Ads 468x60px

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Ðường Sài Gòn cuối năm xao xác

Một con đường khu trung tâm Sài Gòn.
(Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Nguyễn Tấn Cứ
Buổi sáng dường như đến chậm hơn khi phố phường còn ngái ngủ. Thời gian như ngừng lại để đợi chờ một thứ gì đó. Mơ hồ mong manh như chăn ấm. Cảm giác như không vội vã gì hơn khi vẫn có thể nằm nướng thêm một chút, cố gắng mơ thêm một chút, trước khi hối hả chạy nhanh ra khỏi sự bình yên rồi lao vào những cuộc mưu sinh thường nhật.
Không ai có thể biết được vì sao thời gian lại trôi đi nhanh đến vậy. Không ai có thể nghĩ chỉ mới hôm qua thôi giờ đã cuối năm rồi. Một người bạn văn chương Phật tử chân chất đời thường giữa nước Mỹ một hôm bỗng gởi về cho tôi một bài viết xưa với lời chú thích: “Vậy mà đã một năm rồi bạn ơi...”
Một năm với những dòng chảy kiệt cùng với những cuộc lang thang lên thác xuống ghềnh. Một năm với những nỗi buồn ly hương biệt xứ. Một năm của những lãng quên với những cuộc đi về chớp nhoáng với bè bạn, người thân.
Có người quay về một cách lặng lẽ êm ru, gặp gỡ gia đình một chút rồi bí mật lang thang đây đó để nâng ly nhậu với bằng hữu chi giao bạn bè chung trường chung lớp một lần cho đỡ nhớ - mà không để lại dấu tích hình ảnh nào khi ra đi. Chỉ biết rằng hắn đã về hôm qua và hình như đã ra đi vào một ngày nào đó.
Như những con đường vẫn kham khổ lặng yên nhẫn nhục chuyển chở hàng triệu triệu chiếc xe và phận người trên lưng nó ngày đêm mà không một lời thở than. Như những cuộc binh biến đã xảy ra trên đất nước này hàng thế kỷ qua - những con đường cũng không thèm nói gì ngoài sự cam chịu cùng với những vệt xích xe tăng - chứng tích của một thời vẫn hằn lên qua những cuộc truy đuổi trốn chạy.
Người ta nói muốn biết lịch sử của một đất nước hãy nhìn vào sự vận hành của một con đường. Muốn hiểu một thành phố thì hãy đi trên một con đường và muốn biết độ dài của một đời người như thế nào thì cũng nên nhìn vào cách “Marathon”' guồng chạy của đôi chân họ trên đường đời.
Những con đường Sài Gòn luôn luôn có những kỷ niệm mà với lịch sử nó đã trở thành một nỗi nhớ kinh hoàng cho những con người Sài Gòn một thời - đã làm nên một cuộc “di tản” không tiền khoáng hậu từ trên không dưới đất và trên biển. Những thuyền nhân (boat people) đã ròng rã phiêu linh trên những cuộc hải hành sinh tử mông lung bất định để tìm đường đến tự do bất kể cái chết đã được báo trước khi những con tàu với những cánh buồm rách nát ra khơi.

Con đường ở khu vực quận 3 trong một ngày vắng xe cộ.
(Hình: Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt)
Những con đường chỉ có thể mới hơn ở đâu đó - nhưng chắc nó sẽ cũng không thể cũ và “gai tinh” hơn trong con mắt cai trị của chính quyền cộng sản đương thời - một thành phố hoa lệ nhất nhì Châu Á một thời với quá nhiều tàn tích của ký ức dân chủ tự do được thay bằng một thứ máu hận thù.
Nói quên đi để “hòa hợp hòa giải” nhưng có bao giờ họ quên được. Bởi vậy người ta đã chủ trương xóa sạch phá sạch những gì là quá khứ của “chế độ cũ.” Người ta không tha thứ gì ngay cả một từ ngữ nào đó - một khi nó có thể gợi nhớ lại một thời của Sài Gòn xưa như Công Lý, Tự Do,... Họ thay vào đó là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ðồng Khởi, Cách Mạng Tháng 8,... cùng với một lô lốc tên đường hỗn tạp mà ngay cả người cộng sản cũng không thể hiểu được vì sao - như một con đường có tên là “Ðiện Cao Thế!”
Hỗn tạp đến mức những “cán bộ trí thức công bộc của chế độ” cũng cảm thấy xốn xang xấu hổ khi phải nói về “phông” văn hóa về cách đặt tên đường của các cấp chính quyền. Có người đã mạnh mẽ đề nghị “nên xóa sạch cách đặt tên đường phố phi lịch sử vô văn hóa như hiện nay và cần phải có người chịu trách nhiệm” về ý nghĩa tên tuổi của từng con đường. Nó cần phải được sắp đặt làm lại từ đầu như chế độ cũ đã làm và đã từng bị ngu si xóa bỏ.
Trở lại với người bạn của tôi. Một ngày kia trở về trên quê hương tang thương của mình anh đã hát lên, “Ðêm nhớ về Sài Gòn/ Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi/ Những con đường thèm đôi chân vui/ Ðường chia ly vẫn ngóng tin nhau...” anh đã không thể nhận ra đâu là khuôn mặt của Sài Gòn.
Nhưng những con đường, dù cho có thay đổi bao nhiêu, có đặt bao nhiêu tên tuổi cách mạng khủng bố khác, cũng không bao giờ mất đi ý nghĩa hồn cốt xưa, khi mà sự thống khổ của nó đang mỗi ngày một nhiều hơn khi phải oằn lưng gánh chịu. Những con đường vẫn bị cày xới lên từng ngày để làm đầy thêm túi không đáy của bọn tham ô nhũng lạm, một bầy sâu đang nhung nhúc ngập tràn trên quê hương thê thảm này!
Nguyễn Tấn Cứ/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét