Ads 468x60px

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Báo Tuổi Trẻ xóa tên nhà báo trong tập kỷ yếu vì dám chống Trung Cộng

Ông Đỗ Trung Quân bị xóa tên khỏi cuốn
"Chuyện đời- Chuyện nghề" của báo Tuổi Trẻ.
Ảnh: Facebook Đỗ Trung Quân
Nhân 40 năm thành lập tờ Tuổi Trẻ, tờ báo này có cho làm tập kỷ yếu. Đáng nói, trong tập kỷ yếu này, một số nhà báo từng cộng tác cho tờ báo này trong suốt thời gian dài bị gạch tên chỉ vì họ đã có hành vi chống lại bá quyền Trung Quốc. Vì lẽ đó, một trong những người bị gạch tên cho rằng, phía lãnh đạo báo Tuổi Trẻ đã nhận lệnh từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Sài Gòn không được phép đưa tên họ vào cuốn sách.
Đó là trường hợp nhà báo, nhà thơ, họa sĩ Đỗ Trung Quân, người được biết qua nhiều bài thơ khá nổi tiếng, trong đó có bài "Bài học đầu cho con" được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc và đổi thành là "Quê Hương".
Trong một bài viết của mình, ông Đỗ Trung Quân cho biết rằng, trong tập kỷ yếu gồm 3 ấn phẩm những người thực hiện đã "cố tình lảng tránh" những người làm việc tại báo Tuổi Trẻ, như: nhà báo Huy Đức (tên thật là Trương Huy San), nhạc sĩ Tuấn Khanh và ông.
Về phương diện cá nhân, ông Quân cho đó là sự trả thù của quan chức Tuyên giáo Thành ủy đối với mình. Vì trước đó, trong rất nhiều lần, thông qua Facebook ông đã bày tỏ tinh thần chống Trung Cộng. Chẳng những vậy, ông còn ủng hộ việc xuống đường chống Trung Cộng. Và đã nhiều lần ông xuống đường cùng với sinh viên, học sinh ở Sài Gòn để biểu tình bất chấp những đe dọa từ phía lãnh đạo chính quyền.
Ông Đỗ Trung Quân (đeo kiếng) và nhà văn
Nguyễn Đông Thức- những người có thời gian
làm việc rất lâu ở báo Tuổi Trẻ.
Ảnh: Facebook Nguyễn Đông Thức
Thông qua việc tập kỷ yếu của báo Tuổi Trẻ cố tình lờ đi tên ông và những người mạnh mẽ chống Trung Cộng khác, ông Quân đặt ra câu hỏi, với những người còn đang sống với báo Tuổi Trẻ còn thiếu minh bạch, "thì liệu có đáng tin cậy khi đọc những gì viết về nhũng người đã chết?"
Hôm ngày 2/9, nhà văn Nguyễn Đông Thức, người từng làm báo ở tờ Tuổi Trẻ cho rằng, cách mà những lãnh đạo của tờ Tuổi Trẻ đối xử đối với ông Đỗ Trung Quân là "không đàng hoàng".
Theo nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết, báo Tuổi Trẻ có mời ông viết một bài trong cuốn "Chuyện nghề- Chuyện người" cho tập kỷ yếu nhân 40 năm thành lập. Trong bài viết của mình, ông đã nêu một loạt nhân vật văn nghệ sỹ từ sau năm 1975, trong đó có ông Đỗ Trung Quân. 
Vậy nhưng, khi sách được mang đi in, cái tên Đỗ Trung Quân trong bài viết của ông bị...biến mất.
Ông Thức nói, ông biết bạn mình (nhà thơ Đỗ Trung Quân) nằm trong "blacklist" của nhà cầm quyền, vì ông này hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng. Chẳng những vậy, ông Quân còn tham gia ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập, một tổ chức không được chính quyền Việt Nam thừa nhận. Chính vì lẽ đó nên ông Quân bị chính quyền phong tỏa về kinh tế, ông bị cấm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, xuất bản, báo chí...
"Thế nhưng, việc những nhà biên tập sách ở báo Tuổi Trẻ xóa tên anh trong bài viết của tôi, về một thực tế đã có, chẳng chút liên quan gì đến chính trị, cho thấy đây là một hành động nhỏ mọn, không đàng hoàng, tử tế"- nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết.
Trong khi đó, lý giải về việc mình bị chính quyền, mà nhất là Ban Tuyên giáo Thành ủy Sài Gòn căm ghét, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết: Nguồn cơn sự việc bắt nguồn từ ngày 5/6/2011, lúc đó tại Sài Gòn có khoảng hơn 3,000 người xuống đường để biểu tình, phản đối Trung Cộng xâm lấn biển đảo Việt Nam. Để ủng hộ những người xuống đường, ông Đỗ Trung Quân đã viết bài "Cuộc đối thoại bên trong Thành Đoàn tp HCM..."trong đó có kể về cuộc gặp gỡ giữa những người biểu tình và lãnh đạo thành phố. Bài viết ấy được đưa lên, lập tức được rất nhiều người chia sẻ. Chính quyền thành phố rất tức giận ông Quân vì bài viết. Một lãnh đạo Tuyên giáo thời ấy buộc ông phải gỡ bài ấy xuống, nhưng ông Quân đã từ chối.
"Thái độ đáp trả của cường quyền ngay sau đó là: An ninh canh giữ, 'án miệng không có văn bản' được ban ra trong hệ thống báo chí, truyền thông nhà nước, cô lập hoàn toàn quyền sáng tác, xuất bản của tôi"- ông Đỗ Trung Quân cho biết.
"Tôi thành tù nhân không song sắt"- ông Quân nói thêm.
Một trong những người biên tập cuốn "Chuyện đời- Chuyện người" là ông nhà báo Lưu Đình Triều, trong lần trả BBC Việt ngữ hôm 3/9 cho biết rằng: 
"Tôi không nhớ rõ về chuyện cuốn sách loại tên ông Quân và cũng không theo dõi status trên Facebook của ông Thức. Tuy vậy, có nhiều người từng làm ở Tuổi Trẻ cũng không được nhắc tên trong kỷ yếu chứ không riêng gì các ông Đỗ Trung Quân, Huy Đức và Tuấn Khanh".
Đáp lại cách trả lời này của ông Triều, ông Đỗ Trung Quân cho rằng đó là một thái độ lập lờ, vì không nhắc tên khác hẳn "phải xóa tên".
Người Quan Sát

0 nhận xét:

Đăng nhận xét