Kể từ khi có các cuộc
biểu tình lớn từ gần cuối tháng 4/2016 đến nay, các chiêu trò mới được nhà cầm
quyền tung ra gần như hàng tuần để đối phó với sự uất ức của người dân quanh
thảm họa môi trường Formosa, đặc biệt mỗi khi các trò cũ bị người dân vạch
trần.
Ngược lại, phía người
dân chúng ta cũng đã có khá nhiều ứng biến. Trong số này, một số cách đối phó đã
chứng tỏ rất hữu hiệu. Chẳng hạn như:
- Nguyên tắc "Địch tập
trung - Ta phân tán. Địch phân tán - Ta tập trung" đã được xử dụng ở nhiều nơi,
với nhiều hình thức "biểu tình du kích" rồì nhập lại lên mạng. Công an không dám
rời bỏ những địa điểm lớn, họ rất hậm hực nhưng đành
chịu.
- Dân cư mạng cũng chỉ
vẽ ngay cho nhau cách vượt tường lửa khi Facebook bị ngăn chận. Bà con cũng chỉ
ngay cho nhau các phần mềm nối trực tiếp điện thoại di động khi vừa có tin sóng
3G sẽ bị chận. Với đà này, các trò tắt cột phát sóng hay dùng xe phá sóng lưu
động của công an sẽ trở nên vô dụng.
- Để giảm bớt xác suất
công an chia cắt đoàn biểu tình, trước ngày xuất quân, phía ta đã có các nhóm đi
chụp hình những nơi để sẵn các hàng rào sắt của công an và đăng lên mạng. Thế là
trò này gần như bị vô hiệu hóa. Công an đành ra tay bắt đại những người họ
"đoán" là dẫn đường.
- "Tai mắt nhân dân"
cũng đã tìm rất nhanh và đăng lên mạng mặt mũi của những tên công an chìm ác ôn,
với đầy đủ tên họ, địa chỉ nhà, trang FB, số điện thoại... Công an kinh ngạc về
mức độ khám phá nhanh lẹ của người dân nên số tên đeo khẩu trang che mặt bỗng
nhiên tăng nhanh. Đây là một "yếu huyệt" mà nhiều người chúng ta cần chung sức
xoáy vào.
- Và còn nhiều thí dụ
khác nữa, nhưng có lẽ chiến thắng rõ ràng nhất là sự biến mất ngay của lực lượng
Thanh Niên Xung Phong sau khi được chủ tung ra dùng đúng một lần. Người dân và
giới luật sư chỉ ra ngay mức độ phạm pháp nghiêm trọng: Ai và luật nào cho phép
nhân viên của một công ty trách nhiệm hữu hạn được tràn xuống đường đánh dân và
bắt dân đem đi giam? "Chiến thắng nhỏ" này cho thấy mặt trận pháp lý cũng là đấu
trường phải tận dụng.
Nhưng cùng lúc, chúng
ta cũng thấy một vài ứng biến thuộc loại "hại nhiều hơn lợi", cụ thể
như:
- Khi lãnh đạo đảng
xuyên tạc rằng người dân đi biểu tình chỉ vì nhận tiền Việt Tân thuê mướn, đại
khối dân cư mạng liền biến cáo buộc này thành chuyện diễu. Chính sự diễu cợt đã
không những giúp nhiều bà con tham gia lần đầu vượt qua nỗi lo sợ, mà còn gần
như vô hiệu hóa luôn thủ thuật dùng Việt Tân để hù dọa xưa nay của công
an.
Tuy nhiên, cũng có vài
trường hợp đi quá xa, đó là viết các biểu ngữ "đả đảo" hay văng tục với người
cùng phe để xuôi theo các vu cáo từ phía bạo quyền. Làm như vậy chỉ để lộ cho
công an thấy nỗi sợ còn quá lớn của người cầm biểu ngữ; và tạo hoang mang trong
hàng ngũ bà con biểu tình trước giờ xuất quân, lúc mà đáng lẽ mọi người cần xiết
chặt tay nhau hơn lúc nào hết và tạm dẹp mọi bất đồng ý kiến, nếu
có.
- Một ứng biến "hại
nhiều hơn lợi" khác là việc đăng các bài bản dạy làm bom xăng, bom nổ. Những
người đăng loại bài này chỉ có thể là DLV trá hình hoặc những người "không dám
làm nên xúi người khác". Hiển nhiên, loại bài bản đó vừa cung cấp lý cớ bôi nhọ
cho Ban Tuyên giáo, vừa làm sứt mẻ hình ảnh các cuộc biểu tình trong mắt thế
giới, vốn đang có rất nhiều thiện cảm với chúng
ta.
Nếu chúng ta đều đồng ý
về các tác hại và nhất định không đăng loại bài vở đó thì trong tương lai, chúng
ta có thể khẳng định ngay nơi nào đăng loại bài đó đều là công an trá hình và đề
nghị FB đóng các trang đó lại.
Lược sơ qua các ứng
biến chỉ trong 1 tháng vừa qua, chúng ta có quyền tự hào về một bước tiến đáng
kể.
Và sau đây là một số đề
nghị nhằm đối phó với các chiêu trò mới cũng như khai triển thêm những mặt ta
đang làm tốt trong những ngày trước mặt:
1. Cần trân quí, duy
trì sự tham gia của quần chúng
Nói điều này có vẻ thừa
thãi vì ai trong chúng ta lại không muốn có những khuôn mặt mới, đặc biệt như
trong lần xuống đường ngày 1-5-2016 vừa qua. Nhưng thực tế chúng ta đang vô tình
làm ngược với ước muốn đó. Đã đến lúc chúng ta cần nhận dạng và đồng ý với nhau
về một số đặc tính nền tảng, như: quần chúng vì nhiều lý do không thể đi biểu
tình liên tục; quần chúng cần thời gian để lành các vết thương, cũng như cần
thời gian và cơ hội sinh hoạt với nhau để vượt qua nỗi lo âu sau mỗi lần đối
diện với bạo lực; quần chúng cần nhiều thời gian hơn giới hoạt động để học các
cách đối phó mới, v.v ... Do đó, nếu ta cứ kêu gọi xuống đường liên tục mỗi cuối
tuần, ta đang không biết hoặc làm ngơ các đặc tính nền tảng nêu trên về quần
chúng. Hệ quả khá hiển nhiên là số lượng quần chúng tham gia nhỏ dần. Công an
khi thấy số người biểu tình giảm lại càng thêm tự tin và bạo tay
hơn.
Chúng ta đã thấy diễn
trình này trong chuỗi biểu tình chống Trung Quốc xâm
lược.
Vậy cần làm gì để duy
trì sự tham gia của quần chúng, để xây dựng dần số
đông?
2. Cần làm cho đối
phương khó tiên đoán các dự tính của
ta
Hiển nhiên khó mà giữ
kín 100% các dự tính trong chủ trương đấu tranh bất bạo động công khai và khi vũ
khí chính của ta là số đông. Tuy nhiên, ta vẫn có thể làm đối phương phải suy
đoán, ứng chiến thường trực và trở nên mệt mỏi hơn ta gấp nhiều lần. Chỉ như thế
vòng xích kềm kẹp mới lỏng ra dần. Cụ thể
như:
- Tránh các khuôn mẫu
dễ đoán như biểu tình liên tục mỗi cuối tuần hay chỉ biểu tình ngày cuối tuần
hay chỉ tập trung vào vài địa điểm.
- Thay vì hỏi ý trên
mạng "Ai có thể biểu tình cuối tuần này?", đã đến lúc ta nên hỏi những câu thuộc
loại: "Ai có thể biểu tình ít là 1 lần trong tháng này nếu được biết trước 12
tiếng?".
- Thu nhỏ vòng lấy
quyết định chung. Một số nhà hoạt động được nhiều người tin tưởng sẽ lập 1 nhóm
bỏ phiếu lấy quyết định có biểu tình không, vào ngày nào. Quyết định đó được giữ
kín và chỉ công bố tại một trang blog và/hoặc FB nhất định khoảng từ 12 đến 24
giờ trước khi xuất quân.
- Tận dụng loại ứng
dụng có mã hóa như Whatsapp để giữ kín các liên lạc trong nhóm nhỏ nêu trên.
Phương tiện Google doc, Google form cũng cho ta cách bỏ phiếu rất kín nếu
cần.
3. Liên tục mở rộng
tầm hoạt động
- Mở rộng địa dư: Rất
cần các vùng như Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, v.v. nhập cuộc để
chia bớt áp suất cho Sài Gòn, Hà Nội.
- Mở rộng số địa điểm
chọn làm nơi biểu tình: Rất nên chọn những nơi khó ngăn chận, khó phong tỏa như
phi trường, bến xe, nhà ga, quốc lộ.
- Mở rộng các thành
phần tham gia: Rất cần nhiều lứa tuổi trong gia đình tham gia tùy theo tình hình
từng nơi, từng vụ việc. Cần nói rõ khi các thiếu niên bị hành hung thì hành vi
phạm pháp nghiêm trọng của công an phải bị lên án, chứ không thể trách ngược về
cha mẹ - những người đang muốn dạy con mình về trách nhiệm công dân, về sống
không vô cảm. Và sẽ có ngày những bức hình chụp chung gia đình đi biểu tình là
niềm tự hào cả đời.
- Mở rộng các hình thức
tranh đấu: Rất cần sáng kiến để nhiều người tham gia, đặc biệt trong những tuần
không xuống đường. Thí dụ như cùng gõ nồi đúng 12 giờ trưa, kéo dài khoảng 3
phút để nói với nhau "nồi không còn cá". Mỗi nhà chỉ cần gõ làm sao để vang được
đến 4 nhà hàng xóm gần nhất là đã quá tốt. Nếu ngày hôm sau 4 nhà hàng xóm đó
cũng gõ thì sự quan tâm đã lan truyền theo cấp số nhân rồi, và cứ thế đến cả
xóm, cả làng, cả huyện, ...
Một vài hình thức khác
như cùng dán biểu ngữ về cá, môi sinh trước nhà; cùng mặc áo có dấu hiệu cá khi
tham dự các nghi thức tôn giáo, các dịp họp mặt chung,
v.v...
- Mở rộng vòng tay: Rất
cần duy trì sự hợp tác và giữ kín tông tích những nhân viên trong guồng máy đã
báo cho dân biết các chiêu trò của công an, từ dấu hiệu nhận dạng nhau của công
an chìm như nhẫn xanh, nhẫn trắng, đến việc tiết lộ tên tuổi của những khuôn mặt
ác ôn.
4. Làm gì khi bị cản
không cho đi họp
Trong thời gian gần
đây, khá nhiều các nhà hoạt động bị công an kềm giữ không để đi gặp các giới
chức quốc tế, kể cả TT Obama. Chúng ta có thể giao hẹn trước những cách sau đây
để vượt qua trò ngăn chận:
- Nhờ xe của các sứ
quán, lãnh sự quán đến đón tận nhà.
- Nếu xe đến đón bị
chận từ xa, ta vẫn có thể dùng phương tiện Skype hoặc tương tự để nối vào phòng
họp. (Cần dùng loại phương tiện nào có mã hóa như
Skype.)
- Để đề phòng đối
phương cắt dây Internet và phá sóng điện thoại vào ngày giờ đó, mỗi nhà hoạt
động được mời họp vẫn có thể nhờ trước một sứ giả trong tư thế sẵn sàng với bài
phát biểu của mình ở dạng viết, âm thanh, hay video trong tay. Khi gần đến giờ
họp mà không nhận được điện thoại từ nhà hoạt động đó thì sứ giả cứ cầm thông
điệp đến nơi họp.
***
Tiến trình chuyển hóa
bằng con đường đấu tranh bất bạo động của nhiều dân tộc nay đang hiện ra ngày
càng rõ trên đất nước ta:
Nhà cầm quyền càng biết
mình sai, càng cuống, và càng chỉ biết cậy dựa vào bạo
hành.
Người dân càng đứng
thẳng lên, càng thêm sáng tạo, đùm bọc nhau, và càng tự hào về chọn lựa của
mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét