quang Thanh còn tệ hơn hoàn cảnh của ông Nguyễn Bá Thanh nhiều. Cho đến giờ, gia đình tướng Thanh hoặc bị canh phòng quá nghiêm ngặt hoặc bị hăm dọa quá nặng nên không dám tung ra hình ảnh nào chụp từ nhà thương. Có lẽ điều này cũng dễ hiểu vì ngay khi tướng Thanh còn đầy đủ sức khỏe và quyền hành, các đối thủ của ông còn chẳng ngần ngại gì trong việc tung đầy hình ảnh về khối gia tài được xem là bất chính của bố con Phùng Quang Thanh - Phùng Quang Hải trên mạng Internet, đặc biệt tại các trang chandungquyenluc.blogspot.com, facebook.com/chandungquyenluc,... Khá hiển nhiên nhiều kẻ đang rất thèm thuồng khối tài sản đó.
Và cứ với kịch bản này, công luận chắc sẽ không ngạc nhiên gì khi lại có tin một chuyến chuyên cơ chở tướng Phùng Quang Thanh về nước (nhưng lần này quan tài sẽ được phủ kín), lại có các tuyên bố ông rất khỏe tại phi trường (nhưng vẫn không ghi âm), lại có nhiều phái đoàn cao cấp đến viếng thăm ông (nhưng vẫn không đăng hình người được thăm),... cho đến ngày lại có tuyên bố ông "vừa mới qua đời".
Thôi thì ai cũng một lần chết. Chỉ tiếc cả 3 cuộc đời tên Thanh chẳng để lại gì đáng kể ngoài những tham vọng cá nhân và các hậu quả tai hại cho đất nước và con người. Riêng đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh, nhắc đến tên ông có lẽ hậu thế sẽ chỉ còn nhớ dăm ba câu nói bất hủ:
  • "Không phong tướng anh em tâm tư."
  • "Chúng tôi mong muốn là Trung Quốc dời giàn khoan ra khỏi vùng biển, tuy nhiên tùy vào Trung Quốc có muốn dời hay không là chuyện của họ."
  • "Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp."
  • "Tôi thấy lo lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực đến TQ là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc."  
Vũ Thạch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét