Ads 468x60px

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Từ thiện và động cơ

Chắc bạn đã từng có cảm giác khó chịu, cảm thấy xót xa khi thấy một người bị tai nạn, một người tàn tật, hay một người đói rách, rồi tự nhiên trong lòng bạn có mối thương cảm và muốn làm một điều gì để giúp đỡ cho những người đó. Điều này xảy ra một cách tự nhiên như một phản ứng, một bản năng, không có động cơ nào cả. Người ta gọi đó là lòng trắc ẩn, lòng thương người, một thuộc tính vốn có của con người. Dửng dưng trước những trường hợp đáng thương gọi là vô cảm.

Một điều đáng suy nghĩ tại sao trong những nước xã hội chủ nghĩa như Trung cộng, Việt Nam lại có quá nhiều những người vô cảm?

Có lẽ đầu tiên hết là nền giáo dục, bởi vì lòng thương người tuy là thuộc tính vốn có của con người nhưng cũng cần được giáo dục, bồi dưỡng. Ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, từ bậc tiểu học tất cả học sinh đều học thuộc lòng bài “Thương người như thể thương thân” mà sau này khi lớn lên tôi mới biết đó là bài Gia Huấn Ca của Nguyễn Trải:

Thương người, như thể thương thân,
Thấy người đói rách thì thương,
Rách thì cho mặc, đói thì cho ăn.
Thương người, như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà,
Đồng tiền, bát gạo, mang ra,
Rằng đây cần kiệm, gọi là làm duyên.
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá, chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng ngày đói tháng đông,
Thương người, bớt miệng, bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.

Bài này không phải chỉ được dạy một lần mà được lập lại nhiều lần trong các lớp tiểu học, cho nên có thể nói mà không sợ bị cho là võ đoán rằng tất cả học sinh tốt nghiệp tiểu học ở miền Nam Việt Nam trước 75 đều thuộc nằm lòng bài này. Trong bài học thuộc lòng, các học sinh được dạy "rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên". Duyên là sự gặp gỡ đã được an bài từ trước. Làm duyên nghĩa là đây chỉ là một sự chia sẻ chứ không phải là sự ban phát của người trên đối với người dưới, của người giàu đối với kẻ nghèo, và không có động cơ nào cả! Và khi một điều đã được huân tập từ nhỏ, nó trở thành một thói quen, một bản năng.

Đó là trong nhà trường, còn ngoài học đường, ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, có hai phong trào thanh thiếu niên lớn mạnh là phong trào Phật tử và phong trào Hướng đạo. Trong phong trào Hướng đạo, các sói con (Hướng đạo sinh dưới 12 tuổi) có châm ngôn mỗi ngày làm một việc thiện. Các thiếu sinh trên 12 tuổi, ngoài làm việc thiện cá nhân mỗi ngày, còn làm việc thiện của đội hàng tuần. Đội chúng tôi chọn làm vệ sinh bến nước trước chùa Diệu Đế, Huế. Có lẽ các người phụ nữ ở gần chùa Diệu Đế những năm sáu mươi thế kỷ trước hằng ngày đem áo quần ra giặt ở bến nước này còn nhớ cứ ngày thứ tư hàng tuần khoảng 7-8 giờ tối, có những thanh thiếu niên đến quét dọn bến nước này. Chúng tôi quét rác, dùng bàn chải đánh cho sạch các bậc cấp của bến nước. Trời tối, các o, các chị không thấy mặt chúng tôi và chúng tôi cũng không thấy mặt họ. Họ làm việc của họ, chúng tôi làm việc của chúng tôi. Chưa bao giờ họ hỏi chúng tôi là ai, và làm việc này với động cơ gì. Và chúng tôi cũng chưa bao giờ thắc mắc hỏi các huynh trưởng làm việc này để làm gì? Chúng tôi thấy rằng đã vào hướng đạo thì phải làm những điều mà phong trào đã đề ra như một trò chơi, một luật chơi. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy sau khi làm xong việc thiện này, chúng tôi cảm thấy vui trong lòng.

Một chuyện khác về sự giáo dục lòng nhân ái ở Canada.

Năm 2009 Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thuyết giảng tại Vancouver với chủ đề Giáo dục Tâm và Trí (Educating the Heart and Mind). Một người đại diện cho các trường tiểu học ở Vancouver đã hoan hỉ báo cáo với Ngài rằng theo đề nghị của Ngài trong đợt thuyết giảng tại đây ba năm về trước, họ đã đưa việc giáo dục lòng từ bi vào 14 trường tiểu học. Trong đợt này Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành một buổi để tiếp học sinh các trường. Sau buổi thuyết giảng, một học sinh tiểu học của một lớp đặc biệt các học sinh chậm phát triển trí tuệ đã kể lại cho cô giáo của mình rằng:

- Cô biết không, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng cho con một cách rất dễ hiểu về lòng từ bi (compassion). Khi con hỏi lòng từ bi là gì, Ngài trả lời là giống như khi Ngài còn bé, mẹ Ngài cho Ngài bú, (Ngài làm bộ như đang bú), đó là lòng từ bi của người mẹ.

Vậy đó, trong các nước không phải xã hội chủ nghĩa, người ta dạy cho học sinh tiểu học, thậm chí những học sinh thiểu năng trí tuệ, bị bệnh tự kỷ (autism), bị hội chứng Down (Down syndrom) về lòng thương người như vậy. Phải chăng đó là lý do mà trong các nước tư bản đang giãy chết nhiều nhà tỷ phú, triệu phú đua nhau làm từ thiện? 

Trong khi đó, ở các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam người ta dạy cho các học sinh những gì? Người ta dạy về chủ nghĩa Mác Lê mà cốt lỏi là lòng căm thù và đấu tranh giai cấp. Người ta dạy chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần, người ta đả phá các tôn giáo, cho đó là thuốc phiện, là dị đoan! Người ta dạy lòng căm thù đế quốc Mỹ, mặc dù chiến tranh đã kết thúc từ hơn 40 năm, và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cầu mong bình thường hóa quan hệ với Mỹ, vẫn yêu cầu Mỹ viện trợ và đã mời ba tổng thống Mỹ đương nhiệm sang thăm VN. Người ta dạy lòng yêu nước nhưng lại muốn bỏ môn lịch sử Việt Nam, muốn đưa môn học này thành một môn nhiệm ý, học cũng được và không học cũng được và không phải là một môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung và tiểu học; bởi vì lịch sử Việt Nam chủ yếu là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc! Người ta dạy lòng yêu nước nhưng lại nhường đất, chia biển cho Trung cộng, và các chính quyền cấp tỉnh cũng có quyền cho thuê đất và rừng dài hạn từ nửa thế kỷ đến 80 năm cho người Tàu. (Người ta nói chính phủ Thiệu-Kỳ bán nước cho Mỹ, nhưng dưới thời Thiệu-Kỳ không có những chuyện cho thuê đất như thế này!) Người ta dạy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” nhưng sự xa hoa phung phí của các đại gia thật không thể nào tả nổi và tệ nạn hối lộ, tham nhũng từ trung ương đến địa phương (cấp phường, xã) có lẽ không cần phải bàn! Tệ hại hơn nữa, nạn hối lộ ăn lan đến hai lãnh vực mà ai cũng nghĩ là trong sạch nhất là y tế và giáo dục. Tôi đã sống dưới chế độ “Mỹ ngụy” cho đến lúc trưởng thành nhưng tôi chưa bao giờ biết chuyện vào nhà thương phải đưa phong bì cho bác sĩ, y tá; chưa bao giờ biết phải đưa tiền cho giáo viên hay hiệu trưởng để con mình được nhận vào trường hay được lên lớp!

Tuy nhiên, theo quy luật của tự nhiên, học sinh học theo những gì thầy cô giáo làm hơn là những gì thầy và cô giáo dạy. Con cái bắt chước cách hành xử của cha mẹ hơn là những gì cha mẹ răn bảo. Và người dân nhìn vào những gì các cấp lãnh đạo, các cán bộ trong bộ máy nhà nước làm hơn là những gì họ nói! Phải chăng đó là những lý do mà nhiều người trưởng thành dưới chế độ xã hội chủ nghĩa sau 75 trở nên thực dụng và vô cảm?

*****
Trong talk show “60 phút mở” “Làm từ thiện để làm gì?” MC Tạ Bích Loan cật vấn như tra khảo các nhà làm từ thiện về động cơ của họ, thì người ta cũng có quyền đặt câu hỏi: MC Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang dẫn chương trình này để làm gì?

Theo tôi, Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang có mấy động cơ sau:

1) Trước hết họ muốn nổi danh, muốn đánh bóng tên tuổi của mình. Một trong những thủ thuật của các nhà báo hay MC muốn được nổi tiếng là tung ra những bài báo hay talk show với những cái tít giật gân, những câu hỏi (như của Tạ Bích Loan) hay những lời nói (như của TS Đặng Hoàng giang) gây sốc. Về động cơ này, Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang đã đạt được mục đích của mình. Họ đã nổi tiếng như bão!

2) Động cơ thứ hai là để tìm câu trả lời cho điều mà họ không thể hiểu được là tại sao có người lại tốn công, mất sức, mất thì giờ và tiền bạc, nhiều lúc lại có thể gặp nguy hiểm để đem đồ đạc, vật thực đi cho những người mà họ không hề quen biết? Về điều này tôi không biết MC Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang có thỏa mãn hay không.

3) Động cơ thứ ba: Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang là cán bộ của nhà nước, họ muốn lập thành tích với nhà nước. Nhà nước Việt Nam XHCN từ lâu rất dị ứng với những hoạt động từ thiện không do họ tổ chức. Có thể có những hoạt động từ thiện do những “thế lực thù địch” tổ chức, nhưng ngay cả những hoạt động từ thiện của người dân trong và ngoài nước hoàn toàn chỉ vì tình người muốn chia sẻ với những người không được may mắn bằng họ, những hoạt động này cũng “nhạy cảm” đối với nhà nước vì, vô hình trung, nó phơi bày những mặt xấu xa của chế độ, bộc lộ mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của cán bộ lãnh đạo nhà nước, làm cho người dân thấy sự khác biệt giữa “chế độ Mỹ ngụy” và chế độ xã hội chủ nghĩa. Với mục đích này, Tạ Bích Loan và TS họ Đặng có thành công hay không, tôi không biết.

4) Động cơ thứ tư có tính thời sự hơn hết. Nhà nước XHCN Việt Nam đang rất lúng túng và muốn ém nhẹm vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung, thậm chí từ “cá chết” bị cấm kỵ và hình ảnh bộ xương cá là phản động. Ai mặc áo có hình bộ xương cá có thể bị công an bắt đưa về đồn “làm việc”. Nhưng nhà nước không thể công khai cấm người dân chia sẻ một chút của cải hay tiền bạc với đồng bào nạn nhân của vụ cá chết do Formosa được. Talk show này do đó là một lời cảnh báo, tạo cớ và biện minh cho việc bắt bớ (nếu có) của công an đối với những người muốn giúp đỡ đồng bào đang gặp khó khăn tại các tỉnh miền Trung. Với động cơ này, Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang có được nhà nước tưởng thưởng hay không hay tưởng thưởng đến mức nào, tôi không thể biết được.

Tôi chỉ có thể biết một điều là sau khi xem talk show của Tạ Bích Loan, thái độ của tôi rõ ràng hơn đối với những người làm từ thiện với những động cơ khác nhau. Đối với những người làm từ thiện với mục đích chính trị, đã có nhà nước lo. Đối với những ai lợi dụng hoạt động từ thiện để kinh doanh kiếm lời, tôi phản đối và khinh bỉ. Đối với những người vì từ tâm muốn chia sẻ với đồng bào mình trong cơn hoạn nạn, tôi ngưỡng mộ và tán thán công đức của họ. Cuối cùng, tôi hoan nghênh và cám ơn những người làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi của mình, vì việc đánh bóng tên tuổi của họ đẹp đẽ và lương thiện hơn cách làm của MC Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang nhiều.
10.06.2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét