Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, 23/7/2016. Ảnh Reuters |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “sẽ
giám sát chặt chẽ vụ Formosa” trong kỳ họp đầu tiên của tân Quốc hội
khóa 14 của Việt Nam, trong khi người đứng đầu chịu trách nhiệm cấp phép
đầu tư cho dự án Formosa lại vừa được phê chuẩn vào Ban Kinh tế Quốc
hội.
Việc chính thức phê chuẩn người đang bị dư luận và
báo chí tập trung chú ý trong những ngày qua sau khi chính quyền Việt
Nam thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ
trước tới nay đã gây nhiều băn khoăn trong công chúng, kể cả giới
chuyên gia và các nhà hoạt động.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Trung ương, nói với VOA
rằng dự án Formosa mà ông Võ Kim Cự đã cấp phép có “quá nhiều vấn đề”
nhưng ông này lại “có chủ ý” tránh né báo chí và phủ nhận trách nhiệm.
Ông nói: “Ông Võ Kim Cự đã phủ nhận trách nhiệm của
mình, nói là việc ông làm, ông quyết định, kể cả quyết định vượt khung
luật 70 năm là đúng quy trình. Về mặt hình thức, có thể ông Võ Kim Cự tự
biện minh cho mình như vậy. Song về thực chất, hiện nay dự án thép
Formosa đang đề ra rất nhiều vấn đề”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, vấn đề của dự án Formosa
không chỉ dừng lại ở khía cạnh môi trường, việc đánh giá nhu cầu và công
nghệ của Formosa cũng là điều đáng phải quan tâm.
Ông cho biết: “Công nghệ thép trên thế giới thay đổi
khá nhanh. Thép của Formosa có cạnh tranh được với lượng thép khổng lồ
của Trung Quốc với tổng công suất lên tới 1.200 triệu tấn/năm, đó là một
vấn đề rất đáng tranh cãi. Bởi vì khi cho phép Formosa đầu tư vào Việt
Nam mà không tính tới việc Formosa sẽ tiêu thụ ở đâu và cạnh tranh như
thế nào với thép Trung Quốc, vả lại dự án đó kéo dài đến 70 năm, trong
70 năm đó, tiến bộ khoa học công nghệ liệu có cho phép Formosa tiếp tục
cạnh tranh nếu như không thay đổi công nghệ hay không?”
Dự án Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, do
chủ đầu tư là tập đoàn nhựa Formosa của Đài Loan đầu tư từ năm 2008 với
tổng đầu tư gần 10 tỷ đôla. Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước
sâu Sơn Dương trên tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm đất liền và mặt
nước, với thời hạn cho thuê đất là 70 năm, đã khiến cho nhiều cư dân khu
vực gặp nhiều khó khăn trong việc di dời, chuyển đổi công việc. Mặc dù
chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả “hệ thống chính trị” để dọn chỗ
cho dự án Formosa, nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn nhất quyết “bám đất”,
bất chấp việc liên tục bị quấy nhiễu và con cái bị thất học.
Dự án Formosa gần đây bị người dân cực lực phản đối
sau khi gây ra thảm họa cá chết khiến hầu hết người dân khu vực vốn sống
dựa vào biển rơi vào tình cảnh mất nguồn sinh kế. Người dân khu vực và ở
các tỉnh lớn đã liên tục biểu tình, đòi chính quyền phải dừng dự án
Formosa tại Việt Nam.
Một video clip đăng tải trên Facebook cho thấy một linh mục ở đây đã cùng với người dân đề đạt ý kiến, nguyện vọng của họ:
“Chúng ta nói lên nguyện vọng của chúng ta là phải
đóng cửa Formosa. Giờ đây, chúng ta cùng đồng thanh gửi đến chính quyền,
các cấp lãnh đạo của Việt Nam này nguyện vọng tha thiết của chúng ta:
Formosa – Cút! Formosa – Cút! Formosa – Cút!”
Người chịu trách nhiệm việc cấp phép đầu tư cho
Formosa ở Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự, sau nhiều ngày từ chối trả lời phỏng
vấn báo chí, gần đây đã xuất hiện và nói rằng việc ông cấp phép 70 năm
cho dự án Formosa là “đúng luật”. Còn việc để xảy ra sự cố xả thải gây ô
nhiễm biển, khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung là từ phía
Formosa. Ông này cũng nói với báo giới Viện Nam rằng “nếu không có sự
cố, Formosa tạo ra nguồn thu lớn”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói chính thái độ
dửng dưng, vô cảm, vô trách nhiệm của ông Võ Kim Cự đối với những thiệt
hại về kinh tế, đời sống xã hội của những người đồng hương, cũng là
những nạn nhân của dự án mà ông đã cấp phép, cũng là một vấn đề cần quan
tâm về tư cách của giới chức này, đặc biệt khi ông này tiếp tục giữ
chức và còn kiêm thêm những nhiệm vụ mới như thành viên của Ban Kinh tế
Quốc hội:
“Điều đó chứng tỏ sự đánh giá của giới lãnh đạo với
dư luận, áp lực quần chúng, là khá xa. Kết quả là những ý kiến hoặc sự
điều hành của ông Võ Kim Cự ở liên minh hợp tác xã mà ông ấy lại được
bầu lại làm chủ tịch chắc chắn sẽ gặp những thách thức đáng kể, và tôi
rất lấy làm tiếc là lãnh đạo chưa có quyết định kịp thời về trường hợp
này”.
Cũng trong kỳ họp quốc hội đầu tiên, Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Thị Kim Ngân hứa sẽ “nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm” và “giám
sát chặt chẽ” vụ Formosa, một trong những vấn đề lớn “gây bức xúc” mà
Quốc hội “chọn giám sát”, theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tuy nhiên, cam kết của vị nữ Chủ tịch Quốc hội không
làm tăng lòng tin của công chúng đối với khả năng “truy tới cùng” của cơ
quan được xem là đại diện cho tiếng nói của người dân.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người đã đấu tranh và theo dõi sát vụ việc Formosa, cho VOA biết nguyên nhân anh “mất lòng tin” vào Quốc hội Việt Nam:
“Thứ nhất, bản chất của Quốc hội Việt Nam chỉ là một
cơ quan thể chế hóa những chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng cũng như Bộ Chính trị. Do đó nếu nói rằng Quốc hội có thể làm
được việc gì thì khả năng đó rất thấp. Nguyên nhân thứ hai là gần đây
khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất ý kiến là Quốc hội trong thẩm
quyền của mình lập một ủy ban kiểm tra độc lập đối với vụ việc Formosa
và truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan, thì bà
Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò là chủ tịch Quốc hội là chưa đến lúc đặt
vấn đề thành lập ủy ban độc lập. Lý do thứ ba khiến tôi không tin vào
khả năng của Quốc hội Việt Nam có thể làm tới cùng vụ việc này đó là
việc ông Võ Kim Cự được bầu vào Ban Kinh tế của Quốc hội. Rõ ràng nếu
Quốc hội thực tâm muốn giải quyết vụ này tới cùng, thì với những người
có khả năng phải chịu trách nhiệm như ông Võ Kim Cự là phải tạm dừng các
chức vụ của ông và tiến hành điều tra, thì nay lại được bầu vào những
vị trí trước đó đã ấn định”.
Phát biểu trước báo giới sáng nay, ông Võ Kim Cự cho
biết ông “chưa nghe ai nói đình chỉ tôi hay Formosa”. Trong khi đó, Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chính thức cho biết chưa có chủ
trương thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc của Formosa theo yêu
cầu của đại biểu quốc hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét