Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: Getty Images) |
Tư Ngộ
Cuộc họp của Trung Ương Đảng CSVN kỳ thứ 13 vừa kết thúc và người ta
cũng thấy kèm theo loan báo Đại hội Đảng kỳ thứ 12 sẽ diễn ra từ ngày 20
đến ngày 28 Tháng Giêng 2016.
Trước cuộc họp của
Trung Ương Đảng CSVN, một vài tháng gần đây người ta thấy các tờ báo
chính thống của chế độ đã loan báo những điều chính yếu nằm trong cuộc
họp này như “thông qua danh sách ứng cử viên Bộ Chính Trị,” “Đề cử 4
chức danh chủ chốt.”
Một trong những điều bất thường đáng chú ý cũng thấy loan báo là việc
“quy định 3 độ tuổi” cho những người được cơ cấu vào “trung ương đảng.”
Họ được chia thành 3 nhóm tuổi gồm “dưới 50, 50-60 và từ 61 tuổi trở
lên.”
Trong bản tin của TTXVN, nếu ngoài độ tuổi “theo quy định” thì “Bộ
Chính Trị cân nhắc, trình Ban Chấp Hành Trung Ương xem xét, quyết định
việc đề cử với Đại Hội Đảng.”
Tuy nhiên, không hề có quy định nào về “độ tuổi” cho 4 ghế được gọi
là “tứ trụ triều đình” gồm tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và
chủ tịch Quốc Hội nên nó tùy thuộc hoàn toàn vào sự đấu đá phe cánh
trong nội bộ.
Trong số 16 người trong Bộ Chính Trị CSVN đương nhiệm, mà một số
trong nhóm này sẽ bị đẩy về hưu, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã 71
tuổi, Nguyễn Sinh Hùng 69 tuổi, Tô Huy Rứa và Ngô Văn Dụ 68 tuổi, 5
người gồm Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Phùng Quang
Thanh, Phạm Quang Nghị đều 66 tuổi, Lê Thanh Hải 65 tuổi, Đinh Thế Huynh
và Nguyễn Thiện Nhân 62 tuổi, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc và
Nguyễn Thị Kim Ngân đều 61 tuổi và tướng công an Trần Đại Quang nhỏ tuổi
nhất là 59 tuổi.
Trong khi cuộc họp Trung Ương đảng kỳ thứ 13 (mà người ta dự đoán sẽ
còn một kỳ họp nữa vào đầu năm tới trước khi diễn ra đại hội đảng) đang
diễn ra, người ta thấy phổ biến trên mạng một bức thư có chữ ký và con
dấu “thủ tướng chính phủ” của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Bức thư đề ngày 10 tháng 12, 2015 của người có tên Nguyễn Tấn Dũng
gửi cho Bộ Chính Trị và cả Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ban Chấp Hành Trung
Ương Đảng và Uy Ban Kiểm Tra Trung Ương, giải thích 12 điểm trong các
lá đơn tố cáo ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng các tội từ “điều hành kinh
tế xã hội nhiều sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng,” “kích động đối đầu
giữa Việt Nam và Trung Quốc,” “kêu gọi thay đổi thể chế và phát động dân
chủ,” là thông gia của “đại tá tình báo Mỹ” con rể là Việt kiều Mỹ và
con gái ông ôm một khối tài sản khổng lồ có cổ phần hay làm chủ nhiều
công ty, ngân hàng, kéo bè kết đảng “lợi ích nhóm” cũng như tạo “đặc
quyền đặc lợi” cho các con và họ hàng.
Trang đầu lá thư nói là của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tổng bí thư đảng và
Bộ Chính Trị đảng CSVN. (Hình: basam)
Không ai có thể
kiểm chứng tính xác thực của bức thư khi nó lan truyền trên các mạng xã
hội và các nguồn thông tin “lề trái” ngoại trừ nó được đăng tải trên hệ
thống thông tin tuyên truyền của chế độ.
Bức thư nhằm giúp ông Nguyễn Tấn Dũng chống đỡ các công kích nhằm vào
ông ta khi đang có cuộc chạy đua vào 4 cái ghế “tứ trụ triều đình.”
Tin đồn đoán hay sự phân tích, thời gian gần đây, của một số chuyên
gia theo dõi nội tình chính trị Việt Nam đều nêu ra chỉ dấu là Nguyễn
Tấn Dũng có vẻ “thượng phong” cho cái ghế tổng bí thư.
Dư luận đồn đoán ghế này có nhiều hơn một người nhắm xí phần, ngoài
ông Dũng, còn có Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, Bộ Trưởng Quốc Phòng
Phùng Quang Thanh, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Nhưng trong bức thư gửi tổng bí thư và bộ chính trị của cái ông có
tên Nguyễn Tấn Dũng nào đó, khi phản bác lại lời tố cáo ông “hình thành
nhóm lợi ích” gồm cả người đương chức và nghỉ hưu “bằng các thủ đoạn
nhằm giành cho được chức tổng bí thư tiến tới làm tổng thống và thay đổi
chế độ, thay đổi Đảng” thì cái ông Nguyễn Tấn Dũng này “khẳng định ý
kiến này là vu không, bịa đặt.”
Không những vậy, cái ông Nguyễn Tấn Dũng này còn viết trong lá thư
rằng “Tôi đã ghi rõ nguyện vọng gửi đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng là: TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ.”
Bức thư phổ biến trên mạng đã kéo theo rất nhiều lời bình luận từ sự
thật giả của bức thư đến lời xác định “không tái cử.” Nó có thể từ phe
ông thủ tướng tung ra để giúp ông giải thích, chống đỡ các đòn đánh phá,
nếu bức thư có vẻ thật. Nhưng với phe cánh muốn đập Nguyễn Tấn Dũng, có
thể bức thư là đòn chơi cao tay hơn. Tức là sự nghi ngờ tiềm ẩn dưới
lời giải thích có thể đưa đến kết quả trái ngược.
Năm ngoái, người ta thấy xuất hiện trang mạng “Chân Dung Quyền Lực”
(CDQL) phơi bày nhiều khuôn mặt trong nhóm chóp bu của đảng CSVN có
những tài sản khổng lồ cả tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Tuy nhiên,
không thấy lộ ra một chi tiết nào về ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên
có những lời đồn đoán trang này là của phe ông thủ tướng. Rất nhiều tài
liệu, hình ảnh được phơi bày trên trang CDQL không phải ai cũng có thể
tiếp cận được ngoài một số bộ phận tình báo, an ninh chính trị nội bộ
của chế độ.
Từ mấy tuần nay, người ta chỉ thấy những tố cáo nhằm vào ông thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng mà không thấy nhắm vào các đối thủ khác của ông.
Trang cuối bức thư nói là của ông Nguyễn Tấn Dũng gửi ông tổng bí thư và
Bộ Chính Trị đảng CSVN. (hình: basam)
Thư tố cáo nêu ra sai lầm của ông Dũng khi tuyên bố với báo chí nước ngoài là “kích động sự đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Cũng vào dịp này, Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông thủ tướng cũng bị ba ông đó cáo buộc có quốc tịch Mỹ mà bà này viết thư phản bác nói “xin các bác không vu khống, bịa đặt.”
Cũng không có thể kiểm chức tính xác thật các phóng ảnh thư của 3 ông giáo sư Lưu Văn Sùng, Đỗ Thế Tùng và Nguyễn Đình Kháng cũng như lá thư phản bác kèm cái copy “Chứng minh nhân dân” quốc tịch Việt Nam của bà Phượng.
Hiện không thấy có những rò rỉ khả tín nào về 4 chức danh chủ chốt “tứ trụ triều đình” đỏ tại Việt Nam sẽ chính thức công bố vào cuối cuộc họp đại hội đảng CSVN đầu năm tới. Nhưng không ai tin rằng cái chế độ ở Hà Nội hiện nay sẽ lột xác để giúp đất nước thoát khỏi tụt hậu so với các nước khu vực, hết độc tài, tham nhũng.
Bởi, cái chế độ đó đã không đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của đảng.
Tư Ngộ/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét