Ads 468x60px

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Tại sao phải khởi tố vụ án cấp phép Formosa

Bùi Quang Vơm 
 ...Chẳng có người Việt nào không biết, những người cấp phép cho Formosa, trước hết là ba ông. Một là ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người duy nhất có quyền chấp nhận đơn xịn đầu tư của Formosa, và là người phê duyệt cuối cùng theo phân cấp của Quốc hội. Hai là ông nguyên phó thủ tướng quản lý xây dựng và công nghiệp Hoàng Trung Hải, là người ký công văn 323/Ttg “đồng ý cho tập đoàn Formosa lập Dự án Nhà máy thép Vũng Áng” và công văn 869/Ttg “cho phép Tập đoàn Formosa thực hiện Dự án đầu tư khu liên hợp Gang thép và cảng sâu Sơn Dương tại Vũng Áng”. Thứ ba là vị thủ phạm trực tiếp, người đích thân chuyển tờ trình xin đầu tư của Formosa lên Thủ tướng và vận động hành lang các bộ ngành cho Formosa, là cựu bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự...
*
Do tính chất quá nghiêm trọng của vụ việc, vụ án xả thải gây cá chết hàng lọat của Formosa phải bị truy tố theo luật tố tụng hình sự, đó là điều mà nhà cầm quyền CSVN không thể trốn tránh. Đã có hàng nghìn đơn kiện của dân chúng, những người trực tiếp bị hại, và của hàng chục tổ chức, hội đoàn chính trị và xã hội dân sự. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế có thể cũng đang chuẩn bị khởi kiện ra toà Quốc tế. Hoặc chính phủ phải xử Formosa theo đúng luật, hoặc chính chính phủ phải chịu xét xử của công luận, của dân chúng. Đảng và chính phủ nếu cố tình lấp liếm cho kẻ phạm tội, sẽ trở thành kẻ đồng lõa với tội ác. Nếu chính phủ đứng ở vị trí bị can, thì cái chế độ mà đảng đang nắm quyền sẽ phải đứng trước vành móng ngựa. Điều này phải được hiểu rằng, nếu đảng không xử thì dân sẽ xử, dân sẽ xử cả tội phạm Formosa và xử cả tư cách cầm quyền của đảng.
Nhưng nếu Formosa chỉ là kẻ gây tội ác, bản thân nó không chịu trách nhiệm về sự có mặt của nó tại Việt Nam và nhất là có mặt tại Vũng Áng Hà Tĩnh, một địa điểm nhạy cảm có một không hai trên dải đất hình chữ S. Tập đoàn Formosa là tập đoàn tội phạm môi trường nổi tiếng trên thế giới, nếu nó có mặt và gây tội tại Việt nam thì cái tội ác ấy phải do những người cấp phép cho nó chịu trách nhiệm.
Theo chủ tịch hội đồng dân tộc Quốc hội, Hà Ngọc Chiến, “đây là dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh. Sau khi nhà đầu tư được cấp phép (rất nhanh) thì các yêu sách cũng được đáp ứng rất nhanh và cuối cùng hậu quả thảm hoạ cũng đến rất nhanh, mặc dù chưa hoạt động chính thức, mới chỉ vận hành”.
Theo ông Chiến, riêng với vụ Formosa “phải làm rõ nguyên nhân liên quan đến quản lý nhà nước, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát cả quá trình để xác định lỗi chủ quan như thế nào. Cần làm rõ mới có uy tín với cử tri, với nhân dân.”
Trên tờ Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan yêu cầu “Cần nêu đích danh ai cho phép Formosa hoạt động”.
Thế mà vừa rồi lại có ý kiến cho rằng “đòi hỏi truy tố những kẻ cấp phép cho Formosa chỉ là hướng vạch ra cho dư luận đi vào chỗ rối mù mịt và cuối cùng là mệt mỏi buông xuôi”. Chưa rõ ý kiến này có ý định chạy tội cho ông Dũng và những tội phạm do hệ thống quản trị 10 năm của ông này tạo ra hay không, nhưng có thể thấy, việc cấp phép đầu tư cho Formosa là nguyên nhân trực tiếp tạo ra tác nhân gây tội, dẫu có “rối mù” cũng phải truy cho ra, không thể để sót người, lọt tội.
Tất nhiên, sẽ chẳng có báo chí chính thống nào dám nêu đích danh, nếu không truy tố vụ việc ra toà. Nhưng cũng chẳng có người Việt nào không biết, những người cấp phép cho Formosa, trước hết là ba ông. Một là ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người duy nhất có quyền chấp nhận đơn xịn đầu tư của Formosa, và là người phê duyệt cuối cùng theo phân cấp của Quốc hội. Hai là ông nguyên phó thủ tướng quản lý xây dựng và công nghiệp Hoàng Trung Hải, là người ký công văn 323/Ttg “đồng ý cho tập đoàn Formosa lập Dự án Nhà máy thép Vũng Áng” và công văn 869/Ttg “cho phép Tập đoàn Formosa thực hiện Dự án đầu tư khu liên hợp Gang thép và cảng sâu Sơn Dương tại Vũng Áng”. Thứ ba là vị thủ phạm trực tiếp, người đích thân chuyển tờ trình xin đầu tư của Formosa lên Thủ tướng và vận động hành lang các bộ ngành cho Formosa, là cựu bí thư kiêm chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự.
Cùng với mấy ông này là hàng ngũ những ông bộ, thứ trưởng ký tên trong hồ sơ ký duyệt dự án, là những chữ ký bắt buộc phải có theo luật đầu tư, bao gồm bộ Quốc phòng, bộ Công an, bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Khoa học và Công nghệ, bộ Công thương, bộ Xây dựng, bộ Tài nguyên Môi trường, bộ Tài chính, bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, bộ Y tế. Xét xử “vụ án cấp phép” thực chất là xét xử Chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng.
Vụ thải độc ra biển của Formosa gây cá chết, tác động trực tiếp cuộc sống hàng triệu người, có nguy cơ huỷ hại môi sinh hàng trăm năm, bắt buộc phải bị truy tố hình sự, bởi vì với một vụ án mà phạm nhân là một pháp nhân, chỉ có Toà mới đủ thẩm quyền phán quyết tiền bồi thường, và chỉ có Toà mới quy định thể thức bồi thường 500 triệu USD chỉ là sự thoả thuận giữa tội phạm Formosa với bộ Công an và bộ Tài nguyên Môi trường, không căn cứ trên cơ sở khoa học pháp lý, và cơ chế bồi thường, biện pháp thực hiện bồi thường phải do cơ quan thi hành án của Toà quy định, không phải do Chính phủ phân công nhau để có thể tiền bồi thường đến tay ai, vào nhà nào, không ai có thể biết.
Vụ án cấp phép là vụ án có tính đương nhiên, vì đó là nguyên nhân trực tiếp tạo ra sự có mặt của tội phạm Formosa tại Vũng Áng. Tính chất phức tạp và ẩn chứa yếu tố tham nhũng gây tổn thất nghiêm trọng cho tài sản xã hội, tài nguyên của đất nước, sinh mạng và đời sống người lao động.
Vụ án cấp phép sẽ phải làm sáng tỏ tại sao một dự án như vậy lại có thể được cấp phép một cách quá nhanh chóng và dễ dàng một cách bất bình thường?
Tháng 1/2008, Formosa có tờ trình thủ tướng xin đầu tư, tháng 3/2008 Hoàng Trung Hải ký công văn đồng ý cho Formosa lập dự án. Tháng 6//2008, tức là chỉ sau ba tháng, Hoàng Trung Hải ký công văn giao cho Formosa thực hiện dự án. Căn cứ công văn này, Ban quản lý Vũng Áng cấp giấy phép đầu tư cho Formosa. Sản xuất thép là lọai sản xuất đứng đầu trong các ngành sản xuất độc hại, với quy mô ban đầu 7,5 triệu tấn/năm tiến tới 10 triệu rồi tới giai đoạn ba 25 triệu tấn /năm, nhưng từ lúc lập tờ trình xin đầu tư cho đến khi cấp phép chỉ không đầy 5 tháng. Luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kế cơ sở một dự án như vậy có thể thực hiện được trong thời hạn ba tháng? Chỉ riêng nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng cần số liệu khảo sát ít nhất 6 tháng, trong khi Dự án bắt đầu từ khảo sát thiết kế đến thiết kế tiền khả thi, sau khi được duyệt tức là được các cơ quan thẩm quyền chấp nhận đầu tư, mới bắt đầu làm thiết kế khả thi, và chỉ sau khi thiết kế khả thi được duyệt, tức là tất cả các báo cáo đánh giá, về an ninh quốc phòng, về phòng cháy chữa cháy, về tác động môi trường, về vệ sinh y tế, về tài chính, về tác động công nghệ và cạnh tranh, về lao động và an toàn lao động.v.v... rồi mới chính thức được phép làm thiết kế cơ sở. Thiết kể cơ sở nếu được duyệt, sẽ là cơ sở để cấp giấy phép đầu tư. Những thủ tục như vậy là hết sức phức tạp. Nếu không nặng phong bì, thì thậm chí rất nhiều lần triệu tập cũng không bao giờ đủ thành phần chữ ký. Với một bộ máy đã quen được bôi trơn bằng phong bì, mà các quan chức thì vốn ăn không chưà một thứ gì, thì người ta cũng chẳng úp mở gì tại sao Formosa cái gì cũng nhanh thế.
Ngoài việc phải xác định và truy nguyên cho ra đây có phải là vụ án tham nhũng không? Toà phải kết luận được luật pháp Việt Nam XHCN có đủ khả năng chống và chặn tham nhũng không. Tại sao? Nguyên nhân bất khả chống tham nhũng nằm ở đâu, ở “ý chí và quyết tâm của đảng” hay ở tính độc lập và hiệu lực tối cao của Luật pháp?
Mô hình đảng lãnh đạo toàn bộ và toàn diện mọi hoạt động chính trị và xã hội cuả đất nước, đảng quyết định nội dung của Hiến pháp, đảng chỉ đạo và lèo lái Quốc Hội, đảng phân công chủ tịch nước, đảng chỉ định thủ tướng và chính phủ, đảng đứng trên và đứng ngoài luật pháp v.v... có phải là nguyên nhân tạo ra tham nhũng không, có phải là nguyên nhân cuả mọi nguyên nhân không?
Nếu Luật Pháp XHCN không thể chống được tệ tham nhũng, (thực tế suốt 35 năm nay là càng quyết tâm chống thì tham nhũng càng tăng, mức độ tham nhũng càng trầm trọng, thủ đọan tham nhũng càng tinh vi, và đối tượng tham nhũng càng ngày càng leo lên cao), thì những dự án gây hại cho môi trường và đời sống người dân từ sau ngày “đổi mới” năm 1986 tới nay sẽ không phải chỉ có Formosa. Sự tàn phá đất nước có nguyên nhân từ sự bất cập của hệ thống pháp luật phải do chế độ do đảng cộng sản cầm quyền chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tất cả các dự án được cấp phép đầu tư đều có yếu tố tham nhũng, hối lộ, mua bán chữ ký và bồi dưỡng các quan chức có thẩm quyền. Đó là một kết luận có ý nghĩa pháp lý.
Tất cả những dự án có tính chất gây hại môi trường, khoản tài chính dành cho việc xử lý môi trường đều được chủ dự án cố tình tách ra thành các khoản chi bồi dưỡng các chữ ký phê duyệt, đặc biệt các tiếng nói có ảnh hưởng nhất của bộ tài nguyên và môi trường. Đây là khoản chi hai bên cùng có lợi. Trong các dự án độc hại, chi phí cho hệ thống xử lý môi trường luôn chiếm khoảng 15-25% tổng dự tóan đầu tư và chiếm 10-15% trong kết cấu giá thành sản phẩm. Chia đôi khoản tiền 20% trong tổng vốn ban đầu, nhà đầu tư sẽ bớt được một khoản bằng 10% tổng vốn đầu tư ban đầu và giảm được 10% trong giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, trong suốt cuộc đời khai thác dự án.
Chúng ta không được quyền bỏ qua. Phải liệt kê tất cả các dự án đầu tư có yếu tố môi trường để rà xoát lại các quy chuẩn được phê duyệt như thế nào, thực tế đã được thi công và thẩm định ra sao, trong suốt thời gian khai thác, công việc giám sát và quan trắc được thực hiện như thế nào, môi trường đã bị tác động đến mức độ nào, có hiện tượng gây bệnh cho cộng đồng dân cư khu vực không, môi trường sinh thái có biểu hiện xuống cấp hay biến dạng sinh học không v.v...
Không, những kẻ làm tiền trên môi trường sống cuả cả một cộng đồng dân tộc, những kẻ vì tiền mà tiếp tay cho tội phạm làm biến dạng dòng giống người Việt phải bị đền tội. Ông Dũng có thể thảnh thơi thăm chùa và nghe hát, không một chút ăn năn, thậm chí thách thức dư luận? Không, nếu chính phủ này, nhà nước này không xử được chính phủ của ông Dũng, thì dân sẽ xử, đời này chưa xử được, thì đời sau con cháu cũng sẽ sẽ xử.
Toà phải kết luận được rằng, chế độ độc đảng cộng sản đã đẻ ra một thứ luật pháp được điều khiển bằng ý chí cuả một thiểu số người, là nguyên nhân huỷ hoại nguồn sống của 90 triệu dân việt Nam hiện nay và hàng trăm triệu dân Việt Nam trong nhiều năm sau.
Toà phải đưa ra được một kết luận rằng, nếu cốt thép có thể thay được bằng cốt tre, bê tông có thay được bằng bùn, thì những dự án nhà máy điện hạt nhân nếu được duyệt xây dựng sẽ là những quả bom nguyên tử giết chết hàng triệu người, và tạo ra một giống người Việt dị dạng cho hàng nghìn năm sau.
“Theo chuẩn Việt Nam” tức chỉ đòi hỏi “một nửa tiêu chuẩn quốc tế”. Người Việt có khả năng kháng độc cao hơn các dân tộc khác, hay người Việt Nam tình nguyện sống ngắn hơn các dân tộc khác và sẽ phải chứng kiến những đồng bào cuả mình có dị, dị hình nhiều hơn các dân tộc khác?
Những ai đặt ra những tiêu chuẩn này, ai cho phép dùng các tiêu chuẩn ấy để phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài?
Nếu Formosa không bị đóng cửa, lượng chất độc được thải ra môi trường suốt 70 năm, theo cái tiêu chuẩn thấp kém và lạc hậu cuả chính phủ Việt nam hiện nay, con cháu sẽ phải chịu những gì? Tại sao một dự án độc hại như vậy lại được chọn để đặt vào Vũng Áng Hà Tĩnh mà không phải là chỗ khác?
Như vậy tội phạm đầu tiên và trước hết thuộc về những kẻ cấp phép cho đầu tư một nhà máy thép có công nghệ lạc hậu và độc hại, của một chủ đầu tư nổi tiếng thế giới về phá hoại môi trường là tập đoàn Formosa, tại một địa điểm nguy hiểm bậc nhất với cả nước.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, ngày 1/7/2014, tại khoản 7, Điều 4, Hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 quy định “đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; Đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến hành thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Có nghĩa rằng, đất cho Formosa thuê, thực chất đã thành nhượng địa. Chính phủ Việt Nam không có quyền thu hồi, trừ một lý do duy nhất là quốc phòng an ninh, nhưng lại phải thương lượng bồi thường trước. Đó là loại hợp đồng, trong đó người thuê ra điều kiện cho người cho thuê. Người ta thấy cái thế của người ban phát. Giá thuê như cho, nhưng thu thì phải thống nhất bồi thường trước.
Tháng 1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định cấp cho Formosa 300 tỷ đồng từ ngân sách, xây nhà ở cho công nhân người Trung quốc. Điều khoản nào của luật đầu tư, của luật tài chính và luật ngân sách cho phép thủ tướng dùng ngân sách nhà nước cấp cho nhà đầu tư. Đây là việc vi phạm pháp luật của ông Dũng. Ông Dũng thương riêng Tập đoàn giàu kếch xù này hay sao? Có bao nhiêu nhà đầu trong nước tư xin nhà nước cho vay mà còn mỏi mắt? Có bao nhiêu địa phương xin chính phủ từng chục triệu để xây làm những cây cầu con khỉ. Với 300 tỷ, sẽ có hơn hai nghìn trường học cho con em miền núi. Luật lại quả 2% đối với mọi loại giải ngân là luật bất thành văn, nhưng không một đối tượng nào được loại trừ, bao nhiêu tiền quay lại ông Dũng.
Vì vậy mà vụ án cấp phép cho Formosa phải được khởi tố. Và chính vụ án này mới là vụ án mà nhân dân Việt Nam hôm nay và con cháu người Việt những thế hệ sau chờ đợi.
Nếu chính phủ của chế độ này thoái thác, lẩn tránh hay không đủ năng lực xét xử thì có thể phải đứng ra bên cạnh, nhường chỗ cho một chính thể khác, một chính thể pháp trị căn cứ trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật bằng một thể chế tam quyền phân lập, không phải thứ tam quyền “phân công theo chức năng nhưng thống nhất về chính trị” dưới sự điều khiển cuả đảng, bao gồm một nhóm người thuộc bộ chính trị, đứng ngoài và đứng trên tất cả.
“Vụ án Formosa” và vụ án “cấp phép Formosa” phải được truy tố hình sự cùng một lúc. Nếu tham “nhũng có ở mọi nơi, mọi chỗ, tham nhũng không chỉ kinh tế mà cả chính trị”, thì Toà không thể là một ngoại lệ. Toà có thể bị mặc cả, mua bán và dàn xếp trước. Cần phải có một công ty thám tử độc lập làm công việc điều tra thay cho tất cả các ban bộ của chế độ rất dễ bị mua được bằng tiền hoặc bằng rất nhiều tiền. Một công ty độc lập như vậy không thể tồn tại trong chế độ đảng trị. Mọi vụ án đều bị hoặc chính trị hoá, được điều khiển bởi hệ thống chính trị và phục vụ cho mục đích chính trị hoặc bị thao túng và phục vụ cho nhóm lợi ích. Sự thật và công lý không phải là mục đích cuả Toà án. Chính vì vậy mà chỉ còn một lựa chọn, hoặc sự thật, công lý hoặc chế độ. Còn chế độ trong đó chỉ có một đảng chính trị độc quyền tư tưởng và chân lý, thì không có sự thật và không có công bằng.
Ai cũng biết như vậy. Chính những kẻ đang ăn cơm chế độ, cả những người tham gia thiết kế chế độ cũng biết như vậy. Nhưng mỗi người với những lý do riêng. Ngay trong đảng hiện nay, thậm chí ngay trong những người trên thượng đỉnh quyền lực, họ không phải là gỗ đá, và không phải là những vật thể không có cái nằm phía trên cổ, họ biết suy xét chân lý và có nhận thức. Nhận thức đẻ ra hành động. Người ta chờ đợi những điều kỳ diệu sẽ xảy đến từ chế độ.
Xử Formosa, và xử những kẻ tạo ra sự có mặt của Formosa tại Vũng Áng, chúng ta xử cả cái chế độ là nguồn gốc tạo ra tất cả mọi sự thối nát. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét