Hình minh họa |
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Người
viết này chỉ có một mũi tên mà đòi bắn hai con chim trong bầy ngỗng
đang bay ngang một mùa Hè đỏ lửa. Hai con chim đó là kinh tế Hoa Kỳ và
Trung Quốc. Mùa Hè đỏ lửa là các thị trường chứng khoán của toàn cầu
toàn rực lên màu đỏ từ tuần trước.
Phân vân bất định nên đành phải đánh “oẳn, tù, tì” như bầy con nít.
Vì tay mặt đánh với tay trái nên dĩ nhiên là ngần ấy hiệp đều huề. Cho
nên xin đành khỏi chọn
mà... bắn đại lên trời trong giới hạn một ngàn
năm trăm chữ.
***
Kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề. Nhẹ thì suy trầm là hạ cánh an
toàn với đà tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu hoảng tiều của lãnh đạo Bắc
Kinh. Nặng thì suy thoái là hạ cánh tan tành. Họ do dự giữa hai bờ sinh
tử và đang rơi vào cửa suy thoái, depression.
Những ai không mắc bệnh Mê Tàu thì có thể biết rằng các nước bắt đầu
áp dụng quy luật thị trường đều có thể đạt mức tăng trưởng cao vào giai
đoạn đầu. Nhưng sau vài chục năm thì cũng phải điều chỉnh với tốc độ
chậm hơn của nền kinh tế trưởng thành đã công nghiệp hóa. Nhiều nước
Đông Á đã trải qua kinh nghiệm này mà chỉ có Nhật Bản, Nam Hàn và Đài
Loan là lên tới Quang Minh Đỉnh. Các nước khác thì lẹt đẹt phía sau, bị
vây trong “bẫy sập của lợi tức trung lưu,” là lợi tức trung bình một đầu
người chỉ ở khoảng 10 ngàn đô la một năm mà không vượt lên trình độ
Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, người dân có lần lượt là 36 ngàn, 28
ngàn và 23 ngàn đô la.
Trung Quốc đang nằm trong bẫy sập ấy, với lợi tức đồng niên khoảng
bảy ngàn bẩy và rất nhiều vấn đề sau 30 năm tăng trưởng thiếu phẩm chất.
Nhưng vấn đề lớn nhất của xứ này là tham vọng của lãnh đạo. Như nhiều
đứa trẻ chậm lớn, họ không muốn chọn mà đòi những điều mâu thuẫn.
Thí dụ nóng hổi là họ vừa muốn kiểm soát đồng bạc mà họ gọi bịp là
Nhân Dân Tệ Renminbi, lại vừa muốn đồng Nguyên đó trở thành ngoại tệ phổ
biến như đồng Mỹ kim. Với tham vọng đồng “Khối” này sẽ là ngoại tệ dự
trữ khả dĩ thay thế đô la Mỹ sau này. Khối là tiếng lóng của người Tàu
khi gọi đồng Nguyên của họ.
Chuyện đồng Nguyên là một trong bốn năm lý do khiến Bắc Kinh “hạ giá”
chứ không “phá giá” đồng Nguyên vào hai tuần trước. Họ hạ giá sau khi
buông tay cho thị trường đẩy đồng bạc xuống chỗ trũng với sự hỗ trợ của
các ngân hàng quốc doanh được chỉ thị thi hành nghĩa vụ can thiệp do
Ngân Hàng Trung Ương đặt ra: khi bổ khi tả chứ đừng để sụt giá quá mạnh.
Nhưng đứa trẻ tham lam ấy chẳng biết là muốn chơi trò tác động ấy thì
phải có vốn. Dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh chỉ còn chính thức là ba ngàn
650 tỷ đô la. Nếu trừ đi các khoản đã sung đương vào mục tiêu khác thì
chỉ còn 700 tỷ khả dụng: không đủ dài để làm đòn bẩy. Trong khi đồng
Nguyên sụt giá lại khiến thiên hạ tẩu tán tài sản ra ngoài. Từ năm ngoái
đã có hơn 250 tỷ bốc hơi như vậy.
Các trung tâm đầu tư của quốc tế còn ước tính rằng đồng bạc Trung
Quốc vẫn được định giá quá cao nên từ nay qua năm tới còn phải hạ từ tám
đến 10%. Muốn giữ giá cho khỏi tuột thì mỗi tháng Bắc Kinh sẽ mất thêm
40 tỷ đô la trong dự trữ. Một là kinh tế mất 40 tỷ vì nạn chuyển ngân
lậu ra ngoài, hai là nhà nước mất 40 tỷ để chặn đà tẩu tán! Chọn đi em.
Đứa trẻ Bắc Kinh không thể chọn được nên đứng khóc giữa chợ đời.
Thuật ngữ kinh tế gọi đó là thị trường tuột giá! Đã nói đến chuyện tuột
giá thì hãy ngó vào thị trường cổ phiếu mất giá.
***
Tuần qua chỉ số phức hợp Thượng Hải SHCOM sụt hơn 10%, riêng trong
ngày 25 thì mất 8.5%, mấp mé cái ngưỡng tâm tâm lý đáng sợ là 3,200
điểm. Ít ai chú ý là ngoài giới đầu tư cò con, nhiều doanh nghiệp lại
dùng tiền vay ngân hàng làm vốn luân lưu đi đánh bạc trên thị trường
chứng khoán. Khi cổ phiếu mất giá thì doanh nghiệp mất tiền và ngân hàng
mất nợ.
Từ đỉnh cao là gần 5,200 điểm vào ngày 12 Tháng Sáu, chỉ số Thượng
Hải chỉ còn 3,200 điểm. Mất toi 40%. Nghĩa là các ngân hàng bị nguy cơ
kẹt thanh khoản, thiếu tiền mặt.
Vì thế mới có tin đồn Bắc Kinh sẽ lại hạ lãi suất hoặc giảm mức dự
trữ pháp định để bơm thêm tiền vào qua ngả ngân hàng thị trường. Nhưng
đứa trẻ Bắc Kinh lại phân vân vì tiền càng nhiều và rẻ thì tư bản càng
tẩu tán mau hơn. Có lẽ đấy là nguyên nhân chính khiến đứa trẻ ngồi lên
đôi tay theo phép “vô vi.” Là chẳng làm gì cả. Nên thị trường cổ phiếu
mới đổ dốc trong ngày Thứ Hai Đen.
Và hiện tượng Trung Quốc suy thoái đã bắt đầu!
Nhưng mũi tên của người viết đã bay quá nhanh! Sau con vịt Bắc Kinh thì trúng vào con chim Mỹ.
***
Sau vụ sụt giá chứng khoán năm 1929, Hoa Kỳ dại dột lao vào phản ứng
bảo hộ mậu dịch và thiết lập chế độ bao cấp khiến vụ sụt giá cổ phiếu
mới dẫn tới Tổng khủng hoảng 1929-1933. Cũng thế, vụ khủng hoảng tài
chánh tại Mỹ năm 2008 khiến người ta hốt hoảng kết án tư bản chủ nghĩa,
thiết lập chế độ bao cấp kiểu Barack Obama và một số học giả còn ca tụng
mô hình Trung Cộng hay ưu thế của “Đồng thuận Bắc Kinh” là xuất sắc hơn
Mỹ!
Hãy đọc các con vẹt Thomas Frriedman hay Fareed Zakaria thì biết.
Bây giờ, Bắc Kinh công khai tự chứng minh tính chất bất lực của lũ
trẻ chưa sống trong kinh tế thị trường nên chưa biết chọn, thì đấy là cơ
hội cho Hoa Kỳ giành lại thế chủ động và đề cao giá trị của kinh tế tự
do. Khốn nỗi, Hoa Kỳ đang có bầu cử và thị trường thì lại hốt hoảng như
vào Tháng Chín 2008. Người nào suy nghĩ sâu xa hơn một chút thì thấy
kinh tế Mỹ chưa phục hồi, thất nghiệp có giảm mà lợi tức không tăng. Và
lực lượng lao động lại co cụm tới mức thấp nhất kể từ mấy chục năm qua.
Cả chục triệu người nản chí không muốn khai báo kiếm việc nữa nên thống
kê máy móc mới ghi là thất nghiệp giảm!
Khi kinh tế Trung Quốc đi vào suy thoái thì mô hình phát triển kiểu Bắc Kinh cũng phá sản.
Thế giới có thể bị tổng suy trầm như vào năm 2008-2009. Nhưng lần này
sẽ không do khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Âu Châu gây ra như lần
trước. Mà xuất phát từ Trung Quốc và các nền kinh tế gọi là “đang lên”
đã lao vào cuộc chơi của Bắc Kinh từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức
Thương Mại Thế Giới WTO. Chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư và xuất cảng
với mọi giá đã hết nhiệm màu và Trung Quốc cũng hết xuất cảng nạn giảm
phát qua nước khác.
Đấy là một tin vui, mặt trái màu hồng của những biến động vừa qua.
Bài này được viết trễ hơn mọi khi, sau 24 tiếng theo dõi những vần vũ
của các thị trường từ Á qua Âu về đến Bắc Mỹ. Khi thị trường Nhật Bản
rồi Trung Quốc đóng cửa thì các thị trường Âu Châu mở bát. Khi Âu Châu
kéo màn đỏ là New York mở cửa rồi tuột giá gần 7%, Chỉ số Dow Jones mất
1089 điểm khi tiếng chuông mở màn vừa dứt! Còn một tiếng nữa thì Thượng
Hải lại hãi hùng. Nhưng tòa soạn đã gọi. Xin giao nạp cung tên và hẹn
nhau kỳ tới vậy!
Nguyễn-Xuân Nghĩa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét