Thiên Điểu
Nếu lật ngược thời gian để thử tìm kiếm “tân đồng chí X”, thời
điểm Formosa bắt đầu tìm đến Việt Nam thì vào giai đoạn 2008 tới năm
2013, người có vai trò chính trong việc quản lý ngành là ông Hoàng Trung
Hải.
Chỉ trong nửa tháng, sau khi chính quyền Việt Nam
buộc phải công bố Formosa là thủ phạm gây ra vụ thảm họa môi trường cho
biển Việt Nam, hàng loạt bê bối liên quan công ty này tiếp tục bị phanh
phui… Những thiệt hại ghê gớm đã và đang tiếp tục tàn phá môi trường
biển, ảnh hưởng lên đời sống người dân mỗi ngày, trong khi “yếu tố Trung
Quốc” của Formosa Hà Tĩnh bị hòa lẫn cùng yếu tố xâm lược bởi các hành
động khiêu khích trắng trợn và thô bạo của chính quyền Trung Quốc đối
với ngư dân Việt Nam ngày càng gia tăng với mật độ ngày càng nhiều hơn,
mức độ nghiêm trọng cao hơn đã khiến người dân Việt Nam khắp nơi trên cả
nước khó có thể chấp nhận ngồi yên.
Các cuộc xuống đường biểu thị sự bất mãn do việc
Chính phủ cố ý bưng bít trước và sau khi công bố thông tin, cùng thông
điệp yêu cầu đóng cửa nhà máy của Formosa về cơ bản vẫn chỉ giới hạn ở ý
nghĩa bảo vệ môi trường, nhưng hiện nay đã vượt ra khá xa đối với ý
nghĩa tác động xã hội. Khi mà kèm theo đó là các nguyên nhân thảm họa
được chỉ ra có trách nhiệm liên đới rất lớn của quan chức chính quyền
địa phương và cả Chính phủ. Việc trấn áp dã man của chính quyền đối với
những người xuống đường biểu tình đòi truy tố Formosa cũng không còn
thuần túy vì nỗi lo bất ổn an ninh.
Hãy thử bắt đầu bằng cách hệ thống các điểm chính xung quanh vụ Formosa để xem bản chất các hành động hiện nay là gì?
Những câu hỏi và trả lời xung quanh đại loại như
Formosa là ai? Tiến trình xuất hiện tại Việt Nam thế nào? Đầu tư ra sao?
Gây hại những gì? .v.v. không cần phải đưa ra thêm vì trên mạng đã quá
nhiều và quá đủ. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin tóm tắt mấy vấn đề:
Formosa là doanh nghiệp Trung Quốc, đầu tư vào Việt Nam bằng một khu
công nghiệp do chính Formosa lập qui hoạch và trực tiếp làm chủ đầu tư.
Vấn đề cần xem xét là các uẩn khúc phía sau vụ đầu độc môi trường biển
Việt Nam và các ảnh hưởng liên quan tới chính trị, xã hội Việt Nam hiện
nay và nếu có thể là tương lai ra sao? Ai chịu trách nhiệm chính và đứng
sau Formosa?
Tất cả các cấp chính quyền TW đều biết!
Hiện nay, có vẻ như dư luận truyền thông nhà nước
đang tập trung vào việc chỉ ra mọi trách nhiệm pháp lý liên quan đến
Formosa là lỗi của các cơ quan công quyền địa phương Hà Tĩnh. Từ quy
trình lập dự án, cấp phép đến quản lý đều liên tục bị phanh phui các sai
phạm mà quan chức địa phương cấp Tỉnh là thủ phạm.
Thế nhưng, sự thật có đúng như vậy hay không?
Bất cứ ai am hiểu chút ít về cấu trúc hoạt động quản
lý nhà nước nói chung và Việt Nam nói riêng đều biết rằng: Chính quyền
trung ương luôn quản lý và theo dõi chặt chẽ các ngành, các vùng kinh tế
trọng điểm cả nước. Ở Việt Nam, các nhà thầu xây dựng khi muốn tham
gia bất cứ một dự án nào thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là “tiếp cận
ai và ở đâu mới là mục tiêu cần tiếp cận để có thể thắng thầu”. Nghĩa là
phải biết rõ cấp nào có ảnh hưởng đủ để tác động đến ngay cả công việc
bình thường nhất là làm thuê cho dự án.
Trước khi Formosa vào Việt Nam, vùng cửa biển Vũng
Áng và hàng ngàn hecta đất của khu công nghiệp (KCN) Vũng Áng hiện nay
nằm trong nhóm qui hoạch “Vùng cảng biển thủy sản miền Trung” và “Vùng
diện tích nông nghiệp” trong qui hoạch các vùng kinh tế cả nước và chiến
lược an ninh lương thực tầm nhìn 2030 từ cách đây hơn chục năm về
trước, khi mà cuộc “cách mạng các khu công nghiệp” bùng phát khắp nơi
bắt đầu lộ ra những bất cập cũng như tác động ghê gớm tới cấu trúc sử
dụng đất ở Việt Nam. Có nghĩa là không hề có qui hoạch KCN Vũng Áng –
tức KCN Formosa ngày nay trong qui hoạch tầm nhìn 2030. Việc hình thành
một KCN lớn, hoạt động kinh doanh lại là công nghiệp nặng là hoàn toàn
do Formosa đề xuất bằng hồ sơ báo cáo như các dự án đầu tư ngoài quốc
doanh thông thường. Dự án KCN Vũng Áng chỉ không bình thường khi tổng
mức đầu tư ban đầu được đưa ra là hơn 10 tỷ dollar Mỹ, lọt vào top những
dự án có qui mô vốn hàng đầu của cả nước. Sau đó nâng lên tới hơn 20 tỷ
dollar Mỹ như hiện nay.
Một khu công nghiệp mới hoàn toàn, được điều chỉnh bổ
sung vào bản đồ qui hoạch kinh tế tầm nhìn tới 2030 và với mức đầu tư
hàng top trong các vùng kinh tế đương nhiên xuất hiện trên bản đồ các
vùng kinh tế trọng điểm mà không chỉ Chính phủ mới có. Nói cách khác là
cả Văn phòng Nhà nước, TW Đảng CSVN và Bộ chính trị cũng biết. Tất
nhiên, Chính phủ mới là cơ quan quản lý trực tiếp chính thức ở cấp Trung
ương. Mọi đề xuất liên quan dự án dạng này phải được cơ quan cấp Chính
phủ xem xét và chấp thuận. Câu chuyện nói UBND Tỉnh Hà Tĩnh vượt quyền
hay có những sai phạm trong quá trình cấp phép, quản lý đều chỉ là cái
phần ngọn khi nó được chứng minh bằng các chữ ký, con dấu người thừa
hành trên giấy tờ. Cứ điểm lại thông tin hàng loạt các quan chức và cả
“tứ trụ triều đình” đều ghé thăm KCN Vũng Áng không chỉ một lần thì sẽ
thấy điều này không có gì để nghi ngờ.
Nếu để ý một chút, xét về mặt trách nhiệm hành chính
trong thủ tục cấp phép và các sai phạm đều xảy ra trong nhiệm kỳ trước,
nhiệm kỳ mà Chính phủ dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc
còn đương nhiệm gắn liền với tham nhũng – vấn nạn mà cả TW Đảng CSVN và
Chính phủ mới do ông Nguyễn Xuân Phúc vừa lên đều có những thông điệp
mạnh mẽ sẽ tấn công một cách triệt để.
Vậy tại sao bộ máy Chính phủ mới do ông Nguyễn Xuân
Phúc mới lên thay lại có vẻ không muốn truy cứu sâu theo hướng này mà
chỉ tập trung dồn vào chính quyền địa phương?
Cú đặt cược mạo hiểm
Điều rất rõ ràng: Nếu tập trung truy cứu trách
nhiệm liên quan bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ trước, sẽ không khó tìm ra các
bằng chứng đi đêm mà Formosa đã thực hiện để có các thủ tục lẫn ưu đãi
mà các doanh nghiệp khác nằm mơ cũng không thể có. Khi đó, ông Nguyễn
Xuân Phúc không chỉ dễ dàng xây dựng được uy tín trước dân mà đồng thời
có thể loại bỏ đáng kể những lãnh đạo thuộc phe cánh cũ mà chắc chắn ông
không hề vui vẻ hay tin cậy trong bộ máy mới do ông đứng đầu.
Sẽ không có lý giải nào thuyết phục hơn ngoài mối
nghi vấn có một liên quan nào đó đã khiến ngay cả Chính phủ đương nhiệm
cũng có vấn đề trong việc làm rõ các trách nhiệm liên quan đối với
Formosa. Tất cả các diễn biến trong thời gian gần ba tháng “điều tra”
cho thấy chính quyền Hà Nội biết rất sớm Formosa là thủ phạm. Việc kéo
dài thời gian công bố không ngoài mục đích là để tìm phương án xử lý sao
cho có thể hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng liên quan tới bộ máy nhân sự
TW về mặt thủ tục vẫn chưa chính thức, nếu không nói là bất hợp pháp
khi cuộc bầu cử được tiến hành ngược là “ê kíp cũ bầu cho lãnh đạo mới”.
Giải pháp bất chấp mọi trình tự và nguyên tắc pháp lý khi chấp nhận cho
Formosa bồi thường 500 triệu dollar Mỹ là một mức giá hết sức tượng
trưng so với thiệt hại mà nó gây ra, cho thấy chính quyền Hà Nội chọn
phương án che giấu những vấn đề uẩn khúc nào đó khả dĩ “đụng chạm” tới
uy tín và hình ảnh của một vài nhân vật nào đó mà ngay cả TW Đảng cũng
chưa đủ sức đụng vào, tương tự như câu chuyện “đồng chí X” trước đây.
Nói cách khác, sau khi ông Dũng nghỉ thì nội bộ chính quyền TW vẫn còn
và xuất hiện một “đồng chí X” mới, đặt ra thách thức khó khăn khiến Đảng
CSVN và cả Chính phủ mới của ông Nguyễn Xuân Phúc đành phải mạo hiểm
đặt cược uy tín trước dân khi xử lý Formosa.
Cú “đặt cược” này quá rõ vì trong khi với một bộ máy
vừa lên được vài tháng. Dù ít nhiều còn lúng túng nhưng không thể có
chuyện “vô tình” hay vì một lý do “nhân đạo” khi Chính phủ tự quyết định
dàn xếp con số 500 triệu dollar Mỹ từ Formosa mà bất cứ ai cũng biết là
hành động trái luật. Phản ứng của người dân, giới trí thức và rất nhiều
các quan chức có chút ít lương tâm, những vụ kiện manh nha đang được
chuẩn bị là bằng chứng rõ ràng rằng uy tín của Chính phủ do ông Nguyễn
Xuân Phúc lãnh đạo sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu không nói là mất trắng
qua quyết định đầy tai hại này.
“Tân đồng chí X” là ai?
Nếu lật ngược thời gian để thử tìm kiếm “tân đồng
chí X”, thời điểm Formosa bắt đầu tìm đến Việt Nam thì vào giai đoạn
tháng 10/2008 đến tháng 02/2009, “Đồng chí X” giữ vai trò Thủ tướng, Bộ
trưởng Bộ TN&MT lúc đó là ông Phạm Khôi Nguyên. Còn đương kim Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà hiện nay lúc đó là
Thứ trưởng của Bộ này chỉ 4 tháng rồi được điều về làm Phó Bí thư Tỉnh
ủy Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tháng 07/2010, ông được điều về lại vị trí
Thứ trưởng Bộ TN&MT, lúc này Bộ trưởng là ông Nguyễn Minh Quang –
một cán bộ Đảng thuần túy. Tới tháng 04/2016 thì ông Hà lên giữ chức Bộ
trưởng TN&MT trong thành phần Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Thời điểm ông mới lên Thứ trưởng lần 1 cũng là giai đoạn mà Formosa
trình dự án và được cấp phép đầu tư. Việc ông được điều chuyển vào Bà
Rịa – Vũng Tàu khó nói được có liên quan gì với nhau hay không, nhưng có
nguồn tin nói rằng: Hồ sơ của Formosa đã tùng “bị làm khó” tại Bộ
TN&MT ngay khi trình báo cáo Tiền khả thi. Nhưng khi ông Trần Hồng
Hà từ Bà Rịa – Vũng Tàu quay về Hà Nội thì trong vòng không đầy một
năm, hồ sơ Dự án khả thi của Formosa đã gần như hoàn tất. Như vậy, riêng
vụ Formosa và các thủ tục liên quan môi trường gần như không có dấu ấn
của ông ở giai đoạn cấp phép và đầu tư. Là cơ quan Bộ chịu trách nhiệm
chính trong vụ Formosa xả thải, nhưng ông Trần Hồng Hà khá kín tiếng,
rất ít phát biểu hay có câu trả lời nào rõ ràng. Vai trò, trách nhiệm
quản lý trực tiếp liên quan giai đoạn cấp phép và đầu tư cho Formosa của
Bộ TN&MT thuộc về hai cựu Bộ trưởng là ông Phạm Khôi Nguyên và ông
Nguyễn Minh Quang.
Về phía Văn phòng Chính phủ, giai đoạn 2008 tới năm
2013, người có vai trò chính trong việc quản lý ngành là ông Hoàng Trung
Hải. Khi Formosa bắt đầu trình Báo cáo tiền khả thi thì ông Hải đang là
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (2002-2007), đương nhiên một dự án về ngành
luyện kim phải qua cửa ông đầu tiên. Từ tháng 8/2013 đến nay, ông Hải là
Phó thủ tướng phụ trách kinh tế ngành, vị trí được xem như quyền lực
chỉ thua Thủ tướng và nắm giữ vai trò phụ trách chính của Chính phủ với
hầu hết các ngành kinh tế quan trọng. Ông Hải cũng là người có nhiều
phát ngôn ủng hộ Formosa nhiều nhất, mạnh mẽ nhất cho tới khi xảy ra vụ
xả thải đầu độc môi trường biển Việt Nam. Về ông Hoàng Trung Hải, cũng
phải nói thêm một chút là giai đoạn khi đang còn là Bộ trưởng Bộ Công
nghiệp, chuẩn bị lên Phó thủ tướng thì cũng là giai đoạn ông bị tố cáo
khai man lý lịch. Ban bí thư TW Đảng đã lập Tổ kiểm tra, xác minh ông
Hải có gốc là người Hoa, không đúng như trong lý lịch tự khai. Nhưng sau
đó mọi việc rơi vào im lặng và ông vẫn yên ổn ở vị trí Phó thủ tướng
phụ trách kinh tế, UV TW Đảng. Tới tháng 2/2016 ông Hải được bầu vào Bộ
chính trị, được Bộ chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Mặc dù từng là Phó thủ tướng phụ trách kinh tế ngành,
là người quản lý và chỉ đạo liên tục với hầu hết các bước thủ tục cho
dự án của Formosa trước đây, nhưng ông Hoàng Trung Hải hoàn toàn im lặng
trong suốt thời gian xảy ra vụ Formosa. Phía truyền thông cũng có vẻ
như vẫn bị một bức tường vô hình chặn đứng các thông tin nhạy cảm ở cấp
Chính phủ và Bộ chính trị.
Vòng xoáy Formosa và viễn cảnh xã hội Việt Nam chính thức đi vào rối loạn vì bạo lực
Thực tâm mà nói, đã có lúc tôi có ý nghĩ về những
điều “giá như” không bao giờ có trong chế độ Việt Nam hiện nay. Đó là
giá như sau khi bất chấp cả Hiến pháp để đẻ ra đứa con trồi ngược mang
tên “Bầu cử”, TW Đảng CSVN và Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc có một
giải pháp ứng xử khôn ngoan hơn, nhân văn hơn thì có thể đã không có
người dân bị đánh đập dã man khi xuống đường phản đối Formosa. Giá như
Đảng CSVN cương quyết và cứng rắn hơn với Trung Quốc như cứng rắn với
người dân thì tiền của và sinh mạng ngư dân không phải trả giá đắt đến
như thế, an nguy của đất nước không rơi vào tình cảnh đen tối tới mức
như bây giờ. Giá như… giá như… (!). Khi tôi chia sẻ suy nghĩ này với vị
cán bộ mới về hưu, ông bật cười và hỏi tôi: Sao chú không nói “giá như
không có ĐCSVN luôn đi?”. Tôi cũng đành cười cho qua mà không biết trả
lời ông thế nào.
Chỉ biết rằng: Nếu có bản lĩnh chính trị thật sự,
chính quyền Việt Nam đã có rất nhiều lựa chọn trong vụ Formosa thay vì
chọn cách vừa non nớt, vừa thô bạo nếu không nói là quay ngược lại với
nhân dân, quay ngược lại với lợi ích đất nước và tự hại mình để người
dân bức xúc đến như vậy.
Cuộc chiến đòi đóng cửa Formosa, đòi bồi thường
thỏa đáng thiệt hại đã gây ra và đòi truy tố những quan chức lẫn đối
tượng cả gián tiếp và trực tiếp gây ra thảm họa sẽ không còn điểm dừng
cho tới khi mọi yêu cầu của người dân được thỏa mãn. Nó sẽ tạo ra vòng
xoáy xói mòn mọi nỗ lực gây dựng uy tín lẫn quyền lực hiện có của chế độ.
Chỉ cần vài suy luận đơn giản về vụ Formosa, bất cứ
ai cũng thấy ngay rằng: Tất cả mọi hệ lụy liên quan Formosa sẽ dồn về bộ
máy nhà nước hiện cầm quyền lãnh chịu tất cả.
Nếu tính về kinh tế, khi ra tòa, Formosa chắc chắn
phải bồi thường một giá trị lớn gấp rất nhiều lần con số 500 triệu
dollar mà Chính phủ đã nhận nhằm mục đích cho qua vụ việc. Khi đó, với
mức bồi thường lên tới vài chục tỷ dollar thì chắc chắn Formosa sẽ chọn
con đường bỏ của chạy lấy người. Các khoản nợ đầu tư chưa thanh toán
chưa ai biết với công trình mà Formosa để lại có đủ trả hay không chứ
chưa nói đến tiền bồi thường. Trong khi một cuộc chiến pháp lý khác giữa
Formosa liên quan thỏa thuận trị giá 500 triệu dollar sẽ khiến chính
phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc khó bề yên ổn.
Nếu nói về chính trị: Với việc chính phủ Đài Loan chỉ
ra một thông điệp chiếu lệ trong khi chính truyền thông Đài Loan công
bố thông tin chứng minh Formosa là thủ phạm trước cả chính quyền Việt
Nam gián tiếp thừa nhận Formosa Hưng Nghiệp tại Việt Nam là của Trung
Quốc đại lục. Cùng với cách hành xử thiếu thận trọng mà chính quyền đã
phạm phải qua các hành động trấn áp dã man không những không thể ngăn
chặn người dân đeo đuổi cuộc đấu tranh đòi công lý phải minh bạch. Tiếp
tục trấn áp bằng bạo lực ngày càng nặng như hiện nay, việc người dân
chọn giải pháp dùng bạo lực đáp trả bạo lực sẽ diễn ra trong tương lai
không xa. Một sự rối loạn tất yếu mọi mặt về an ninh, chính trị, xã hội
là điều không thể tránh khỏi.
Với tình hình quan hệ Việt-Trung hiện nay, nếu xem vụ
Formosa như một âm mưu phá hoại có chủ ý một cách thâm độc thì cái giá
bỏ ra vài tỷ dollar của Formosa quá rẻ mạt để đổi lại một hệ lụy cho
Việt Nam cả về kinh tế lẫn chính trị lớn đến như vậy.
“Giận mất khôn”, những ngộ nhận và bế tắc sẽ khiến
chính quyền do Đảng CSVN lãnh đạo sẽ tiếp tục lún sâu vào sai lầm khi
đứng trước hai luồng lốc xoáy là tranh chấp Biển Đông và hoạt động đòi
hỏi một xã hội dân chủ đang ngày càng lớn mạnh và bức thiết hơn bao giờ
hết.
Thiên Điểu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét