Xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong số các lĩnh vực có nhiều tham nhũng. (Hình: Getty Images) |
Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) ở Việt Nam trong năm vừa qua vẫn là
31/100 và thứ hạng của Việt Nam về nỗ lực chống tham nhũng vẫn là
112/168 quốc gia.
Đó là kết quả cuộc
khảo sát thường niên do Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) công bố. Theo
TI, CPI sẽ dao động từ 0 đến 100 và 0 là cao nhất còn 100 là thấp nhất.
Tuy giới lãnh đạo Việt Nam liên tục thề thốt, hứa hẹn chống tham
nhũng bởi đó là quốc nạn nhưng trong bốn năm từ 2012 đến 2015, CPI của
Việt Nam vẫn là 31/100.
Cần lưu ý rằng, cả các tổ chức tài chính quốc tế lẫn giới chuyên gia
từng liên tục khẳng định, chỉ cần CPI tăng 1 điểm thì GDP sẽ tăng 0.4%
bởi hệ thống công quyền ít tham nhũng hơn thì năng lực sản xuất của xã
hội sẽ tăng cao hơn.
Khi CPI của Việt Nam không thay đổi, điều này đồng nghĩa với tệ nạn
tham nhũng ở Việt Nam vẫn rất trầm trọng. Cái gọi là “quyết tâm, nỗ lực
chống tham nhũng” của hệ thống công quyền chỉ là chuyện “đầu môi, chót
lưỡi” và dân chúng Việt Nam không hề tin vào những lời thề thốt, hứa hẹn
của giới lãnh đạo Việt Nam.
Chưa kể nếu tham nhũng là tệ nạn phổ biến, cả dân chúng lẫn doanh
giới sẽ cảm thấy bất an và bất bình, kế đó các giới sẽ tìm mọi cách né
tránh nghĩa vụ đóng góp để phát triển xã hội, quốc gia. Khi điều này xảy
ra, ngân sách sẽ sụt giảm, hiệu quả chống tham nhũng giảm theo và tạo
thành một vòng xoáy, kéo mọi thứ đi xuống.
Một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã từng ước tính, GDP của Việt
Nam hiện vào khoảng 200 tỷ Mỹ kim. Chỉ cần chính quyền Việt Nam thực
tâm chống và chống được một phần tệ nạn tham nhũng để CPI tăng thêm một
điểm thì mỗi năm, ngân sách Việt Nam sẽ có thêm 0.8 tỷ Mỹ kim (khoảng
16,000 tỷ đồng). Tuy nhiên dưới “sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của
Đảng CSVN,” mong mỏi hết sức khiêm tốn này vẫn là điều không tưởng!
Các chuyên gia của cả Việt Nam lẫn quốc tế từng nhiều lần khẳng định,
muốn chống tham nhũng, chính quyền Việt Nam phải phá bỏ tình trạng độc
quyền về quyền lực và minh bạch trong thông tin.
Theo họ độc quyền về quyền lực tạo ra “cơ chế xin-cho,” hỗ trợ các
viên chức đòi hối lộ. Việc duy trì độc quyền về quyền lực đã giúp một số
cá nhân nhất thể hóa với định chế mà họ đại diện. Những cá nhân này có
thể thoải mái ban hành những quyết định có lợi cho một nhóm mà Việt Nam
gọi là nhóm lợi ích để thu lợi cho chính mình.
Ngoài ra, đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạn chế
thông tin. Thay vì bạch hóa thì nhiều thông tin liên quan tới “quốc kế,
dân sinh” như thu-chi ngân sách bị bọc trong cái vỏ “bí mật quốc gia.”
Chỉ có một số nhóm được biết các bí mật này để khai thác tìm lợi. Chưa
kể những nhóm đó còn tìm cách can thiệp để tạo ra những chính sách có
lợi nhất cho họ về tài chính, tín dụng, ngân hàng, đầu tư, định giá-cổ
phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...
Hạn chế thông tin còn tạo ra cơ hội để mua bán và vì hạn chế, hệ thống công quyền không cần phải giải trình với dân chúng. (G.Đ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét