Sĩ quan Dù Ðặng Ðình Tựu và người yêu Nguyễn Thị Hồng. (Hình: Gia đình cung cấp) |
Trần Tiến Dũng
Sài
Gòn, những ngày cuối Tháng Tư, thời tiết khô nóng, nhiệt độ và nhịp
sống đầy các vấn nạn có lúc vượt quá sự chịu đựng của con người. Cũng
chính trong những ngày trung tuần Tháng Tư này, bà quả phụ cố thiếu tá
binh chủng Nhảy Dù quân lực VNCH, bà Nguyễn Thị Hồng, lại rơi vào cơm
trầm cảm nặng nề.
Người con gái út
của cố Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu, cô Ðặng Nguyễn Uyên Quỳnh, sinh năm 1973,
kể: “Khi biết tin ba mất, mẹ phát bệnh trầm cảm và mất ngủ suốt từ đó
đến bây giờ. Còn khi chưa biết tin, mẹ vẫn đinh đinh ba còn sống, rằng
ông chỉ mất tích hay đi tù cải tạo thôi và có ngày ông sẽ về với gia
đình.”
Trớ trêu thay, tin tức về người sĩ quan binh chủng Nhảy Dù VNCH làm
tròn phận sự với tổ quốc chỉ được đến từ một bài báo, được viết bởi một
đồng đội đang định cư ở Hoa Kỳ. Bài báo viết vào năm 1995, tựa đề “Lá
Thư Báo Tử Muộn Màng,” như một cách báo tin cho bà Nguyễn Thị Hồng.
Từ khi tiếng súng của trận đánh cuối cùng ở phi trường Thành Sơn,
Phan Rang, nơi Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu và đồng đội nằm lại với những ngọn
đồi khô cằn sỏi đá, phải 20 năm sau biến cố 1975, người vợ và hai đứa
con gái bé nhỏ của ông mới chính thức được biết chồng và cha mình đã hy
sinh.
Người quả phụ và giấc mơ
Bà quả phụ Nguyễn Thị Hồng trong những ngày Tháng Tư, 2016. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt) |
Trong căn nhà chung cư của cô con gái út nhìn ra hướng cầu Chữ Y, bà
quả phụ Nguyễn Thị Hồng tiếp chúng tôi với nụ cười nhân hậu của một
người chị lớn. Cảm xúc đầm ấm từ nụ cười của bà dường như có năng lực
khiến chúng tôi, hai cô con gái và anh con rể út của bà, như được trở
ngược lại quá khứ.
Bà Hồng, nói bằng giọng Bắc: “Năm 1965, tôi quen anh Tựu lúc còn là
học sinh ở Quảng Ngãi. Anh ấy cũng là người Bắc di cư, sau đó chúng tôi
lại có duyên gặp nhau ở Sài Gòn. Năm 1969 thì cưới. Là vợ quân nhân, anh
ấy đi trận suốt, mỗi khi về phép thì về ở nhà bố mẹ tôi, chúng tôi nào
đã có nhà riêng gì đâu.”
Những ngày đầu Tháng Tư 1975, bà không còn nhận được tin về chồng. Ôm
con nhỏ trên tay bà lên xuống Bộ Tư Lệnh sư đoàn hỏi tin chồng nhưng
không ai biết, nhưng chưa bao giờ bà tin chồng mình đã tử trận.
Niềm tin đó mãnh liệt tới mức vào những năm đầu khi Sài Gòn sống dưới
chế độ chuyên chế và bao cấp kinh tế, ngày thường bà làm công nhân một
hãng dược, ngày nghỉ bà cặm cụi đạp xe đạp xuống tận Long An để mua bán
trong cảnh giấu giếm từng ký gạo để có thêm ít tiền nuôi con. Có khi bị
xét bắt hết sạch vốn, bà ngồi khóc một mình, rồi bà lại chắt chiu từng
đồng lương công nhân để có vốn mà tiếp tục đạp xe mua “gạo lậu” nuôi
con. Những năm tháng khắc nghiệt ấy, dù bà con họ hàng có gợi ý nhưng
chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ bước thêm bước nữa để có người đỡ đần.
Bà Nguyễn Thị Hồng và cô con gái út, Ðặng Nguyễn Uyên Quỳnh. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt) |
Ðột nhiên bà hướng
về chúng tôi, nói như người mộng du: “Tôi còn giữ tờ báo ấy đấy, bao
năm thì tôi không nhớ, nhưng tôi còn giữ bài báo ấy đấy.”
Theo lời cô con gái út, từ ngày nhận được bài báo với sự xác nhận của
đồng đội về cái chết của Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu, đêm nào bà Hồng cũng
khóc. Sự rõ ràng về cái chết của chồng, có lẽ không phải để cuộc đời bà
lật sang trang khác mà khiến bà sống lại những tháng ngày hạnh phúc cũ.
Bà Hồng kể bằng giọng nghẹn ngào: “Trước đấy tôi không nằm mơ thấy
anh, nhưng từ ngày đọc bài báo, đêm nào tôi cũng mơ thấy anh về. Anh vẫn
mặc đồ lính, anh nói với tôi, anh còn bận hành quân chưa về được, hôn
con giúp anh. Rồi anh đi. Ðêm nào tôi cũng thấy cùng giấc mơ ấy.”
Lúc bà Hồng kể, chúng tôi nhìn thấy hai bàn tay gầy guộc của bà run
rẩy. Cô Quỳnh, cô con gái út của bà Hồng, không giấu được xúc động, nói
với mẹ. “Mẹ ơi! Con chưa bao giờ biết mặt bố, con thèm được gọi một
tiếng bố biết bao nhiêu!”
Bản sao tờ báo in ở Hoa Kỳ năm 1995, do đồng đội của Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu
viết như một cách báo tin cho bà Hồng biết rằng chồng đã hy sinh.
(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Nhờ một chân công nhân mà gia đình neo đơn của bà Hồng có được căn nhà 20 mét vuông để đùm bọc nhau tồn tại.
Cô Quỳnh kể, lúc đi học, trong lý lịch học sinh cô khai là bố mất
tích và luôn được sự đồng cảm của thầy cô. Lớn lên nghe mẹ và họ hàng kể
về bố và tìm hiểu thêm về binh nghiệp của bố, cô rất tự hào về bố mình.
Những thế hệ thanh niên miền Nam sau chiến tranh có thể do sợ hãi và
bị tuyên truyền nên những thập niên đầu sau biến cố 1975 họ có phần nào
đó mặc cảm, nhưng cái thời ấy đã qua rồi, lý tưởng Tự Do và chính nghĩa
Quốc Gia mà những người thân yêu họ phụng sự lại trao cho họ điểm tựa và
đức tin.
Khi chúng tôi tạm biệt bà quả phụ của cố Thiếu Tá Ðặng Ðình Tựu thì
được biết hàng năm gia đình lấy ngày 16 Tháng Tư làm ngày giỗ ông.
Hơn 40 năm sau chiến tranh, luôn có những ngày giỗ các tử sĩ VNCH
trong các gia đình để kính tưởng các anh linh. Không ai lại đi so sánh
hơn kém nỗi buồn đau ngay trong thời chiến tranh hay nỗi buồn đau kéo
dài suốt thời hậu chiến. Nhưng người ta có thể biết chắc một điều là
tình yêu và nghị lực từ nỗi đau mất người thân của các gia đình VNCH
đang sống trong nước cứ lớn dần mỗi lần làm giỗ và đó là cách giữ cho
người sống hôm nay ký ức về người thân và lý tưởng họ phụng sự, và cây
cầu ký ức đó sẽ không bao giờ gãy trong ánh sáng của sự thật lịch sử.
Trần Tiến Dũng/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét