Điểm nhồi máu (Ảnh: TTO) |
Đau thắt ngực là bệnh lý thường gặp do thiếu máu cục bộ nhất
thời ở cơ tim. Tuy đây là dạng bệnh nhẹ nhưng nếu không được điều trị
kịp thời bệnh sẽ chuyển biến xấu dẫn tới nhồi máu cơ tim. Vậy khi bất
ngờ lên cơn đau thắt ngực bạn phải làm gì?
Vị trí đau thường sau xương ức, đột ngột làm bệnh nhân đang gắng
sức phải ngừng lại ngay. Bệnh nhân có cảm giác tức ngực như có gì bóp,
có gì đè chẹn sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Hoặc đau lan lên hai
vai, lên hai bên quai hàm dưới ra phía trong tay trái, lên cổ. Trường
hợp không điển hình, cơn đau xuất hiện bên phải, ở vùng thượng vị mà có
khi nhầm là cơn đau dạ dày cấp. Cũng có khi đau ở bả vai, cổ tay và cổ.
Tính chất đau có khi như dao đâm hoặc trái lại không đau mà chỉ có
cảm giác tức ngực, khó thở, nghẹn thở, có vật gì chèn ép ở cổ, bỏng rát ở
trước tim, hướng lan cũng khác, có khi xuống thượng vị hoặc ra sau
lưng. Người bệnh bồn chồn, hốt hoảng, lo sợ có cảm giác sắp chết đến nơi
không dám cử động vì sợ cơn đau dữ dội thêm. Thời gian đau kéo dài từ
vài giây đến 10, 15 phút.
Nếu cơn đau kéo dài hơn nửa giờ phải coi chừng có thể bị nhồi máu
cơ tim. Cơn đau khỏi rất nhanh, bệnh nhân có thể đi lại được bình thường
nhưng nếu bệnh nhân gắng sức nữa cơn đau lại tái phát.
Cơn đau có thể xuất hiện thưa hay mau, nhưng càng mau càng kéo dài thì tiên lượng càng xấu đi.
Trong thời gian có cơn đau như trên, đôi khi nghe tiếng tim bình
thường, huyết áp bình thường, không khó thở, không đánh trống ngực, duy
chỉ có điện tim là thay đổi trên một số sóng như sóng T dẹt hay âm (ở
50% trường hợp).
Khi nào xuất hiện cơn đau?
Đau thắt ngực xuất hiện sau một hoạt động gắng sức như, làm việc
nặng, chạy, leo dốc, leo cầu thang, quan hệ tình dục... Nếu cơn đau xuất
hiện khi nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ... thường không phải là đau thắt
ngực.
Yếu tố tâm lý như, xúc động mạnh, bực tức, cáu giận, lo sợ... cũng có thể là nguyên nhân xuất hiện cơn đau.
Ngưỡng đau là mức độ gắng sức của người bệnh để xuất hiện cơn đau.
Ví dụ như đau xuất hiện sau mỗi lần đi bộ được đúng 1km. Động mạch vành
càng hẹp thì ngưỡng đau càng thấp, có những bệnh nhân chỉ vận động tăng
lên một chút là đã xuất hiện cơn đau.
Đa số bệnh nhân có ngưỡng đau ổn định hay còn gọi là cơn đau thắt
ngực ổn định. Ví dụ như khi leo cầu thang lên đến tầng 3 là xuất hiện
cơn đau, sáng chạy thể dục đến đúng một địa điểm là thấy đau, xách đến
xô nước thứ 2 là thấy đau.
Một số bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định. Đó là biểu
hiện của bệnh càng ngày càng nặng lên, các cơn đau xuất hiện dày lên,
đau dữ dội hơn. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì khó phân
biệt với nhồi máu cơ tim.
Nên làm gì khi có cơn đau thắt ngực?
Khi đang đau, bệnh nhân cần phải đứng im, ngừng mọi cử động, nếu
đang ở nhà hoặc không phải trong bệnh viện thì cần nằm yên, hoặc theo tư
thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển, thường chỉ nghỉ ngơi như vậy
cũng có thể hết đau, nhưng nếu đau nặng lên thì cần phải dùng thuốc và
đi bệnh viện ngay.
Thuốc điều trị mỗi lần đau có thể ngậm nitroglycerin dưới lưỡi hoặc
amyl nitrit (loại ống 1ml chứa 3 giọt), khi lên cơn chỉ việc bẻ một ống
cho bọc vào miếng gạc để ngửi. Thuốc tác dụng nhanh nhưng hiệu lực cũng
rất ngắn. Hiện nay có một số thuốc cũng tác dụng nhanh được đựng trong
bình xịt, hoặc loại dán như dán cao vào vùng tim. Cơ chế tác dụng của
chúng là giãn động mạch vành, nhưng cũng hạ huyết áp ngoại biên nên giảm
công của tim và cũng làm giảm nhu cầu ôxy ở tim.
Điều trị lâu dài bằng các loại thuốc giãn mạch khác như: lenitral,
isosorbit, tildiem, vasterel... hoặc bằng phẫu thuật động mạch vành,
khoét mảng xơ vữa động mạch, bắc cầu nối, nong động mạch vành.
Những người có nguy cơ đau thắt ngực
Nam giới chiếm 80%, xuất hiện ở tuổi trên 40. Nữ giới xuất hiện ở tuổi trên 45.
Người mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Chế độ ăn quá nhiều chất béo.
Có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, hay phải lo nghĩ nhiều.
Gia đình có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Phòng tránh cơn đau thắt ngực
Lời khuyên dành cho người bệnh đau thắt ngực
Người đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng cần hạn chế
lao động chân tay và trí óc, tránh gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột,
đi bộ nhanh, lên dốc, lên cầu thang, ngược gió..., tránh lạnh, tránh
gió lùa, không được tắm đêm, sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh
làm việc ngay sau bữa ăn. Tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn và chậm nhưng
không chơi thể thao nặng như tập tạ, karate, tennis, chú trọng giải trí,
nghe nhạc...
Không hút thuốc lá vì thuốc lá là nguyên nhân xuất hiện cơn đau,
hạn chế cà phê đặc và nước chè đặc vì nó gây mất ngủ. Không nên ăn những
bữa quá thịnh soạn, không uống rượu. Ăn hạn chế chất có nhiều lipid và
cholesterol như mỡ động vật, bơ, lòng đỏ trứng, óc, gan, thận và nên
dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.
Theo Khoahoc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét