Ông Gen Nakatani và ông Phùng Quang Thanh tại Bộ Quốc Phòng Việt Nam. (Hình: Bộ Quốc Phòng VN) |
Việt
Nam và Nhật đồng ý hải quân hai nước sẽ tập trận chung trong thời gian
tới. Đó là một trong những thỏa thuận giữa ông Gen Nakatani, bộ trưởng
Quốc Phòng Nhật, và ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt
Nam, theo tường thuật trên trang web của Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Ông Nakatani đến
Việt Nam cùng thời điểm với ông Tập Cận Bình, tổng bí thư kiêm chủ tịch
nhà nước Trung Quốc, đến Hà Nội thăm hai ngày.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật ngày 6 Tháng Mười Một loan báo
Việt Nam cũng đã chính thức mời hải quân Nhật ghé thăm cảng Cam Ranh.
Trong cuộc hội đàm giữa hai người đứng đầu quân đội hai nước, Việt
Nam và Nhật cùng nhận định rằng với Biển Đông, các bên cần “kiềm chế,
không làm tình hình phức tạp hơn” và các bất đồng về chủ quyền cẩn được
“giải quyết bằng các biện pháp ôn hòa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Cũng theo trang web vừa kể thì ông Nakatani đã giới thiệu về Luật An
Ninh mới của Nhật. Luật này cho phép quân đội Nhật tham chiến ở bên
ngoài lãnh thổ để bảo vệ và hỗ trợ các đồng minh. Đây cũng là lý do
khiến Trung Quốc chỉ trích Nhật kịch liệt.
Ông Nakatani nhấn mạnh, Luật An Ninh mới của Nhật giúp Nhật thực hiện
trách nhiệm đối với hòa bình và phồn vinh của cả khu vực lẫn thế giới.
Trang web của Bộ Quốc Phòng Việt Nam cũng đề cập đến việc Việt Nam
mời chiến hạm Nhật đến thăm quân cảng Cam Ranh. Trước cuộc hội đàm giữa
hai bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam và Nhật, ông Nakatani đã ghé thăm quân
cảng này.
Tuần trước, báo chí Nhật tiết lộ, khi đến thăm Việt Nam, ông Nakatani
sẽ ký kết với Việt Nam một văn bản, theo đó, chiến hạm Nhật có thể ra
vào quân cảng Cam Ranh để nhận tiếp liệu. Phía Việt Nam không xác nhận
cũng chẳng phủ nhận tin này mà chỉ loan báo Việt Nam mời chiến hạm Nhật
đến thăm quân cảng đó.
Dẫu các chiến hạm của lực lượng phòng vệ Nhật đã từng ghé Sài Gòn, Đà
Nẵng nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng với Việt Nam nhưng nếu các chiến
hạm của Nhật có thể ghé quân cảng Cam Ranh để nhận tiếp liệu thì đó sẽ
là điều đặc biệt đáng chú ý, bởi vì nó sẽ giúp các chiến hạm này có thể
mở rộng phạm vi hoạt động, dễ dàng thực hiện các cuộc tuần tra tại Biển
Đông, cùng với các đồng minh đối phó với tham vọng độc chiếm của Trung
Quốc trong vùng biển này.
Tuy chỉ có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Nhật
không thể không quan tâm tới Biển Đông bởi vì nếu Trung Quốc làm chủ
vùng biển này, kiểm soát các hải lộ mà tàu bè của Nhật thường qua lại,
Tokyo có thể bị cô lập.
Đó cũng là lý do Nhật mở rộng quan hệ với các quốc gia ASEAN nói
chung, và thực hiện nhiều biện pháp để củng cố quan hệ riêng với Việt
Nam và Philippines. Nhiều chuyên gia an ninh, quốc phòng nhận định, đây
là phương thức hữu hiệu nhất mà Nhật có thể thực hiện nhằm ngăn chặn nỗ
lực bành trướng của Trung Quốc.
Đến nay, Nhật đang thực hiện kế hoạch cung cấp các tàu tuần duyên cho
cả Philippines lẫn Việt Nam, đồng thời phối hợp với hải quân
Philippines để thực hiện các cuộc tập trận trên biển, giúp đào tạo cảnh
sát biển, nhân viên kiểm ngư cho Việt Nam, kể cả đào tạo quân y cho các
thủy thủ đoàn hoạt động trên tàu ngầm của hải quân Việt Nam.
Báo chí quốc tế cũng từng đưa tin, Nhật có ý định hỗ trợ Philippines
cải tạo hạ tầng quanh một căn cứ quân sự của Philippines ở đảo Palawan,
điểm gần quần đảo Trường Sa nhất.
Trung Quốc công khai bày tỏ sự bất bình với Nhật trong việc muốn giúp
các quốc gia ASEAN duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực
Đông Nam Á, thậm chí Bắc Kinh còn cảnh cáo rằng Tokyo không phải là một
bên trong số các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, thành ra cần
cẩn trọng cả trong phát biểu lẫn hành động nhưng dường như Nhật không
bận tâm.
Ông Fumio Kishida, ngoại trưởng Nhật, từng cho biết, việc hợp tác với
các quốc gia Đông Nam Á là không thể thiếu nếu muốn bảo đảm hòa bình và
ổn định trên các tuyến đường hàng hải, trong đó có Biển Đông và biển
Hoa Đông, đặc biệt là khi “môi trường an ninh quốc tế càng ngày càng
khắc nghiệt.”
Thủ tướng Nhật cũng đã từng vài lần bày tỏ hy vọng những hỗ trợ của
Nhật cho Việt Nam, Philippines,... sẽ giúp các quốc gia này “gia tăng
khả năng bảo vệ luật pháp trên biển.”
Đến nay, đã có rất nhiều viên chức cao cấp của Tokyo, nhiều lần khẳng
định, Nhật sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các thành viên khác
trong cộng đồng quốc tế để chống lại mọi ý đồ thay đổi nguyên trạng trên
biển bằng vũ lực. (G.Đ.)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét