Formosa là phép thử lương tâm người Việt. Hầu như đa số mọi người cúi
đầu cam phận trước thảm họa môi trường sinh tồn ghê gớm nhất và toàn
diện nhất trong lịch sử nước nhà. Phép thử cho kết quả rằng chúng ta gần
như chấp nhận phải sống với Formosa như đang phải sống với vô vàn những
cơn lũ đang tàn phá đất nước này. Khác biệt chăng là Formosa có lẽ là
cơn lũ lớn nhất chung cuộc kết liễu Việt Nam. Thay vì để mình bị chết
đắm trong cơn lũ tuyệt vọng và vô cảm của cá nhân, hơn bao giờ hết chúng
ta lúc này phải cần sát cánh bên nhau cho cuộc đấu tranh sinh tồn chung
bởi lẽ đơn giản Formosa còn nước Việt mất. Nhân quyền, dân chủ, và tự
do còn có nghĩa gì khi người hưởng những giá trị này là những thế hệ bị
ung thư, tàn phế, và khuyết tật bẩm sinh ở trên đất nước mà những ông
bà, cha mẹ, và anh chị thế hệ trước đã buông xuôi và ngoảnh mặt.
Dân chúng trong xã hội ngày nay ở Việt Nam chẳng khác gì những người mà
nhà văn Lỗ Tấn ngày trước đã nhìn thấy trong xã hội Trung Quốc đương
thời: “Dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh,
cường tráng chăng nữa, cũng chỉ có thể làm thứ người mà người ta đưa ra
chém đầu thị chúng và làm thứ người đứng xem cuộc thị chúng vô vị như
thế kia mà thôi. Còn như đau ốm mà có phải chết đi ít nhiều thì chưa hẳn
đã là bất hạnh.”
Còn gì buồn hơn và bi kịch bằng khi Formosa giết biển cả và gây ra bao
thảm cảnh cho hàng triệu đồng bào mà đa số dân chúng nước ta chỉ biết
khoanh tay đứng nhìn như đứng xem cuộc hành quyết thị chúng tuy họ có
thể lờ mờ nhận thức rằng ngày nào đấy họ rốt cuộc cũng sẽ đứng vào vị
trí của nạn nhân hôm nay dưới ánh đao của đao phủ. Món quà lớn nhất
chúng ta dâng lên Formosa, xét cho cùng, chính là sự cam phận và vô cảm
ấy của chính chúng ta.
Nếu chúng ta tuyệt vọng thì hãy đấu tranh theo kiểu tuyệt vọng như hình
ảnh vài nhóm người tổ chức các cuộc xuống đường kiểu du kích vừa qua. Ba
bốn người lẻ loi bước trên phố xá nóng bức đông người qua lại để hô
vang khẩu hiệu “Formosa cút xéo khỏi Việt Nam.” Dòng xe cộ chạy
qua họ, dăm ánh mắt tò mò ngoái nhìn lại. Chỉ thế thôi, không một tiếng
vang hưởng ứng. Ta nhìn cảnh này mà thấy ứa nước mắt, nhưng Formosa và
bạo quyền nhìn cảnh này mà thấy hân hoan và tự tin cho sự vững chắc của
tiền đồ của họ.
Nhưng cuộc đấu tranh chung này không phải là cuộc đấu tranh của tuyệt
vọng hay hy vọng mà là cuộc đấu tranh của bản năng sinh tồn của toàn thể
dân chúng trước bước đường cùng chung. Vì thế sinh lộ duy nhất mở ra
cho chúng ta chính là cuộc đấu tranh của đa số dân chúng đồng loạt phản
kháng Formosa liên tục không ngừng nghỉ dưới nhiều hình thức đấu tranh
cá nhân và tập thể khác nhau.
Hãy hình dung bàn cân mà một bên là Formosa và một bên là hàng triệu
người Việt Nam xuống đường liên tục để phản kháng hành động diệt chủng
của họ. Nếu 90 triệu người tham gia vào cuộc đấu tranh thì sức nặng của
Formosa cuối cùng chỉ là gam bất chấp những kẻ đồng mưu đứng sau lưng họ còn sức nặng của chúng ta là tấn. Trước cán cân như thế Formosa sẽ sớm bị hắt bay ra khỏi Việt Nam một sớm một chiều.
Bước khởi đầu của cuộc đấu tranh chung là mọi người phải đồng hành với
nhau. Những bàn chân cùng đi chung hướng sẽ tạo ra hy vọng và rồi mở ra
con đường hồi sinh cho biển và con người Việt Nam như Lỗ Tấn từng nói: “Ta
không thể nói hy vọng tồn tại hay không thể nói hy vọng không tồn tại.
Hy vọng giống như những con đường trên mặt đất. Vì thật ra khởi đầu mặt
đất không có đường, nhưng nhiều người đi lại thì thành con đường.”
Con đường sinh tồn và hy vọng của Việt Nam sẽ không chấm dứt ở đây với
các thế hệ chúng ta và con cháu mà sẽ tiếp tục kéo dài mãi mãi khi những
đôi chân đồng loạt bước ra từ trái tim riêng yêu nước xuống con đường
đồng hành chung của cả dân tộc mà rất nhiều thế hệ tiền nhân đã trả giá
đắt để đi qua trong suốt hơn bốn ngàn năm sinh tồn đầy bao thăng trầm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét