Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình đã làm cho bầu không khí chính
trị ở Việt Nam nhộn nhịp hẳn lên. Trước và cho đến bây giờ, rất nhiều
cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối chuyến đi này. So với trước nay,
những cuộc biểu tình chỉ được diễn ra vào những ngày cuối tuần, thì nay
nổ ra ngay cả những ngày trong tuần. Đặc biệt hơn, tại Hà Nội, sau khi
bị bắt vào đồn công an thành phố, chỉ được thả ra vào buổi tối nhưng
những người biểu tình vẫn diễu hành trên đường phố để phản đối Tập Cận
Bình.
Ngược lại với phía người dân, chính quyền CSVN coi chuyến thăm của
Chủ tịch Trung Cộng là một niềm vinh dự và đã đón ông với nghi thức chào
đón cao nhất cấp nhà nước. 21 phát đại bác đã được bắn lên từ Hoàng
thành Thăng Long. Không những vậy, ông Tập còn được nói trước Quốc hội
CSVN. Sự ưu ái của chính quyền dành cho Chủ tịch nhà nước Trung Hoa chưa
dừng ở đó. Thay vì nói 10 phút thì ông Tập đã nói đến 20 phút vào sáng
6/11.
Theo đánh giá của nhiều người, ông Tập cho thấy là người rất am
tường văn hóa. Trong suốt bài phát biểu, ông thường xuyên sử dụng thơ
văn lồng vào. Tuy nhiên, đó toàn là những lời sáo rỗng để nói về mối
quan hệ hữu nghị "môi hở răng lạnh". Câu nói của ông Tập được dư luận
chú ý là "Huynh đệ đồng tâm, ký lợi đoạn kim" (anh em cùng làm thì đủ
sắc bén để cắt vàng). Nhiều người thắc mắc, không rõ trong câu nói của
ông Tập thì ai là "huynh" và ai là "đệ". Trong mối bang giao quốc tế,
các quốc gia phải bình đẳng với nhau, chứ không phải "huynh, đệ" như ông
Tập nói.
Song, cũng phải thừa nhận rằng, đã từ lâu, lãnh đạo CSVN luôn coi
kẻ thù ngàn đời từ phương Bắc là "anh", còn họ là "em". Lối suy nghĩ này
bắt nguồn từ thời của ông Hồ Chí Minh, khi đó Cộng sản Liên Xô là "anh
cả", Trung Cộng là "anh hai". Đương nhiên, CSVN là em. Chính với não
trạng ấy, rất nhiều lãnh đạo CSVN không phản ứng khi nghe ông Tập lồng
ghép câu ngạn ngữ ấy trong bài phát biểu của mình.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội, ông Tập có nói về quan hệ láng
giềng giữa Việt Nam- Trung Hoa. Theo ông Tập, đã là láng giềng với nhau
thì bao giờ cũng có những hiềm khích, va chạm. Nhưng một khi những va
chạm ấy được giải quyết thì tiểu sự sẽ không còn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (ở giữa) người được chọn ngồi kế bên ông Tập Cận Bình.
Ảnh: Thanh Niên
Có một điểm đáng chú ý, có thể sẽ ảnh hưởng đến vị trí "tứ trụ
triều đình" trong đợt bầu bán tại Đại hội đảng CSVN lần thứ XII sắp tới
đây. Tại Quốc hội, người ta thấy ông Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt
trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân ngồi cạnh ông Tập Cận Bình. Xem chừng,
ông Nguyễn Thiện Nhân đã được phía Trung Cộng chọn làm nhân vật thay mặt
cho họ tại Việt Nam. Trước đây, trong rất nhiều lần ông Nhân đã thăm
viếng, giao lưu với các tổ chức chính trị bên Trung Quốc. Cho dù ông
Nhân là người được học ở phương Tây.
Có một điểm đáng chú ý, trong thông điệp mà ông Tập Cận Bình gửi
đến những người được coi là "đại diện cho nhân dân Việt Nam" tại Quốc
hội, ông Tập không hề nói đến cam kết nào để giải quyết những bất đồng
giữa hai nước trên Biển Đông. Trong khi đây chính là mối quan tâm hàng
đầu của người dân Việt Nam, nhất là khi Trung Cộng gần như đã hoàn thành
việc xây dựng, gia cố các công sự, sân bay tại các đảo ở Trường Sa mà
họ đã chiếm từ Việt Nam.
Cùng với chuyến đi, ông Tập Cận Bình còn mang đến cho CSVN 1 tỷ
Nhân dân tệ (khoảng 180 triệu Mỹ kim). Số tiền này sẽ được giải ngân
trong vòng 5 năm. Bên cạnh đó còn bổ sung khoản vay ưu đãi 250 triệu Mỹ
kim cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.
Trong khi đón tiếp Tập Cận Bình cực kỳ nồng hậu, thì chính quyền
CSVN lại đối xử cực kỳ tàn bạo với người dân. Hàng chục người tham gia
biểu tình tại Sài Gòn vào ngày 5/11 đã bị đánh đập tàn nhẫn. Trong số đó
có người bị đánh đến đổ máu, khuôn mặt bê bết máu của ông Trần Bang,
một cựu quân nhân tham chiến tại chiến trường phía Bắc chống lại cuộc
xâm lược của Trung Cộng vào từ năm 1979-1989. Hình ảnh này đã tố cáo tội
ác "hèn với giặc, ác với dân" của chính quyền nhu nhược. Bằng cách đánh
đập những người biểu tình, chính quyền CSVN đã lấy máu người dân làm
thảm đỏ để rước Tập Cận Bình.
Cựu quân nhân từng tham chiến ở chiến
trường phía Bắc
bị mật vụ đánh đập tàn nhẫn vì đã tham gia biểu tình
chống Tập Cận Bình. Ảnh: Facebook.
Hàng chục người tham gia biểu tình ở Sài Gòn bị giam giữ đến hơn 24h. Từ
ngày 5/11 sang đến ngày 6/11 mới được thả ra. Rất nhiều người trong số
này đã bị công an, an ninh đánh đập ngay trong đồn. Những vết thương
trên thân thể đã tố cáo hành vi tàn bạo trên.
Người Quan Sát
0 nhận xét:
Đăng nhận xét