Ông Nguyễn Bắc Son: "Chính phủ chơi Facebook là để gần dân". Ảnh: VnEconomy |
Ngày 21/10, Chính phủ Việt Nam chính thức có tài
khoản trên Facebook với tên gọi "Thông tin Chính phủ". Một điều mà cách
đây 2 năm, người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ nó có thể xảy ra. Tuy
nhiên, vật đổi sao dời, có những thay đổi mà chỉ sau một giấc ngủ đã
thấy mọi thứ hoàn toàn khác hẳn, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa
CSVN và Hoa Kỳ ngày càng trở nên thân thiết.
Còn nhớ cách đây hơn 4 năm, trên tờ "Tạp chí Cộng sản", cơ quan lý
luận và chính trị của trung ương đảng CSVN đã có bài viết, trong đó tố
cáo CIA đã lợi dụng Facebook như là công vụ để thực hiện các mưu đồ
chính trị. Nói cách khác, chính quyền CSVN vào thời đó vẫn coi Facebook
như là "thế lực thù địch", là nơi đăng tải những tin tức "xuyên tạc"
chống lại sự lãnh đạo của đảng CSVN.
Hai năm trở về trước, giới Facebookers Việt phải điên đầu với việc
làm sao để có thể truy cập được vào Facebook. Chính quyền CSVN thiết lập
tường lửa rất gắt gao nhằm ngăn chặn không cho người dân có thể truy
cập vào Facebook. Vào thời điểm đó, rất nhiều website về kiến thức điện
toán, thứ thông tin mà người dân truy cập nhiều nhất là để tìm kiếm
những thông số DNS (Domain Name System) được cung cấp miễn phí. Người
dùng Facebook phải copy những thông số ấy để thay đổi DNS có trong máy
điện toán mới có thể truy cập vào tài khoản Facebook của mình. Một số
khác sử dụng các phần mềm vượt tường lửa, tuy nhiên cách làm này không
được sử dụng nhiều vì nó làm cho tốc độ đường truyền Internet chậm lại.
Nói như vậy để cho thấy rằng, đã có một thời, Facebook ở Việt Nam bị
ngăn chặn như thế nào.
Chính quyền CSVN ngăn chặn Facebook vì sợ tốc độ lan truyền tin tức
cực kỳ nhanh nhẹn. Những cuộc cách mạng màu ở Ả Rập khiến CSVN lo lắng
cho sự tồn vong của mình. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển, số lượng người
sử dụng khiến nhà cầm quyền phải lo lắng. Người dân không còn tin tưởng
vào những luận điệu, tuyên truyền một chiều của chính quyền. CSVN sợ
Facebook sẽ có thể trở thành nơi kêu gọi người dân làm cuộc cách mạng
màu, lật đổ chế độ Cộng sản.
Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook, chiếm
khoảng 1/3 dân số. Với những tin tức ồ ạt được cung cấp từ Facebook
khiến người dân không phải mua báo đọc mỗi ngày. Bằng một chiếc
smartphone, họ có thể vừa nghe nhạc vừa đọc tin tức, kèm với đó là những
lời bình đa chiều.
Bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Bắc Son- Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền
thông cho biết, Chính phủ lập Facebook là "để gần dân", giúp người dân
hiểu rõ hơn về các hoạt động của Chính phủ.
Tuy nhiên, điều mà người dân cần ở "Thông tin Chính phủ" là những
tin tức đa chiều, chứ họ không muốn nhìn thấy Facebook của Chính phủ lại
là nơi được dùng để làm công tác tuyên truyền.
Tài khoản dù chỉ mới được tạo lập cách đây hơn 1 tuần, nhưng con số
người Like đã hơn 50 ngàn người. Song, chính vì những tin tức mà trang
"Thông tin Chính phủ" đưa lên quá tẻ nhạt nên không thu hút được số
người quan tâm nhiều như số lượng người Like của nó. Không những vậy,
việc bình luận (comment) trên trang này cũng bị hạn chế. Rất nhiều người
than phiền rằng, những bình luận của họ không được hiển thị lên trang
"Thông tin Chính phủ".
"Để gần dân" có rất nhiều cách, trong đó, thông qua Facebook, Chính
phủ nên để người dân được trình bày, thể hiện nguyện vọng của họ chứ
không phải hạn chế, ngăn chặn người dân nói lên tiếng nói muốn gửi đến
lãnh đạo thông qua Facebook "Thông tin Chính phủ". Còn một khi Chính phủ
đã "chơi" Facebook nhưng không để cho người dân thoải mái biểu đạt ý
nguyện của họ thông qua những bình luận thì rõ ràng, Facebook "Thông tin
Chính phủ" cũng chỉ là một công cụ tuyên truyền mà thôi.
Người Quan Sát
0 nhận xét:
Đăng nhận xét