Ads 468x60px

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Thử tìm hiểu nguyên nhân vụ chìm tàu trên sông Hàn, Đà Nẵng

Photo: Internet
Lê Quốc Trinh
Từ hơn một tuần nay, tôi theo dõi sát báo chí trong nước về sự kiện chiếc tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật chìm trên sông Hàn, Đà Nẵng, tuy mới chỉ rời bến độ 5-10 phút ngắn ngủi. Trong số 56 người trên tàu, có ba nạn nhân bị chết đuối, may là xung quanh có nhiều tàu thuyền khác xúm nhau cấp cứu, khẩn trương ra tay vớt người chìm dưới sông kịp thời. Giả sử nếu chiếc tàu đi xa thêm vài giờ, và bị lật chìm ở một nơi vắng vẻ trong đêm tối mờ mịt thì số nạn nhân không giới hạn ở vài ba người và sẽ nghiêm trọng hơn nữa nếu có vài du khách ngoại quốc Âu Mỹ bị thiệt mạng?
Sự thật đã được đem ra phơi bày phần nào trước ánh sáng công lý: chiếc tàu này hoạt động chưa có giấy phép Nhà Nước, sức chứa chỉ có 28 chỗ ngồi, nhưng hành khách tăng lên tới 56 người, gấp đôi tải trọng, số áo phao bảo hộ không đủ để cung ứng khi gặp tình huống khẩn cấp. Chưa hết, nghe nói chủ tàu đã đề nghị hành khách không cần mang phao bảo hộ vì “trời nóng oi bức”. Một chi tiết nữa cho thấy tất cả hành khách đã tập trung lên lầu hai cao nhất và dồn về một phía cho nên trọng tâm của con tàu bị mất thăng bằng và lật chìm ngay.

Ở đây tôi không muốn bàn vào những quy định luật lệ hành chánh của nhà chức trách, báo chí đã nói nhiều rồi. Tôi cũng có nghe ông Huỳnh Văn Thơ, chủ tịch tp Đà Nẵng lên tiếng nhận lãnh trách nhiệm sau khi công khai cách chức vài cán bộ quản lý ngành hàng hải của Đà Nẵng. Tuy nhiên tôi đặc biệt quan tâm đến một chi tiết khác đưa đến nhiều hậu quả tang thương không tránh khỏi của quê hương đất nước hiện nay, rằng chiếc tàu Thảo Vân 2 này nguyên thủy là một chiếc tàu đánh cá nhỏ thuộc về địa phận tỉnh Quảng Nam & Quảng Ngãi. Con tàu không dài, lại đóng bằng gỗ, nên có lẽ chỉ thuộc loại thuyền máy đánh cá gần bờ. Từ đó tôi thắc mắc tự đặt một câu hỏi: “Tại sao chiếc tàu đánh cá nhỏ này không tiếp tục hành nghề chài lưới trong hải phận VN, nhất là trong khu vực HS-TS mà lại được tân trang biến thành tàu du lịch chở hành khách trên sông Hàn, Đà Nẵng?”.

Tự đặt nghi vấn rồi nhìn lại thực trạng ngành ngư nghiệp nghèo nàn của VN trong bối cảnh đất nước đang bị quân xâm lược TQ đe dọa, bị cấm đánh bắt cá trong hải phận VN (theo lệnh hàng năm của TQ), lại bị tàu lạ chèn ép, đâm chìm, cướp tài sản, giờ lại đến tình cảnh tôm cá hải sản chết la liệt nổi lềnh bềnh trên khắp bờ biển bốn tỉnh miền Trung… tôi tự hỏi liệu ngư dân VN có còn biển để sống không? Nếu họ có gan dám đi đánh cá xa tận hải phận nước khác (Phi Luật Tân, Nam Dương) rồi thế nào họ cũng bị chính quyền sở tại bắt giam, tàu bè bị đánh chìm. Đã có người đành phải trốn sang Mã Lai lánh nạn, bị bắt đưa về quê hương và lại bị Nhà Nước VN kết tội bỏ tù. Thử hỏi người dân đánh cá nghèo sơ xác lấy gì để sống và nuôi gia đình vợ con nheo nhóc… nếu không phải cắn răng bán tàu hoặc chuyển nghề sang ngành du lịch để kiếm miếng cơm manh áo qua ngày??? Và muốn tân trang tàu đánh cá thành tàu du lịch thì cũng phải vay nợ nhà băng, đầu tư nhiều tiền để sơn phết, đóng thêm bàn ghế, dựng lên thêm một tầng cao cho hoành tráng và từ đó họ đã vô tình phạm lỗi lầm nặng nề trong lĩnh vực hàng hải, trọng tâm con tàu bị nâng cao và dễ mất cân bằng khi tròng trành trên sông nước. Bài viết này xin phép được đi sâu vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật để giải thích sự kiện tường tận hơn:

Từ hồi niên thiếu chúng ta học ở cấp bậc Trung Học Phổ Thông, chắc không bao giờ quên nguyên lý Archimede nói về lực đẩy của nước trên một vật thể khi tiếp xúc với nước, đó là lực đẩy từ dưới lên tương đương với trọng lượng khối nước bị choán chỗ. Trong ngành hàng hải người ta đặc biệt chú ý đến hai ngoại lực tác động lên chiếc tàu, đó là trọng lượng của vật thể (sức nặng) do sức hút trái đất từ trên xuống dưới, và lực đẩy của nước (gọi là Buoyancy Force) từ dưới lên trên để giữ cân bằng của con tàu. Sức hút trái đất (trọng lực) tác động trên một điểm của vật thể gọi là trọng tâm (điểm G, Gravity Center), còn lực đẩy Archimede của nước tác động trên một điểm tương ứng gọi là Buoyancy Center (Điểm B) cũng là trọng tâm của khối nước bị con tàu choán chỗ. Hai lực này tác động ngược chiều nhau, và từ thiết kế tính toán của người chế tạo mà sự cân bằng của chiếc tàu tùy thuộc vào vị trí hỗ tương của hai điểm tựa này (G và B). Thông thường hai điểm tựa này nằm trên cùng một đường thẳng đứng và sát cạnh nhau, chiếc tàu cân bằng nổi trên nước, không tròng trành. Nếu vì lý do nào đó trọng lượng con tàu bị thay đổi tăng lên (quá tải) và trọng tâm (điểm G) bị di chuyển cao hơn và xa hơn điểm B thì con tàu bắt đầu tròng trành mất cân bằng (do sóng đánh hay người và hàng hóa di chuyển), hai lực tác động không cùng nằm trên một đường thẳng đứng, tạo thành một tác động xoáy (Moment xoắn) đến cực điểm thì con tàu bị lật úp (capsize), nước tràn vào khoang và nhấn chìm con tàu xuống nước.

Từ lý thuyết Archimede đó xin áp dụng để thử tìm nguyên nhân nào đưa đến Thảo Vân 2 bị lật chìm nhanh chóng:

1)- Khởi thủy Thảo Vân 2 là một thuyền đánh cá nhỏ, không dài hơn 10m, bằng gỗ, nhẹ và nổi trên mặt biển, sức chứa chỉ vài ba người đánh cá và không cao. Trọng tâm G nằm ở vị trí thấp gần sát điểm B trên cùng một đường thẳng, chiếc tàu vững vàng, cân bằng tuy có tròng trành đôi chút vì sóng biển và người di chuyển, nhưng không hề bị lật úp. Sau nhiều ngày ra khơi trúng mùa lớn, thì khối lượng hàng tấn cá sẽ được chất đầy khoang dưới hầm (điểm G hạ xuống thấp) không hề gây mất cân bằng con tàu;

2)- Ngược lại, khi được cải tạo thành tàu du lịch thì Thảo Vân 2 có những thay đổi như sau: Đóng thêm bàn ghế cho khách du lịch (28 chỗ), mở thêm quán Bar phục vụ khách, làm cầu thang, mái che mưa nắng, đóng 2 sàn gỗ, xây dựng cấu trúc bằng sắt thép để lắp thêm một lâu hai ở trên cao cho du khách ngồi và chụp hình quang cảnh. Kết quả là trọng lượng con tàu tăng lên, trọng tâm G bị nâng lên cao xa cách điểm B ban đầu;

3)- Cho tới khi chủ tàu ham hố lợi nhuận nhắm mắt chấp nhận số khách tăng lên tàu gấp đôi (56 người) thì con tàu bắt đầu chìm xuống một phần, có thể nước mấp mé khoang tàu vì quá tải. Rồi khi con tàu rời bến ra sông nước, hành khách trên lầu hai đổ xô nhau tập trung về mạn trái để chụp hình chiếc cầu treo Rồng Phun Lửa trên sông Hàn trong đêm tối, thì lúc đó điểm G bị chao về bên trái đột ngột, trọng lực tác động ngược chiều sức đẩy Archimede tạo thành một moment xoắn làm lật úp con tàu… sau đó thì nước tràn vào và hậu quả tất nhiên là tất cả mọi hành khách bị hất chìm xuống sông, không áo phao, trong đêm tối, không biết bơi la khóc trong hoảng loạn, người này cố níu áo người kia để tìm đường sống;

Kết luận: có nên quy hết tội lỗi cho người chủ tàu không nhỉ? Quá dễ dàng! Nhưng đâu chỉ có chủ tàu là thủ phạm duy nhất, chỉ cần tự đặt nhiều nghi vấn xung quanh những thế lực liên hệ thì sẽ thấy sự thật hiển lộ, như sau:

1)- Ai đã ép buộc ngư dân bỏ nghề đánh cá, phải bán tàu hoặc phải chuyển nghề du lịch để sinh sống?

2)- Ai đã cho phép chủ tàu hoặc cty đại gia du lịch biến cải tàu đánh cá thành tàu du lịch mà không hề chú ý đến những nguyên tắc kỹ thuật cơ bản liên quan đến an toàn hàng hải?

3)- Ai đã cho phép Thảo Vân 2 hoạt động không giấy phép và nghe nói con tàu du lịch này đã từng có tiền án gây tai nạn hàng hải trong quá khứ (2014)?

4)- Nếu tình hình Biển Đông không được giải quyết cấp thời để giành lại chủ quyền đất nước, giành lại biển cả, giành lại hải phận cho người dân đánh cá sinh sống, thì chắc chắn ngư dân VN phải bỏ nghề, bán lại tàu và sẽ có nhiều đại gia tư bản cá mập đổ xô mua giá rẻ mạt nhằm mục đích khai thác du lịch kiếm lợi nhuận ngất ngưởng và biết đâu trong tương lai thảm họa Thảo Vân 2 sẽ lập lại rất nhiều trên khắp miền sông nước hữu tình của quê hương;

Trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều tai nạn hàng hải ở VN, từ những con tàu du lịch ba sao hoành tráng trong vịnh Hạ Long (bị chìm hay bị hỏa hoạn) gây thiệt hại cho du khách ngoại quốc, cho đến chiếc tàu vận tải vĩ đại tối tân nhất ViNaLine Queen (do Nhật đóng, giá trị hàng trăm triệu US$), chuyên chở quặng kẽm cho TQ, bị mất tích trên biển Thái Bình Dương gần Phi Luật Tân, cách đây gần 5 năm (28-12-2011). Bí mật vẫn còn bao trùm lên con tàu vĩ đại của VN đến giờ đã âm thầm đi vào quên lãng; 

Tôi không quên cuộc thăm viếng Đà Nẵng của Ngài Tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ủy lạo nạn nhân cuối tuần qua, “Thủ tướng đánh giá đây là một vụ tai nạn rất nghiêm trọng, yêu cầu điều tra xử lý tới chốn những người có liên quan”. Tôi hoàn toàn đồng ý với Ngài, Ngài nói không sai, vì Thảo Vân 2 mới chỉ là tiếng chuông cảnh cáo khởi đầu cho nhiều tai nạn thảm khốc khác sắp xảy ra. Đến đây, tôi chỉ ngậm ngùi cảm thương và tội nghiệp cho hàng trăm ngàn ngư dân miền Trung không còn khả năng kiếm sống, họ vẫn không hiểu “Tại sao sau hơn hai tháng trời, Nhà Nước VN, chính phủ mới lên, Quốc Hội mới bầu cùng với gần 20 ngàn vị GSTS bằng cấp đầy mình, đến giờ vẫn chưa thể công bố nguyên nhân tôm cá chết gây ô nhiễm nặng bờ biển miền Trung?.

Chúng ta có nên kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời không? Tôi là người ở hải ngoại không thể trả lời thay cho hàng triệu người dân trong nước, nhưng tôi dám quả quyết rằng nhà cầm quyền phải có trách nhiệm tìm ra phương án giải quyết tận gốc vấn đề thuộc về chủ quyền biển đảo, phải có bổn phận đền bù xứng đáng cho dân đánh cá miền Trung. Tôi e rằng trong khi chờ đợi có thể sẽ có thêm vài chiếc tàu du lịch khác tiếp tục bị lật chìm trên sông Hương (Huế), sông Lam (Hà Tĩnh), hay sông Lệ Thủy (Quảng Bình) để cho báo chí trong nước có thông tin mà lên khuôn ! 

Rồi đâu lại vào đó! Buồn thay!

Canada, 09-06-2016
_____________________________________
Chú thích:
Xem sơ đồ phác họa sự thay đổi của tàu Thảo Vân 2 và nguyên nhân dẫn đến tai nạn lật chìm tàu nhanh chóng. 
Hình ảnh chỉ có tính cách minh họa 
Tài liệu trích dẫn:
1)- Lý thuyết Archimede (Bouyanci vs Floatation) trích từ Website ngoại quốc:
2)- Hình ảnh tàu đánh cá so với tàu Thảo Vân 2 chìm trên sông Hàn:
3)- Thử lướt qua những quy định của Nhà Nước VN về tàu du lịch trên sông biển
http://vitalk.vn/threads/tat-tan-tat-nhung-quy-dinh-ve-viec-cho-khach-bang-thuyen-du-lich-thao-van-2-vi-pham-nhieu-day.2364174/
4)- Thông tin về chiếc tàu vận tải biển ViNaLine Queen tối tân hiện đại bị mất tích năm 2011

0 nhận xét:

Đăng nhận xét